Cách nay gần nửa thế kỷ, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin đã làm rung chuyển văn đàn Việt Nam với tuyển tập truyện trào phúng “Những người thích đùa” với lối viết hóm hỉnh nhưng đau thấu tận xương về đời người, về thời đại, về nhân tình thế thái. Trong số những mẩu chuyện dung dị đời thường, hẳn nhiều người còn nhớ một truyện ngắn có tựa đề “Cái kính”, nói về một người đàn ông sống trong xã hội có quá nhiều kẻ tuyên ngôn nhưng không biết mình đang nói gì và buộc ông phải đeo kính để định hướng tầm nhìn. Rồi một ngày đẹp trời, vô tình cái kính ông đeo bỗng dưng bị vỡ toác, ông ngạc nhiên thấy mình có thể tự do nhìn thấy mọi thứ, điều không thể có được thời còn đeo kính. Nếu có sống lại, Aziz Nesin hẳn phải tròn mắt nghe thấy câu chuyện của mình tự nhiên ứng nghiệm trong đời thực ở một đất nước xa xôi như Việt Nam.



CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA

BÍCH AN

Thứ nhất là chuyện thu phí tác quyền âm nhạc, một chuyện với ông chỉ là chuyện nhỏ giải quyết “trong một nốt nhạc”, song lại to chuyện ở Việt Nam vốn dĩ thích mở volume hết cỡ cả những thứ cần chất trữ tình, sâu lắng. Chuyện bắt đầu từ một công văn nhỏ nhắn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) yêu cầu các khách sạn Đà Nẵng nộp phí 25.000 đồng/tivi/năm dù có bật truyền hình hay không bật truyền hình, dù mục đích có là kinh doanh hay không kinh doanh, dù công năng chỉ để ngủ hay không ngủ… tất tật cứ phải nộp tiền trước theo kiểu “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”.
Đã có 2 cuộc họp khẩn sau khi công luận dậy sóng về chuyện này với sự tham dự của khổ chủ và đại diện cơ quan quản lý nhà nước là Cục Bản quyền Tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Nếu như trong buổi họp đầu tiên - thực chất là họp báo - để minh họa cho phát biểu của ông chủ tịch VCPMC “không biết luật mà cứ lu loa”. Cả hai cơ quan có trách nhiệm quản lãnh vực âm nhạc đều đồng nhất ý kiến mình làm là đúng pháp luật và phía khách sạn phải có nghĩa vụ trả tiền, tuy phía Cục Bản quyền Tác giả có thòng câu nói muôn thủơ là “phải thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình”. Nhưng sau một đêm suy nghĩ chuyện 7 nốt nhạc và cái giá 25.000 đồng, tại cuộc họp thứ hai chỉ có đôi bên liên quan, phía bộ chủ quản đã yêu cầu VCPMC tạm dừng việc triển khai thu phí tác quyền âm nhạc, nghĩa là từng nốt nhạc rốt cục đã có hiệu ứng âm thanh với những người phải đeo kính dày cộp như trong chuyện của Aziz Nesin. Và quyết định sáng suốt được đưa ra trong thời gian ngắn kỷ lục.

 Chuyện thứ hai, còn xảy ra trước chuyện thứ nhất là chuyện cho phép phổ biến 300 ca khúc “nhạc đỏ” đã được hát vang lừng khắp nơi từ hồi còn chưa thành lập Cục Nghệ thuật biểu diễn. Chuyện này còn hay hơn chuyện trước, còn hấp dẫn, ly kỳ hơn khi được phép phổ biến cái đã phổ biến.

 Cả 2 chuyện đều dẫn luật này, luật kia, luật sở hữu trí tuệ của Công ước Bern, luật nước bạn, luật nước ta, ta hòa nhập thì phải xử sự như Tây, ta muốn thành Tây thì phải theo Tây… Thật sự cái lý ai cũng thừa nhận, người ta làm có cái lý của người ta, song còn cái tình thì ít người nghĩ tới. Phải nói rằng cái máy móc, quan liêu, cửa quyền từ lâu đã chà đạp cội nguồn tốt đẹp nhất của truyền thống dân tộc. Và trên hết, thực chất dẫn cái lý - văn bản quy phạm pháp luật - cũng chỉ là biện minh cho lòng tham cá nhân - tham tiền và tham quyền lực. Bởi lẽ không nước nào dám tự hào mình có bộ luật hoàn hảo, vẫn phải sửa suốt đời cho hợp lòng dân, vì tương lai đất nước - như một đại biểu Quốc hội phát biểu đại ý luật còn sửa được huống hồ văn bản dưới luật. Và cũng như chuyện thứ nhất, câu chuyện thứ hai đã kết thúc có hậu khi ông cục trưởng phải đứng ra nhận lỗi, xin lỗi người dân.

 Hai chuyện trên thuộc lãnh vực văn hóa nghệ thuật trừu tượng, nhưng chuyện dưới đây lại thuần túy cá nhân, một chuyện nhỏ về cách ứng xử văn hóa giữa người với người mà buồn thay đã thành phổ biến trong xã hội. Chuyện là thế này: Một cô gái đã ngoài “băm” khá xinh xắn đã thổ lộ cô phải đốp chát nhiều lần chuyện người nào gặp cũng hỏi một câu “bao giờ lấy chồng?”, nó giống một trò chơi bạo lực khi kẻ thủ ác cười khoái trá ngắm nghía con mồi của mình. Cô gái thở dài “chỉ có anh là không hỏi” và ước gì nước mình giống như một số nước Hồi giáo có hình phạt chặt tay kẻ trộm cắp… nhưng phải chặt chém cái gì trong trường hợp thuần túy về phép lịch sự tối thiểu như chuyện này? Nói chuyện nhỏ nhặt đó để thấy 2 chuyện lớn như đã kể ở trên đều xuất phát từ giáo dục, từ văn hóa “thương người như thể thương thân”, nghĩ tới sự thụ hưởng của người khác trước khi nghĩ tới mình…

 Tiếc rằng, văn hóa giao tiếp, văn hóa trách nhiệm, văn hóa thụ hưởng… vẫn còn là mặt hàng xa xỉ trong thời buổi sự thực dụng lên ngôi. Chúng ta đã vào cuộc “giải cứu” dưa hấu, hành tím, heo, trứng gà… giờ đã đến lúc bắt tay thực sự “giải cứu” văn hóa - gốc rễ của mọi vấn đề. Và đó là trách nhiệm không của riêng ai, để không còn những chuyện thật như đùa vậy!


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng