Hai mươi năm trước miền Tây có một số ít người làm thơ hay như ở Vĩnh Long có Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Sinh Từ, Ngọc Hiệp – Ngọc Hải. Cần Thơ có Phù Sa Lộc, Huỳnh Duy Lộc. Họ không vào Hội nhà văn VN, ít người biết. Lý do ít người biết vì miền Nam không phải đất văn nghệ lấy văn thơ làm lẽ sống. Thêm nữa ở những vùng đất khác một tay nào đó viết được xúm nhau khen ngợi đưa nhau tới mây xanh, dân Nam bộ lại tỉnh bơ. Tôi không đưa thơ Ngọc Hiệp ra dẫn chứng vì tôi thấy nó hay, mà các bạn có cho như vậy không. Tài ái Tài. Để cho các bạn có yêu thơ yêu nhau tra trên mạng trang Ngọc Hiệp thấy hợp tình hơn. Ngọc Hải quê ở An Giang cũng làm thơ mến thơ của Ngọc Hiệp gặp nhau rồi kết nên đôi vợ chồng. Hai người làm ở Hội văn nghệ Vĩnh Long, sống nghèo với nhuận bút còm cỏi và Ngọc Hải làm thêm nghề đánh máy vi tính.



Ngọc Hải, vợ của người ta

NGÔ KHẮC TÀI

Trường Tống Phước Hiệp là ngôi trường lớn có từ chầu xưa ở miền Tây có trước trường Thoại Ngọc Hầu của An Giang. Đôi vợ chồng nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ xưa cũng học trường này. Ngày 10-3 vừa qua những cựu học sinh trường này tổ chức buổi họp mặt đồng thời kỷ niệm trang web của họ được 5 triệu người xem. Anh bạn Trịnh Kim Thuấn - lão già yamaha ham vui có máu giang hồ đi đó trước lạ sau quen. Tính tôi ngược lại phải biết trước ít nhiều người điều gì đó tin mới làm quen sau, tai nghe mắt thấy chưa chắc đã tin nên suốt ngày ở nhà giống như con sò chui mình vào vỏ nghe sóng biển. Vì vậy ban đầu tôi từ chối “có ai quen đâu mà đi cha”. Nhưng rồi tôi đi theo bạn Thuấn, trước hết vì tò mò trước con số 5 triệu đến như để tìm hiểu thêm những người làm ra con số này. Sau nữa tôi được biết buổi họp mặt do anh Lương Minh, một người bạn mới gặp một đôi lần nhưng qua những bài bạn viết tôi đọc được, qua những đóng góp của bạn với Quán Văn (một tạp chí dành cho những ai yêu văn thơ gởi gấm sáng tác của mình) nên tôi xếp anh Lương Minh vào những người tin cậy như thân từ lâu. Hơn nữa những ông bà cựu học sinh Tống Phước Hiệp là những người tuổi 60 trở lên. Cuộc đời của họ trải qua những biến cố lịch sử  thăng trầm, chắc chắn họ là những quyển sách sống (Hình như đến cái tuổi nào đó đứng trước rừng sách, trước nhiều kênh truyền hình, trước nhiều chùa chiền, nhà thờ đồ sộ nguy nga mọc lên lòng bỗng thấy phân vân, hụt hẩng không biết lựa chọn ai, giả như thật, thật mà lại giống giả. Là con mọt sách bị lừa mãi nên cần bổ sung thực tế đọc những quyển sách sống tìm đâu cái gọi là sự thật của cuộc sống ở buổi hoàng hôn cuộc đời)
Trước hết cảm ơn anh Thuấn, hai anh em bạn già đèo nhau trên chiếc cà tàng, rõ ràng là một ngày vui. Gặp là người bạn hiền Lương Minh tay bắt mặt mừng. Vui nhất. Đúng như tôi nghĩ những cuốn  sách sống là những ông bà nội, bà ngoại. Người là quan chức, cán bộ, giáo viên về hưu. Có người gặp phải trời già hay trời là một đứa trẻ. Vì có câu ”trẻ tạo  hóa đành hanh quá ngán” trêu cợt nên số phận phải vất vả long đong. Nhưng tất cả là bạn bè nhau như ngày xưa cùng học chung mái trường. Lắng tai nghe những ông bà chuyện trò, tôi bồi hồi thấy thời gian hai chiều như sống lại. Nối kết từng câu nói cho thấy cái gọi là ký ức của nhân dân, miền Tây ngày xưa, từng thế hệ song song sống bên nhau, khi một thế hệ chưa mất đi thì nó vẫn còn đó. Bất ngờ buổi họp mặt xuất hiện cặp vợ chồng Ngọc Hiệp- Ngọc Hải. Ngọc Hiệp bị tai biến mạch máu não hơn mười năm đi đứng không vững vàng được chị Ngọc Hải vịn vai dìu đi. Nhiều năm không gặp nhau hình ảnh chị Ngọc Hải bao giờ cũng đằm thắm dịu dàng với chồng vẫn như chầu xưa. Tôi xúc động nói với mọi người trong bàn – đây là người phụ nữ mà ngày 8-3 đàn ông phải giở nón cúi đầu chào. Nhiều người trong bàn biết về đôi vợ chồng này không thấy ngạc nhiên. Riêng ông bạn Trịnh Kim Thuấn (hơi khó tánh) hỏi sao đi nói vậy. Chừng nghe tôi kể lại chuyện Ngọc Hải người bạn già cũng xúc động. Cảm động vì trong các ông dù cho có vợ rồi trong lòng các ông vẫn có hình ảnh một phụ nữ đóng cái vai trò – vừa là vợ – là bạn – là em gái – là mẹ nữa chớ. Đòi hỏi vậy kể như quá cao. Có lẽ vì vậy mà ông bạn Trịnh Kim Thuấn vẫn một thân một bóng mười mấy năm qua tìm không ra một người đàn bà như vậy. Có lẽ vì vậy mà về nhà mấy ngày sau bạn ta  gọi điện nhiều lần hỏi Ngọc Hải hay như vậy sao không viết ra một bài.
