Khác với những bạn bè cầm bút đồng trang lứa đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn rồi ngoảnh lại mây trắng Hồng Lĩnh mà bồi hồi viết bao lời tha thiết, nhà thơ Thạch Quỳ sống tận tụy với xứ Nghệ và nhận diện được từng vẻ đẹp cồn cào của xứ Nghệ. Ông không chỉ phác họa “Đất Đô Lương” trầm tích nắng mưa: “Vực Cóc đây thăm thẳm một hang trời/ Bè nứa chui vào ngỡ đi về xứ khác/ Nhớ lúa Ba Ra mỉm miệng cười/ Trắng xóa muôn nghìn thác bạc” mà ông còn phát hiện “Con chim tà vặt” độc đáo chốn mình dung thân bằng cái nhìn thật chi tiết: “Giữa núi trọc, đồi hoang/ Có con chim tà vặt/ Mỏ đỏ như than hồng/ Ngồi thu lu trên đá/ Khi ngồi thì mình đen/ Bay lên, cánh trắng lóa/ Đồi tiếp đồi, không cây/ Chỉ sim cằn và cỏ/ Chim quen đậu trên đá/ Chân khô như củi gầy…”.



THẠCH QUỲ LÒNG NHƯ ĐẤT LẶNG THẦM MƠ DẤU GUỐC

LÊ THIẾU NHƠN

Xứ Nghệ sản sinh vô số nhà thơ nổi tiếng, nhưng chủ yếu thành danh lập nghiệp nơi đất khách quê người. Cả đời chỉ sống bên dòng sông Lam mà vẫn định vị một sự nghiệp thơ như Thạch Quỳ là trường hợp hiếm hoi. Dân văn chương ghé qua Vinh, nếu không hẹn gặp nhà thơ Thạch Quỳ thì e chừng cũng kém lễ độ. Sau mấy phút điện thoại, nhà thơ Thạch Quỳ xuất hiện, vẫn vóc dáng khắc khổ và khí phách ngang tàng quen thuộc. Những câu chuyện không đầu không cuối, cũng đủ để xác tín con người Thạch Quỳ và tác phẩm Thạch Quỳ là một thể thống nhất: lầm lũi, chân thành và sắc sảo!
Nhà thơ Thạch Quỳ sinh trưởng trong dòng họ Vương có truyền thống hiếu học ở Đô Lương – Nghệ An. Từ tên thật Vương Đình Huấn, ông bước vào làng thơ bằng bút danh Thạch Quỳ vì muốn làm một hòn đá trên núi Quỳ quê hương. Như một cách tự giới thiệu, nhà thơ Thạch Quỳ từng viết một bài thơ miêu tả tỉ mỉ: “Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế/ Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/ Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/ Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa/ Em cắt củi chưa đầy đôi lạt buộc/ Đã ngồi nghiêng trên đá, tím môi sim”. Có lẽ, chính sự im lặng của đá và sự nhẫn nại của đá, đã dạy Thạch Quỳ làm thơ. Chứ thời đi học, nhà thơ Thạch Quỳ vốn giỏi Toán. Sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, thầy giáo Vương Đình Huấn cũng có đến 11 năm dạy Toán ở trường trung học trước khi chuyển qua công tác ở Hội văn nghệ, rồi đùng đùng bỏ đi… cuốc nương canh rẫy. Bây giờ, nhà thơ Thạch Quỳ đã 77 tuổi, chả làm gì nữa, nhưng cái tính gàn vẫn y nguyên.
Nhà thơ Thạch Quỳ được xếp vào thế hệ cầm bút chống Mỹ. Dấu vết thi ca phục vụ chiến đấu và sản xuất còn lưu lại trong nhiều bài thơ Thạch Quỳ có tên gọi như một bản tin thời sự, như “Bài hát của những người nhổ cỏ năng cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng” hoặc “Mừng hợp tác xã Nhân Hòa trừ xong nạn sâu keo sau lụt”. Kiểu viết thật thà ấy, mỗi ngày được chưng cất tinh tế hơn, và trở thành phong cách thơ Thạch Quỳ. Ví dụ, bài thơ “Tiễn em trai đi vào, tiễn em gái đi ra” bật lên hai câu thật đáng nhớ: “Chúng tôi ngồi yên lặng dưới hàng cây/ Dưới cao vợi, sao dày như nếp nổ”. Lối liên tưởng “sao dày như nếp nổ” rất dân dã và cũng rất bất ngờ. Lối liên tưởng này còn giúp Thạch Quỳ nhìn “Trâu đi” qua tuyến lửa khá đặc trưng: “Chân sưng húp hãy còn móng cứng/ Vượt trưa nắng đèo Ngang dốc dựng/ Xuống hố bom đầm nước lút mình/ Đỉnh sừng nhô hai hạt nếp trắng tinh”.
