Truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa có thể xếp vào mảng sách Sài Gòn xưa. Trong trào lưu viết về văn hóa Sài Gòn đang khá xôm tụ, Lê Văn Nghĩa thành công hơn các tác giả khác. Bởi lẽ, tác phẩm của anh hội đủ ba yếu tố: không gian Sài Gòn, ký ức Sài Gòn và ngôn ngữ Sài Gòn. Cuốn “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” có nội dung đúng như tên gọi, gắn kết ba đối tượng thẩm mỹ “tụi lớp Nhứt trường Bình Tây” gồm Lượm, Hải, Vân, Cảnh, Són… với con chó nhỏ Mót và cây viết máy Pilot. Tâm tính học trò mỗi đứa một khác, và mỗi đứa đều ảnh hưởng từ môi trường giáo dục của gia đình. Đối tượng thẩm mỹ thứ nhất này có lẽ sẽ không có gì náo động, nếu hai đối tượng thẩm mỹ còn lại là con chó nhỏ Mót và cây viết máy Pilot không tình cờ bị mất tích...



ĐÁNH THỨC VẺ ĐẸP TUỔI THƠ

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà văn Lê Văn Nghĩa từ lâu đã được xem là một cây bút chuyên nghiệp ở thể loại hài hước và châm biếm. Bỗng dưng, anh chuyển sang viết truyện thiếu nhi với một vệt cảm xúc rất riêng biệt. Sau hai cuốn “Mùa hè năm Petrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, nhà văn Lê Văn Nghĩa tiếp tục có cuốn “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” vẫn khai thác những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ.
“Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” ngắn hơn “Mùa hè năm Petrus” về số trang, và cũng ngắn hơn “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy” về… cái tựa. Thế nhưng, “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” lại có cấu trúc mạch lạc và lối viết sinh động hơn hẳn hai cuốn trước. Chứng tỏ nhà văn Lê Văn Nghĩa đang tâm đắc với dòng văn chương này, cho chính mình và cho những ai từng có những năm tháng hồn nhiên tươi đẹp!

Truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa có thể xếp vào mảng sách Sài Gòn xưa. Trong trào lưu viết về văn hóa Sài Gòn đang khá xôm tụ, Lê Văn Nghĩa thành công hơn các tác giả khác. Bởi lẽ, tác phẩm của anh hội đủ ba yếu tố: không gian Sài Gòn, ký ức Sài Gòn và ngôn ngữ Sài Gòn. Cuốn “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” có nội dung đúng như tên gọi, gắn kết ba đối tượng thẩm mỹ “tụi lớp Nhứt trường Bình Tây” gồm Lượm, Hải, Vân, Cảnh, Són… với con chó nhỏ Mót và cây viết máy Pilot. Tâm tính học trò mỗi đứa một khác, và mỗi đứa đều ảnh hưởng từ môi trường giáo dục của gia đình. Đối tượng thẩm mỹ thứ nhất này có lẽ sẽ không có gì náo động, nếu hai đối tượng thẩm mỹ còn lại là con chó nhỏ Mót và cây viết máy Pilot không tình cờ bị mất tích. Vì đố kỵ và muốn vu vạ, Vân lấy cây viết máy Pilot của Són bỏ vào cặp Hải, nhưng lại bỏ nhầm vào cặp Lượm. Vì muốn chuộc con chó Mót bị bắt trộm, Lượm phát hiện cây viết máy Pilot thất lạc nhưng không trả lại mà đem bán. Mâu thuẫn của trẻ em được giải quyết bằng sự trong sáng của trẻ em. Những người lớn xung quanh, dù là thầy cô hoặc bố mẹ, cũng chỉ mang tính xúc tác. Chính sự lương thiện của trẻ em giúp những rắc rối trở thành kỷ niệm mơ màng và tươi tắn. 

Cái hay của “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” không nằm ở tình huống ly kỳ hoặc gây cấn, mà nằm ở những nét độc đáo của hai tuyến nhân vật. Tuyến thứ nhất là lũ trẻ con, mà tiêu biểu nhất là thằng Cảnh “hù” muốn nối nghiệp cha làm cảnh sát! Tuyến thứ hai là những người hành nghề dạo, như ông hớt tóc hoặc ông thợ nhuộm!

