Trong cuốn hồi ký nhiều tập “Con người, Năm tháng, Cuộc đời” nhà văn, nhà báo Nga Ilya Erenburg đã phác dựng chân dung nhiều nhà văn hóa lớn. Chịu đi, thông thạo ngoại ngữ, chính kiến mạnh, lại kết giao với khá rộng với giới nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ, nhà quay phim.. nổi tiếng trên thế giới- điều này tạo nên một trong những nét đặc sắc trong những bút ký chân dung của ông… Xin giới thiệu bạn đọc gương mặt của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway…




ILYA ERENBURG KỂ VỀ ERNEST HEMINGWAY

TÔ HOÀNG chọn dịch.

( Gửi tăng những bạn văn trên trang F của tôi: Thái Thăng Long,Nguyễn Thị Thu Trân, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Minh Ngọc, Phạm Minh Lợi, Phùng Thiên Tân….)


Điều đó xẩy ra tại Madrid, vào tháng 3 năm 1937. Tôi ở tại khách sạn Palas cũ, nay đã biến thành một bệnh viện dã chiến. Thương binh rên la, khắp nơi nồng nặc mùi phenon. Các gian buồng không có lò sưởi. Thực phẩm khan hiếm, hệt như ở Moskva vào năm 1920. Cứ thiếp ngủ đi tôi lại mơ thấy được bỏ vào miệng một mẩu bơ.
Vào một buổi chiều tôi quyết định tìm tới khu Gailord, nơi ở của các cố vấn Xô Viết để gặp Colsov. Ở đấy tôi sẽ được sưởi ấm, được ăn no.
Trong các gian phòng nơi Colsov làm việc, lúc nào cũng đông đúc-người quen và người chưa gặp bao giờ. Gailord không chỉ quyến rũ mình tôi. Vừa tới tôi đã nhận ra trên bàn bày sẵn một tảng dăm bông lớn và những chai rượu. Mikhail Efimovist Colsov thì thầm: “Có Hemingway!. Tôi bối rồi và như quên ngay món dăm bông ngon lành.
Mỗi người đều có một nhà văn mà mình yêu quý, coi là thần tượng. Còn hỏi tại sao lại quý yêu nhà văn đó chứ không phải nhà văn khác, câu trả lời cũng khó như phải giải thích tại sao yêu người đàn bà này mà không phải là người đàn bà kia. Trong tất cả các nhà văn hiện đại, tôi yêu quý và đánh giá cao Hemingway hơn cả!
Vào năm 1931, tại Tây Ban Nha Toller có tặng tôi cuốn “Và khi mặt trời mọc” của một nhà văn còn chưa có tiếng tăm.” Hình như viết về Tây Ban Nha, thấy trong sách miêu tả những trận đấu bò tót. Sách có thể giúp bạn khám phá điều gì chăng…” Đọc xong cuốn sách, tôi tìm ngay cuốn “Giã từ vũ khí”. Hemingway đã giúp tôi không chỉ hiểu biết  các cuộc đấu bò tót mà là hiểu biết đời sống nói chung..
Vì thế hỏi tại sao tôi không bối rối được khi nhận ra một con người vóc dáng cao lớn, gương mặt cau có ngồi phía sau một chiếc bàn và đang nhẩn nha nhấp những ngụm rượu uytxki. Tôi bắt đầu tỏ ý ngợi ca ông, điều này chắc làm ông khó chịu nên ông càng cau có hơn. Chai rượu thứ hai được khui ra, cả mấy chai này hóa ra Hemingway mang tới, và ông uống nhiều hơn mọi người ngồi quanh bàn.
