Lấy chính bối cảnh vùng Châu Đốc lúc loạn lạc, “Sóng nước Vàm Nao” nổi bật lên hình ảnh một nhà thơ vô danh. Nghe thơ cũng như… xem bói, ai thích xin… đặt tiền. Trên một chuyến tàu, ông già nói thơ cho hai gã công tử và được trả một xu. Vừa cất tiền vào túi thì chứng kiến trong hành khách có một bà già ôm một đứa cháu bị bệnh, ông già liền rút ra cho: "Tôi kiếm được ít xu, bà cầm đỡ lo thuốc cho cháu. Thời buổi khó khăn quá! Nhưng tôi còn nhiều thơ lắm, sẽ kiếm đủ tiền cho cháu nằm nhà thương!". Cử chỉ hào hiệp và nhân hậu ấy đã đủ tôn vinh ông già là nhà thơ rồi.





PHẨM GIÁ THI CA TRÊN SÓNG NƯỚC THỜI CUỘC

LÊ THIẾU NHƠN

Trong cuốn “Mười câu chuyện văn chương”, học giả Nguyễn Hiến Lê có kể, nhà xuất bản Tín Đức ở Sài Gòn trước năm 1975 thường in những tập thơ rất mỏng với lời lẽ bình dân, lại phát hành khá tốt. Chủ tiệm sách khẳng định "mỗi lần có người ở tỉnh lên mua, bán được mỗi thứ năm ba chục tập" khiến Nguyễn Hiến Lê nhớ lại: "Phải, chính những bài "thơ" này đây, ba chục năm trước, tôi thường được nghe các bạn chèo ghe ngâm nga cho đỡ buồn… Giọng "nói thơ" của họ sao mà ảo não, nó thấm tới đáy lòng tôi, làm cho tôi nghèn nghẹn ở họng, rưng rưng ở mắt".

Thực sự, khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi đã rất ấn tượng với câu chuyện trên của học giả Nguyễn Hiến Lê. Và từ ngày theo nghề cầm bút, mỗi lần có dịp, tôi đều lân la dò hỏi nhiều bậc cao niên, với sự phấp phỏng điều ấy không có thật. Thế nhưng, khoảng đầu năm 2000, tôi nghe một lão nông ở An Giang thổ lộ rằng: "Hồi xưa ở xứ tui có nhiều nhà thơ lắm, nhưng họ không in thơ như bây giờ, mà đi nói thơ khắp nơi, rất được dân chúng ưa chuộng!". Giọng điệu trân trọng ấm áp của lão nông miệt vườn, khiến tôi bắt đầu tin có một thời thi ca rất gần gũi đời sống.

Bẵng đi một thời gian, tôi bỗng gặp lại chân dung người nói thơ trong truyện dài “Sóng nước Vàm Nao” của nhà văn Lê Văn Thảo. Lấy chính bối cảnh vùng Châu Đốc lúc loạn lạc, “Sóng nước Vàm Nao” nổi bật lên hình ảnh một nhà thơ vô danh. Nghe thơ cũng như… xem bói, ai thích xin… đặt tiền. Trên một chuyến tàu, ông già nói thơ cho hai gã công tử và được trả một xu. Vừa cất tiền vào túi thì chứng kiến trong hành khách có một bà già ôm một đứa cháu bị bệnh, ông già liền rút ra cho: "Tôi kiếm được ít xu, bà cầm đỡ lo thuốc cho cháu. Thời buổi khó khăn quá! Nhưng tôi còn nhiều thơ lắm, sẽ kiếm đủ tiền cho cháu nằm nhà thương!". Cử chỉ hào hiệp và nhân hậu ấy đã đủ tôn vinh ông già là nhà thơ rồi.

Bất ngờ xảy ra, tàu bị chìm. Trong số những người chấp chới lưỡi hái thủy thần, ông già đã may mắn sống sót cùng một cô gái. Lên bờ, ông già cưu mang cô gái, dắt đi nói thơ ngược xuôi kênh rạch bữa đói bữa no qua ngày. Nếu dừng ở đó thì “Sóng nước Vàm Nao” không phải truyện dài và ông già nói thơ chỉ là cái bóng mờ trên dương gian. Thương những người thiệt mạng oan uổng vụ chìm tàu, ông già quyết định: "Tôi sẽ không làm thơ nữa, than vãn mãi chẳng làm gì. Tôi có tờ đơn gởi chính quyền nói về vụ tàu chìm, những người khổ cực chết mất xác dưới đáy nước, hồn lang thang vất vưởng, mong bà con đọc qua, ký vào bên dưới". Rồi ông già viết đơn kiện giùm thân nhân của những người xấu số.

