Paustovsky là chứng nhân của ba cuộc chiến tranh và hai cuộc cách mạng-tất cả những gì mắt thấy tai nghe đã được ông ghi khá can đảm trong những cuốn tự truyện của ông. Paustovsky là bậc thày của việc miêu tả phong cảnh, đồng thời cũng là bậc thày của thứ văn chương đề cập tới tâm lý của con người. Nhà văn Nga, Giải thưởng Nobel- Ivan Bunhin hết sức ca ngợi ông. Còn nữ minh tinh màn bạc của Hollywood, gốc Đức Marlene Dietrich đã từng quỳ gối trước ông để bày tỏ sự cảm phục. Nhiều người gọi ông là “Bác sỹ Paust” –danh xưng ấy bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Ngày 31 tháng 5 năm 2017 vừa qua là dịp kỷ niệm sinh nhật K.Paustovsky lần thứ 125.




NGƯỜI ĐÃ HỤT MẤT GIẢI NOBEL VĂN HỌC NĂM 1965

TÔ HOÀNG


MỘT THIÊN TÀI NGOÀI ĐẢNG
            Hôm nay, nhiều truyện ngắn, truyện vừa của K.Paustovsky đã được xếp vào chương trình văn học bậc trung học tại nước Nga. Đọc những trang của truyện vừa “Meshcherskaya Storona” ( 1939 ) những cô cậu học sinh bây giờ liệu có nghĩ được nghĩ được rằng, tác giả không chỉ là nhà văn có nhiều bạn đọc nhất ở Liên Bang Xô Viết ( theo kết quả điều tra xã hội học năm 1963) mà còn là mẫu mực của tính trung thực và sự mực thước.
            Trong thời kỳ độc đoán Stalin, K.Paustovsky không viết một dòng nào về “người bạn và vị lãnh tụ của nhân dân”. Nhà văn cũng chưa bao giờ đứng trong đội ngũ các đảng viên của đảng, chưa từng là ủy viên của các hội đồng muôn màu muôn vẻ, thậm chí K.Paustovsky còn không chịu ký vào bất cứ một bức thư nào tố giác hoặc bôi nhọ những nhà văn đồng nghiệp. Hơn thế, vào năm 1967, tác giả của truyện “ Bánh mì nóng” còn lên tiếng ủng hộ bức thư của Solzhenitsyn yêu cầu hãy hủy bỏ chế độ kiểm duyệt các tác phẩm văn học. Cùng với nhà văn Coria Tsukovsky, K.Paustovsky đã phát biểu bảo vệ hai nhà văn Andrei Sinhiavsky va Yuli bị kết tội vì việc tác phẩm in ở phương Tây.Cả ngay khi đã ốm nặng, K. Paustovsky cũng viết một lá thư gửi Aleksei Cosưghin, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước yêu cầu hãy thả ngay Giám đốc Nhà hát Tagan Yuri Liubimov đang bị giam giữ: “Paustovsky đang nằm chờ chết xin được nói chuyện cùng Thủ tướng. Tôi van xin ông hãy ngừng ngay việc đốn chặt các giá trị văn hóa của xứ sở chúng ta. Nếu các ông vẫn cầm tù Liubimov, nhà hát sẽ sụp đổ, sự nghiệp lớn sẽ tiêu tan” Và yêu cầu của nhà văn đã được chấp nhận.
            Đáng tiếc rằng những chiến tích âm thầm của một nhà văn tầm vóc như ông lại mang lại cho chính ông những hậu quả không ngờ. Những giải thưởng quốc gia, những tấm huân chương không bao giờ được trao tặng cho ông. Và năm 1965, tên tuổi của ông cũng lọt ra ngoài danh sách những nhà văn Nga-Xô viết được xét để trao tặng Giải Nobel văn học.
            Đến hôm nay, như mọi người đã rõ, chính Viện Hàn Lâm Khoa học BaLan đã tiến cử K.Paustovsky cho giải thưởng danh gia này, nhưng Chính phủ Xô Viết đã tìm mọi cách để thuyết phục Hội đồng xét thương Giải Nobel loại bỏ tên ông trong danh sách đề cử. Và giải thưởng năm ấy đã thuộc về một nhà văn Xô Viết khác-Mikhail Solokhov!
            Thư ký văn học của K.Paustovsky Valeri Druzbinsky đã kể lại, trước ngày trao giải, tại Thụy Điển và Italy cũng đã chuẩn bị việc xuất bản những tác phẩm của K.Paustovsky trong seri văn học nhận giải Nobel. Bản thân nhà văn cũng đã nhận được một số bản in thử của lần xuât bản này.
            Trong cuốn sách “Từ điển văn học Nga thế kỷ 20” nhà nghiên cứu tiếng Slavơ người Đức rât nổi tiếng Volfrang Kazak đã viết về chuyện xẩy ra như sau: “Dự kiến trao giải Nobel cho K.Paustovsky vào năm 1965 không diễn ra, bởi chính quyền Xô Viết lên tiếng đe dọa Thụy Điển sẽ có những trng phạt về kinh tế. Và như thế giải Nobel đã được trao cho một tầm cỡ văn chương Xô Viết khác- Mikhail Solokhov”.   