Tôi hỏi, hiện ông đang làm gì ở Madrid; ông đáp ông đến đây theo yêu cầu của một tờ báo.Hemingway nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha, còn tôi nói với ông bằng tiếng Pháp.” Ông chỉ chuyển qua telephon về tòa soạn những bài bút ký hay cả tin tức nữa? “-tôi hỏi. Hemingway đứng vụt dạy, vung chai rượu trong tay, cau mặt nhìn tôi: “Tôi biết ngay là cậu định diễu cợt tôi đây mà! “. “Tin tức”- tiếng Pháp là “nouvelles”, mà tiếng Tây Ban Nha “ novellas” là tiểu thuyết. Có ai đó giằng lấy chai rượu từ tay nhà văn. Mọi sự hiểu lầm được sáng tỏ. Cả Hemingway và tôi cười mãi. Hemingway giải thích, ông bực bội với tôi bởi các nhà phê bình thường cho rằng văn chương của ông «  mang phong cách điện tín ». Đến lượt tôi lại cười và nói: Họ cũng nói rằng văn chương của tôi như thứ thịt băm”. Hemingway bổ sung : “Anh còn có một thói xấu nữa là không thích uống uytxki. Rượu vang chỉ làm ta khuây khỏa, uytxki mới thực sự hâm nóng ta lên!”.
Khi đó nhiều người vẫn còn thắc thỏm muốn biết Hemingway thực sự đang làm gì ở Madrid ? Đương nhiên là ông nhà văn này gắn bó với Tây Ban Nha rồi. Đương nhiên là ông căm thù chủ nghĩa phát xít.Ngay trước ngày cuộc chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ, khi người Ý tấn công Ethiopi, Hemingway đã công khai lên tiếng chống sự xâm lược. Nhưng vì sao ông ở lại Madrid ? Ban đầu thì ông cộng tác với đạo diễn Hà Lan Ivens làm một bộ phim, thỉnh thoảng ông gửi những bài phóng sự về Mỹ. Hemingway sống tại khách sạn Florida, trong khu Gran-Via, không xa từ tòa nhà của một trạm bưu điện, nơi đạn pháo của bọn phát xít luôn rót tới. Khách sạn đã bị những mảnh đạn pháo làm thủng mái. Không ai còn ở đây cả, ngoài Hemingway. Ông nấu cà phê bằng những viên cồn khô, ăn cam, uống rượu uytxki và đang viết một vở kịch về tình yêu. Ở Mỹ, tại Florida, ông có một ngôi nhà nhỏ, ở đấy ông có thể làm bất cứ một việc gì : câu cá, ăn bypstec và thanh thản viết vở kịch của mình.Tại Madrid ông luôn luôn bị bỏ đói, nhưng điều này không cản trở gì ông cả. Người ta gọi ông quay về Mỹ, Hemingway giận dữ từ chối bằng những bức điện tín: Tôi ở đây bình thường mà.. ».Ông không thể nào xa cách với không khí của Madrid.Nhà văn như bị sự nguy hiểm, cái chết và những chiến công quyến rũ. 
Tại khu Gailord, Hemingway thường gặp gỡ với những chiến binh của chúng ta.Nhà văn rất thích Hadji, anh lính Hồng quân can trường đã lọt sâu vào hậu phương quân địch để thu thập những tin tức cần thiết ( anh chiến sỹ này quê vùng Kavcas, nên rất giống một người Tây Ban Nha). Rất nhiều điều được Hemingway miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai về các hoạt động của du kích là do Hadji cung cấp chất liệu. ( Thật may sao, sau chiến tranh Hadji vẫn còn sống và nhà văn rất sung sướng được gặp lại anh).
Tôi cũng đã từng sống, làm việc cùng Hemingway ở Gvadalahar.Kiến thức quân sự của ông rất khá nên ông nhanh chóng hiểu mọi việc. Tôi nhớ rõ, Hemingway đã ngắm nghía rất kỹ những quả lựu đạn cầm tay của quân đội Ý, nom giống những trái phúc bồn tử được phóng to, phẩy tay cười : Mình biết rõ những con ốc bươu này rồi!
 Trong Chiến tranh Thế giới I, Hemingway tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ  quân đội Ý-Áo. Ông bị thương nặng bởi những mảnh đạn pháo. Tuy tham gia chiến tranh nhưng ông rất căm ghét nó. Ông rất thích thú khi thấy những người lính Ý quăng súng đi. Fred Henry-nhân vật trong cuốn tiểu thuyết « Giã từ vũ khí » của ông rất tán đồng hành động này. Cuộc chiến tàn khốc, vô nghĩa cùng nền văn minh máy móc hàng ngày đã cuốn vào chảo lửa cả chục ngàn người. Và nhà văn đã đồng tình với nhân vật Fred. Anh ta ( không phải Hemingway mà là Fred Henry) đã yêu một cô gái người Anh tên là Ketrin. Mối tình này, cũng như các mối tình khác trong tiểu thuyết của Hemingway đều là sự hòa quện tuyệt vời giữa cảm xúc và sự trong trắng. Fred đã buông bỏ vũ khí : Tôi quyết định không bao giờ còn nghĩ tới chiến tranh nữa. Tôi ra nhập một thế giới hoàn toàn khác!.