Khác với những bạn bè cầm bút đồng trang lứa đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn rồi ngoảnh lại mây trắng Hồng Lĩnh mà bồi hồi viết bao lời tha thiết, nhà thơ Thạch Quỳ sống tận tụy với xứ Nghệ và nhận diện được từng vẻ đẹp cồn cào của xứ Nghệ. Ông không chỉ phác họa “Đất Đô Lương” trầm tích nắng mưa: “Vực Cóc đây thăm thẳm một hang trời/ Bè nứa chui vào ngỡ đi về xứ khác/ Nhớ lúa Ba Ra mỉm miệng cười/ Trắng xóa muôn nghìn thác bạc” mà ông còn phát hiện “Con chim tà vặt” độc đáo chốn mình dung thân bằng cái nhìn thật chi tiết: “Giữa núi trọc, đồi hoang/ Có con chim tà vặt/ Mỏ đỏ như than hồng/ Ngồi thu lu trên đá/ Khi ngồi thì mình đen/ Bay lên, cánh trắng lóa/ Đồi tiếp đồi, không cây/ Chỉ sim cằn và cỏ/ Chim quen đậu trên đá/ Chân khô như củi gầy…”. Hơn nữa, cái vốn sống nông thôn dồi dào khiến ông có thể “Hóng gió trên cánh đồng làng” chan hòa với thiên nhiên: “Nước trong veo, con cá quả no mồi/ Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa/ Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ Nổi mắt tròn ngơ ngác, nhận ra tôi”, và có thể thấu hiểu nỗi cơ cực của những người làm ruộng: “Nhổ lác, nhổ từng cây/ Nhổ năn, măn từng rễ/ Nước teo da bàn tay/ Bắp chân bầm máu đỉa/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Ngửng lên, nghe nặng mặt/ Cúi xuống, vòng nước xoay”.
Thơ Thạch Quỳ không nhiều câu chữ bay bổng. Ông chủ trương bám lấy hiện thực, tắm trong hiện thực mà lặn ngụp sáng tác. Thỉnh thoảng, Thạch Quỳ mới có những vần điệu đắm đuối như: “Trời đã Tết, khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn em hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thiên thanh hoa trắng đợi em về” hoặc như “Anh yêu em anh phạm lỗi thường tình / Khó thức ngủ theo giấc giờ điều độ/ Có một nửa đang đi tìm một nửa/ Như vầng trăng ngoài cửa, phía trời xa”. Và thỉnh thoảng, Thạch Quỳ mới có những phút giây cao giọng ngoa ngôn như: “Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau/ Một khẽ chạm tay rung toàn thân thể/ Và bởi vậy, tình yêu trần thế/ Đủ để thánh thần mơ ước trên cao”. Tuy nhiên, những khoảnh khắc lãng mạn của Thạch Quỳ không thể so được với những khoảnh khắc suy tư của Thạch Quỳ. Nói cách khác, thơ Thạch Quỳ là thứ thơ chiêm nghiệm.
Nhà thơ Thạch Quỳ ít phô diễn sự hào hoa. Ông làm thơ theo phương pháp quan sát và tìm tòi, lập ý rồi lập tứ. Đôi khi những câu thơ của ông kém mềm mại nhưng đầy biểu cảm: “Đất nơi đây đào nơi nào cũng đỏ/ Đập đá ra có ánh lửa ngời”. Bỏ qua nhạc tính của thơ, Thạch Quỳ trọng nghĩa của chữ hơn trọng âm của chữ. Ông nhìn vào sự vật rồi ông nhìn vào lòng mình, để những câu thơ gân guốc tượng hình một quan niệm thẩm mỹ: “Có mùi mật trong hoa/ Điều đó chú ong vàng cũng biết/ Có hương thơm ẩn giữa sắc màu/ Cái chuyện này, bướm tím biết từ lâu/ Nhưng bạn , hương trầm trong gỗ mục/ Thì ong vàng, bướm tím có hay đâu…”.
