Trao đổi cùng tác giả Hoàng Anh Sướng, anh cho biết, cuốn sách thực chất là một tuyển tập các phóng sự được anh viết nên từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Những phóng sự này cũng đã được đăng dài kỳ trên báo “Tuổi trẻ & Đời sống” trong suốt một thời gian dài. Vì thuộc thể loại phóng sự nên anh trung thành với mọi chi tiết thật, diễn ra trong cuộc sống. Chi tiết được cho là “dâm ô” trong bài viết là về một gia đình làm nghề đồ tể, về một con người từ bé đã chỉ quen với việc giết lợn, uống tiết lợn, sống bản năng, thất học và vô đạo. Tác giả nhấn mạnh, anh phải dựng một nhân vật vô đạo ra vô đạo, không biết sợ nhân quả báo ứng là gì. Để từ đó người đọc sẽ rút ra bài học cho chính bản thân mình, làm việc gì cũng có quỷ thần hai vai chứng giám. Hãy sống thiện, làm việc thiện và nghĩ thiện. Hoàng Anh Sướng cho biết thêm, toàn bộ những lời nói được cho là tục tĩu kia anh để cho nhân vật đồ tể nói.



Cuốn sách bị "tố" dâm thư: Tục-thanh phân định thế nào?

QUỲNH VÂN

Chính thức ra mắt từ tháng 4-2017, tập phóng sự tâm linh “Những chuyện có thật về nhân quả và phật pháp nhiệm màu” của tác giả Hoàng Anh Sướng bỗng gây ồn ào và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi đề cập đến một số bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, một vài quan điểm nhấn mạnh “cuốn sách dâm ô và tục tĩu”, trong khi đó, cũng có nhiều người cho rằng, chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ.Có phải là “dâm thư”?

Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu" - tác giả Hoàng Anh Sướng do NXB Hội nhà văn cấp phép xuất bản, công ty Limbook (Hà Nội) phát hành. Sách có độ dày 352 trang, nội dung chính gồm 3 phần. Phần 1: "Nghiệp báo sát sinh". Phần 2: "Nghiệp báo nạo phá thai". Phần 3: "Nghiệp báo phá đình chùa, mồ mả".
Không chỉ dùng ngôn ngữ một cách rất thẳng, cùng với nhiều chi tiết gây “sốc”, ở mẩu chuyện nhỏ kể về những cái chết rùng rợn, bi thương của một gia đình ba đời làm nghề đồ tể, tác giả trích nguyên lời nhân vật, trong đó gọi thẳng tên dân gian của bộ phận sinh dục nữ hay chẳng ngại ngần gì nói chuyện sinh hoạt vợ chồng, trai gái. Nếu đây đơn thuần là một tập phóng sự hay một tập truyện ngắn thì có lẽ sẽ không vấn đề gì. Tuy nhiên, những mẩu chuyện kể trên lại được tập hợp trong một cuốn sách mà nhiều độc giả nằm lòng rằng, đó là một cuốn sách về đề tài Phật giáo.
Trao đổi cùng tác giả Hoàng Anh Sướng, anh cho biết, cuốn sách thực chất là một tuyển tập các phóng sự được anh viết nên từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Những phóng sự này cũng đã được đăng dài kỳ trên báo “Tuổi trẻ & Đời sống” trong suốt một thời gian dài. Vì thuộc thể loại phóng sự nên anh trung thành với mọi chi tiết thật, diễn ra trong cuộc sống. Chi tiết được cho là “dâm ô” trong bài viết là về một gia đình làm nghề đồ tể, về một con người từ bé đã chỉ quen với việc giết lợn, uống tiết lợn, sống bản năng, thất học và vô đạo. Tác giả nhấn mạnh, anh phải dựng một nhân vật vô đạo ra vô đạo, không biết sợ nhân quả báo ứng là gì. Để từ đó người đọc sẽ rút ra bài học cho chính bản thân mình, làm việc gì cũng có quỷ thần hai vai chứng giám. Hãy sống thiện, làm việc thiện và nghĩ thiện. Hoàng Anh Sướng cho biết thêm, toàn bộ những lời nói được cho là tục tĩu kia anh để cho nhân vật đồ tể nói.
Trao đổi cùng phóng viên ANTĐ, tác giả Hoàng Anh Sướng cho biết, anh rất ngạc nhiên, khi bỗng dưng sách của anh bị gắn mác “dâm ô”, anh cho rằng, đó là một sự quy chụp thiếu thuyết phục đồng thời bày tỏ mong muốn: “Xin mọi người hãy đọc cho hết cuốn sách 352 trang của tôi rồi có gì hãy bình luận, đừng vì 2 trang mà vội kết luận”.
Tục- thanh phân định thế nào?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, ranh giới "tục - thanh" rất khó phân định. Trong trường hợp này, tác giả sử dụng những từ ngữ miêu tả nhằm mục đích tốt, vì vậy, ông không phản đối.
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn bày tỏ quan điểm, bất cứ câu chuyện nào phản ánh đời sống con người, thì luôn có lời kể và lời thoại. Lời kể và lời thoại có tiêu chuẩn thẩm mỹ khác nhau. Trong một chỉnh thể văn bản, lời thoại không thể đánh đồng với lời kể. Tác giả càng lành nghề, thì lời thoại càng mang đậm đặc điểm của nhân vật, và càng xa lạ với lời kể. Nếu viết lời thoại của một cô gái điếm giống hệt lời thoại của một ông giáo sư, thì tác giả hãy vứt bút đi cho nhanh. “Khen chê một cuốn sách "dâm ô" không đơn giản chút nào”- Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn kết luận.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn cho biết, ông đang đọc lại cuốn sách này để có thể hiểu được thấu đáo sự việc, cũng như tinh thần của cuốn sách. Chưa thể khẳng định đúng sai vì như thế là vội vàng, trong 1-2 hôm tới, khi ông đọc xong cuốn sách sẽ có những trao đổi chính thức cùng báo chí. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cũng cho biết, Cục đã nắm được thông tin này và đang cho rà soát, thẩm định lại thật kỹ. Nếu sai đương nhiên phải xử phạt. Tuy nhiên, ông Hòa bày tỏ quan điểm, khoảng cách giữa thanh- tục đôi khi phải căn cứ vào ngữ cảnh. Lời nói đó được đặt chỗ nào, trong hoàn cảnh nào.


Nguồn: An Ninh Thủ Đô