Quãng thời gian đắm đuối với thơ của Trần Quốc Thực kéo dài khoảng 40 năm, được chưng cất qua bốn tập thơ “Miền chờ”, “Nét khắc”, “Trái tim hoa bìm” và “Tháp cúc”. Năm 2015, con gái của nhà thơ Trần Quốc Thực là Trần Yến Châu đã chọn lọc và giới thiệu tuyển thơ Trần Quốc Thực có tên gọi “Cỏ ướt”. Một tên gọi nghe như nước mắt sắp tuôn, rất phù hợp với phong cách nhà thơ Trần Quốc Thực, dù góc nhìn xa “Sông Hồng nặng nhọc phù sa đỏ. Đôi bờ xanh phiêu diêu”, dù tâm sự gần “Không đậu vào chén. Nắng đứng ngoài thềm. Mời đến líu lưỡi. Nắng mới nghiêng nghiêng” hoặc dù đắm say bất chợt “Đêm không trọn một bề. Mảnh trăng vàng thốt hiện. Cắm nghiêng nghiêng vào khuya”.



TRẦN QUỐC THỰC Ở MIỀN CỎ ƯỚT

LÊ THIẾU NHƠN

Thoắt cái, nhà thơ Trần Quốc Thực đã từ giã cõi nhân gian đúng 10 năm. Vừa bước qua tuổi 60, anh lặng lẽ chuồi vào hư vô như một thoảng gió mong manh. Thật khó hình dung về nhà thơ Trần Quốc Thực, ngoài một dáng vóc triền miên ốm o và một đôi mắt xoe tròn âu lo. Đã 10 năm, không có nhà thơ Trần Quốc Thực ở chốn đua chen bận bịu nữa, mới thấy rằng tác phẩm của anh đã nối dài thêm cho cuộc đời anh rất nhiều lần. Hôm nay, ngày mai và có thể còn rất lâu nữa, công chúng vẫn nhắc đến thơ Trần Quốc Thực!

Nhà thơ Trần Quốc Thực từng trải qua nhiều công việc, từ thanh niên xung phong phục vụ trong quân đội cho đến thợ chụp ảnh tại Phủ Lý, rồi làm biên tập thơ báo Văn Nghệ. Nhà thơ Trần Quốc Thực từng trải qua hai đời vợ, người vợ đầu là giáo viên Văn ở Hà Nam đã gồng gánh nồi niêu đưa chồng đi học Trường viết văn Nguyễn Du, người vợ hai là một nhà thơ ở thủ đô đã nếm trải cùng chồng không ít nhọc nhằn. Tuổi thơ mồ côi gian khó cộng với bao nhiêu tháng ngày lầm lũi gian nan, thơ Trần Quốc Thực như những vệt sáng lóe qua số phận anh và nâng đỡ cho số phận anh. Ba câu chuyện liên tục trở đi trở lại trong thơ Trần Quốc Thực, đó là tri ân mẹ, tạ lỗi vợ và xa vắng con.

Thuở hai mươi, Trần Quốc Thực bắt đầu đến với thi ca. Những câu thơ đầu tiên viết về người anh liệt sĩ: “Năm tháng bay trên nấm mộ xanh lơ. Giọng lúa ngân nga bài ca năm tấn. Sông núi vang vang từng hồi trống trận. Từ đất anh nằm quân đi quân đi” và tình yêu lứa đôi chan hòa trong tình yêu Tổ quốc: “Khuôn mặt em đặt trên vai anh. Em yêu ơi, mình ở trong mình. Mình ở trong bạn bè, mình ở trong đất nước. Nếu mai đây em có rời bờ vai anh để ngả sang bờ vai khác. Anh chịu gánh một phần khoảng trời biếc không em”.

Tạng người của nhà thơ Trần Quốc Thực hầu như không có khả năng chống đỡ bất kỳ sóng gió nào của thời cuộc. Từ bước chân đến tâm hồn của Trần Quốc Thực đều chực nghiêng về đổ vỡ và đắng cay. Trần Quốc Thực tồn tại bằng sự bơ vơ và sự cô độc. Anh chỉ có thể là anh, khi ngồi một mình để thả hồn vào mông lung vô tận. Phải chăng đó là sự “Nhập định” mà anh luôn khao khát: “Có thể ngồi trước tách trà, có thể trước cốc rượu. Dẫu sao, phải được ngồi trước mình. Ngồi trước nỗi vắng xa trái tim ta tan nắng gió. Ngồi trước thời gian nín thinh”. Và đó cũng là chốn riêng để Trần Quốc Thực tìm đến sáng tạo đau đớn và xót xa: “Tôi ngồi trước nến, như đối diện một chân kinh”.