Nhà thơ Thạch Quỳ luôn thao thức với thơ. Ông liên tục làm mới thơ mình bằng cách nhúng bút vào nhiều thể loại khác nhau. Thế nhưng, khi Thạch Quỳ nỗ lực viết những câu thật nghiêng ngả, thật say sưa thì thơ lục bát của ông cũng chỉ dừng ở mức thường thường bậc trung. Chẳng hạn “Bây chừ gõ chén sông Hương/ Lanh canh phách nhịp bốn phương cung đình/ Một suông trăng ở Hoàng Thành/ Một trăng suông nhạt chòng chành dưới sông” hoặc “Dĩ nhiên cỏ mọc lên rồi/ Dấu chân cỏ lấp nụ cười vẫn nguyên/ Con đường như lạ như quen/ Nhớ em nhớ lúa, thương em thương đồng”. Thạch Quỳ chỉ là Thạch Quỳ khi ông dằn vặt trong những suy nghĩ ngổn ngang của chính mình trước cuộc sống, trước thế tục, trước nhân quần. Thạch Quỳ suy nghĩ về những cuốn sách vẫn nằm im trong bụi phủ tháng năm: “ Điều tôi biết, người xưa đã biết/ Cuộc phù du ớn lạnh ở da mình/ Em trong sạch và anh tinh khiết/ Muốn vào đời/ Không có giấy khai sinh”. Thạch Quỳ suy nghĩ về những oan khuất lịch sử: “Dưới tảng đá này người đã ghìm cương/ Và nhận thấy móng rùa thật, giả/ Màu lông ngỗng ngây thơ trong trắng quá/ nên máu người phải đổ Mỵ Châu ơi…/ Ở đền Công con nghê đá không cười/ Màu ngói đỏ như màu của máu/ Con trai ngọc ôm khối hồng đau đáu/ Nghìn năm rồi nước mắt rửa không tan/ Dưới rừng thông xanh biếc của thời gian/ Trưa nay nắng, tôi về thăm dấu cũ/ Vệt máu ngỡ khô rồi trên kiếm gỗ/ Bỗng sáng lên như nói một điều gì…”. Và Thạch Quỳ suy nghĩ về những số phận từ trắc ẩn riêng tư: “Tôi một nửa nam mô, một nửa A men/ Một phía ngóng trời, một phần ngóng đất/ Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten/ Vừa phát sóng vừa tự mình rỉ sét/ Điều tôi nói chừng chúa trời chưa biết/ Phật chưa tin và trời cứ làm thinh/ Tôi nhỏ nhoi tồn tại chính mình/ Nhân danh một chính mình tồn tại/ Sân chùa cứ rụng đầy hoa đại/ Thánh giá cao chót vót tận vòm mây/ Tôi vẫn đi lầm lụi giữa xuân này/ Mưa bụi thấm lông tơ đầy mặt áo”.
Có một dạo tên tuổi Thạch Quỳ được đồn thổi rất nhiều vì vướng vào một nghi án “chính trị hóa thi ca”. Bài thơ “Với con” của ông in trên báo Văn Nghệ năm 1979, bị hiểu nhầm có nội dung xấu. Thực chất, chỉ là cách thổ lộ bộc trực: “Con ơi con thức dậy giữa ngày thường/ Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá/ Qua đường đất đến con đường sỏi đá/ Cha e con đến lớp muộn giờ”. Tấm lòng của người cha với đứa con, không chỉ được Thạch Quỳ phản ánh trong thơ, mà còn thể hiện ngay ở hành động. Năm 1988, được sang tập huấn ba tháng tại Học viện Gorki, nhà thơ Thạch Quỳ đã một mình từ Matxcova lặn lội gần 4000 cây số đến tận vùng tuyết trắng Siberia để thăm đứa con đang hợp tác lao động tại đây. Không biết tiếng Nga, nhưng vì tình thương con, Thạch Quỳ vẫn leo lên tàu lửa với một cuốn sổ ghi những thông tin cần thiết về bản thân và về mục đích chuyến đi. Cuốn sổ ấy, Thạch Quỳ gọi là “sổ ăn mày”, một bên ghi tiếng Việt và một bên ghi tiếng Nga, có nhu cầu gì thì Thạch Quỳ di ngón tay từ câu tiếng Việt sang câu tiếng Nga để hỏi thăm người xung quanh. Phiêu lưu quá, mạo hiểm quá. Vậy mà, kỳ lạ thay, Thạch Quỳ vẫn thực hiện trót lọt hành trình xuyên nước Nga rộng lớn. Bí quyết là gì? Thạch Quỳ bảo, nhờ ông xưng danh là nhà thơ Việt Nam, nên người ta cho ăn, cho uống và hướng dẫn chu đáo. Thạch Quỳ trổ tài đọc thơ bằng tiếng Việt cho người Nga thưởng thức, với điệu bộ mô phỏng y hệt Maiakovsky, nghĩa là cũng ngửa mặt, nhắm mắt, vung tay lên hạ tay xuống, bước chân tới bước chân lui… Năm 1991, bài thơ “Với con” được in lại trên báo Nhân Dân, xóa tan mọi hiềm khích mà người ta cố gán ghép cho Thạch Quỳ: “Con ơi con, trái đất thì tròn/ Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật/ Tất cả đấy đều là sự thật/ Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn/ Mẹ hát lời cây lúa để ru con/ Cha cày đất để làm nên hạt gạo/ Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo/ Bác công nhân quai búa, quạt lò/ Vì thế nên, lời cha dặn dò/ Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất/ Cha mong con lớn lên chân thật/ Yêu mọi người như cha đã yêu con”.
Ông đồ gàn xứ Nghệ - Thạch Quỳ hôm nay vẫn ốm nhom và vẫn mẫn cảm “Giữa cuộc đời lẫn lộn cả buồn vui/ Tiếng chim cũng tiếng lành tiếng dữ”. Thạch Quỳ sống trọn vẹn với thơ, tự tin và tự trọng: Ta bát ngát thôn quê, từ làng đến phố/ Và  sống ở ngôi nhà không cửa sổ/ Bốn tường kia cửa bít kín mất rồi/ Lối  đi về ta mở. Tự ta thôi!”