“Đã gọi là tiểu thuyết thì bản thân thể loại không có chuyện né tránh hiện thực, hay nói đúng hơn, những nhà tiểu thuyết chân chính không được phép né tránh mô tả hiện thực muôn vẻ, kể cả cái ác, vì cái ác bao giờ cũng mạnh mẽ và lẫm liệt, đầy mưu ma, chước quỷ, còn cái thiện thì lại ngu ngơ và ngây thơ, thường rất cả tin... Nhà văn mô tả cái ác để lột mặt nó ra và cũng là để nâng giấc cho những con người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn vào chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác của họ bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Vậy thì nhà văn phải đứng về phía họ, bênh vực họ. Nói thế có vẻ  sáo mòn, nhưng mà thật đấy ông ạ. Tôi là tôi ớn nhất những nhà văn máu cá, cứ lấy an toàn làm gốc, chơi trò chơi hiền lành, vô sự, tưởng rằng cả đời không hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái tội tày đình là tội khiếp đảm trước cái ác. Rồi thì quen chung sống với  nó,  coi như là không có nó ở trên đời này vậy...”.



“LÃO KHÚNG” TRONG LÒNG BẠN BÈ

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Số phận nghiệt ngã thường dành cho những người chân thật, đa cảm và cả nghĩ. Đó là nhận xét mang đậm chất chủ quan của tôi, mỗi khi nhớ tới nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tôi cứ hình dung thấy ông ngồi ngơ ngẩn trước bàn, trước trang giấy, xung quanh ngổn ngang những vật dụng gia đình thời bao cấp, nào bếp dầu, nào lọ dưa, thùng gạo, nơi góc hẹp dành riêng cho ông để viết văn. Chiếc đèn dầu cố hữu để sát chân chiếc đèn điện có chụp hình phễu, thêm vào đó ông chủ của nó còn cẩn thận bọc kỹ một lớp giấy báo phòng khi đêm hôm làm việc, vợ và các con không phải bận tâm vì ánh sáng, vì cái thói lọ mọ của mình. Ông là một trong số không nhiều nhà văn Việt Nam suốt đời lúc nào cũng đau đáu nghĩ tới việc viết. Dường như mọi sự bận tâm đối với ông đều liên quan đến cái nghề, và dường như chính cái nghề đã tạo nên tính cách Nguyễn Minh Châu.

1. 
Ngày ấy, tôi cho rằng mình gặp may khi có quyết định được điều về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Phải nói những ngày mới về nhận việc,  được ngồi họp chung, bàn chung công việc với các nhà văn đàn anh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu, Thu Bồn,  Ngô Thảo... đối với tôi là cả một sự kỳ lạ của cuộc đời lính tráng. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên bước vào căn phòng khá rộng ở đầu hồi dãy nhà cấp bốn phía sau tòa soạn, nơi nhà văn Lê Lựu, Trưởng ban Văn, đang ở vì sự tối tăm và hôi xì xì mùi nước điếu thuốc lào và mùi ẩm mốc. Trưởng ban của tôi đã biến căn phòng rộng thênh thành cái hang bởi đám tủ không cánh và ngổn ngang chăn màn quần áo. Cái bàn trà xiêu vẹo cùng mấy chiếc ghế gỗ cũng xiêu vẹo kê sát tường, chính giữa phòng. Trên mặt bàn một lũ một lĩ chén uống nước nhiều chủng loại cáu bẩn. Ấy thế mà suốt ngày “căn hầm” cứ xoành xoạch kẻ ra người vào tấp nập. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng hay tới đây, nhưng ông thường nhằm vào lúc ít người.
Tôi nhớ mãi buổi chiều u ám tôi đang được Lê Lựu đãi món bún lá với mắm tôm và đậu phụ rán cùng  món kể lại cốt truyện và ý tưởng truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Minh Châu. Câu chuyện về vợ một anh chàng ngư phủ rất hay bị thằng chồng vũ phu đánh đập, hành hạ.  Lạ lùng thay là chị ta không những không phản ứng mà còn xin hắn, có đánh thì để lên đến bờ rồi hãy đánh nữa kia. Có phải chị ta yêu hắn không? Không! Một trăm lần không, một ngàn lần không! Nhưng mà chị không thể không sống với hắn.  Người ta khuyên chị nên bỏ quách hắn đi, ngay cả ông thẩm phán toà án nhân dân huyện cũng không kìm chế được, đã nói với chị ta rằng: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”, và ông đã khuyên chị ta bỏ chồng, mặc dù vẫn nhớ chức năng nhiệm vụ của mình là phải hoà giải.  Nhưng mà chị ta thì vẫn một mực chắp tay vái lạy các người rằng,  để cho chị yên, chị đã nghĩ kỹ rồi. Cuối cùng người ta cũng khám phá ra, chị ta chịu đựng chỉ là để tồn tại cái gia đình cùng với những đứa con. Một gia đình đi biển, sống bằng nghề biển mà không có hắn, không có đàn ông thì...”. Nói đến đây Lê Lựu ngắc giọng lại, nhìn ra ngoài. Có tiếng xe đạp lạch xạch trước cửa “hang”. Lê Lựu nhận ra tiếng lạch xạch quen thuộc ấy, bảo tôi: “Bác Châu đấy”, rồi vội lấy bát đũa ra “mời ông anh”. Nhưng tôi thấy “ông anh” không có vẻ xởi lởi vui vẻ như những buổi tới chơi tán gẫu thường ngày. Lê Lựu và tôi rối rít mời ông cùng ngồi xuống chiếu.
Nhưng Nguyễn Minh Châu vẫn ngồi trên chiếc ghế tựa, lấy thuốc ra hút rồi nói với Lê Lựu: “Ông cho mình lấy lại cái truyện ngắn mình gửi hôm nọ có được không ?”. Lê Lựu nhìn ông, có vẻ không hiểu:“Sao lại lấy lại? Em đã cho đánh máy rồi mà”. Ông vẫn một mực: “Nhưng  mình nghĩ lại rồi. Không nên in lúc này Lựu ạ. Để khi nào nó nguôi nguôi đi cái đã”.
Lê  Lựu nói tiếp: “Em vừa kể cho thằng Đỉnh nghe. Em nói thật nhá, bác đừng sợ, truyện ngắn này hay thế, đẹp thế thì có gì mà sợ? Cứ để đấy, em cho “đi" ngay số này thôi mà”. Nguyễn Minh Châu chuyển thái độ, những ngón tay run run dụi tàn thuốc vào cái gạt tàn đầy ự mẩu, với vẻ mặt căng thẳng: “Ông lấy ngay về hộ tôi, Mình có đưa cho Thu đọc, nó bảo, anh mà cho in lúc này rất không có lợi, rất dễ bị suy diễn. Mình thấy Thu nói đúng đấy”.
Ông chơi rất thân với nhà thơ Nguyễn Trung Thu, công tác ở Ban Văn hoá văn nghệ Trung ương. Hễ cứ viết xong cái gì, ông cũng đem sang nhà cho bạn “duyệt” trước. Lê Lựu buông bát đũa, đứng dậy: “Anh để đấy em, thằng nào “đánh” em chịu”. Nguyễn Minh Châu cười: “Ông chịu thế nào được ?”. Lê Lựu khẳng định: “Được! Phải có cách chứ. Cứ thật thà như bác với lại ông Thu có mà...”. Nói rồi anh lấy giấy bút cắm cúi viết. Tôi tò mò ghé xem.
Té ra Lê Lựu viết một lá thư cho Nguyễn Minh Châu với nội dung rất ngắn gọn rằng: "Hôm nọ, lúc chờ xe đi Đại Lải, anh ghé phòng em chơi, mải chuyện nên lúc đi anh bỏ quên cái túi cói ở sau lưng ghế, em thấy có bản thảo truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nên mạo muội đọc trộm, thấy nó hay nên mạo muội đem in, vì dạo này thiếu truyện hay quá, mà anh thì lại ở tít trên ấy, thành thử em không kịp xin ý kiến tác giả, nay có thằng Đỉnh lên, em viết thư này xin lỗi anh và em hứa, nếu có gì sai sót, em xin anh cho em được hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cáo lỗi anh vậy. Lựu...".
Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên thấy Nguyễn Minh Châu cứ ngồi lặng thinh với vẻ mặt thẫn thờ sau khi đọc “lá thư”. Lê Lựu pha xong ấm nước, rót mời ông, nhưng Nguyễn Minh Châu không uống mà lặng lẽ đứng dậy, lặng lẽ kéo đôi dép lê ra khỏi “hang”, không hề quay nhìn lại chúng tôi lấy một lần. Tôi có cảm giác, cái lặng lẽ mà ông để lại phía sau lưng mình, cho chúng tôi, như có một lỗ thủng!

2. 
Tôi nhớ có lần, tôi đang mải mê đánh máy một cái gì đó, chợt thấy có bóng người  phía ngoài cửa kính, lúc ấy là giữa trưa, cơ quan vắng hoe. Hẳn có ai muốn tìm mình, tôi nghĩ và ra mở cửa. Nhà văn Nguyễn Minh Châu với cái túi cói xách tay cũ mèm, với đôi dép lê lẹp xẹp đang đứng tần ngần dưới sân. Tôi nắm bàn tay hâm hấp nóng, khô và mềm của ông kéo vào phòng với giọng suồng sã: “Mời ông anh vào nhà, gớm, nom ông anh cứ như người mất hồn ý”. Ông thụ động bỏ cái túi lép dưới chân ghế, ngồi bơ phờ nhìn tôi, rồi cười nhợt nhạt: “Ông đang viết cái gì?”. Tôi đáp: “Viết lách gì đâu anh. Em đang phải làm một việc chẳng vui vẻ tí nào”.
Ông lấy thuốc ra hút. Tôi hí hoáy pha trà, nhận ra trên gương mặt tái nhợt của ông thoáng ánh lên vẻ giễu cợt chua chát. Ông bảo: “Kể đời con người ta cũng vô nghĩa lý thật. Lấy nhau, bỏ nhau, hay ở với nhau cũng đều là vớ vẩn cả. Cứ mỗi ngày sống là một ngày chồng thêm lên cho mình một nỗi buồn”. Tôi ngồi im, chờ nghe ông, cứ tưởng đó là khúc dạo đầu cho một bài diễn thuyết về triết lý sống nào đó, chắc là hay lắm đây. Ai dè ông lại ngồi thuỗn ra, vẻ chán nản còn hơn cả cái thằng tôi đang chán nản như thấy mình đang vữa ra. Tôi lên tiếng: “Báo cáo “bác Khúng”, tôi chuyển giọng, gọi ông bằng cái tên “lão Khúng” mới nổi tiếng gần đây nhằm phá không khí ngột ngạt. Bác là bác quá lắm đấy. Em có cảm giác lúc nào bác cũng thảng thốt với những ý nghĩ đen tối, u uất. Thức đêm vừa vừa thôi ông anh ạ”.
Tôi không ngờ  “lão Khúng” của tôi lại phá lên cười. Cái lối cười phá lên ấy, bề ngoài có vẻ khoái trá, nhưng bên trong thì nẫu buồn. Tôi nghiêm nghị rót trà và nghiêm nghị nói: “Anh Châu này, em muốn kể cho anh nghe câu chuyện mà em đang viết quá”. Ông lặng lẽ lấy quyển sách của ông mới in đưa cho tôi, nói: “Tặng ông quyển này. Đọc nhau đã mệt lại còn định đuổi nhau bằng cái sự kể lể...”.
Tôi không tự ái vì biết tính ông hay giễu cợt, không phải giễu cợt ai khác mà chính là ông giễu cợt cả ông lẫn cái nghề của mình. Tôi tâm sự: “Em viết sắp xong rồi. Nhưng càng về cuối càng trì trệ thế nào ấy. Một nhân vật suốt đời tin vào cấp trên. Một nhân vật suốt đời tin vào tôn giáo. Một nhân vật suốt đời tin vào vật chất. Một nhân vật suốt đời tin vào tình cảm. Họ đều là những người rất tốt, trong sáng, họ sẵn sàng quên mình hy sinh cho niềm tin yêu của mình để mong đóng góp cho đời. Vậy mà sao cuối cùng, tất cả cuộc đời của họ đều bi kịch thế. Có phải chỉ vì họ không còn biết cái thân mình là ai không ? Buồn lắm. Em chỉ muốn kêu gọi con người, trước hết phải tự biết cái thân mình là ai cái đã, rồi thì hãy tin...”.
Ông chợt lên tiếng: “Ông viết xong chưa?”. “Dạ sắp”, tôi đáp. Nguyễn Minh Châu nói với giọng giễu cợt: “Góp ý cho ông thế nào được. Nhưng mà này, cuộc sống cứ trớ trêu thế mới là cuộc sống chứ. Trong đám nhân vật chắc chắn là rất nhem nhuốc của ông, giá mà có một thằng chẳng tin cái gì cả. Nó chỉ tin nó, còn mọi thứ chung quanh đều là phương tiện. Phải bắt cái thằng này ghé vai gánh hết những phần mà lũ người kia không gánh được, cũng có thể không biết đường nào mà gánh, hoặc có gánh cũng sợ hãi, vừa đụng tới là đã run bắn cả thần hồn lẫn thần xác lên rồi. Còn cái thằng này nó gánh cứ ngon ơ, hoặc giả có vẻ ngon ơ, nhưng kỳ tình, cu cậu cũng đang gánh bi kịch, không phải của riêng bản thân mà là của cả cái đám người kia cộng lại. Được như thế cuốn sách của ông sẽ có lối thoát. Đã gọi là tiểu thuyết thì bản thân thể loại không có chuyện né tránh hiện thực, hay nói đúng hơn, những nhà tiểu thuyết chân chính không được phép né tránh mô tả hiện thực muôn vẻ, kể cả cái ác, vì cái ác bao giờ cũng mạnh mẽ và lẫm liệt, đầy mưu ma, chước quỷ, còn cái thiện thì lại ngu ngơ và ngây thơ, thường rất cả tin... Nhà văn mô tả cái ác để lột mặt nó ra và cũng là để nâng giấc cho những con người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn vào chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác của họ bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Vậy thì nhà văn phải đứng về phía họ, bênh vực họ. Nói thế có vẻ  sáo mòn, nhưng mà thật đấy ông ạ. Tôi là tôi ớn nhất những nhà văn máu cá, cứ lấy an toàn làm gốc, chơi trò chơi hiền lành, vô sự, tưởng rằng cả đời không hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái tội tày đình là tội khiếp đảm trước cái ác. Rồi thì quen chung sống với  nó,  coi như là không có nó ở trên đời này vậy...”.
Bỗng ông ngưng nói. Tôi có cảm giác như không phải ông đang bàn luận, góp ý cho tôi mà ông đang giãi bày những suy nghĩ, những ý tưởng cho một sáng tác nào đó của ông. Chuyện tôi vừa kể, chẳng qua chỉ là cái cớ, là chất kích thích cho dòng cảm xúc đang nung nấu trong cái đầu bơ phờ của ông. Nhưng dù sao tôi cũng phải tranh thủ ông anh, phải lôi ông anh ra khỏi khu vực trầm uất để mà còn học mót được đôi điều. Và tôi vội đứng lên, nắm chặt bàn tay nóng hâm hấp của ông, nói: “Tuyệt văn vời. Chỉ cần anh gợi ý như thế là em đã bắt được cái thằng ấy rồi. Nó cũng không phải là tội phạm, mà nó là nô lệ, là nạn nhân cho quan niệm sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa...”.
Ông chen ngang: “Ôi giời, ba hoa với nhau thì dễ, nhưng ngồi vào bàn là cái thằng TA với thằng cha NHÀ VĂN cứ chành choẹ với nhau, làm cho ngòi bút lúc thì hăng máu, lúc thì quằn lại”. Tôi lại ấn ông ngồi xuống, nói: “Thì ta có phải là thánh đâu, cũng còn phải tính toán trăm chiều chứ đâu có phải khoát tay một phát là lên đến giời”. Ông liền bảo: “Thế cho nên độc giả người ta mới chán phè các bố. Chưa viết đã tính toán thì còn nói làm gì”. Nói rồi ông xách túi, kiên quyết ra về. Tôi biết không thể giữ ông, đành lẵng nhẵng theo ra cổng. Ông lúi húi dắt chiếc xe đạp ra ngoài  và tôi đi bên ông, cứ hy vọng ông sẽ nói thêm một đôi lời gì nữa. Nhưng ông vẫn im lặng. Tôi đành: “Anh về nhé”, và ông quay lại, thoáng nhìn tôi: “Tôi về nhé”, rồi gác chân lên xe, ông cúi mình đạp trên đường phố vắng. Chúng tôi chia tay nhau nhạt nhẽo và buồn tẻ đến nao lòng. Hồi ấy ông chưa biết ông đang bị bệnh.