MƠ ƯỚC CỦA MARLENE DIETRICH
Tiếng tăm thế giới đã tới với K.Paustovsky vào giữa những năm 1950 khi ông có điều kiện du ngoạn châu Âu. Nhà văn Nga đã tới Bungary, Tiệp khắc, BaLan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Đan Mạch, Italy cũng như thăm nhiều thành phố khác ở nước ngoài như Paris, Aphina…
            Marlene Dietrich- gốc Đức, một nữ minh tinh màn bạc Hollywood của những năm đầu thế kỷ 20 đã đọc truyện ngắn “Bức điện” của K.Paustovsky và đã nhận xét như sau: Tôi chưa từng đọc một truyện ngắn của nhà văn nào khác buộc tôi không thể quên được như truyện ngắn này”. Trong lần tới biểu diển ở Moskva vào năm 1964, bà có nguyện vọng ấp ủ nhất là được gặp nhà văn –tác giả của “Bức điện” và coi là một diễn phúc nếu mong muốn đó được thực hiện. Những bức ảnh ghi lại phút giây Marlene Dietrich sụp qùy trước K.Paustovsky, hôn tay ông đã gây ấn tượng mạnh và mau chóng truyền lan khắp thế giới.
            Nữ diễn viên đoạt giải Oscar này ghi lại trong cuốn tự truyện cả một chương về cuộc gặp gỡ K.Paustovsky tại Trung tâm văn học ở Moskva. Bà viết: “Vừa kết thúc phần trình diễn, tôi xin nán lại sân khấu. Và đột nhiên Paustovsky theo các bậc thang bước lên. Tôi đã sửng sốt vì sự xuất hiện của ông đến nỗi không kịp nhớ lấy một tiếng Nga nào; không còn biết cách bày tỏ sự ngưỡng một của mình mà chỉ còn biết quỳ sụp xuống..Tiếc rằng tôi gặp ông quá muộn…”.
            Cuộc gặp gỡ giữa hai người diễn ra không lâu thì K.Paustovsky lâm bệnh và từ trần. Ông mắc chứng hen xuyễn và bị xung huyết mấy lần. Trong buổi biểu diễn của Marlene Dietrich “Bác sỹ Paust” đúng là đã rời bệnh viện đến dự trong sự tháp tùng của mấy bác sỹ.
KHÔNG ĐƯỢC GIỮ GÌN..
“Cuộc đời nhà văn của tôi đã bắt đầu khi tôi nẩy sinh ý muốn được biết mọi chuyện, được nhìn thấy mọi vật, được đi đây đó. Và phần đời ấy cũng sẽ kết thúc khi trong tôi chấm hết những khả năng kia”- K.Paustovsky đã viết như vậy. Ông sinh tại Moskva, tuổi trẻ trôi qua ở Kiev, sau đó ông lại trở về sống, làm việc tại Moskva. Những năm cuối đời ông sống tại thành phố nhỏ Tarusa, từ nơi này ông cho xuât bản hai tập “Những cơn chấn động” và “Những trang viết ở Tarusa”. Trên báo Văn học K.Paustovsky đã viết những bài phóng sự và các nhà văn Nga bị chính quyền ác cảm như Ivan Bunhin, Marina Svetaieva, Osif Mandelstam..cũng như về tác phẩm của các tác giả trẻ không lọt qua được cửa kiểm duyệt như Nhicolai Zabolosky, Bulad Okudzava, David Samoilov..Đáng tiếc tập sách tuyển những bài viết này không chỉ được những bạn đọc giàu nghĩ suy quan tâm mà còn bị cac quan chức đầu đất sét chú ý tới. Họ ra đòn trừng trị nhà xuất bản; thu hồi và thiêu hủy tập sách. 
            Sau ngày Boris Pasternak qua đời, K.Paustovsky viết: “ Chúng ta không biết gìn giữ báu vật này-nhà thơ Nga vĩ đại, người đã làm vẻ vang nước Nga trên khắp thế giới. Chúng ta cũng không biết gìn giữ Puskin, Lermontov, Chekhov, Blok, Esenhin, Mandelstam, Svetaieva, Jabolosky..”. Trong dòng chữ ấy, nên chăng điền thêm chính tên tuổi của K.Paustovsky?
Nhà văn đã trút hơi thở cuối cùng tại Tarusa vào ngày 14 tháng bảy năm 1968. Ba ngày sau, nữ thi sỹ Nga-Xô Viết nổi tiếng Margarita Aliger đã viết nên những dòng thơ xúc động sau đây:
Tarusa tiễn đưa ông xuống huyệt,
Bằng đôi tay nâng, mà không buông bỏ,
Không rú lên những tiếng gào, không chạy lăng xăng..
Chỉ để giọt lệ lăn trên hàng mi.
Và khi mọi người rời đi hết, chỉ Tarusa ở lại với ông,
Đất trời nổi cơn giông gió…


 ( Nguồn “ Luận chứng và Sự kiện” LB Nga )