Có thể nói LHP quốc tế Mátscơva là một liên hoan phim quốc tế duyên nợ nhất với điện ảnh VN. Ngay từ LHP lần thư nhất năm 1959, điện ảnh VN đã có mặt với bộ phim truyện đầu tiên của mình – “Chung một giòng sông”. Tiếp theo là những giải thưởng cao quý như: Giải Bạc cho phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Giải nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang trong phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” và đỉnh cao là Giải Vàng cho phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến năm 1981. Một loạt giải thưởng cao khác trong lĩnh vực Tài liệu như “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Đầu sóng ngọn gió”, “Những người săn thú trên đỉnh núi Đăk Sao” v.v… Trước đây đoàn điện ảnh VN bao giờ cũng là một trong những đoàn điện ảnh hùng hậu nhất tại LHP này (trên dưới 20 người). Nhưng từ ngày Liên bang Xô viết giải thể, điện ảnh VN hoàn toàn vắng bóng.



LIÊN HOAN PHIM MÁTSCƠVA 2017

ĐẶNG NHẬT MINH

Đã từ lâu tôi mong ước có ngày trở lại thăm nước Nga , nơi đã đào tạo tôi trong 2 năm (1955-1956 ) để trở thành phiên dịch Nga văn. Tôi vẫn còn nhớ đinh ninh hai câu thơ của Mai-a-cốp-ski mà tôi được học trong lớp và rất hãnh diện:
Cho dù tôi là một ông già da đen cao tuổi.
Tôi vẫn học tiếng Nga - tiếng của Lê nin!
Bỗng nhiên ước mơ đó trở thành hiện thực khi tháng 6 vừa qua tôi nhận được thư của BTC Liên hoan phim Mát scơ va  mời làm Chủ tịch Ban Giám khảo của Giải NETPAC chấm phim Châu Á ( một trong 4 giải thưởng song song bên cạnh giải thưởng chính là Giải George Vàng dành cho các phim chính thức dự thi). Tôi từng tham dự nhiều LHP quốc tế, nhưng đây là lần tôi hồi hộp mong chờ nhất. Kể từ lần cuối cùng đến đây với bộ phim “Hà Nội – Mùa đông 46” đến nay đã 20 năm trôi qua.  20 năm qua tôi chẳng có tin tức gì về nó. Báo chí VN tràn ngập tin về các LHP Cannes, Venise, Berlin … về lễ trao giải Osca r bên Mỹ  … nhưng không một giòng nào về LHP Mát scơ va!
Một chút lịch sử
LHP quốc tế Mátscơva ra đời năm 1935 là một trong hai LHP quốc tế lâu đời nhất chỉ sau LHP Venise của Ý ra đời năm 1932. Sau đó nó bị gián đoạn bởi chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mãi đến năm 1959 mới khôi phục lại và được gọi là LHP quốc tế Mát cơ va lần thứ nhất. Thoạt đầu tổ chức 2 năm một lần vào những năm lẻ. Đến năm 1995 thì tổ chức hàng năm. Năm nay đã là LHP lần thứ 39.
Dưới thời Liên bang Xô viết, LHP quốc tế Mát scơ va do GOSKINO ( Ủy ban điện ảnh có thế lực ngang một Bộ ) tổ chức như một sự kiện văn hóa lớn bởi như Lê Nin từng nói: Trong tất cả cá nghệ thuất thì điện ảnh là quan trọng nhất. Toàn bộ kinh phí của LHP do Nhà nước đài thọ. Nay GOSKINO đã  giải thể , Bộ Văn hóa Nga cùng Tòa thị chính thành phố Mátscơva là hai cơ quan hỗ trợ chính cho LHP bên cạnh rất nhiều nhà tài trợ khác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế. LHP quốc tế Mát scơ va cũng được xã hội hóa như bao hoạt động văn hóa khác ở Nga. Quy mô và hình thức tổ chức bây giờ không rầm rộ bằng trước. Không có các chuyến đi tham quan cho các đại biểu, không có phong bì cho các khách mời cũng như thù lao cho các thành viên BGK. Tuy vậy qua vài con số sau đây ta có thể thấy LHP Mát scơ va vẫn là một trong những LHP hạng A bề thế: 406 phim đến từ 64 quốc gia, 35.000 khán giả đến xem phim trong thời gian LHP, 8069 người tham dự ( trong số đó 2233 nhà báo và 5836 khách mời)
Duyên nợ với điện ảnh Việt nam
Có thể nói LHP quốc tế Mátscơva là một liên hoan phim quốc tế duyên nợ nhất với điện ảnh VN. Ngay từ LHP lần thư nhất năm 1959, điện ảnh VN đã có mặt với bộ phim truyện đầu tiên của mình – “Chung một giòng sông”. Tiếp theo là những giải thưởng cao quý như: Giải Bạc cho phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Giải nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang trong phim “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” và đỉnh cao là Giải Vàng cho phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến năm 1981. Một loạt giải thưởng cao khác trong lĩnh vực Tài liệu như “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Đầu sóng ngọn gió”, “Những người săn thú trên đỉnh núi Đăk Sao” v.v…
Trước đây đoàn điện ảnh VN bao giờ cũng là một trong những đoàn điện ảnh hùng hậu nhất tại LHP này (trên dưới 20 người). Nhưng từ ngày Liên bang Xô viết giải thể, điện ảnh VN hoàn toàn vắng bóng. Đã 20 năm nay không có một phim VN nào được giới thiệu tại đây, cho dù trong những chương trình phụ. Trong khi đó tại LHP năm nay các nước Đông Nam Á khác đều có phim. Tôi ngạc nhiên thấy trong chương trình có đến 3 phim của Cộng hòa nhân dân Triều Tiên. Rõ ràng điện ảnh VN một thời oanh liêt, nay hầu như đã bị lãng quên tại diễn đàn điện ảnh quan trọng này. Sự hiện diện của tôi ở đây không phải là một gạch nối giữa LHP này và điện ảnh VN.  Tôi chỉ là người được tổ chức NETPAC ( tổ chức xúc tiến điện ảnh Châu Á ) tiến cử và được LHP chấp nhận như người đại diện của tổ chức đó.
Trở lại Mát scơva 
Đón tôi ở sân bay là cô Sasha, người được phân công làm thư ký cho Ban Giám khảo NETPAC. Đường từ sân bay về thành phố khá xa. Xe chạy qua tượng đài đánh dấu tuyến phòng thủ bảo vệ Mátscơva trong chiến tranh vệ quốc. Cách đây 73 năm các chiến sỹ Hồng quân sau khi dự lễ duyệt binh 1/5  trên Hồng trường đã đi thẳng ra trận tuyến này, để chặn quân Đức ngay sát cửa ngõ thủ đô. Thử tưởng tượng ngày ấy Mátscơva thất thủ thì nhân loại ngày nay ra sao, nước Nga sẽ ra sao… Nhưng điều đó may mắn đã không xẩy ra và hôm nay tôi đang trở lại Mát scơ va với bao ký ức về một thời nước Nga xa xôi.
Đó là nước Nga của những năm 50 khi đoàn 100 các học sinh VN chúng tôi được cử sang Mátscơva để học tiếng Nga. Tôi không có cái may mắn được học tại trường Đại học điên ảnh LX ( VGIK ) như nhiều nhà điện ảnh VN khác. Tôi chỉ được học tiếng Nga có 2 năm, nhưng ký ức của tôi đầy ắp những kỷ niệm không bao giờ phai mờ cho đến ngày nay. Tất cả những gì ở đây đối với tôi đều thân thuộc lạ lùng, mặc dù Mátscơva  thay đổi rất nhiều. Vẫn còn đó Hồng trường, Lăng Lê nin, Ngọn lửa vĩnh cửu, Bức tường Krem lin với những tháp nhọn gắn ngôi sao đỏ, cửa hàng bách hóa Gum, nhà hát Bônsôi …. Vẫn còn đó bờ sông Mátscơva nơi Bôrít và Vêrônica gặp nhau trong tác phẩm bất hủ “Khi đàn sếu bay qua”. Điều đập vào mắt tôi trước tiên là những đại lộ thênh thang, sạch sẽ với những dòng xe bất tận… Những tòa nhà cao tầng, những dòng người mải miết đi trên hè phố hay dưới metro mà gương mặt ai cũng bình tĩnh tự tin. Có cảm tưởng những khó khăn về kinh tế chưa in hằn trên gương mặt họ.