Viết dí dỏm và chia ra làm nhiều chương ngắn rất dễ đọc, nhưng “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” không chỉ để thưởng thức cho vui. Hồn vía cuốn sách được chi phối bởi lũ trẻ con rất yêu thương con chó nhỏ Mót, đến mức thằng Lượm nhìn người đàn ông mua chó bằng những liên tưởng bảo vệ thú nuôi thân thuộc “thấy cái nón cối nhựa ông đang đội không che được gương mặt loắt choắt còn hơi con chó với hàm răng hô, ám khói nhoi ra khỏi đôi môi dày thâm xì. Ông ta mặc cái quần soóc mà nó không biết là màu nâu hay màu đen, để lộ ra đôi chân gầy khẳng khiu giống như chân chó cò. Chiếc áo thu ba lỗ đầy mồ hôi, dán chặt vào người lòi ra cả bẹ sườn như những con chó đói…” và thằng Hải thì hiên ngang đọc một bài học thuộc lòng để ngăn chặn nguy cơ con Mót bị làm thịt “Chính quyền vừa có lệnh hay. Khuyên dân đừng chén thịt cầy dã man. Chó là giống vật khôn ngoan. Giúp người không quản thiệt hơn bao giờ. Chủ dù nghèo xác nghèo xơ. Trung thành chó chẳng bao giờ bỏ đi…”. Còn cái sâu lắng của cuốn sách là tinh thần độ lượng và nhân ái trong việc uốn nắn trẻ em. Trước nguy cơ Hải không được đóng vai Trần Quốc Toản trong vở kịch của trường vì bị nghi ngờ ăn cắp cây viết máy, nhiều bạn học đã lên tiếng minh oan cho Hải, khiến cô giáo An Khê suy tư: “Con người, đôi lúc, chỉ muốn nghe điều họ muốn nghe. Con Mai- chỉ là bạn thôi mà nó còn giữ được niềm tin nơi bạn. Còn mình, mình là cô giáo lại không hiểu và không tin học trò hay sao?”.

“Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” mang lại nhiều thú vị cho độc giả, cả thiếu nhi và người lớn. Vì cái thế giới trẻ em ấy, nhiều người đang được nếm trải và đã được nếm trải với những dư âm ngọt ngào. Chính vì giá trị ấy mà cuốn sách có một hạn chế ở phần… chú thích. Cuốn sách không ít chú thích, có chú thích cần thiết như “phá hỏa” là “từ dùng trong cờ bạc, chỉ người có nhiệm vụ chung hoặc gom tiền sòng bầu cua”. Tuy nhiên, cũng có những chú thích không cần thiết, như Cầu Bót là “chợ ở đường Phạm Phú Thứ, quận 6”, như rạp hát bóng Lê Ngọc “giờ không còn nữa”, thậm chí cũng không nên nhiệt tình cung cấp thông tin “năm 1966, một USD giá 80 đồng, vàng 11 ngàn đồng/ lượng, một trứng vịt giá 4 đồng”. Vì sao? Vì “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” là tác phẩm văn học, chứ không phải sách tư liệu hoặc sách nghiên cứu. Những chú thích không cần thiết, sẽ làm bó hẹp sức tưởng tượng của người đọc. Với một tác phẩm văn học, không gian tác giả đưa ra không nhằm ép buộc độc giả phải tìm hiểu về không gian ấy, mà mục đích khơi mở cho độc giả về không gian họ từng có hoặc không gian họ nghĩ đến. Với một cuốn truyện thiếu nhi, không chỉ có ý nghĩa đánh thức ký ức học trò của người viết, mà quan trọng hơn là đánh thức vẻ đẹp tuổi thơ của người đọc! Trong truyện thiếu nhi này, trường Bình Tây phải được định vị như một biểu tượng nghệ thuật, mà khi đọc sẽ khiến người ta xúc cảm về nơi người ta từng gắn bó như trường Bà Điểm, trường Củ Chi hoặc trường Giồng Ông Tố! Thậm chí, tác giả có phải quyền hy vọng rằng, mình viết về trường Bình Tây ở Sài Gòn để độc giả thêm yêu mái trường xiêu vẹo ở miệt thứ U Minh Thượng – Kiên Giang hoặc yêu mái trường chênh vênh ở cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang!