15 năm nay tôi không dự giải Văn nghệ Hạ Long (5 năm xét một lần) của UBND tỉnh Quảng Ninh. Giải này do chính tôi khởi xướng từ 1975 và vì thế được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Việc không tham gia giải, có anh em bảo tôi kiêu ngạo vì đã được Giải thưởng Nhà nước đợt 2 trao năm 2007 nên không thèm “chung” với anh em. Đã thế, lần này bà vợ tôi, một tác giả địa phương cũng dự giải Văn nghệ Hạ Long. Gần 50 tập thơ dự qua ba vòng chấm, chọn được nhiều nhất 9 tập, thì hai tập là của hai chúng tôi. Điều đó, dù có hợp lí cũng không hợp tình. Một số anh em không có giải rất không vui, ý kiến này nọ, tôi đã đề nghị xin rút nhưng đồng chí có trách nhiệm bảo như thế là không nên. Dẫn đến “phản ứng” càng mạnh. Bản thân tôi không hề bực bội hay nói năng bất cứ câu gì, chỉ lặng lẽ lắng nghe và cho là lỗi đầu tiên ở mình, khi có thành tựu có thể nói là cao và tuổi đã già mà còn “dại”.


CHIA SẺ XUNG QUANH TẬP THƠ “THÀNH PHỐ DỊU DÀNG” BỊ ĐÌNH CHỈ PHÁT HÀNH
TRẦN NHUẬN MINH
Ngày 25/5, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành kí công văn gửi NXB Hội Nhà văn về tập thơ Thành phố dịu dàng trong đó viết: “Tập thơ là những hồi tưởng về quá khứ, miêu tả cuộc sống, số phận với sự đôn hậu, chân thành xen lẫn day dứt xót xa. Tuy nhiên qua kiểm tra lưu chiểu, Cục phát hiện hai bài thơ Lúc ấy và Những điều ấy có cách viết chủ quan, không phù hợp”. Cục đề nghị NXB đình chỉ phát hành cuốn sách để chỉnh sửa hai bài trên. Như vậy sách của tôi bị “đình chỉ phát hành để sửa chữa hai bài thơ”, không phải bị thu hồi như nhiều trang mạng thông tin.
Tôi, Trần Nhuận Minh có chút chia sẻ với bạn đọc về vụ việc quanh tập thơ của mình:
Trước hết, tập thơ in năm 2015, sau gần 2 năm không còn sách, nên  “đình chỉ phát hành” là không khả thi.
Thứ hai, nhận xét tập thơ trong công văn của Cục là rất phải chăng, việc đánh giá tập thơ về tổng thể như vậy là rất đúng. Tôi xin cảm ơn.
Thứ ba, với tinh thần cầu thị, tôi xin nói rõ thêm về hai bài thơ này.
Bài thứ nhất:
NHỮNG ĐIỀU ẤY...
Yêu ai thì bịa cho họ lắm điều hay
Ghét ai thì vu cho họ nhiều lầm lỗi
Tôi nhận ra những điều ấy trong sách giáo khoa
Dạy các thế hệ trẻ con về sự trung thực…
Bài thơ này tôi viết trong tình huống đang viết báo về một số tướng lĩnh thuộc dòng họ tôi ở thời Trần được thờ phụng ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, tập hợp trong cuốn Thời gian lên tiếng. Tôi xin nói là tôi chỉ quan tâm đến thời Trần và chỉ hai nơi này mà thôi. Ngay Nam Định và Thái Bình, quê gốc họ Trần, tôi cũng chưa bao giờ đụng đến. Hai nơi đó ở xa tôi, không làm tôi “bức xúc”, khi các phương tiện thông tin đại chúng trong lễ hội và cả sách giáo khoa luôn sáng tác thêm cho các vị ấy.Ví  như ghi Trần Quốc Tảng đóng quân ở Cửa Ông, từ Cửa Ông đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc Bạch Đằng vào trận Bạch Đằng, năm 1288, rồi ông chết, theo thuyền thuyết dân gian là ở làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm (Hải Dương) thì lại ghi làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm nay là phường Cẩm Phú, Cẩm Phả.
 “Những điều ấy” tồn tại đã vài chục năm trong các loại sách “dùng trong nhà trường” mà tôi ghi một tên chung là “sách giáo khoa”. Nghĩ lại cách gọi này, đúng là “chủ quan và không phù hợp”. Gần đây sách lại ghi Trần Quốc Tảng đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ trên biển Vân Đồn, mà bất cứ ai cũng biết đó là điều “bịa tạc”.
Rồi Trần Quốc Nghiễn, theo tôi biết chả liên quan gì đến Quảng Ninh thì ghi là ông được phong đất ở Hòn Gai bây giờ và đã chết ở đây. Những cuộc tế lễ rất oai nghiêm và các cuộc rước rất linh đình dọc nhiều tuyến đường trước đông đảo dân phố.