Sau khi cô gái đã trở về nhà với cha ruột, mà vụ chìm tàu chẳng thấy chính quyền đá động gì, ông già nung nấu tâm can hơn. Một đêm ngủ nhờ người quen, có cháu bé đề nghị đọc thơ, ông già khẳng khái: "Không, ông không làm thơ nữa. Chẳng ích gì chuyện mây bay gió thổi. Nói thơ ai nghe? Ông sẽ về chợ Long Xuyên gặp các quan chức Tây tà, bắt ông thì bắt, nhưng phải trả lời vụ chìm tàu".
Kết cục chắc ai cũng đoán được, nhà thơ vô danh bị bắt giam thật. Cô gái mà ông rộng lòng đùm bọc dạo nào, đã tình nguyện hiến thân cho gã mã tà để giải cứu ông khỏi chốn lao tù. Từ đó "ông già bị cấm trở lại chợ Long Xuyên, kể cả vùng ngoại vi bán kính mười cây số. Một vành đai ngăn chặn từ xa chuyện nói thơ tuyên truyền kích động". Ông già không nói thơ, không nhắc chuyện chìm tàu nữa cho đến khi hay tin tướng cướp Ngãi Lâm (một kẻ chuyên lấy của từ cường hào ác bá để giúp người khốn khổ, đồng thời cũng là người có duyên hạnh ngộ với cô gái) sắp bị tử hình, ông mới tái xuất "ngón nghề" để hẹn gặp cô gái bằng hai câu "Nói thơ giờ Tý canh ba. Sau hè bụi chuối ngó qua gốc dừa". Chứng kiến Ngãi Lâm bị hành hình, hai số phận nhỏ nhoi gần như tuyệt vọng, cô gái đi tu, còn ông già tiếp tục bôn ba nói thơ như món nợ phải trả.

“Sóng nước Vàm Nao” khép lại bằng nỗi ngậm ngùi: "Ông già chết năm chín mươi lăm tuổi, ngồi nói thơ giữa chợ chết sững luôn tại chỗ, lưng vẫn thẳng, mọi người cứ thế bồng đi chôn. Năm đó cô gái tóc đã bạc một nửa, nghe tin tìm đến mộ định đốt cây nhang, lạ sao không thấy mộ đâu cả. Người dẫn đường ngạc nhiên chính ông ta cùng dân làng chôn chỗ này, giờ chỉ là bãi đất trống cỏ mọc xanh rì. Ông già chết không để lại dấu vết gì, hòa vào với đất, thiên nhiên cây cỏ là nấm mộ của ông".

“Sóng nước Vàm Nao” chưa hẳn là tác phẩm vượt trội của nhà văn Lê Văn Thảo, nhưng nhân vật nhà thơ vô danh khiến tôi bồi hồi. Tôi chia sẻ với nhà văn Lê Văn Thảo rằng từng nghe huyền thoại về ông già nói thơ tại khu vực Bảy Núi. Tác giả “Sóng nước Vàm Nao” cười hề hề: "Thì tao cũng nghe được ở đó mà viết chứ làm sao tưởng tượng ra!".

Từ câu chuyện của học giả Nguyễn Hiến Lê đến truyện dài của nhà văn Lê Văn Thảo đã chứng minh phẩm giá thi ca khi gắn bó mật thiết với buồn vui xã hội. Phẩm giá thi ca không chỉ nằm ở ý tứ chữ nghĩa, mà còn nằm ở cốt cách, ở khí tiết, ở đức hạnh của chính nhà thơ. Trong “Sóng nước Vàm Nao”, lúc phát hiện một người nói thơ khác cũng đang hành nghề ở chợ, cô gái về nhà kể lại cho ông già nghe, và đoạn văn sau đây sẽ giúp độc giả hình dung rõ nét hơn về mối tương giao thơ - đời.
"Ông hỏi:
- Có thơ nói về hạn hán mất mùa không?
- Không.
- Thơ về người nghèo khổ đói kém?
- Cũng không. Nhiều nhứt là thơ tình yêu lứa đôi, ngày lành tháng tốt, xe duyên trai tài gái sắc…
- Vậy nó làm thơ cho ai? Để làm gì? - Ông già quát - Thôi đi đi, đi đi!
Ông già hối cô cháu ra đi, nhanh chóng càng xa ngôi chợ càng tốt".

Ngày xưa, học giả Nguyễn Hiến Lê dò hỏi và xác minh thơ bình dân có người tìm mua, còn sách của mình ít bán được, đã chân thành thú nhận "Sao tôi ngốc thế? Tôi có bao giờ nghĩ tới họ khi viết sách đâu, mà đòi họ mua sách của tôi". Thơ hiện nay ít người đọc, phải chăng vì các nhà thơ hờ hững với cộng đồng? Tôi, một người làm thơ ở thế kỷ 21, cũng với nỗi xót xa vai trò nhà thơ đang trở nên mờ nhạt hơn giữa thế sự bộn bề. Tôi không hề có khái niệm tranh luận "nghệ thuật vị nhân sinh" hay "nghệ thuật vị nghệ thuật". Tôi chỉ mơ ước nước nhà có những nhà thơ như Đỗ Phủ để người đời thảng thốt như Phùng Quán từng đồng cảm: "Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt”.