Hoàng Hưng viết về Thanh Tùng: “Vì tình yêu của anh với vợ, với bạn bè, với Hải Phòng mùa hoa phượng, với Hà Nội mùa thu, nó mãnh liệt, nó da diết trong tâm thế của người sắp mất, sắp chia ly. Và nhất là chân thành. Cái chân thành làm người ta thương anh và dễ tha thứ cho những “lỗi lầm” của anh khi đọc những câu giản dị này: “Tôi chỉ gã nghèo tỉnh lẻ/ bạn bè thương nhận cho chơi/ thơ tôi sán gần khe khẽ/ chạm vào da thịt mọi người”. Anh có một bài thơ ngắn thật buồn và thật hay theo cách “nói rất thật” đó: “Mẹ các con chẳng còn yêu cha/ Các con đã đi xa theo mẹ/ Cha vẫn tưởng các con chỉ vừa ra chơi ngoài phố/ Cha vẫn mở, các con ơi, đôi cánh cửa/ Cả ngày lẫn đêm/ Cả mùa xuân lẫn mùa đông...” để đến câu cuối thì dựng lên một hình tượng bất ngờ thật đắt: “và giữa hai cánh cửa kia/ Treo trái tim cha trĩu nặng mong chờ”.



VẪN THANH TÙNG CỦA THỜI HOA ĐỎ

HOÀNG HƯNG

“Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa…” Tôi không thể hình dung một “nhà thơ áp tải” đọc thơ dưới ánh nến một hầm rượu rất “à la mode” giữa TPHCM mang cái tên cũng “à la mode” là “Erawineclub”
(thực ra khung cảnh sang trọng có làm anh hơi… líu lưỡi). Nhưng nhìn quanh, thính giả cũng vẫn là những người bạn quen của Thời hoa đỏ.

Ở tuổi sáu mươi lăm, giữa cái thành phố mà ít năm trước đây, lúc mới vào “làm rể”, anh thường bực bội thất vọng vì ghé con ngựa sắt già của mình đến nhà chiến hữu nào cũng thấy họ đang mải mê công việc gì đó không phải thơ, (hình như toàn là việc kiếm tiền!), không mấy ai sẵn sàng bỏ đi uống rượu đế, bia hơi, nghe anh đọc “thơ ứng tác” như ở ngoài kia, cái quê hương nghèo khổ hơn nhưng hình như mê thơ hơn. Vậy mà đầu năm nay, Thanh Tùng thay vật cưỡi: một con “nghẽo” Honda PC đời tám hoánh, nhưng dù sao cũng là “xế nổ”. Và nó bành bạch chở anh đi một vòng hết hơi để tặng tập thơ Thời hoa đỏ mới ra lò nhờ tài trợ của một Mạnh Thường Quân nào đó. Một trăm bài thơ, trừ vài bài tôi đã nghe từ dạo Hải Phòng B52 nhưng vì buồn quá nên bây giờ mới in ra được (Nguời về như khách lạ, ngỡ ngàng đầy hai tay... Đêm quờ phải mặt ta, đêm nghẹn ngào run rảy...), còn lại đều làm từ mươi lăm năm lại đây.

