“Cuộc sống bộn bề hôm nay không còn nhiều chỗ cho thơ nữa. Nhưng những lúc rơi vào bế tắc hay trong những nỗi đau, em vẫn viết, cô ạ. Và em vẫn theo dõi những vần thơ của cô trên facebook, vẫn luôn yêu thơ cô, vẫn dành những mến mà cả sự đồng cảm, như ngày xưa cô đã đồng cảm với em”. Đặng Tố Anh đã viết cho tôi như vậy. Em là học sinh lớp tôi dạy văn. Em là thành viên CLB thơ trường Trần Phú – Hà Nội năm ấy. Và bây giờ em đang giảng viên trường Đại học Kiến trúc. Nhớ học trò, nhớ cái câu lạc bộ thơ bé nhỏ , cái câu lạc bộ duy nhất được lập nên từ sự động viên của Ban giám hiệu nhà trường năm ấy – tôi đi tìm các em. Cho cô vẫn được gọi như ngày xưa ấy nhé, dù bây giờ học trò đều đã phương trưởng, thành đạt.




ĐỜI NÊN THƠ TỪ TRANG VỞ HỌC TRÒ

BÙI KIM ANH

 “Còn nhớ ngày đi học, có những lần cô đọc văn con trước lớp, rồi khen: “Văn của con bé này đọc cũng gai gai đấy”, hoặc cô khen tựa đề con viết cho báo của lớp cũng thướt tha lắm”. Phùng Phương Thảo, cô thư ký lớp chăm chỉ và thân thiết của tôi bây giờ là chủ tịch thật trẻ trung của phường Trần Hưng Đạo. “Con vẫn làm thơ. Nhiều người nghĩ con làm chính trị mà ủy mị. Thật ra làm thơ là một phút trải lòng, và làm thơ là giữ lại những lay động của tâm hồn mình, giữ trái tim mình vẫn nồng nàn cảm xúc. Điều đó giữa cuộc sống bộn bề này rất, và rất cần!” Facebook của em đẫm những bài thơ tình ngọt ngào:
tháng mười níu tình chẳng phai phôi
chiều tháng mười lạnh ai cần ai hơi ấm
ủ thương yêu vào đêm thấm đẫm
gọi tháng mười về khúc nhạc đam mê
Bích Ngọc thi khối D, học trường Kinh tế quốc dân nhưng bây giờ theo ngành giáo dục. Em nhắc lại tôi mới nhớ - Em đã lên lớp giảng bài “ Tống mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, và thế là từ đó yêu nghề dạy học. Bích Ngọc làm thơ từ lúc bốn tuổi nhưng “Hồi cấp 3 là thời gian con làm nhiều thơ nhất khi được học cô”.
…Thả chân bước chạm bờ
Để hồn phơi ảo ảnh.
Thả giữa lòng giá lạnh
Cả nhịp sống căng tràn…
Rồi còn Bảo Ngọc, cô y tá cùng lớp với Bích Ngọc cũng vậy.
Nhận ra thu trong cơn mưa xối xả
Nhận ra mình sau tất tả ngược xuôi
Các em đều viết khi còn bé . Như Tố Anh tâm sự “Nhưng phải đến khi vào cấp 3, được tham gia vào CLB thơ của cô, em mới mạnh dạn chia sẻ những bài thơ mình viết. Em nhớ nhất bài thơ đầu tiên của em cô gửi đăng báo
Người hát cùng ta
Bài hát của những nghĩ suy dại khờ nông nổi
Ta hát về những điều không thể nói
Nhớ những điều xưa chỉ được phép quên
Buổi sinh hoat thứ 2, tôi nói về thơ và các em đọc thơ mình trước toàn trường. Rồi mời truyền hình về để giới thiệu thơ các em. Lần đầu tiên đứng trước máy quay học trò run rẩy lắm. Rồi nữa gửi thơ các em đến một vài tờ báo. “Nếu không nhờ câu lạc bộ thơ, không được gặp cô, có lẽ em không bao giờ có được sự tự tin đó”. Chợt nghĩ khi dạy mình chỉ giảng như mình cảm nhận thôi, không nghĩ xa xôi gì. Lại nhớ mình vì mình yêu thơ mà lập ra câu lạc bộ cho những học trò yêu thơ như mình. Những bài thơ trong cuốn vở học trò. CLB thơ giải tán lâu rồi. Tôi lại đi tìm các thành viên đây.
