Bệnh vĩ cuồng là thể hiện người viết hoàn toàn không tự biết. Căn bệnh này không chỉ ở những người viết trẻ. Sự háo danh thì đâu phải chỉ ở những người trẻ. Rất nhiều người trẻ tự biết mình, và cũng không ít người đã ngũ thập mà vẫn không tri thiên mệnh. Do không tự biết, có người viết vừa được một vài tờ báo không chuyên về văn chương đăng cho mấy bài thơ, thế là đi đâu cũng tự hào mình là nhà thơ, và lục lọi lôi hết những bài thơ mình đã viết ra in thành mấy tập. Đặc biệt, những người sáng tác có chức có quyền thì cái bẫy hư danh càng khó tránh. Thủ trưởng hỏi cấp dưới: “Thơ tớ có hay không?” thì tôi dám chắc nếu cơ quan có mười người thì sẽ có ít nhất bảy tám người khen hay, và không ai chê là dở. Nhất là thời cơ chế thị trường này, chân lý thì bao giờ cũng có, nhưng người bảo vệ chân lý nghe chừng đã thưa vắng dần. Vì vậy, tự biết phải là người có bản lĩnh rất cao.



HỒN VĂN VÀ PHẨM CHẤT NHÀ VĂN

ĐINH QUANG TỐN

1. Dư ba
Dư ba là tiếng sóng âm hưởng còn lại sau khi thưởng thức một tác phẩm. Tôi thường mở nhạc nghe hát Quan họ mỗi ngày mà không chán. Kỳ diệu thật, những làn điệu của một miền quê thuở nghèo khó mà sao cứ thổn thức trời mây, thổn thức lòng người hết đời này qua đời khác. Tôi lại nhớ câu chuyện Mácxim Gorơki (Nga) thời trẻ đến nỗi không có đèn phải bắt đom đóm cho vào lọ thủy tinh để lấy ánh sáng đọc sách, mà cứ thấy trang sách các nhân vật xôn xao, ông phải soi xem có gì trong đó. Khi còn là sinh viên, tôi và bạn bè đọc Truyện Kiều và đã khóc cho mối tình Kim - Kiều, một mối tình trong sách không có thật... Đó là sự kỳ diệu của văn chương nghệ thuật. Theo tôi, nếu tác phẩm nào chưa có được điều đó thì chưa thể gọi là tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm xem xong là hết chỉ như mì ăn liền trong lịch sử nhân loại nhiều vô kể, tất nhiên loài người đã loại bỏ không lưu truyền cho đỡ nặng gánh. Vì thế, ông cha ta đã dạy: Lời thơ dừng mà ý thơ hết là thơ khuôn thước. Lời thơ dừng mà ý không dừng mới là thơ trác việt. Thơ khuôn thước chỉ đọc một lần, thơ trác việt thì có thể đọc mãi. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều như vậy.
Bây giờ là thời kỳ đổi mới toàn diện. Ai nói khác sẽ bị phản đối ngay, bị quy là bảo thủ. Văn học nghệ thuật cũng phải đổi mới. Tất nhiên rồi! Nhưng theo tôi đổi mới là làm sao có được nhiều tác phẩm hay, có nhiều tác phẩm đọc xong phải có dư ba để đứng lại, để lưu truyền cho muôn đời sau. Chứ đổi mới chỉ để có nhiều cái lạ, lạ đến dị dạng, lạ đến xa lạ với văn chương nghệ thuật, thì không khéo lại là cái cũ chứ không phải là cái mới. Cơ chế thị trường cần nhiều món hàng ăn liền, nhưng cũng cần có món đặc sản. Tức là những món phải có hồn. Những đồ cổ sao bây giờ quý thế? Bởi nó có hồn, thưởng thức nó người ta thấy cả lịch sử và xã hội đã sản sinh ra nó! Nó làm sống dậy, làm xôn xao lòng người...
Bây giờ đã là cuối thu, đọc lại những bài thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến từ trăm năm trước mà tôi cứ bâng khuâng, như thấy cảnh làng quê đang sống dậy trước mắt. Đặc biệt cái tĩnh lặng của mùa thu câu cá mà lại xao động đến khôn cùng: Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Tôi ước gì, mỗi nhà thơ Việt Nam hiện đại có thể viết được một câu thơ như thế! Chứ nhiều người xuất bản hơn chục tập thơ, mà chả có được câu nào như thế thì buồn quá.
Đối với văn xuôi cũng vậy. Văn xuôi cũng có dư ba. Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, đọc xong tôi cứ thấy mê nhân vật lão Khúng. Cứ thấy lão Khúng như là có thực, như là mình đã gặp ở đâu đó, lão vẫn đang sống, đang đi lại. Có lẽ lâu lắm trong văn chương Việt Nam mới lại có được một nhân vật nông dân ám ảnh người đọc đến như thế. Có thể kể từ nhân vật chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, từ đầu thế kỷ XX. Mà lão Khúng thì ở cuối thế kỷ. Thế mới biết sự nghiệt ngã của văn chương nghệ thuật. Lịch sử bao giờ cũng nghiêm khắc. Đối với văn chương nghệ thuật phải là sự tinh diệu đến hoàn hảo mới mong có thể tồn tại. Vậy mà sao một số cây bút trẻ cứ cười đùa, cứ la hét, cứ tuyên ngôn... Nhìn họ tôi lại thấy thương, nhớ lại trò chơi nặn pháo tết thuở nhỏ, đập xong là hết. Để theo nghiệp này thì phải hiểu sự đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt. Không thể đùa được đâu! Hãy kiểm nghiệm bằng tác phẩm của mình xem có dư ba không khi ném vào cuộc sống...
Phê bình văn chương cũng có dư ba. Đọc Kim Thánh Thán (Trung Hoa) bình thơ Đường và tiểu thuyết cổ điển sao thiêng liêng đến vậy! Những lời bình của Hoài Thanh đối với các nhà Thơ mới như gọi được hồn từng người...
Từ hơn hai trăm năm trước, đại thi hào Nguyễn Du đã nói về sự kỳ diệu của văn chương trong “Độc Tiểu Thanh ký”: Son phấn có thần chôn vẫn hận - Văn chương không mệnh đốt còn vương...
Đó là sự kỳ diệu của các con chữ, đó là dư ba của những dòng văn. Mà muốn có được dư ba cho những trang văn thì tất nhiên phải là máu chữ, phải là hồn của người viết. Mọi sự làm xiếc, khôn khéo, giả dối đều vô nghĩa ở chốn này.
2. Tự biết
Ở đời, đạt đến độ tự biết rất khó. Nhưng tự biết quan trọng vô cùng, nên từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim tôi đều thấy tự biết được đề cập đến. Từ xưa ở phương Đông các nhà Nho đều truyền tụng lời của Mạnh Tử: Biết thì bảo là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết. ở một vùng của nước Nga có lời truyền trong dân gian khuyên mọi người phải tự biết: Hai mươi tuổi không có sức khỏe thì không có sức khỏe nữa, ba mươi tuổi không có tài thì không có tài nữa, bốn mươi tuổi không có tiền thì không có tiền nữa. Ở Việt Nam, mọi người hay nói đến Ngũ thập tri thiên mệnh. Trong khi Nhân sinh thất thập cổ lai hy (người thọ bảy mươi xưa nay hiếm) mà năm mươi tuổi mới tự biết được mình thì đủ thấy tự biết khó thế nào.
