Nhận định về sự mất giá của thơ hiện nay, một nhà văn kể lại rằng, khi đi cùng đồng nghiệp là các nhà thơ mà được ai đó giới thiệu “nhà thơ” thì rất ngại, thậm chí có những người còn cười. Hình ảnh này khác hẳn mấy chục năm về trước, mỗi khi ai đó được giới thiệu là nhà thơ thì thế nào cũng mọi người cũng nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, suýt xoa và người đó khó mà không đứng lên đọc dăm ba câu thơ cho mọi người nghe. Nhà thơ thời đấy vừa cao siêu, vừa lãng mạn. Còn bây giờ, ai mà đọc thơ thì chỉ có nước bỏ tiền ra đãi người ngồi nghe mà vẫn nơm nớp lo người nghe bỏ về bất cứ lúc nào. Và nhà văn này cho rằng, nhiều nhà thơ hiện nay đã có cách để các nhà thơ tự cứu lấy mình khá hiệu quả là… chuyển sang viết văn xuôi.


Để thơ “đỡ mất giá”, nhiều nhà thơ chuyển sang viết… văn xuôi!
HÀ ANH
Nếu như văn học Việt thường bị xem là “đi sau” so với các xu thế văn học thế giới thì việc nắm bắt xu thế văn học nước ngoài là rất cần thiết. Thế nhưng, việc giới thiệu thơ nước ngoài tại Việt Nam lại rất hiếm hoi.
Vừa qua, một loạt hoạt động Những ngày văn học châu Âu 2017 vừa diễn ra khá sôi nổi với các hoạt động xem phim, đọc sách, giới thiệu sách, giao lưu tác giả - tác phẩm... Các tác phẩm văn học tới từ 8 quốc gia châu Âu có nền văn học lâu đời như Anh, Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch… đã được giới thiệu đến độc giả Việt Nam.
Trong số các chương trình kể trên thì thơ chỉ được giới thiệu rất khiêm tốn với sự giới thiệu của nhà thơ Đức Jan Wagner sẽ ngâm thơ trích từ tập thơ được giải thưởng “Biến tấu thùng nước mưa“ theo cách ngâm thơ truyền thống của Việt Nam, đồng thời nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc trình bày một số bài thơ của ông theo các hình thức sân khấu truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, chiếm phần lớn là các chương trình giới thiệu, giao lưu về tác phẩm văn xuôi, sách kỹ năng, kiến thức...
Tại trang văn học nước ngoài của tạp chí Văn nghệ Quân đội, một nhà văn tiết lộ là thơ cũng rất hiếm được giới thiệu. Khoảng 10 số tạp chí thì có khi mới có một số giới thiệu thơ của tác giả nước ngoài. Tuy nhiên, những tiểu luận về thơ nước ngoài thì tạp chí đăng tải thường xuyên.
Tương tự, trang văn học nước ngoài trên tuần báo Văn nghệ cũng phần lớn giới thiệu tiểu luận về thơ hơn là việc chỉ giới thiệu bài thơ của các tác giả nước ngoài.
Tiểu luận về thơ đưa ra các xu hướng, quan điểm về thơ. Tuy nhiên là theo “cách nhìn” của một ai đó. Nói cách khác “một ai đó” “đọc hộ” thơ nước ngoài rồi nêu quan điểm chứ không phải để mọi người cùng đọc thơ và đưa ra quan điểm riêng của mình.
Nhìn sang các cửa hàng sách để tìm một tập thơ nước ngoài thì quả thực không dễ chút nào. May mà thơ trong nước cũng sáng sủa hơn một chút khi độc giả vẫn còn tìm đọc những tên tuổi nổi tiếng, những tập thơ đi cùng năm tháng còn hữu ích cho tuổi thơ, cho các tiết học với các kỳ thi đang chờ phía trước… Nhưng đấy chỉ là những phần trăm rất nhỏ thơ được hiện diện trong các cửa hàng sách còn phần lớn không bán được.
Tuy nhiên, một thực tế ở trong nước là người người làm thơ, nhà nhà in thơ, những tập thơ ở tầm mức câu lạc bộ vẫn in đều đều và chiếm số lượng lớn so với các thể loại văn học khác. Nhưng những tập thơ này phần lớn in xong chỉ đi tặng, làm kỷ niệm… Và vì nhiều người làm thơ quá, thơ bị bão hòa, thơ không hay lấn át nên thơ ngày càng mất giá và ngày càng khó bán. Nếu chỉ đơn thuần để đi tặng thì thơ luôn đi đầu, nhưng nếu để thành văn hóa phẩm tham gia mua - bán thì thơ luôn đi sau. 
Nói về nhuận bút giữa thơ và văn xuôi thì thấy rõ mức chênh lệch cho cái gọi là sự “kém giá” của thơ. Cùng là một tác phẩm thơ và văn xuôi nhưng văn xuôi bao giờ cũng có mức giá cao hơn tối thiểu gấp vài lần. Dù thấp hơn vài lần song thơ vẫn còn được hiện diện ở một số ấn phẩm, chứ một số ấn phẩm chỉ có không đăng thơ hoặc “đợi đến tết” mới thấy thơ. Chả thế mà một nhà văn trẻ có lần chia sẻ một cách thật thà mà ngẫm ra cũng không kém phần chua xót khi nói lý do chuyển từ thơ sang văn xuôi là vì nhuận bút thơ thấp.
Nhận định về sự mất giá của thơ hiện nay, một nhà văn kể lại rằng, khi đi cùng đồng nghiệp là các nhà thơ mà được ai đó giới thiệu “nhà thơ” thì rất ngại, thậm chí có những người còn cười. Hình ảnh này khác hẳn mấy chục năm về trước, mỗi khi ai đó được giới thiệu là nhà thơ thì thế nào cũng mọi người cũng nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, suýt xoa và người đó khó mà không đứng lên đọc dăm ba câu thơ cho mọi người nghe. Nhà thơ thời đấy vừa cao siêu, vừa lãng mạn. Còn bây giờ, ai mà đọc thơ thì chỉ có nước bỏ tiền ra đãi người ngồi nghe mà vẫn nơm nớp lo người nghe bỏ về bất cứ lúc nào. 
Và nhà văn này cho rằng, nhiều nhà thơ hiện nay đã có cách để các nhà thơ tự cứu lấy mình khá hiệu quả là… chuyển sang viết văn xuôi. Một đặc điểm không khó nhận ra là nếu nhà văn nào có xuất phát điểm viết văn xuôi thì khó mà “tạt té” sang viết thơ. Và với sự thất sủng của thơ hiện nay thì họ càng không rẽ sang làm thơ. Còn những người cầm bút nào viết văn xuôi mà có khả năng viết được thơ thì phần lớn họ có xuất phát điểm từ thơ, nên dù có chuyển sang văn xuôi thì đôi khi vẫn nhớ thơ mà không thể không viết.



Nguồn: Văn Học Quê Nhà