Vẫn một giọng thơ nguyên xi như trước, cái giọng ồm ồm đầy sức sống, sức say, sức yêu, yêu đến cuồng, đau đến dại, nhiều khi tuôn trào bất cần cấu tứ, bố cục, bất chấp chặt chẽ, cứ bốc lên, cuộn lên, khi nào hết ý cạn lời thì ngừng. Kể ra đọc bằng mắt, vắng mặt tác giả, thứ thơ như thế dồn lại cả loạt bài thì dễ... chán lắm. Bản chất nó gần với loại thơ để đọc cho đông người nghe. Loại này muốn sống lâu phải có nội lực mạnh và cảm xúc chân thành, cộng với sự độc đáo trong ý tưởng và hình tượng nữa. May thay Thanh Tùng nhiều lúc có những cái đó. Phải nói thực là Thanh Tùng ít được nguyên cả bài thơ hay như Thời hoa đỏ, bài thơ tụ máu một nỗi đau tình hiếm thấy ở các nhà thơ đàn ông VN, nhưng vết thương rất sâu ấy thỉnh thoảng lại nhói lên, rên lên thành những câu, những đoạn đau một nỗi đau thực thể: “Em để lại trong tim tôi một mũi dao/ Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút”, kể cả khi anh tự bảo mình đâu có đau: “Biển xanh thế làm sao mà đau nổi/ Dẫu đâu đây quanh quất bóng em về”. Anh có những ảo giác mạnh của người say: “Chỉ mùa thu mới cất em sâu đến thế/ Sớm nay em bỗng trở về/ Em vụt tới rung cây đổ lá/ Bốc bụi mờ trắng cả bao la”. Anh có nhiều hình ảnh lạ: “Tôi rỗng ra/ như chiếc chai đêm qua còn lăn lóc trên bàn”, “Mai tôi đi rồi/ Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố”... lạ mà thật, nói đúng hơn lạ vì thật với cảm nhận riêng của anh trong giây phút ấy: “Sao em nhìn anh như thế/ Để anh liều như một chú gấu con”, “rồi câu hát vang lên chập choạng/ như chân tù vừa được thả ra”, “mỗi đứa lại vội vàng mấy ngả/ bao giờ trở lại uống nhau đây”.

Vì tình yêu của anh với vợ, với bạn bè, với Hải Phòng mùa hoa phượng, với Hà Nội mùa thu, nó mãnh liệt, nó da diết trong tâm thế của người sắp mất, sắp chia ly. Và nhất là chân thành. Cái chân thành làm người ta thương anh và dễ tha thứ cho những “lỗi lầm” của anh khi đọc những câu giản dị này: “Tôi chỉ gã nghèo tỉnh lẻ/ bạn bè thương nhận cho chơi/ thơ tôi sán gần khe khẽ/ chạm vào da thịt mọi người”. Anh có một bài thơ ngắn thật buồn và thật hay theo cách “nói rất thật” đó: “Mẹ các con chẳng còn yêu cha/ Các con đã đi xa theo mẹ/ Cha vẫn tưởng các con chỉ vừa ra chơi ngoài phố/ Cha vẫn mở, các con ơi, đôi cánh cửa/ Cả ngày lẫn đêm/ Cả mùa xuân lẫn mùa đông...” để đến câu cuối thì dựng lên một hình tượng bất ngờ thật đắt: “và giữa hai cánh cửa kia/ Treo trái tim cha trĩu nặng mong chờ”.

Tiếc cho một bản năng thơ mạnh và không thiếu tài hoa nhưng hạn chế ở khả năng tinh luyện để chất thơ kết thành bài thơ. Có phải vì anh cực đoan: “Tôi chỉ có tim chứ không có óc”? Hạn chế ấy càng rõ ở loạt bài anh mới viết về “miền yêu” mới, “miền đầy nắng/ hoa trái treo ríu rít khắp chân trời”. Hình như Thanh Tùng cần có nỗi đau và kỷ niệm giúp anh kết đọng những câu thơ ứa máu, mà ở quê hương mới anh... chưa có hai yếu tố ấy? Xuân Diệu từng nói: dưới ba mươi tuổi người ta là thi sĩ, trên ba mươi người ta “làm thơ”. Có lẽ Thanh Tùng không nằm trong thông lệ ấy. Lúc nào anh cũng “ba muơi”, và giờ đây lại càng “ba mươi” với một mối tình “nguyên sơ gió và nguyên sơ nắng”. Anh còn tuyên bố rất kinh: “Tôi đã bị hai người đàn bà bỏ, nhưng tôi quyết không để Nàng Thơ bỏ tôi!”. Anh vẫn suốt ngày lang thang, mê mệt với nàng thơ, chỉ “rình” cơ hội để bắt thiên hạ nghe thơ. Nhiều bạn bè ganh tị với anh đấy, Thanh Tùng ạ.

                                                                Mùa hoa phượng 2001