Chúng ta chưa có một văn hóa đọc sách đúng nghĩa, chúng ta còn mải vui chơi và nhậu nhẹt, mải mê kiếm tiền hoặc lo thi cử, trả bài, hoặc đọc sách rồi cũng không biết áp dụng vào đâu vì không có môi trường học thuật, môi trường tương tác, ứng dụng và phát triển. Chúng ta tiêu thụ chất có cồn nhiều gấp 30 lần so với số tiền đầu tư vào sách vở và tri thức – trung bình người Việt bỏ ra 1 USD để mua sách trong một năm, và con số này là 30 USD cho việc mua bia, rượu để uống. Và nhờ đó, số sáng chế, phát minh được công nhận của chúng ta ở mức khiêm tốn khó thể nào tưởng tượng nổi: so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1.240 của Hàn Quốc.



Văn hóa đọc: Văn hóa của nếp sống văn minh và của một xã hội có nhận thức

TÔN MINH

Chúng ta có thể đi đến nhận định ngay rằng, văn hóa đọc của người Việt Nam gần như chưa có, hoặc có nhưng chưa đủ tầm mức để được đánh giá theo đúng hàm nghĩa của văn hóa đọc. Tại sao lại dùng ngôn từ trên để nói về việc đọc của người dân trong xã hội chúng ta? Bởi lẽ, văn hóa, tức là một loại hoạt động có ý thức và trở thành một nét đặc trưng trong cuộc sống ở một mặt hoặc lĩnh vực nào đó, khi đó thì các hành vi có định hướng này mới trở thành một phạm trù mang tính văn hóa của con người. Vậy nên, “cái sự đọc” ở đây được xem xét và giải quyết với góc nhìn là một hoạt động phổ biến hoàn toàn có tính chủ đích và được lựa chọn có tính nguyên tắc nhất định.

Chúng ta thử dẫn chiếu tới việc đọc của người dân trong xã hội chúng ta qua một ví dụ thống kê cụ thể như sau: trung bình người Việt đọc khoảng 0.8 cuốn sách trong một năm. Trong khi người Malaysia đọc 10 cuốn/năm. Người Singapore đọc 14 cuốn/năm. Người Nhật đọc khoảng 20 cuốn/năm. Và người Israel (Do Thái) đọc 60 cuốn/năm. Nhìn vào những con số trên ta có thể thấy được rằng tình trạng đọc sách (tài liệu) của người Việt là vô cùng thấp so với các quốc gia trong khu vực cũng như châu lục.

Chúng ta có thực sự thiếu sách để đọc hay không? Cần khẳng định ngay rằng, chúng ta không thiếu sách để đọc, đặc biệt là các đầu sách mang tính tinh hoa của thế giới về kinh tế, triết học, chính trị, luật pháp, công nghệ, thiên văn hay văn học nước ngoài. Chúng ta đều đã dịch và xuất bản rất nhiều cuốn sách hay, phong phú và với hàm lượng tri thức cao từ lịch sử cho tới hiện tại. Tuy nhiên, lượng sách có tri thức chuyên môn cao, hoặc những cuốn sách mang tính phổ quát, có tính giáo dục và khai sáng thì hầu như lại ít được tìm đọc. Ví như có những đầu sách thực sự góp phần thay đổi nhận thức của nhân loại lại chỉ được xuất bản vài trăm hoặc nhiều là một đến hai nghìn cuốn và chúng được nằm rải rác ở các nhà sách chỉ ở một vài vùng nào đó chứ cũng không đến được những khu vực khác trong cả nước.

Nhìn vào các thống kê và thực trạng nêu trên thì rõ ràng rằng chúng ta đã thực sự bỏ qua và không biết tiếp thu, khai thác và cuối cùng là cải tạo các tri thức của nhân loại. Thử hỏi, một đất nước mà “lười đọc” đến như vậy thì sẽ tiếp nhận tri thức của nhân loại bằng cách nào và sẽ tìm tòi, sáng tạo ra cái gì cho đất nước, cho thế giới? Mà nếu đã không đọc thì chúng ta như một người mù đi đường, hoặc như thầy bói xem voi khi đứng trước các sự kiện, các biến đổi của sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Và những người thiếu tri thức đúng đắn và toàn diện thì thường không thích tranh luận hoặc không có đủ khả năng tranh luận về một vấn đề nào đó. Và như vậy họ càng trở nên khép kín trong trạng thái tri thức tù túng và thụ động của mình. Họ sẽ bị bỏ lại trong chặng đường và tiến trình phát triển tri thức vô cùng của nhân loại.

Chính Karl Marx đã trả lời con gái mình khi được hỏi: “Công việc mà cha yêu thích nhất?”. Ông trả lời ngắn gọn: “Lục tìm trong sách báo”. Nhà bác học Edison thì nói: “Thế giới chính là sách. Ngừng đọc sách là ngừng tư duy. Và ngừng tư duy chúng ta trở thành kẻ tầm thường”. Ông Bill Gates thì luôn dành ra thời gian khoảng một tuần chỉ để đọc sách dù công việc có bận rộn đến đâu đi chăng nữa. Những đúc rút từ những danh nhân nêu trên là những lời nhắc nhở và khuyên nhủ đúng đắn nhất về giá trị của việc đọc sách không ngừng.

Thế giới tự nhiên và tất cả các tri thức, kinh nghiệm, phát minh, những bài học, những dự đoán, những tư tưởng của các thế hệ của nhân loại từ lịch sử cho đến hiện tại đã được viết lại và thu nhỏ vào trong những cuốn sách. Vậy nên, việc đọc sách thực chất là đang nghiên cứu về chính thế giới tự nhiên và đào bới kho tàng tri thức nhân loại, từ đó có những đánh giá, phân tích, kiểm chứng và nhờ vậy có thể khai phá ra những tri thức mới hoặc có thể bác bỏ một luận điểm hay trường phái cũ. Đó chính là cách thức mà thế giới đã vận hành theo từng nấc thang để đi lên trong tiến trình phát triển không ngừng của mình.

Vậy một quốc gia lười đọc sách tức là lười học hỏi thì lẽ dĩ nhiên là người dân của quốc gia đó không đủ tri thức để tiếp nhận những biến chuyển của xã hội hiện tại và của thế giới đem lại, chứ chưa bàn đến việc chúng ta sẽ phát minh hay tìm ra được giá trị mới nào cho nhân loại. Chúng ta chỉ đi thừa hưởng các tri thức của nhân loại còn chưa xong thì không thể đủ nền móng để chung tay xây dựng tri thức chung của thế giới này được.
Nước Nhật, từ thời Minh Trị cách đây một thế kỷ rưỡi, đã tiếp thu tri thức của nhân loại từ phương Tây - trung tâm văn minh và có nhiều cuộc cách mạng mang tính khai sáng của thế giới - bằng cách dịch các cuốn sách tinh hoa và đem về giáo dục cho người Nhật Bản. Họ có hẳn một chương trình khuyến học và khuyến đọc tới mọi người dân của xứ sở mặt trời mọc. Và vì thế đất nước họ đã phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, về tư tưởng, triết học, kinh tế và luật pháp. Từ đó nước Nhật đã trở thành một cường quốc không chỉ của châu lục mà còn là của thế giới. Hàn Quốc cũng theo bước chân của người Nhật để đem nền giáo dục đó về xứ sở Kim Chi và biến một Hàn Quốc nghèo nàn bên sông Hàn trở thành một con rồng châu Á với những bước phát triển thần kỳ, kể cả trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng vươn tầm ra thế giới.

Đất nước Israel, nơi của người Do Thái với đặc tính thông minh nhất thế giới, đóng góp phân nửa các sáng chế, phát minh làm thay đổi nhận thức và điều kiện sống của con người trên trái đất, có mức đọc sách đáng kinh ngạc và đứng đầu toàn cầu về chỉ số đọc sách tính trên đầu người. Họ có đức tin tôn giáo mãnh liệt vào đức Chúa trời, bên cạnh đó họ tâm niệm rằng, chỉ có đọc sách mới mang lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho mình. Khi một xã hội lười đọc sách thì cũng sẽ trở thành một xã hội trống rỗng và dẫn đến nhiều nhận thức sai lệch. Và như vậy thì không thể nào xây dựng được quốc gia cường thịnh, tự do và vững mạnh.

Sự phát triển là nhờ vào sự xung đột các tri thức khách quan. Và từ xung đột ta có những cuộc tranh luận để hoặc là phủ bác, hoặc là bổ khuyết và tìm ra tri thức mới. Và từ các tri thức đầy đủ và hoàn thiện này, chúng ta mới có thể tìm ra những phương cách để biến chúng thành những chính sách pháp luật, giáo dục hữu ích hoặc tạo ra thành phẩm thiết thực và có hiệu quả trong cuộc sống, đem lại sự văn minh và thịnh vượng, tốt đẹp cho người dân thừa hưởng.
Đọc sách là một văn hóa khi việc đọc phải là một hoạt động thường xuyên và phải là việc có lựa chọn rõ ràng để hướng tới những nhận thức cao hơn - đó là thay đổi nhận thức của chính bản thân và đem ra cải tạo xã hội, thúc đẩy phát triển nhận thức của con người nơi chúng ta sống. Chứ không phải chỉ là hành vi cầm những cuốn sách lên đọc một cách hời hợt, để trả bài, để thi cử và để rồi quên mất nội dung sách viết gì, hoặc ngược lại – lại quá miệt mài vào việc đọc những loại sách chỉ để làm con người ta mụ mị, yếu đuối, lệch lạc về lối sống hoặc để đi lừa bịp thiên hạ, những người ít (có cơ hội) đọc sách.

Việc đọc phải có chọn lọc, ngày càng phải chọn lựa những cuốn sách có mức độ và hàm lượng tri thức cao hơn, sâu hơn những vấn đề đã đọc trước đó. Và chúng ta cần tránh những cuốn sách, tài liệu có tính chất xâm hại nghiêm trọng vào phẩm hạnh con người, có tính phân biệt về vùng miền, tôn giáo, sắc tộc hoặc những cuốn sách mang nội dung dung tục, thô thiển. Những cuốn sách không mang thông tin tri thức, không kích thích tư duy, không mang tính cải biến tâm hồn hoặc nhận thức của người đọc thì chúng ta nên tránh xa và cần loại bỏ chúng trong cuộc sống.

Chúng ta chưa có một văn hóa đọc sách đúng nghĩa, chúng ta còn mải vui chơi và nhậu nhẹt, mải mê kiếm tiền hoặc lo thi cử, trả bài, hoặc đọc sách rồi cũng không biết áp dụng vào đâu vì không có môi trường học thuật, môi trường tương tác, ứng dụng và phát triển. Chúng ta tiêu thụ chất có cồn nhiều gấp 30 lần so với số tiền đầu tư vào sách vở và tri thức – trung bình người Việt bỏ ra 1 USD để mua sách trong một năm, và con số này là 30 USD cho việc mua bia, rượu để uống. Và nhờ đó, số sáng chế, phát minh được công nhận của chúng ta ở mức khiêm tốn khó thể nào tưởng tượng nổi: so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1.240 của Hàn Quốc. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn lại chính mình, thay vì vào quán nhậu hay tìm trò giải trí giết thời gian, hãy đi tìm những cuốn sách và làm đầy chúng hơn lên trong khung gỗ nhà bạn. Con cái bạn cũng sẽ được thừa hưởng khối tài sản tri thức này của thế giới mà bạn mang lại cho chúng.



Nguồn: An Ninh Thế Giới Cuối Tháng