                                


Một tuần Liên hoan phim
Ban giám khảo NETPAC có 4 người: Ngoài tôi, có nhà phê bình phim Mỹ, nhà đạo diễn Nga và một sư nữ kiêm đạo diễn người Hàn quốc. Ban tổ chức LHP đã chọn ra 12 phim châu Á để chúng tôi trao giải NETPAC cho 1 phim hay nhất. Mỗi ngày xem 2 phim, có ngày xem 3 phim. Công việc không đến nỗi vất vả, ngoại trừ ngày cuối cùng xem 3 phim với một phim đen trắng của Philippine dài 4 tiếng đồng hồ (xem từ lúc 8 giờ tối cho đến 12 giờ đêm mới xong). Nhưng đó lại là phim để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Phim có tên “Người đàn bà đã ra đi”. Vì phim vừa được giải thưởng tại LHP Venise hai tháng trước nên chúng tôi quyết định dành giải NETPAC cho một phim của đạo diễn trẻ Hàn quốc có tên là “Người bình thường” (Ordinary person ). Cái tên phim nghe hiền như vậy nhưng phim lại dữ dội, không bình thường chút nào. Thoạt đầu tưởng đây là một phim điều tra hình sự với nhân vật chính là một viên cảnh sát điều tra tội phạm. Nhưng càng về sau phim lại mang yếu tố xã hội sâu sắc, lên án sự cấu kết giữa các thế lực đen tối và giới tòa án trong một thể chế độc tài ở Nam Triều tiên trước đây. Diễn viên nam chính của phim này còn được giải của Ban giám khảo chính của LHP cho vai diễn của mình. Ngoài những phim châu Á có nhiệm vụ phải xem, tôi tranh thủ xem một số phim mới của điện ảnh Nga. Nhìn chung những phim đó đều tiếp nối cái mạch chung của điện ảnh Xô Viết trước đây mà tôi đã biết: đó là đề cập đến những vấn đề xã hội, gần gũi với cuộc sống, với những con người bình thường… Tôi tò mò muốn biết điện ảnh Nga có làm các phim thương mại giải trí như ở ta không?  Nhưng trong LHP này tôi không thấy. Nói chung ở các LHP khác loại phim này cũng không được giới thiệu, vì nó không phải là dòng phim chủ đạo của điện ảnh thế giới nên họ không quan tâm.
Theo thông lệ của các LHP quốc tế, các giải song song của LHP được trao tại cuộc họp báo vào buổi sáng trước đêm bế mạc. Lễ bế mạc chỉ dành để công bố các giải cho các phim chính thức dự thi.  Cũng như các Liên hoan phim ở ta,  lễ bế mạc cũng có thảm đỏ cùng 3 tiết mục văn nghệ .  Không có cảnh từng đôi nam nữ khoác tay nhau lên bóc phong bì công bố giải. Công bố giải là việc của các Trưởng Ban giám khảo, những người có đủ tư cách nhất để công bố và nói lý do trao giải. Giải George Vàng (mang tên vị Thánh bảo hộ cho thủ đô Mátscơva ) được trao cho phim của Trung Quốc có tên “Chim mào nhọn”. Nhân vật chính của phim là một nhà báo đi điều tra về một giống chim quý hiếm ở quê hương mình. Khi lên nhận giải, đạo diễn Qiao Liang hy vọng những vấn đề về sinh thái sẽ được cải thiện ở Trung Quốc.
 Năm nay LHP có thêm một Giải thưởng mới: Giải của Thị trưởng thành phố Mátscơva vì “Xây dựng hình ảnh thủ đô trong điện ảnh”. Giải nhất được trao cho phim “Về tình yêu “ của nữ đạo diễn  Ana Melinkian kèm theo 5 triệu rúp ( tương đương 80.000 đô la ). Giải nhì kèm theo 3 triệu và giải ba kèm theo 2 triệu rúp. Đây là giải thưởng duy nhất có kèm theo hiện vật tại LHP.

                                          


Màn trao giải cuối cùng - Giải Stanislapski dành cho toàn bộ sự nghiệp diễn xuất của một diễn viên. Khi Chủ tịch Liên hoan phim - đạo diễn Nikita Mikhalcov xướng tên Michel Placido, diễn viên Ý nổi tiếng với vai thanh tra Catania trong phim “Bạch tuộc”, một phim không xa lạ gì với khán giả Nga và cả thế giới trong đó có Việt Nam, thì cả hội trường vỡ òa trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Placido coi đây là phần thưởng cao quý nhất, ngang với giải Oscar,  bởi Stanislapski là người thầy của tất cả các diễn viên trên thế giới bất kể Ý, Pháp,  Nga hay Mỹ… Không một diễn viên nào không biết đến phương pháp diễn xuất của Stanislapski. Ông buồn rầu nhắc lại rằng chỉ một tuần trước đây nước Ý cùng với các nước khác trong Liên minh châu Âu đã quyết định gia hạn trừng phat nước Nga thêm 6 tháng nữa, rồi ông nói: “Vậy mà hôm nay các bạn lại trao cho tôi cái phần thưởng cao quý này. Thật bất công. Tôi cảm thấy xấu hổ”. Nikita Mikhalcov liền ôm lấy Placiido, nói to: “Không có sự trừng phạt nào giữa các nghệ sỹ chúng ta. Chúng ta đáp trả sự trừng phạt đó bằng sự sáng tạo”. Có lẽ đấy là giây phút ấn tượng nhất mà tôi có được trong đêm kết thúc LHP Mát scơ va lần thứ 39.
Ngày cuối cùng trước khi về nước tôi thăm lại Hồng trường. Chỉ có những viên đá lát ở đây là những chứng nhân về những biến thiên đã diễn ra trên đất nước này trong hàng thế kỷ qua. Lăng Lê Nin nay không có lính bồng súng đứng gác hai bên như ngày trước. Nghi thức đó chỉ dành cho nơi lưu giữ ngọn lửa vĩnh cửu nằm dưới chân tường điện Kremlin để tưởng nhớ tới hàng triệu người con đã ngã xuống để ngăn chặn cho nhân loại khỏi họa phát xít. Cái chiến công này là vĩnh cửu. Nhân loại còn mãi mãi ghi ơn họ.