Tôi rất ủng hộ việc thờ phụng và các lễ hội, chỉ không ủng hộ khi bịa thêm cho các vị ấy. Rồi Trần Hưng Đạo phải về tận nhà Trương Hán Siêu ở Ninh Bình để hỏi kế đánh giặc và được ghi là Trương Hán Siêu đã mách  cho Trần Hưng Đạo kế làm vườn không nhà trống, thành ra mưu lược thiên tài của Trần Hưng Đạo mà ta vẫn học té  ra là của Trương Hán Siêu.
“Những điều ấy” và tương tự như thế  nhiều không kể xiết, tôi gọi là “sử thổ phỉ ”, ví với “than thổ phỉ”, mà những năm 80 của thế kỉ trước, Thủ tướng phải về tận nơi mới dẹp được.
Trong mục “Ý kiến nhà văn” đăng báo Văn Nghệ gần đây, tôi có đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp để chấm dứt tình trạng này. “Những điều ấy” được tôi viết tiếp tường tận hơn trong cuốn Đi tìm sự thật  vừa phát hành. Cũng vẫn về các tướng lĩnh nhà Trần ấy mà thôi.
Tôi luôn bị ám ảnh bởi “những điều ấy” và suốt hơn 20 năm nay, với tất cả lòng chân thành và học hỏi, tôi luôn chứng minh nó không hề có thật. “ Những điều ấy” tôi đã nói, viết, đăng báo in sách nhiều lần và  được nhiều người ủng hộ, trong đó có các trí thức tên tuổi. Tôi đang muốn đi đến tận cùng điều đang theo đuổi này và đã trình bày trong lần gặp Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Trong cuốn Đi tìm sự thật  vừa ra, tôi còn in luôn cả thư tôi gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “ những điều ấy” với 10 hạng mục in chữ đậm, từ trang 259 đến 261. Việc đang được tiến hành và tôi tin mình đúng (ít nhất “cơ bản là đúng”), và mình là người có công phát hiện cho Đảng bộ Quảng Ninh và Đảng bộ Hải Dương, hai quê hương sống và chết của tôi, về “những điều ấy”.  Chứ tôi đâu có ý định viết, đặt lại vấn đề giá trị lịch sử cách mạng từ trước đến nay như ai đó nhầm tưởng.
Bài thứ hai:                                              
LÚC ẤY...
Một học sinh lớp 12 đuổi đâm thầy giáo
Anh chạy theo can và bất ngờ bị đâm thủng ngực
Lúc ấy trên truyền hình đang có cuộc mít tinh
Ca ngợi nền giáo dục của chúng ta vô cùng ưu việt...
Bài thơ này tôi “ghi tại chỗ” như một nét nhật kí phóng viên. Vốn là nhà giáo tôi vô cùng đau lòng. Thực ra bên cạnh rất nhiều thành tựu của ngành giáo dục thì những việc xấu, buồn còn lớn hơn thế nhiều, được báo chí và truyền hình phản ánh.
Thứ tư, về sáng tác, tôi theo phương pháp truyền thống trong cả ý tưởng và kết cấu nghệ thuật. Để lạ hóa, tôi học cách “cắt dán” của thơ hiện đại phương Tây, “cắt” cái thật đen của hiện thực này, “dán” vào bên cạnh cái thật trắng của ý tưởng kia, để làm nổi bật tính cảnh báo của vấn đề. Cả hai bài thơ trên đều thực hiện theo cách này, và  trong trường hợp này, có lẽ tôi đã không thành công. Còn nhận xét của Cục xuất bản về hai bài thơ này là một cách nhìn nhận và đánh giá tôi rất trân trọng nhưng chỉ là một cách hiểu trong nhiều cách hiểu của bạn đọc mà thôi.
Thứ năm, về phép ứng xử, tôi rất thiếu kinh nghiệm. 15 năm nay tôi không dự giải Văn nghệ Hạ Long (5 năm xét một lần) của UBND tỉnh Quảng Ninh. Giải này do chính tôi khởi xướng từ 1975 và vì thế được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Việc không tham gia giải, có anh em bảo tôi kiêu ngạo vì đã được Giải thưởng Nhà nước đợt 2 trao năm 2007 nên không thèm “chung” với anh em. Đã thế, lần này bà vợ tôi, một tác giả địa phương cũng dự giải Văn nghệ Hạ Long. Gần 50 tập thơ dự qua ba vòng chấm, chọn được nhiều nhất 9 tập, thì hai tập là của hai chúng tôi. Điều đó, dù có hợp lí cũng không hợp tình. Một số anh em không có giải rất không vui, ý kiến này nọ, tôi đã đề nghị xin rút nhưng đồng chí có trách nhiệm bảo như thế là không nên. Dẫn đến “phản ứng” càng mạnh. Bản thân tôi không hề bực bội hay nói năng bất cứ câu gì, chỉ lặng lẽ lắng nghe và cho là lỗi đầu tiên ở mình, khi có thành tựu có thể nói là cao và tuổi đã già mà còn “dại”.



Nguồn: Tiền Phong