Andrey Tarkovsky- gốc Nga, đã được xếp trong top ten 10 đạo diễn lừng danh tên thế giới của thế kỷ 20 như F. Fellini, F.Coppola, Stiven Spielberg, R. Polanski, M.Scorsese, A.Kurosawa… Ngay trong những năm tháng còn sống trên đất nước Nga-Xô Viết các bộ phim của ông như “Tuổi thơ Ivan”, “Người vẽ tranh thánh Andrey Rubliov”, “Tấm gương”, “Stanker”… đã gây sức chấn động bởi những vấn đề đặt ra ở phim không chỉ bó hẹp trong xã hội Xô Viết mà đã vươn tầm tới những gì chung mà nhân loại quan tâm. Đầu những năm 1980, đạo diễn Andrei Tarkovsky sống lưu vong ở Italy, Mỹ, Pháp và tiếp tục dàn dựng những tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang. Ông mất tại Paris vào ngày 29 tháng 12 năm 1986. Bài giới thiệu với bạn đọc dưới đây là cuộc trả lời cuối cùng của ông với phóng viên báo Pháp “ Figaro Magazin đăng ngày 6 tháng 10 năm 1986. Thiết tưởng bài viết không chỉ đề cập tới những điều quan tâm thuôc lĩnh vực điện ảnh, mà còn liên quan tới nhiều bộ môn nghệ thuật khác… 



 “CÁI ĐẸP LÀ BIỂU TRƯNG CỦA SỰ THẬT”

            Hai bộ phim gần đây nhất của tôi được ra đời từ những ấn tượng của bản thân nhưng tuyệt nhiên chúng không có quan hệ gì với tuổi ấu thơ, với quá khứ của tôi, mà chúng trực tiếp động chạm tới thực tại. Hãy lưu tâm tới hai tiếng “ấn tượng”. Những hồi ức của tuổi thơ không bao giờ giúp con người ta trở thành nghệ sỹ. Xin dẫn ra đây những truyện ngắn của nữ thi sỹ Nga Anna Akhmatova về thời ấu thơ của bà. Hoặc trường hợp đã xẩy ra với nhà văn Pháp Marsell Prust. Chúng ta thường đánh giá quá cao vị trí của tuổi ấu thơ. Cái cung cách mà các nhà tâm lý học thường thích nhìn cuộc đời xuyên qua tuổi thơ ấu, muốn tìm ở đoạn đời ấy lời giải thích cho mọi chuyện –đó là một trong những căn nguyên muốn ấu trĩ hóa con người..Những motip và bản chất của quá trình sáng tạo phức tạp hơn nhiều, khó nắm bắt hơn nhiều những hồi ức của tuổi ấu thơ và sự luận giải về đoạn đời ấy. Tôi cho rằng bất cứ sự phán xét thuần túy về mặt tâm lý quá trình sáng tạo nghệ thuật đều rất tầm thường, thậm chí là sơ lược.
            Mỗi một người nghệ sỹ trong thời gian tồn tại trên trái đất này tự nhiên đã và đang tìm tòi để lưu lại phía sau họ một phần sự thật về nền văn minh, về con người.Thành thử mấy chữ tìm kiếm, tìm tòi đối với họ là một sự xúc phạm. Những khái niệm ấy từa tựa như việc hái nấm trong rừng. Tìm thấy hoặc không tìm thấy mà ! Picasso thậm chí đã nói: “ Tôi không tìm kiếm gì hết và tôi đã tìm ra”.Theo tôi, người nghệ sỹ hành động hoàn toàn không giống như các nhà địa chất. Anh ta không bao giờ bắt tay vào việc gì để thử nghiệm (tôi thử làm việc này, tôi định làm việc kia…). Người nghệ sỹ chỉ có một đích tới là chứng minh chân lý, nói lên sự thật theo ý mình về thế giới này. Người nghệ sỹ cần phải tin chắc rằng, anh ta và sáng tác của anh ta sẽ phù hợp với sự thật.Tôi phản bác ý tưởng thực nghiệm, tìm kiếm trong lĩnh vực nghệ thuật. Bất cứ sự tìm kiếm nào trong lĩnh vực này, tất cả những gì được tuyên ngôn một cách trang trọng bởi hai tiếng “tiên phong” đều là sự dối trá. 

