Phạm Tiến Duật còn có hẳn một bài thơ: "Quảng cáo cho máy đuổi muỗi nhãn hiệu Jumbo". Bài thơ có cái tên rất hiện đại, thơ cũng viết về đề tài hiện đại: “Cứ cắm điện vào muỗi sẽ bay đi hết. Cái máy kỳ diệu này của hãng Jumbo. Xua đuổi muỗi phải đốt lá xoan tươi và giẻ rách. Nay thế kỷ văn minh kỹ nghệ dư thừa… Không chỉ đuổi muỗi đâu khi cần Jumbo đuổi hết. Những kẻ vãng lai lảng vảng ở quanh nhà. Những kẻ ăn xin, những thằng kẻ trộm. Những tên vô công rỗi nghề tán tỉnh quanh ta’. Đề tài trên thật khó viết, tác giả lại tự nhận mình là người quảng cáo cho máy đuổi muỗi Jumbo nữa.



 CON KIẾN, CON MUỖI VÀ… THƠ

NGUYỄN ĐỨC MẬU

Có bốn câu ca dao từ xa xưa, hẳn ai cũng nhớ cũng thuộc: "Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt leo vào leo ra...". Bài ca dao nối vần, có thể đọc đi đọc lại vần điệu vẫn chưa dứt. Hẳn tác giả khuyết danh kia muốn nói tới sự quẩn quanh, quanh quẩn không chỉ ở con kiến mà còn ở trong tạo vật cuộc đời. Con kiến gặp cành đa cụt, cành đào cụt, nó leo ra leo vào, leo hết ngày này sang ngày kia, có khi như cái đường đi luẩn quẩn đã định trước của con kiến.
Trong bài "Trời mưa ở Huế", Nguyễn Bính có những đoạn tả chân mà lồng được tâm trạng riêng. Giữa khung cảnh ngày mưa, ông nhìn thấy mây mờ ở trên trời, nhìn thấy cả đàn kiến trên thềm cũ:
...Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Trời mờ ngao ngán một loài mây
Tràng Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập đá mênh mang bến nước đầy...
Bốn câu trên, đọc kỹ, càng thấy khung cảnh buồn bã trong ngày mưa hiện ra, thấm sâu vào tâm hồn. Tác giả sử dụng những cặp từ đối nhau, đồng điệu về cảnh trí, lòng người. Những cặp từ: "Thềm cũ nôn nao”; “Trời mờ ngao ngán”; “Đàn kiến đói”; “Một loài mây" vừa đối lập nhau, vừa điêu luyện về bút pháp, vừa truyền tải được tâm trạng. Bài "Trời mưa ở Huế", Nguyễn Bính viết năm 1941, viết trong những ngày mưa mà ông là khách trọ giang hồ. Bài "Chiều thu", Nguyễn Bính viết năm 1959 thiên về tả cảnh, tinh tế trong cảm xúc, quan sát:
Lá thấp, cành cao gió đuổi nhau
Cuối vườn rụng vội chiếc mo cau
Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác
Đàn kiến trường chinh tự thủa nào.
Đoạn thơ có gió đuổi nhau nơi cành thấp cành cao, có chiếc mo cau rụng vội, có trái na mở mắt, có đàn kiến trường chinh. Một bức tranh, với những nét vẽ cụ thể đến từng chi tiết nhỏ bỗng hiện ra trước mắt người đọc.
Tôi lại nhớ bài thơ "Em đi về phía biển của Phạm Tiến Duật. Bài thơ nhắc đến nỗi cô đơn của một người đàn ông phải ở nhà một mình. Cô đơn, vẩn vơ buồn, tác giả thốt lên: "Anh ở nhà với tường và với kiến/ Em đi xa hun hút biển như xanh.../ Người cũ kỹ bỗng nhiên anh cảm thấy/ Con kiến trên tường cũng cũ kỹ như anh". Nếu bận rộn về công việc, nếu không buồn không nhớ, mấy ai chú ý tới con kiến trên tường? Phạm Tiến Duật dùng con kiến mà chuyển tải được tâm tình tạo nên cái hay, cái độc đáo của bài thơ.
Con kiến trong ca dao Việt Nam, con kiến trong thơ của Nguyễn Bính, Phạm Tiến Duật… Còn rất nhiều những câu thơ có hình bóng con kiến mà tôi không thể dẫn chứng hết. 