Quãng thời gian đắm đuối với thơ của Trần Quốc Thực kéo dài khoảng 40 năm, được chưng cất qua bốn tập thơ “Miền chờ”, “Nét khắc”, “Trái tim hoa bìm” và “Tháp cúc”. Năm 2015, con gái của nhà thơ Trần Quốc Thực là Trần Yến Châu đã chọn lọc và giới thiệu tuyển thơ Trần Quốc Thực có tên gọi “Cỏ ướt”. Một tên gọi nghe như nước mắt sắp tuôn, rất phù hợp với phong cách nhà thơ Trần Quốc Thực, dù góc nhìn xa “Sông Hồng nặng nhọc phù sa đỏ. Đôi bờ xanh phiêu diêu”, dù tâm sự gần “Không đậu vào chén. Nắng đứng ngoài thềm. Mời đến líu lưỡi. Nắng mới nghiêng nghiêng” hoặc dù đắm say bất chợt “Đêm không trọn một bề. Mảnh trăng vàng thốt hiện. Cắm nghiêng nghiêng vào khuya”.

Hình ảnh người mẹ tảo tần vùng chiêm trũng trở thành nguồn cảm hứng lớn lao nhất trong thơ Trần Quốc Thực. Người mẹ ấy bôn ba trong đời sống vật chất: “Mẹ ơi, áo mẹ mười năm nắng. Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm. Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng. Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm” và bôn ba cả trong đời sống tinh thần: “Mẹ tháng ngày chăm ba bát nhang. Bát thứ nhất: mẹ thờ Trời Đất. Bát thứ hai: gia tiên nhà chồng. Bát thứ ba: bố và anh con…. Người đã khuất trở về thơm ngát. Trên bát nhang tháng ngày mẹ thắp. Vùng hương, từ tay mẹ gầy gùa. Dâng dâng như rút tự nắng mưa. Sương gió một triền sông hun hút”

Trước tình mẹ rộng lớn, một nhà thơ như Trần Quốc Thực không biết cách gì báo hiếu. Vì vậy, tiếng gọi mẹ ơi cứ ngân dằng dặc và khắc khoải trong thơ anh: “Mẹ ơi. Khi con viết được câu thơ thứ nhất dâng mẹ. Mẹ nói: không nuôi nổi người. Khi con viết được câu thơ thứ hai dâng mẹ. Mẹ nói: túp lều này, mẹ con mình thôi. Khi con viết được câu thơ thứ ba thì mẹ lẫn… Mẹ ơi. Khi con dắt mẹ đi trong thị xã. Mẹ không đi bằng bàn tay con, mẹ đi bằng ký ức của mẹ. Mẹ đi bằng thời gian xa, ra triền sông phơi phấn. Mẹ đi bằng thời gian gần, lên đầu dốc ngóng con. Bây giờ, chiến tranh kết thúc đã lâu. Con chưa kịp về chăm nom mẹ. Mẹ đã như người trong mê sâu…”. Nhớ đến mẹ, nghĩ về mẹ, nỗi lòng Trần Quốc Thực gửi vào lời nguyện cầu: “Chắp tay ta vái mười phương chư Phật. Ban xuống mẹ hiền một chút thong dong”.

Mẹ đã mất, khoảng trống không thể nào bù đắp được. Thế nhưng, Trần Quốc Thực vẫn tin rằng mình có thể giao tiếp với mẹ bằng “Thần cảm” đích thực: “Mẹ ơi, âm dương cũng nhà ta. Ai làm mẹ đau, con từ mặt. Mẹ ơi âm dương không chia xa. Thỉnh thoảng mẹ về, con đỡ khuyết…”. Đối với Trần Quốc Thực, miền thơ cho mẹ vẫn còn mãi, vì những ngày nằm bên mẹ như nằm bên sông lành, và vì ân hận chỉ tắm được cho mẹ hai lần, một lần vào ngày mẹ qua đời và một lần vào ngày cải táng mẹ: “Mẹ tắm cho ta bao nhiêu lần mà ta chỉ được hai lần tắm mẹ. Một lần đưa mẹ về với lúa. Lần sau rước mẹ sang nhà mới. Nỗi nhớ này niềm sông này duy nhất trong một đời người”.

Sự day dứt thứ hai trong thơ Trần Quốc Thực là bóng dáng người đàn bà âm thầm gánh vác: “Anh đến được em rồi. Mệt quá! Và anh nằm như một đứa trẻ con. Chân tay anh khuềnh khoàng. Trong veo khuôn mặt”. Trần Quốc Thực yêu kiểu thi sĩ, vừa yếu đuối vừa bi lụy, từ cảnh vật lúc yêu: “Chúng mình hay xa nhau. Đến mức. Khi thương. Anh thiếu vạt áo em để cầm. Khi nhớ. Em thiếu miền ngực anh để khóc. Em đi, sương nắng khuất. Những đồi hoa in gót chân xa” đến trạng thái khi yêu: “Chúng ta đi bên nhau líu ríu. Như đôi chim đất đi trong đường hoa mùa đông. Đi bình tĩnh, tự tin, không hề biết. Máu đỏ quật lên tim làm bạc xóa tóc anh…”.

Yêu kiểu thi sĩ, thì tình nhân trước mặt cũng khó giữ như trăng nước khơi xa. Giữa phút giây mặn nồng thì Trần Quốc Thực đã cảm nhận được “Em ngồi đó tôi ngồi đây. Giữa hai ta một quãng đầy cách nhau. Giữa hai ta khoảng trời cao. Một hôm nở đóa chiêm bao giữa chừng” nên sự chia lìa được nhận diện đúng ám ảnh của ảo giác: “Em xa quá… xa đến mức ngày trời xanh lại. Dãy phố dài mảnh khảnh cuối trời. Dưới hàng cây cơm nguội. Một người xe thong thả đạp trong cây”.

Yêu kiểu thi sĩ, thì cuối cùng Trần Quốc Thực chỉ còn lại ngậm ngùi lẻ loi: “Em vắng trọn ngày không gặp mặt. Đường hoang vắng nắng vườn không hoa. Mắt vắng nỗi chi đêm vắng khép. Nằm vẽ lên màn dáng vắng xa”. Bốn câu thơ trên nửa thực nửa hư, đi từ thực đến hư, rồi từ hư đến thực. Và nhà thơ Trần Quốc Thực chấp nhận sự an bài lạnh lẽo ấy như một lẽ cơ cầu: “Anh ngồi trong đủ một ngày. Ngắm đất ngắm trời ngắm cây ngắm cỏ. Cây cỏ thì xanh, đất bãi thì nâu. Bầu trời thì xa, em còn xa nữa. Ước gì đang đứng giữa sân nhà mình. Ước gì đang ngồi bên chiếc bàn thân thuộc. Ước gì được soi mắt em đang buồn. Ước gì được cầm bày tay em đang hao mòn…”

Chủ đề thứ ba gây xúc động mạnh mẽ trong thơ Trần Quốc Thực là câu chuyện đứa con sau khi bố mẹ đường ai nấy đi: “Con sinh phải cái thời mà các bậc bố mẹ rất hay chia tay nhau. Rồi thời gian sẽ nhuốm lên khuôn mặt con vẻ thất thoát, nét u buồn”. Trần Quốc Thực thừa hiểu mình không đủ khả năng chăm sóc con, nhưng vẫn bồn chồn viết cho con trong đêm chợt thức: “Mùa xuân đến cho con thêm tuổi. Bao nhiêu chiêm bao về thăm con. Có chiêm bao nào mang bố?”.

Nhà thơ Trần Quốc Thực dư thừa sự nhạy cảm, chỉ cần anh viết lại giấc mơ của mình về con đã thành bài thơ “Bố ơi! Gì thế con? Đêm qua bà nội về chơi với con. Bà có dặn gì con không? Có! Bà bảo: Buổi sáng phải thơm bố… Con gái ơi! Tỉnh dậy, chiếc hôn của con. Còn ướt một bên gối bố”. Thế nhưng, với bài thơ “Sân trường nghiêng” thì Trần Quốc Thực bằng những rung động sâu xa đã khái quát được tình yêu người cha với đứa con thơ dại mà mình ít có dịp được gần gũi: “Con ơi, bố biết mọi cuộc chia tay Trời đều định trước. Bố tự nguyện lùi rất xa để mẹ được toàn quyền về con. Bố lặng lẽ đến trường con học để được nhìn con từ rất xa. Nhìn con rất gần rồi bố gọi. Con ào đến bố một lúc rồi chạy ra chơi với bạn bè. Con chơi với sân trường. Cái sân trường cứ nghiêng nghiêng thế nào ấy trong mắt bố. Sân trường cứ nghiêng nghiêng mà bố không dám hỏi vì sao...”.

Cái hay của thơ Trần Quốc Thực là nhìn toàn bộ sự vật bằng cảm giác, rồi dùng hình ảnh để thi vị hóa cảm giác ấy. Chẳng hạn, một lần “Tiễn” ấm áp tình nghĩa: “Bạn đi nhé, thôi không tiễn nữa. Một tay nâng chén đắng ngang mày. Bạn đi nhé, thôi không giấu nữa. Một tay còn bận giấu khăn tay… Tiễn nhau một bận qua bận cửa. Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao. Xa ngoắc ngõ xanh bạn biến khuất. Tôi đã gói khăn ở kiếp nào”, hoặc một lần “Đề sau bức ảnh” ngẫu hứng dạt dào: “Nhờ gió mà đường cong áo em đã khiến anh thật lòng thán phục. Nhờ gió mà trời xanh hoàn thành xuất sắc công việc tạo em trước trùng khơi. Nhờ gió mà năm châu được chiêm ngưỡng sắc đẹp người con gái Việt. Anh phải kết thân với biển vì biển luôn cất tiếng gọi em. Kết thân với trời xanh vì trời xanh đã ghi khắc em. Và anh phải đứng giữa sóng và cát. Để ngăn ngừa sự giành giật nhau những dấu chân em”.

Sài Gòn, 2-2017