Ấy thế nhưng tại Gvadalahar, trong thành phố của các trường đại học Hemingway đầy thiện cảm ngắm nhìn những khẩu súng máy trong tay những người lính tình nguyện quốc tế. Nhưng người Hy Lạp cổ đại đã nói: Thời gian thay đổi và chúng ta cùng thay đổi với thời gian. Trong một cuộc gặp gỡ, Hemingway đã nói với tôi: Tôi rất mù mờ về chính trị và tôi cũng không thích nó. Nhưng chủ nghĩa phát xít là như thế nào thì tôi biết rõ. Ở Tây Ban Nha này người ta đang cầm súng vì một sự nghiệp trong sáng.
            Hemingway thường xuyên đến với Đạo quân 12 do tướng Lakast- tức nhà văn Hungari Mate Zalka chỉ huy. Trong những năm Thế chiến I, hai người ngồi trong chiến hào của hai chiến tuyến đối lập nhau.Còn tại Madrid bây giờ họ vui vẻ trò chuyện với nhau. «Chiến tranh à ? Thật dơ dáy ! »-Mate Zalka thốt lên giọng buồn buồn. Đúng là như thế!- Im lặng một lát, Hemingway nói tiếp- Bây giờ ông tướng, hãy chỉ cho tôi thấy bọn phát xít bố trí pháo ở những nơi nào!». Hai người ngồi nán lại rất lâu trước tấm bản đồ mở rộng, vạch ngang vạch dọc bởi những đường bút chì xanh, đỏ.
( Tình cờ tôi còn giữ được một bức ảnh nhỏ do Plasno Ibarra- một người nhiếp ảnh tay ngang chụp. Trong ảnh tôi ngồi bên cạnh Hemingway, Ivens, Reglor. Hemingway lúc này nom còn trẻ, gày gò, hơi mỉm cười ).
Có một lần nào đó Hemingway nói với tôi: Hình thức, đương nhiên là luôn thay đổi rồi. Nhưng còn đề tài…Thử hỏi tất cả các nhà văn trên thế gian này đã viết, đang viết về điều gì đây ? Có thể đếm được trên đầu ngón tay- Tình yêu, cái chết này ; lao động, chiến đấu này. Tất cả những gì còn lại cũng đều từ những đề tài ấy mà ra. Chiến tranh ư? Thậm chí Biển cả nữa.. ».
Một lần khác chúng tôi đàm đạo về văn chương tại một quán cà phê trên đường Puerta-del-Sol. Bằng một phép màu nào d0o1 quán cà phê này còn sót lại giữa hai căn nhà đổ nát. Ở đó chỉ bán nước cam bỏ đá. Thời tiết khá lạnh. Hemingway rút từ túi sau chiếc quần lính ra một chai Uytxky và rót vào ly. « Tôi luôn có cảm giác là nhà văn không bao giờ có thể miêu tả lại được mọi diễn biến- Hemingway nói-Đương nhiên có hai cách giải quyết. Hoặc là ghi lại mọi chuyện diễn ra trong ngày, mọi ý nghĩ,mọi cảm xúc. Hoặc là cố gắng truyền đạt cái chung nhất, ví như xẩy ra trong một lần gặp gỡ, một cuộc trò chuyện. Tôi chỉ lưu tâm đến những chi tiết và cố sao cho chi tiết thật là..chi tiết».Tôi nói với ông, trong tất cả các tác phẩm của ông, hơn mọi điều, tôi sửng sốt vì đối thoại của các nhân vật. Và tôi không hiểu ông đã tạo ra những đoạn đối thoại tuyệt vời ấy như thế nào. Hemingway cất tiếng cười : «Một nhà phê bình người Mỹ gắng gỏi chứng minh rằng tôi viết đối thoại ngắn gọn , vì tôi luôn dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh.. ».