            Không ai biết được cái đẹp là như thế nào. Cái điều mà con người ta tự nghĩ rằng đó là đẹp, bản thân nó cũng thay đổi trong quá trình lịch sử cùng với những quan niệm triết học và giản đơn hơn là cùng với sự phát triển của con người trong dòng đời liên tục của họ. Chính điều này đã buộc tôi phải nghĩ rằng, về thực chất cái đẹp là biểu tượng của một điều gì khác. Nhưng điều ấy là gì đây? Cái đẹp là biểu tượng của Sự thật. Nói điều này tôi không động chạm tới việc đối lập giữa “ sự thật và điều giả dối” mà là trong ý nghĩa của những chân lý mà con người ta lựa chọn. Cái đẹp (đương nhiên là tương đối) trong những thời buổi khác nhau chứng minh về mức độ nhận thức của con người ở thời điểm ấy về sự thật. Đã có thời sự thật này được thể hiện bởi hình tượng nữ thấn Vệ Nữ. Nhưng, tự thân bộ sưu tập đầy đủ chân dung những người đàn bà đẹp, ví như của Picasso, nói nghiêm khắc ra cũng không có mảy may quan hệ nào đối với chân lý. Ở đây không phải chỉ muốn nói tới vẻ đẹp hoặc cái gì đó đèm đẹp. Khi ta khẳng định cái đẹp là biểu tượng Sự thật là ý ta muốn nhắm tới cái đẹp hài hòa, cái đẹp ẩn chứa, cái đẹp như là thế đấy. Muốn đề cao cái đẹp, Picasso thử ca ngợi nó, chiêm ngưỡng nó, chứng minh nó hiện hữu- trên thực tế nhà danh họa đã hành động như một kẻ phá huỷ nó, chê bai nó, hạ thấp nó. Sự thật được biểu hiện bởi cái đẹp luôn là một lời thách đố. Cái đẹp ấy không thể giải mã, không thể vân vi, tách bạch được bằng lời. Nhưng khi bản thể người, chất người của anh của chị ở cận kè cái đẹp này, đụng chạm tới nó, anh hay chị sẽ cảm nhận được sự hiện hữu của nó. Tuy nó chỉ thoáng lướt nhẹ như cơn sóng gai gà chạy dọc sống lưng. Cái đẹp – đó như là một phép màu mà con người ta chỉ tình cờ nhận ra được nó mà thôi. Tất cả là ở đó!

                                    
Một cảnh từ phim “Người vẽ tranh tháng Andrey Rubliov”


            Tôi luôn nghĩ con người ta được sinh ra là để sống. Sống trên chặng đường tiến tới sự thật. Vậy tại sao con người còn cần phải sáng tạo? Trong chừng mực nào đó con người làm công việc sáng tạo trên con đường nhận biết sự thật. Về khả năng tồn tại của con người và nhất là khả năng sáng tạo kia (Sáng tạo cho ai? Tại sao con người lại sáng tạo? )về bản chất là những câu hỏi không tìm được lời giải đáp.Thật ra mỗi người nghệ sỹ không chỉ mang sự hiểu biết của riêng mình về sự sáng tạo mà họ còn có những câu hỏi của chính mình về sự sáng tạo đó nữa. Điều này nhất quán với những gì tôi đang nói về sự thật- một sự thật chúng ta vừa phải trả giá, vừa phải tạo lập bằng những nỗ lực nhỏ nhoi của mình. Ở chỗ này bản năng, bản năng của người sáng tạo đóng vai trò chính yếu. Người nghệ sỹ sáng tạo một cách bản năng, anh ta không hề biết tại sao chính vào thời khắc ấy anh ta làm điều này điều kia, viết chính về điều đó, vẽ chính bức tranh nọ. Chỉ mãi sau này anh ta mới bắt đầu phân tích, tìm lời giải thích, suy nghĩ và tiến tới việc tìm ra những lời giải đáp không hề có quan hệ gì với cái bản năng kia, với những đòi hỏi phải làm ra, phải sáng tạo nên, phải biểu hiện cái mình muốn. Trong một số dạng thức, sáng tạo là sự biểu hiện bản thể tinh thần của con người trong sự đối lập với bản thể vật chất; sáng tạo tựa như là sự tồn tại được xác nhận của bản thể tinh thần kia. Trong muôn vàn hoạt động của con người, không có việc nào vu vơ, không căn cứ hơn; không có việc nào luôn tự mãn nguyện như sáng tạo. Nếu gom tất cả những việc làm liên quan đến niềm say mê kiếm tiền sang một bên, cái trơ khấc còn lại chính là nghệ thuật.
Sau này bằng trực quan, tôi cũng nghĩ rằng những gì mình cho là nghệ thuật đã sản sinh ra hình tượng nghệ thuật, thậm chí cả đến những dự định nghệ thuật nữa. Đó là những gì hoàn toàn thuộc cá nhân. Hình tượng nghệ thuật, ý tưởng nghệ thuật chỉ được hình thành bởi sự quan sát. Nếu không được xác lập bằng trực quan hình tượng nghệ thuật sẽ bị thay thế bằng biểu tượng; có nghĩa là nó sẽ được giải thích bằng lý trí và khi đó hình tượng nghệ thuật sẽ không còn nữa- bởi lẽ nó không phản ánh con người, thế giới.

Hình tượng nghệ thuật chân chính cần phải phản ánh những tìm tòi của người nghệ sỹ tội nghiệp với những vấn đề về con người, với những nhu cầu và mong muốn của họ. Hình tượng nghệ thuật chân chính cần phải phản ánh thế giới. Nhưng không phải là thế giới của riêng người nghệ sỹ mà là con đường của nhân loại tiến tới những chân lý. Phản ánh cảm giác giản đơn trong mối quan hệ với cái phần hồn ở đâu đó cao hơn chính chúng ta; ở trước mặt chúng ta và tồn tại trong tác phẩm, xứng đáng coi tác phẩm ấy như một dấu hiệu của tài năng. Chính là ở chỗ này ẩn chứa dấu ấn thật sự của thiên tài.
Đã từng có thời kỳ tôi lựa lọc ra những tên tuổi có ảnh hưởng đến tôi, tôi coi là bậc thầy của mình. Nhưng hiện nay trong nhận thức của tôi chỉ còn lưu giữ “ những nhân vật” một nửa là thiêng liêng, một nửa là điên loạn. Đó là “những nhân vật” có thể biết kiềm chế nhưng có thể nôi loạn như quỷ dữ- nói thế nào nhỉ- “lũ quỷ dữ của Chúa”. Trong số những người hiện nay còn sống  tôi gọi tên Rober Bresson. Còn những ai “đã về thế giới bên kia” có Lev Tolstoi, Bach, Leonardo da Vinchi.. Nói gọn lại, tất cả bọn họ đều là những kẻ điên rồ. Chính vì vậy họ không tìm kiếm một điều gì cả trong cái đầu của mình.
 Họ sáng tạo nhờ sự trợ giúp của cái đầu… Họ dọa dẫm tôi, đồng thời khích lệ tôi. Tuyệt đối không thể giải thích nổi sáng tác của họ. Hàng ngàn trang sách đã viết về Bach, Leonardo và Tolstoi, nhưng kết quả là không một ai có thể làm sáng tỏ được điều gì .Không một ai, lạy Chúa, có thể tìm, có thể khám phá ra sự thật, chạm tay tới cái cốt lõi sáng tác của họ! Đó chỉ là sự uổng công để chứng tỏ đã là phép màu thì không thể giải thích nổi!

Với ý nghĩa cao nhất của khái niệm Tự do , đặc biệt tự do trong ý nghĩa nghệ thuật, trong ý nghĩa của sự sáng tạo, sự Tư do ấy là không hề tồn tại trên đời này. Vâng, khát khao tự do thì tồn tại, là thứ có thật trong đời sống xã hội và chính trị. Trong những vùng đất khác nhau, trong những xứ sở khác nhau con người đang sống, đang nếm trải được ít hay nhiều sự tự do. Ấy vậy, hẳn bạn cũng đã từng chứng kiến, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất đã từng có những con người có được sự tự do chưa từng biết tới; những người ấy có được một thế giới nội tâm khác, những kích cỡ khổng lồ khác không giải thích được. Tôi luôn cảm nhận rằng tự do không tồn tại với tư cách là sự lựa chọn. Tự do đó là một trạng thái của nội tâm.Ví như, có thể về phương diện chính trị hoặc xã hội bạn có thể là người hoàn toàn “tự do” nhưng ít hoăc nhiều bạn vẫn cảm thấy ngạt thở vì tình cảm bị lệ thuộc, vì tình cảm bị giam hãm, vì cảm giác không nhìn thấy ngày mai.

Về tự do sáng tạo ư? Nói chung ra là không nên tranh cãi về điều này. Không một thứ nghệ thuật nào thiếu tự do mà sáng tạo được. Việc thiếu tự do sẽ tự nhiên làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Bởi lẽ việc thiếu tự do sẽ cản ngăn nghệ thuật được bộc lộ ra trong hình hài đẹp nhất của mình. Việc thiếu tự do như thế sẽ dẫn đến chỗ tác phẩm nghệ thuật dù có sự tồn tại về mặt vật chất đấy, trên thực tế vẫn là không tồn tại. Trong sáng tác chúng ta cần phải không chỉ nhìn thấy tác phẩm. Đáng tiếc rằng, ở Thế kỷ 20 đã thống lĩnh một khuynh hướng đáng lẽ ra để vươn đến việc sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, những cá nhân nghệ sỹ lại sử dụng nghệ thuật đó chỉ hòng làm nổi bật “cái Tôi “ của mình. Tác phẩm nghệ thuật trở thành vật biểu hiện “ cái Tôi” của người tạo ra nó và biến thành, nói thế nào đây nhỉ- cái loa truyền đi những gì nhỏ mọn, kém cỏi mà người nghệ sỹ kia thích hay muốn. Các bạn hiểu rõ điều còn hơn tôi nhiều. Paul Valery đã viết rất nhiều về điều này. Ngược lại thế, người nghệ sỹ chân chính, nhất là nhũng thiên tài phải là kẻ nô lệ của những gì Thương đế đã ban tặng. Họ có trách nhiệm mang những điều được ban tặng ấy ban phát cho mọi người, nuôi dưỡng lấy đời sống tinh thần của mọi người và phục vụ mọi người bởi những gì mình may mắn có được.
Đối với tôi, chính ở đây tiềm ẩn sự tự do!

                                      TÔ HOÀNG ( chuyển ngữ)