Tôi có một anh bạn là nhà thơ. Trong một lần ngồi đàm đạo về thơ, anh có nói với tôi rằng anh đã và đang viết một trường ca: "Kiến". Quả thật đó là ý nghĩ độc đáo, anh đọc thử cho tôi nghe một đoạn dài, tôi thấy hay. Anh cứ viết, viết cho hết mình, rồi sửa chữa và viết tiếp, trường ca mà viết dầm dề thì khó tạo được cảm xúc liền mạch lắm. Mong sao dòng chữ của anh đừng như đàn kiến bị chết trong bản nháp mà chúng nối nhau hàng nọ hàng kia đi vào trí nhớ người đọc.
Đã nói về con kiến, lại xin được phép nhàn đàm về con muỗi ở trong thơ. Trong bài thơ "Đêm ở Đồng Tháp Mười", tôi nói về cảnh các chiến sĩ ngủ trên mảng lục bình kết lại thay giường. Giấc ngủ giữa một vùng thiên nhiên sông nước, trải ra mơ mộng, có hương sen, có trăng vàng, có tiếng cá quẫy, tôm búng càng và có cả tiếng muỗi:
Giữa đồng lầy không cây mắc võng
Lục bình lót dày tự tạo chiếc giường con
Tiếng muỗi kéo đêm ra từng sợi mỏng
Gió quyện sương, giọt hương rơi tròn
Bài thơ "Đêm ở Đồng Tháp Mười", tôi viết năm 1974, câu thơ: "Tiếng muỗi kéo đêm ra từng sợi mỏng" chỉ dừng ở mức quan sát tinh tế, chẳng có gì đáng bàn về nghệ thuật. Bài thơ "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật, có đoạn thơ nói về tình cảm của anh lái xe với cô thanh niên xung phong:
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?
Ở đoạn thơ trên cái câu khó diễn đạt nhất lại là câu hay nhất: "Muỗi bay rừng già cho dài tay áo". Phạm Tiến Duật vốn là nhà thơ thông minh, giỏi đưa chi tiết vốn sống vào thơ. Người lái xe muốn được chia sẻ với người con gái thanh niên xung phong phải vất vả gánh gạo giữa mùa mưa trong rừng. Đã mưa nhiều thì muỗi lắm, cho nên người con gái phải thả dài tay áo để muỗi khỏi đốt. Cái ý ấy thật thô mộc, có gì là thơ đâu, ngay đến đưa vào văn xuôi cũng khó, cũng rất dễ sa vào lủng củng huống hồ là thơ. Vâng, chỉ một câu thơ thôi, Phạm Tiến Duật đã gói gọn được ý mình muốn diễn đạt: "Muỗi bay rừng già cho dài tay áo". Câu thơ ngổn ngang chất liệu đời sống mà hay, giản dị mà thật khó viết.
Cũng xin nói thêm, sau này, Phạm Tiến Duật còn có hẳn một bài thơ: "Quảng cáo cho máy đuổi muỗi nhãn hiệu Jumbo". Bài thơ có cái tên rất hiện đại, thơ cũng viết về đề tài hiện đại:
Cứ cắm điện vào muỗi sẽ bay đi hết
Cái máy kỳ diệu này của hãng Jumbo
Xua đuổi muỗi phải đốt lá xoan tươi và giẻ rách
Nay thế kỷ văn minh kỹ nghệ dư thừa
...
Không chỉ đuổi muỗi đâu khi cần Jumbo đuổi hết
Những kẻ vãng lai lảng vảng ở quanh nhà
Những kẻ ăn xin, những thằng kẻ trộm
Những tên vô công rỗi nghề tán tỉnh quanh ta.
Đề tài trên thật khó viết, tác giả lại tự nhận mình là người quảng cáo cho máy đuổi muỗi Jumbo nữa. Tôi đọc bài thơ nhiều lần, thấy lạ, thấy thông minh nhưng chưa thấy rung động. Có lẽ bài thơ này Phạm Tiến Duật nghĩ quá, lý trí quá chăng?
Có một bài thơ liên ngâm của Nguyễn Bính và Vũ Hoàng Chương viết năm 1941 khi cùng nhà văn Tô Hoài đi thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở ga Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Thơ liên ngâm, Nguyễn Bính đọc trước, Vũ Hoàng Chương nối vần theo, được viết theo thể thất ngôn bát cú, vần điệu, nhịp bằng trắc chỉn chu, chặt chẽ. Tôi nhớ nhất câu thơ Vũ Hoàng Chương nói về cảnh mấy văn nghệ sĩ nằm thức đêm, đợi sáng:
Nằm muỗi qua đêm chờ sáng vậy
Còi xe phóng hỏa xé màn sương.
Chữ "Nằm muỗi qua đêm" hay, hàm súc. Nếu như người làm thơ bậc trung thì chỉ biết diễn tả: nằm qua đêm chịu muỗi đốt chờ đến sáng. Câu chữ được dồn nén, hiệu quả truyền đạt, sự phát sáng của thơ càng cao. Dẫu là thơ liên ngâm, người đọc thơ nhận ngay ra sự gạn lọc của tác giả trong cách sử dụng ngôn từ.
Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh là một trong những thành viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời trai trẻ, ông rời quê ra Bắc đi theo kháng chiến rồi về sống, làm việc ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội đến cuối đời. Ngoài tập truyện ngắn "Quê mẹ" và một số bài thơ trữ tình khác, Thanh Tịnh còn có tài làm ca dao, diễn xuất độc tấu với những tiết mục tự biên độc đáo. Thanh Tịnh viết về con muỗi bằng thể loại lục bát, pha chút hóm hỉnh, hài hước:
Vì mày, tao phải đánh tao
Vì tao, tao phải đánh tao đánh mày.
Câu thơ nôm na, gần với quần chúng, đọc rồi nhớ ngay. Ngoài cái ý "diệt muỗi" ra, hẳn Thanh Tịnh còn muốn nhắn nhủ điều gì với bạn đọc?
Nhân đây cũng xin nhắc tới một kỷ niệm nhỏ. Hồi sang Mỹ, tôi có đọc bài thơ "Nhật ký trong cơn sốt"cho các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ nghe. Bài thơ đã được nhà thơ Kenvin Bowen và nhà thơ Nguyễn Bá Chung người Mỹ gốc Việt dịch sẵn sang tiếng Anh. Trong đoạn thơ nói về sốt rét, tôi có viết:
Tuổi trẻ anh qua vùng rừng nước độc
Con suối Trường Sơn lá mục rơi đầy
Căn hầm võng nước mưa, đêm khuya ngồi đập muỗi
Chân không giày, gỡ vắt đỏ bàn tay
Tưởng tất cả tan thành cơn sốt
Tất cả hằn trên da mặt anh đây
Môi anh sạm vầng trăng đêm nguyệt thực
Mắt anh nhòa đi sông núi cũng hao gầy...
Khi đọc xong phần thơ của mình, một nhà thơ Mỹ hỏi tôi: "Hồi chiến tranh, ông có bị sốt rét không?". Tôi trả lời: "Đã vào chiến trường, ai cũng bị sốt rét". Nhà thơ Mỹ kể rằng, hồi ở Việt Nam, ông là lính bộ binh, đóng quân chủ yếu ở rừng. Rừng nhiệt đới Việt Nam thật khủng khiếp ghê rợn, may mà ông còn sống sót. Ông có viết thơ, viết theo dạng nhật ký chiến tranh.
Trong số những bài thơ ông làm, ông nhớ nhất là bài thơ "Con muỗi". Bài thơ không dài, có thể tóm tắt nội dung như sau: Cuộc chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam là phi lý. Ông ví Tổng thống Mỹ giống như con muỗi độc chuyên hút máu người. Con muỗi hút máu những người lính Mỹ và cả những người lính Việt cộng. Bài thơ "Con muỗi" của nhà thơ Mỹ tôi không thuộc câu nhưng nhớ ý, tứ thơ độc đáo và cách nói thật táo bạo, trực diện.
Thực ra, mọi đề tài chất liệu cuộc sống, thơ đều dung nạp được cả. Nói như nhà thơ Uýt Man: "Thơ có mặt ở mọi nơi, trừ ở những bài thơ tồi…". Con kiến, con muỗi - những sinh linh vô cùng bé nhỏ đã đi vào thơ ca một cách tự nhiên. Nhà thơ có thể viết về con voi, con kiến, con muỗi nhưng không có nghĩa viết về con voi thì ý tưởng lớn, viết về con kiến, con muỗi thì ý tưởng nhỏ. Nếu là thơ hay, con kiến con muỗi ngôn từ kia sẽ sống động, lung linh trong trí nhớ mỗi người.