Đối thoại nhân vật của Hemingway với tôi mãi mãi là một câu đố. Lẽ dĩ nhiên tôi đọc một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn của ông mà tôi thích, tôi không bao giờ nẩy sinh câu hỏi nhà văn đã viết đối thoại giữa các nhân vật ra sao. Bạn đọc thì cứ bị cuốn sách cuốn hút, còn sau đó nhà văn bắt đầu phải suy nghĩ những gì gắn với cái nghề thủ công của mình. Khi tôi đã bắt đầu hiểu ra các kỹ năng, kỹ sảo của nghề viết, tôi mới có thể nói rằng cuốn sách được viết ra tồi, trung bình, khá hay rất khá. Cuốn sách làm tôi thích, thậm chí làm tôi sửng sốt.Dẫu sao đối thoại nhân vật trong các tác phẩm của Hemingway vẫn là một câu đố đối với tôi. Trong nghệ thuật, điều lớn lao nhất, bí ẩn nhất là khi ta không thể hiểu nổi sức mạnh cuốn hút toát ra từ tác phẩm là do đâu.Bởi thể, nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi luôn đọc thầm mấy câu thơ này của Blok :
Anh gọi em mà em không ngoái lại,
Nước mắt đã chảy rồi, em có sót sa đâu…
            Không, trong hai câu thơ này không hề có ý tưởng gì mới lạ buộc ta phải ngẫm nghĩ ; cũng không có chữ nghĩa gì đặc biệt. Hệt như trong những đoạn hội thoại của Hemingway : chúng giản dị nhưng vẫn là một câu đố.
            L.Iu Brik, một lần khách tụ họp ở nhà bà, đã cho đặt máy ghi âm trong phòng. Sau đó chúng tôi được bà cho nghe lại cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Và chính chúng tôi không hiểu nổi mình đã nói gì, bởi những câu «làm văn» dài thòng. Các nhân vật của Hemingway nói năng một cách khác : ngắn gọn, dường như chẳng có ý tứ gì, nhưng cùng với điều này những đoạn trò chuyện giữa họ lại như nở bung ra trạng thái tâm hồn của chính họ.. Khi chúng ta đọc những cuốn tiểu thuyết, những truyện ngắn của Hemingway, chúng ta luôn có cảm tưởng là những con người ngoài đời ăn nói chính là như vậy. Nhưng trên thực tế,  tuyệt nhiên đó không phải là những gì nghe được, ghi âm được, mà là thứ chưng cất lời ăn tiếng nói của mọi người với nhau ở ngoài đời. Thông qua phép mầu phù thủy của nhà văn. Đến đây, ta có thể hiểu được nhà phê bình người Mỹ khi ông này cho rằng người Tây Ban Nha ăn nói theo kiểu của Hemingway. Vâng, Hemingway không dịch lời ăn tiếng nói từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác. Mà ông đã dịch từ ngôn đời thường sang ngôn ngữ nghệ thuật.
            Nếu ai đó tình cờ gặp Hemingway,  họ có thể nghĩ rằng ông là đại diện cho loại người mộng mơ, phiêu đãng hoặc một gã nghệ sỹ nghiệp dư có học. Ông uống rượu, thích gây gổ, ưa phiêu du khắp thế giới, thích câu cá ngoài biển, săn bắn ở châu Phi, biết đến chi li các thủ tục đấu bò tót.. và không thiết gì nữa cả, khi đã cầm bút ngồi vào bàn. Ông là một gã lao động khổ sai.  Ngay giữa khu «  Florida « .hoang tàn, đổ nát hoàn toàn không thích hợp với công việc viết lách, ông cũng ngồi xuống ghế và viết. Hemingway nói với tôi rằng, cần phải làm việc kiên nhẫn mỗi ngày, không đầu hàng. Nếu viết xong một trang, thấy nhạt nhẽo, vô vị, hãy viết lại nó, viết tới lần thứ 5, thứ 10…
( Xin mời đón đọc  phần 2 )