Có một cậu bé gầy gầy, tên Hà Quang Minh. Trên facebook ghi là nhà báo Văn nghệ Công an. Em có làm thơ nữa không? Ít rồi ạ. Lâu rồi có đăng báo cô ơi. Em công bố ca khúc nhiều hơn ạ. Thực tế thì em cũng vẫn theo nghiệp. Em viết tùy bút nhiều. Có ra hai cuốn gần đây là Ăn Nỗi Nhớ và Thư Gửi Chính Mình. Cuốn Thư gửi chính mình thì em thích hơn. Em cũng không còn sách vì bên NXB Trẻ cho em có chục cuốn. Ôi cô có đòi sách tặng đâu?!
Có vệt buồn chạy ngang qua mỏng manh
Như mùa Hạ dùng dằng bước chân để tàn sen nở muộn
Như một đêm từ nơi xa trở về hai đứa bên nhau không ham muốn
Cứ ngồi nhìn nhau như những vệt buồn vụt qua mau
Đọc môt loạt thơ em gửi. Hay lắm thế mà chỉ là “Bài thơ như quán bên đường /Nghỉ chân cho hết đoạn trường” thì đi hay sao, Hà Quang Minh?
Em cũng trong câu lạc bộ thơ ư, Hoàng Anh Tú? “Con chào cô ạ! Con trước tuy không là học trò của cô nhưng cũng là đệ tử của cô và đã được cô giao làm Chủ Nhiệm CLB Văn thơ trường Trần Phú khoá 1995-1996 đây ạ. Lần đầu tiên có 1 học sinh ca chiều được cô ưu ái giao làm chủ nhiệm câu lạc bộ văn học của trường, sáng thứ 2 lên đọc thơ trước trường. Con biết ơn cô đã tin tưởng con”. Thế mà tôi chỉ biết có một anh Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò. Thế là tôi đã coi một chương trình ti vi về một nhà thơ học trò của CLB mà không biêt.
Lại nữa đây nhà báo VTV6, cô học trò luôn hỏi tôi những câu hỏi khó trả lời. Trần Thu Trang làm thơ tình hay lắm đấy. Trang-nữ sinh đây:
“Em và anh không hề muốn âu sầu
Mong tình giản đơn như những gì có thể
Ta với hoài mà sao cao thế?
Vỡ vụn nhân gian”
Trang-nhà báo đây
“Em đã không còn là em
Không còn thảng thốt giật mình khi bóng cây đổ dài dáng anh đầu đường mỗi tối
Không còn ứa nước mắt xua đuổi những ký ức bé xíu chật chội
Khi chúng mang anh xâm chiếm những giấc mơ”
Và Võ Hoàng Giang. Giờ làm việc trong một tờ báo lớn mà trông phong cách vẫn “hảo hán”, như nhân vật nào đó trong một bộ sách em góp tay cùng các bạn. “Vâng, bộ Tam Quốc Chí chính sử của Trần Thọ - Bùi Tùng Chi , em cũng chỉ góp tí công hậu trường, viết cái lời Tựa, giống bộ Tư trị thông giám của Tư Mã Quang mà bọn em đang chuẩn bị ra thôi ạ.” Giang Say là tên em mà các bạn trong lớp gọi. Cái lớp văn C1 này thí điểm dạy theo phân ban. Ôi cô trò tôi vất vả làm sao! Giang Say thì luôn tỏ ra lơ đãng, thế mà... Dành cho em cả hai tiết lên thuyết giảng về ba nhân vật Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Từ Hải mà các bạn ngồi nghe, rồi tranh luận nhiệt tình. Em làm chủ bút của tập san lớp – trình bày như một cuốn tạp chí “đủ món”. Tôi nhớ mấy câu bài Đen – Trắng của em:
dối trá mãi sánh bước cùng sự thật
ánh sáng và bóng tối là anh em
Chẳng có cô cậu nào trong CLB làm thi sĩ đúng nghĩa cả. May quá! Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hương, con gái dịch giả Nguyễn Trung Đức với cuốn “Trăm năm cô đơn” học giỏi văn làm thơ hay cũng không viết nữa. Thế cũng phải thôi... Nhưng, “Học văn để hiểu người, hiểu đời và hiểu mình. Hiểu người, hiểu lẽ sống. Biết quyết liệt mà cũng biết mềm mỏng. Con viết báo cáo, bài phát biểu, diễn văn kỷ niệm, viết cả kịch bản các hội thi hội diễn, cái nào viết cũng cố gắng bằng tình cảm của mình,…Mà ở cuộc đời hay công việc, ngay đến báo cáo, tiếp dân mà có tình thì vẫn được nhớ nhiều hơn”.- Phùng Phương Thảo
Học trò của tôi, các em là phần thưởng của cô về dạy văn làm thơ đấy