Nhưng theo tôi, người Việt Nam ta có truyền thống tự biết. Không tự biết thì làm sao một đất nước đất không rộng người không đông có thể tồn tại được? Sự mềm dẻo của ông cha ta trong truyền thống ngoại giao với các nước là sự tự biết cao. Biết bao dân tộc không tự biết đã phải trả giá đắt, thậm chí đã bị xóa sổ. Truyền thống này đã được nói đến trong thơ. Tư thế dân tộc Việt Nam trong cuộc chống Mỹ cứu nước được nhà thơ Tố Hữu nói đến một cách đầy kiêu hãnh Vươn lên cao và tự biết vô cùng. Nhà thơ Đặng Huy Giang trong một đề tài khiêm tốn hơn khi nói về loài rùa, tất nhiên là để nói về người, đã phát hiện ra một đặc tính của rùa tự biết mình là ai. Thâm sâu hơn cả, tự biết đã được nghiền ngẫm như là một đường lối chiến lược khi nhà thơ Hồ Chí Minh còn đang phải ở hoàn cảnh hiểm nguy trong nhà tù: Lỡ nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công.
Nhưng quan sát kỹ thì tôi thấy giới văn nghệ sĩ trong đó có các nhà thơ nhà văn tiếp thu truyền thống tự biết của dân tộc có hơi lơ là một chút. Có thể là do đặc điểm của những người sáng tạo cứ phải hơi thái quá. Những phát minh, sáng tạo mà ở trong khuôn phép thì vô cùng hạn chế. Nhưng những người cao cường thì biết thả hồn khi sáng tạo và cũng biết được đỉnh để dừng lại. Nghĩa là cũng tự biết. Nhưng những nhà văn không tự biết mình vẫn nhiều hơn. Bệnh vĩ cuồng là thể hiện người viết hoàn toàn không tự biết. Căn bệnh này không chỉ ở những người viết trẻ. Sự háo danh thì đâu phải chỉ ở những người trẻ. Rất nhiều người trẻ tự biết mình, và cũng không ít người đã ngũ thập mà vẫn không tri thiên mệnh.
Do không tự biết, có người viết vừa được một vài tờ báo không chuyên về văn chương đăng cho mấy bài thơ. Thế là đi đâu cũng tự hào mình là nhà thơ, và lục lọi lôi hết những bài thơ mình đã viết ra in thành mấy tập. Đặc biệt, những người sáng tác có chức có quyền thì cái bẫy hư danh càng khó tránh. Thủ trưởng hỏi cấp dưới: “Thơ tớ có hay không?” thì tôi dám chắc nếu cơ quan có mười người thì sẽ có ít nhất bảy tám người khen hay, và không ai chê là dở. Nhất là thời cơ chế thị trường này, chân lý thì bao giờ cũng có, nhưng người bảo vệ chân lý nghe chừng đã thưa vắng dần. Vì vậy, tự biết phải là người có bản lĩnh rất cao.
Trong chiến tranh, làm tướng cầm quân mà không tự biết thì sẽ bị tiêu diệt. Trong thương trường, giám đốc doanh nghiệp không tự biết thì doanh nghiệp sẽ bị phá sản. Còn người làm thơ, viết văn mà không tự biết thì sẽ thành trò cười cho thiên hạ. Số lượng thơ văn được xuất bản tràn lan những năm gần đây đang báo động về sự không tự biết của nhiều người viết văn làm thơ. Một số người viết thực sự đang chơi trò chơi vô tăm tích. Nên những người viết chân chính thì chân thành khuyên nhau phải tự biết mình. Ông cha ta từ xưa đã khuyên nhau rất sâu sắc: Biết mười nói một, không biết thì dựa cột mà nghe. Mong sao, những người không được trời trao nhiệm vụ viết thơ văn thì đừng viết nữa, còn những người được trời trao cho sứ mạng này thì hãy biết mười viết một, để chỉ có tác phẩm hay ra đời. Bởi sản phẩm tinh thần khác sản phẩm vật chất. Sản phẩm vật chất có thể nuôi sống con người bằng số lượng. Còn đời sống tinh thần của con người thì chỉ có thể nuôi sống bằng tác phẩm có chất lượng mà thôi.