Tôi sinh ra từ một ngôi làng. Tuổi đôi mươi tôi tìm mọi cách để về thành phố. Bao nhiêu ước mơ, khao khát, tôi gửi về phía thành phố. Rồi tôi đi học, lặn lội cơm áo gạo tiền hết nửa đời người. Bao lần buồn bã, thất bại, bao lần cay đắng, bế tắc, cứ muốn thoát khỏi nó, không hiểu sao tôi lại nghĩ đến làng. Về làng. Về gặp mẹ, gặp cha, gặp ký ức tuổi thơ khốn khó. Hơn bốn chục tuổi đầu tôi thực sự tin mình may mắn vì đã được sinh ra từ một ngôi làng. May hơn nữa là được đọc những trang viết của nhiều nhà văn, những người đã củng cố thêm niềm tin cho tôi về giá trị của ký ức. Một trong không nhiều những nhà văn có những trang viết làm tôi thức giấc, đấy là Nguyễn Quang Thiều. Ông, một kẻ yêu ngôi làng của mình đến đắm mê. Ông, một “kẻ rời bỏ thành phố”…



NGUYỄN QUANG THIỀU KẺ RỜI BỎ THÀNH PHỐ

BÌNH NGUYÊN TRANG

Làng Chùa, ngôi làng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã trở lên nổi tiếng. Nó nổi tiếng không phải vì nó là một ngôi làng khác với những ngôi làng khác trên khắp Việt Nam. Nó nổi tiếng vì có một “người làng” như Nguyễn Quang Thiều. Một người cầm bút càng đi xa càng trở về gần, càng đi xa càng không thấy nơi nào có thể sánh bằng ngôi làng của mình, nơi cất giữ những kỷ niệm thời thơ ấu êm đềm của mình. Một người cầm bút luôn nhìn thấy vẻ đẹp của từng ngọn cỏ, từng món ăn, từng hạt muối, từng gương mặt người trong ngôi làng của mình.
Chính Nguyễn Quang Thiều đã làm cho ngôi làng ông sinh ra trở lên nổi tiếng. Bạn đọc đọc những trang viết của ông về làng Chùa và họ cảm thấy yêu thêm ngôi làng của mình, nếu họ may mắn được sinh ra từ một ngôi làng. Và tôi nghĩ, khi mọi người đều trở nên yêu thương đặc biệt mảnh đất mình sinh ra, trân trọng những ký ức thời thơ ấu, họ sẽ sống có trách nhiệm hơn với cội nguồn, truyền thống.  Họ sẽ trở thành những con người nhân văn, nhân ái, và họ là chất keo gắn kết những người xung quanh, cùng giữ gìn và phát triển những giá trị tốt đẹp của đời sống này.
Rất nhiều bạn bè văn chương đã được về thăm ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Quang Thiều ở làng Chùa. Ngôi làng cách trung tâm thành phố Hà Nội không quá xa. Đó là một ngôi nhà đẹp như trong cổ tích. Dường như chủ nhân của ngôi nhà đã muốn biến chính ngôi nhà tuổi thơ khốn khó của mình trở thành một thiên đường. Những cây, hoa, lá, khung cảnh và ánh sáng tạo ra một vẻ nên thơ, trữ tình đặc biệt. Nguyễn Quang Thiều thường trở về ngôi nhà đó mỗi khi cảm thấy đời sống này quá mỏi mệt. Trong một bài trả lời phỏng vấn, khi nói về ngôi làng của mình, ông đã lý giải: “Mỗi người đều có một mối liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng và vừa uy quyền với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thực ra, tôi không thể rành mạch được mối quan hệ này. Nhưng tôi hiểu nó được tạo dựng lên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn hóa, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thuở nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, những mối tình thuở học trò, những người đàn bà tắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm khẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng...  Tất cả những thứ đó đã dựng lên một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm người lương thiện”.
Hạnh phúc và may mắn nhất của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là ông sinh ra ở một ngôi làng không xa Thủ đô là bao. Những “người làng” ở các miền quê xa xôi khác, nếu nhớ quê có thể phải mất ngày mất buổi để trở về, còn Nguyễn Quang Thiều thì có thể về làng mình ngay cả lúc nửa đêm. Khi ông cần yên tĩnh, cần hít thở mùi cố hương, mùi ký ức, ông chỉ cần lái xe non giờ đồng hồ là ngôi nhà của cha mẹ ông hiện ra. Và khi cần phố xá, ông cũng chỉ mất ít hơn chừng đó thời gian là có thể hòa vào sự tấp nập, ồn ào đô thị. Và dù có thể có điều kiện để sống trong những ngôi nhà ở trung tâm Thủ đô, Nguyễn Quang Thiều vẫn chọn Hà Đông, điểm giữa có thể nối ông từ làng ra phố. Và hình như, phần lớn con người trong ông vẫn nghiêng về phía làng, mà không mấy mặn mà với thành phố. Như tên một cuốn sách của ông Kẻ rời bỏ thành phố.
Làng Chùa đã đi vào rất nhiều tác phẩm văn học của Nguyễn Quang Thiều. Nó trở thành niềm cảm hứng lớn đối với ông. Chỉ quanh một ngôi làng tưởng như bé nhỏ của mình, vậy mà ông viết gần suốt một đời văn vẫn chưa hết những bí mật. Bao nhiêu vẻ đẹp mà mỗi ngày ông lại có thể khám phá ra. Làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều vốn còn được mệnh danh là một ngôi làng thơ. Hội thơ làng Chùa đã trở thành một truyền thống. Mỗi người nông dân không chỉ cày cuốc, chân lấm tay bùn trên cánh đồng của mình mà còn là một thi sĩ. Họ làm thơ, đọc thơ, tự nhiên như hít thở khí trời, như một cách để bày tỏ tình yêu của mình với cuộc đời, với đất đai, cây cỏ. 
“Người làng” Nguyễn Quang Thiều sinh ra từ cái nôi văn hóa đó. Thơ ca của ông có mùi của châu thổ, màu của nước con sông Đáy. Ông yêu làng mình, và đó chính là tình yêu gốc rễ nhất để mọi nghệ thuật được sinh ra, được bay bổng. Tôi thường nghe một số người nói, khi còn cha mẹ, họ thường xuyên về làng, và cảm thấy ấm áp vô cùng khi có hình ảnh mẹ cha trong ngôi nhà tuổi thơ thân thương. Nhưng khi cha mẹ mất rồi thì họ ít về làng, bởi mỗi lần về thấy họ bơ vơ, thấy lòng trống trải. Như thể mình đã mất quê hương. Với Nguyễn Quang Thiều thì khác, dù không còn mẹ cha trong ngôi nhà nhỏ, ông vẫn siêng về. Về, chăm sóc lại mảnh vườn, trồng thêm những cái cây, những bụi hoa. Về, sửa sang lại mái nhà, cho mọi thứ luôn tươm tất, sạch đẹp, như ngày cha mẹ còn sống. Và những cuộc trò chuyện bất tận, những cuộc gặp gỡ bất tận với mẹ cha vẫn thường xuyên diễn ra trong ông, trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ. 
Nguyễn Quang Thiều kể, ông thích ngồi trong khu vườn của mẹ vào buổi đêm. Nhất là những đêm trăng sáng. Thậm chí là đêm Ba mươi tết, khi thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới gần đến. Ông ngồi đó, im lặng. Có lúc ông cảm nhận khu vườn rực sáng, rồi thấy cha mình ngồi uống trà dưới gốc cây đào. Có lúc nhà thơ nhìn thấy mẹ của ông đang lúi húi bên luống hoa cải vàng. Người mẹ biết con trai mình là thi sĩ, yêu màu vàng hoa cải nên mỗi mùa cải ra hoa bà vẫn thường để lại một vạt cải rồi gọi con trai về. 
Trong cuốn sách vừa xuất bản của mình, viết về những món ăn làng Chùa, Nguyễn Quang Thiều làm độc giả xao xuyến khi ông kể lại câu chuyện giản dị này. Người con trai trở về khu vườn của mẹ. “Chàng đứng đó im lặng cho tới khi bóng tối phủ kín khu vườn. Một vài vạt cải để làm giống cho mùa sau không làm thay đổi đời sống vật chất của chàng. Nhưng màu vàng của nó đã nuôi lớn một phần tâm hồn chàng. Khi người ta còn nhớ đến những điều bình dị làm nên sự xao động trong tâm hồn, làm nên cảm giác bình yên và cả sự khắc khoải thì người ta còn có những lý do để sống với những điều tốt đẹp và hướng về những điều tốt đẹp”.
Chỉ xung quanh câu chuyện những món ăn làng Chùa mà Nguyễn Quang Thiều viết thành một cuốn sách. Viết về những món ăn mà không chỉ viết về món ăn, dù cho bạn có thể học nấu các món ăn cụ thể đó từ những trang sách. Nhưng cao hơn, trong tinh thần Nguyễn Quang Thiều, món ăn là tín hiệu chỉ dẫn cho những người làng như ông trở về cội nguồn của mình. Ở đó, lấp lánh một nền văn hóa riêng của một người đã lớn lên từ một cánh đồng, ăn những món ăn dân dã, uống nước từ con sông Đáy và vui buồn cùng những người nông dân một nắng hai sương. 
Nguyễn Quang Thiều biết ơn họ qua từng trang sách. Những người nông dân bao đời làm ra mùa màng no ấm cũng chính là những người đã sáng tạo, lưu giữ những món ăn để những người đi xa nhớ đến hương vị của nó là muốn quay trở về. Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông muốn thết đãi bạn bè độc giả của ông một bữa tiệc mà những người nông dân làng ông sẽ làm chủ bữa tiệc đó. Họ đến nấu những món đặc sản của làng. Họ mang theo tình yêu đất đai, tình yêu cuộc sống trong mỗi thao tác nấu ăn. Họ kể với mọi người về làng Chùa của họ, về niềm tự hào của họ.
Tôi cứ nhớ mãi một chi tiết Nguyễn Quang Thiều viết về hạt muối. Có lẽ chưa từng có ai viết về hạt muối trong bữa ăn của người Việt khiến tôi xúc động đến vậy. Người làng Chùa coi trọng hạt muối, suốt cuộc đời mình họ không thể thiếu đĩa muối trên mâm cơm. Dù cho đó là bữa ăn đạm bạc hay bữa cỗ chất ngất món ăn ngon, người ta vẫn không quên một “nghi lễ”. 
Là thỉnh thoảng, họ gắp một hạt muối “đặt cẩn trọng vào bát cơm và nhai một miếng cơm muối rất chậm”. Một cử chỉ giống như tạ ơn trời đất. Một cử chỉ của niềm tin. Và khi đứng một mình trong bóng tối của căn bếp, nhà thơ đặt lên bàn tay mình một hạt muối. Ông bất chợt nhận ra Ánh Sáng. Ánh sáng từ hạt muối có thể còn đẹp hơn ánh sáng của kim cương. Nó là thứ ánh sáng được ban tặng từ thượng đế, và có sức soi rọi lòng người, tình người ghê gớm.
Trong đời một nhà văn, họ có thể viết rất nhiều đề tài khác nhau. Nguyễn Quang Thiều cũng vậy. Nhưng chắc chắn rằng những trang ông viết về ngôi làng của mình có sức ám ảnh tâm trí bạn đọc nhất. Đơn giản vì nó chính là bài ca nguyên thủy nhất vang lên từ trái tim của ông. 
Nguyễn Quang Thiều viết về làng, nhưng thực chất ông đang viết về những giấc mơ của đời người. Con người khi đủ trưởng thành để nhận biết, để nhìn thấy sự thoảng qua của cái đẹp, sự hữu hạn của đời sống, họ càng muốn tìm lại những giấc mơ đã mất. Làng chính là nơi một người có thể tìm lại những giấc mơ của mình. Họ thấy mình cả trong quá khứ và cả trong tương lai.
Không phải như thế, thì tại sao Nguyễn Quang Thiều lại viết: “Có những đêm ngồi trên hiên nhà nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi thấy linh hồn sông Đáy đang trôi trong vũ trụ vô tận, và bên linh hồn của dòng sông là linh hồn của những người làng tôi. Tất cả đang ra đi mang theo những vẻ đẹp giản dị nhưng linh thiêng của một đời sống...”.
Con người thời hiện đại sống đủ đầy trong vật chất nhưng luôn luôn thấy mình cô đơn, vì sao vậy? Phải chăng chúng ta đã đánh mất đi cặp mắt của chính mình, cặp mắt có thể nhìn thấy những giấc mơ, nhận ra những vẻ đẹp giản dị và linh thiêng đó...