Thời gian trở lại đây, ngày càng có nhiều cuộc thi Hoa hậu được tổ chức tại Việt Nam. Có nhiều người nói vui, đây là "Thời của Hoa hậu". Điều đáng nói là các cuộc thi sắc đẹp này luôn vướng phải những ồn ào, từ thí sinh cho tới ban giám khảo, người tổ chức. Có cuộc thi khép lại trong tai tiếng. Có cuộc thi vừa mới bắt đầu scandal đã nổ ra. Đứng trước điều này, phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà biên kịch Chu Thơm - nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL). Ông cho rằng: “Việc tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu hiện nay sẽ khiến nhiều người chạy theo hay tôn vinh những giá trị ảo. Hoa hậu chẳng mang lại gì vinh quang cho Tổ quốc cả…”




'Phan Anh, Hoàng My đã đủ tư cách là công dân tử tế chưa mà đòi làm giám khảo?'
 @ Liên tục các cuộc thi Hoa hậu được tổ chức trong thời gian gần đây, đi kèm là từng ấy scandal, người ta gọi đây là "Thời của Hoa hậu"?
Chu Thơm: Bây giờ thì có thể gọi là "loạn thi Hoa hậu". Ai cũng có thể đứng ra tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, từ một nhà thiết kế thời trang cho tới những tổ chức, công ty khác nhau. Ai cũng muốn được trở thành Hoa hậu, từ một nữ sinh còn đang ngồi trên ghế giảng đường hay tới cô gái công khai việc sống nhờ bạn trai rồi tự xưng làm "nữ hoàng nội y". Có những cô gái suốt đời chỉ làm một việc là tham gia các cuộc thi nhan sắc, trượt cuộc này lại thi cuộc khác theo kiểu “cố đấm ăn xôi” để mong “rũ bùn đứng dậy sáng loà” đổi đời, giàu có. Ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp và ngày càng có nhiều Hoa hậu diễu võ giương oai trên sóng truyền hình, trên mạng xã hội. Nhiều người sắm được xe đẹp, lấy được chồng giàu cũng từ những cuộc thi như thế này. Nhiều đại gia tuyển được vợ xinh cũng từ các cuộc thi đó mà ra. Tôi thấy bây giờ người ta có câu nói vui: "Người đẹp là của các đại gia".
@ Điều ông nói phải chăng cũng là lý do dẫn tới sự bùng nổ các cuộc thi Hoa hậu như trong thời gian vừa qua?
Chu Thơm: Vì nhiều người kiếm được lợi từ việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đó. Người đứng ra tổ chức thì kiếm được tiền tỷ. Người tham gia cuộc thi thì có hy vọng đổi đời. Các đại gia thì tìm được vợ hoặc thư ký. Giờ thì làm gì có cuộc thi nào dành cho các học sinh nghèo vượt khó. Những cuộc thi ấy, đâu đem lại tiền bạc cho những người tổ chức? 
@ Nhiều người đặt câu hỏi, không biết nhiều cuộc thi Hoa hậu đến như vậy để làm gì, giúp ích gì cho cuộc sống?
Chu Thơm: Tiêu chí của các cuộc thi sắc đẹp rất mù mờ. Có người đăng quang ngôi vị Á hậu 1 khi tham gia cuộc thi chỉ vỏn vẹn có 2 ngày. Khi dư luận thắc mắc thì trưởng ban tổ chức giải thích vì người này là doanh nhân nên rất bận. Bên cạnh đó, những người ngồi ghế giám khảo chưa chắc đã đủ tư cách. Tôi chỉ đơn cử, mới đây đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 được tổ chức vào tối 4/11 tại Nha Trang, ngay sau khi cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ vào khu vực miền Nam Trung Bộ và một phần Tây Nguyên.
Việc làm đó bị công chúng lên án mạnh mẽ, thế nhưng những người ngồi ghế giám khảo lại cho đó là chuyện bình thường. Phan Anh - một nhân vật đã từng đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào bị bão lũ, từng thương cảm trước số phận những khốn cùng trước thiên tai nay lại cho rằng việc tổ chức đêm thi là hợp lý. Anh ta còn lớn tiếng hỏi: "Hủy để làm gì?". Sau khi bị dư luận chỉ trích dữ dội, anh ta lên tiếng xin lỗi và lại tiếp tục làm giám khảo của một cuộc thi sắc đẹp khác.
Hay như một cô Á hậu Vũ Hoàng My từng lạnh lùng so sánh: "Cơn bão số 12 đến rồi đi trong đêm, thiệt hại không nhằm nhò gì so với những cơn bão không hồi kết dành cho đương kim Hoa hậu". Sự so sánh ấy làm tôi lạnh người. Gần 30 người chết, hơn 20 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, có những người chết không có chỗ chôn vậy mà lại bị cho là "không nhằm nhò gì".
Những người đó, đã đủ tư cách để là một công dân tử tế chưa mà đứng ra tuyển chọn Hoa hậu? Cách hành động của họ khiến tôi nhớ tới câu thơ của Chế Lan Viên: "Hỡi những tâm hồn lạnh tanh máu cá/Lửa nhiệt tình đi xuống dưới độ âm".
Hay có người luôn ngạo nghễ với chức danh nhà giáo nhưng lại đưa ra so sánh kệch cỡm sự xuất hiện của các chân dài váy ngắn trên sân khấu đêm bán kết Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam trong đêm bão lụt khủng khiếp ấy không khác gì... văn công phục vụ bộ đội trên chiến trường năm xưa. Nhà văn Lê Thiếu Nhơn sau khi đọc được sự so sánh ấy đã phải thốt lên: "Nhân cách và tiềm năng có thể xuất phát từ sự vô cảm ư?” Còn tôi cũng tự hỏi, bà ta sẽ dạy gì cho học sinh của mình về nhân cách?
@ Ông đánh giá thế nào về chất lượng thí sinh trong các cuộc thi Hoa hậu?
Chu Thơm: Tôi nghĩ, giám khảo nào thì thí sinh đó. Thế nên mới có chuyện một cô Hoa hậu mới đăng quang đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng về nhan sắc. Một cô Hoa hậu khác từ ngay sau đăng quang vướng hết chuyện nhố nhăng này đến chuyện nhố nhăng khác nên giờ được coi là Hoa hậu thị phi không đối thủ. Những thí sinh lọt vào vòng ứng xử luôn đưa ra những câu trả lời ngô nghê khiến công chúng cười không ngớt. Tuy vậy, các em thí sinh còn nhỏ. Nếu có trách, thì trách những người đứng ra tổ chức các cuộc thi. Chính họ vì trục lợi mà cố tình lăng-xê cho những giá trị ảo, bất chấp mọi thứ để cuộc thi được diễn ra.
@ Việc để xảy ra tình trạng loạn thi Hoa hậu như hiện nay, theo ông trách nhiệm thuộc về ai? 
Chu Thơm: Việc ai cũng có thể đứng ra tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, lỗi trước tiên thuộc về cơ quan quản lý, bao gồm: Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa thể thao các tỉnh, thành. Những đơn vị này có cấp phép thì các cuộc thi mới có thể diễn ra.
@ Mới đây, Bộ VHTTDL đã lên tiếng về việc sẽ hạn chế các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian tới, ông nghĩ điều này có khả thi?
Chu Thơm: Hạn chế nghĩa là vẫn cấp phép đều đều. Tôi tự hỏi, nếu bỏ bớt một vài cuộc thi Hoa hậu, liệu có ảnh hưởng gì tới đất nước hay không? Việc tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu hiện nay sẽ khiến nhiều người chạy theo hay tôn vinh những giá trị ảo. Hoa hậu chẳng mang lại gì vinh quang cho Tổ quốc cả. Trong khi đó, có những người nông dân, họ sáng chế ra những cái bẫy chuột rất hiệu quả. Những cái bẫy chỉ giá 1 nghìn đồng thôi nhưng nếu đặt ở bờ ruộng, có thể giết được rất nhiều lũ động vật làm hại mùa màng. Qua đó giúp người nông dân bảo vệ được sản phẩm của mình, đem lại cái lợi không hề nhỏ cho đất nước. Cái phát minh ý nghĩa ấy thì lại chẳng được mấy ai quan tâm. Nó thậm chí còn chẳng được chú ý bằng một câu phát ngôn ngô nghê của các người đẹp trong các cuộc thi nhan sắc.
@ Xin cảm ơn ông!


MỘC LAN – VTC News