Thú thật, lâu nay tôi luôn giữ ấn tượng tốt đẹp về Ngọc Hải chờ dịp để đưa những chi tiết về đôi vợ chồng này trong cuốn truyện dài. Qua anh Thuấn tôi nghĩ lại – cái được nhà nước phong tặng nhà văn, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân nhưng nhiều nhân vật rất hay mà chẳng có danh hiệu gì hết lại sống trong lòng người. Có đi,có sống chan hòa mới biết nhất là qua buổi họp mặt cựu học sinh Tống Phước Hiệp mới thấy nhiều chuyện hay, những quyển sách sống. Một cuốn truyện dài thì cần phải có thời gian. Vậy mình xin kể trước vắn tắt chuyện vợ chồng Ngọc Hiệp – Ngọc Hải.
Chuyện như vầy. Hai mươi năm trước miền Tây có một số ít người làm thơ hay như ở Vĩnh Long có Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Sinh Từ, Ngọc Hiệp – Ngọc Hải. Cần Thơ có Phù Sa Lộc, Huỳnh Duy Lộc. Họ không vào Hội nhà văn VN, ít người biết. Lý do ít người biết vì miền Nam không phải đất văn nghệ lấy văn thơ làm lẽ sống. Thêm nữa ở những vùng đất khác một tay nào đó viết được xúm nhau khen ngợi đưa nhau tới mây xanh, dân Nam bộ lại tỉnh bơ. Tôi không đưa thơ Ngọc Hiệp ra dẫn chứng vì tôi thấy nó hay, mà các bạn có cho như vậy không. Tài ái Tài. Để cho các bạn có yêu thơ yêu nhau tra trên mạng trang Ngọc Hiệp thấy hợp tình hơn. Ngọc Hải quê ở An Giang cũng làm thơ mến thơ của Ngọc Hiệp gặp nhau rồi kết nên đôi vợ chồng. Hai người làm ở Hội văn nghệ Vĩnh Long, sống nghèo với nhuận bút còm cỏi và Ngọc Hải làm thêm nghề đánh máy vi tính. Những năm đầu giải phóng con người vui lắm, nhất là anh em văn nghệ sĩ như không có háo danh, háo lợi, gặp nhau  nói chuyện thâu đêm suốt sáng chỉ cần một hai xị rượu đế một đĩa mồi. Không như ngày nay nhà nước quản lý chặt chẽ có đầu có đuôi mà lại như thứ gì đó lỏng đi một cái “reet” để rồi thằng cha viết văn làm thơ nào viết dở ẹc mà trong đầu luôn nuôi ý tưởng phấn đấu vào Hội nhà văn VN, gặp nhau là nghĩ đến việc đầu tiên tiền đâu để đưa nhau đến nhà hàng, khách sạn uống bia. Gặp nhau nói chuyện gì đâu ăn chơi, gái gú không còn không khí văn thơ hồn nhiên như ngày xưa.
 Ngày xưa, tôi hay xuống Vĩnh Long chơi với vợ chồng nhà thơ Song Hảo, nhà văn Trần Thôi, nhà thơ Thái Hồng. Ở Long An có Đinh Thị Thu Vân, ở Tiền giang có Thu Trang. Qua các bạn tôi biết cặp Ngọc Hiệp – Ngọc Hải. Mến Hiệp ở chỗ không là nhà thơ nhưng thơ lại là cái nghiệp sống chết cùng nó. Hai là cặp vợ chồng tính phóng khoáng hiếu khách vui vẻ thường nhịn miệng đãi khách để rồi tôi đến cảm thấy như ở nhà mình. Tuy nhiên mấy lần sau đó tôi nghe bè bạn nói và phát hiện gia đình hai bạn không được vui, chị Ngọc Hải đang chịu đựng. Vui thì chia được, nỗi buồn phải ôm bụng chịu than van cũng không ai gánh vác giùm cho mình. Bạn bè tới hai vợ chồng tươi cười, bạn không thể biết nhà đang xảy ra điều gì. Cụ thể Ngọc Hiệp bạn ta dễ với người ngoài lại rất khó với vợ, đồng lương còm cỏi như không dành cho gia đình. Thằng con của Ngọc Hải là đứa bất trị, có thể nói trong đời tôi mới gặp một đứa trẻ ngỗ nghịch như nó. Chơi game rồi ghiền còn thêm cá độ bóng đá nữa, xin tiền không cho nó đập phá tanh bành nhà cửa rồi bỏ học đi bụi đời. Đã vậy buổi cơm thấy không có đồ ăn thà nhịn đói Ngọc Hải phải chạy đi tìm mua đồ ăn về làm cho con. Thái độ của Ngọc Hải thật kỳ lạ, thay vì la mắng con, chị vẫn một mực dịu dàng vuốt ve vỗ về thằng nhỏ. Ai cũng bất bình, không riêng gì tôi. Một lần tôi hỏi sao chị không đưa nó vô trại cải tạo nhờ nhà nước dạy, hay là đánh nó một trận để cho nó biết thế nào là lễ độ. Chẳng lẽ nó quậy mình hoài. Con nít còn nhỏ lúc nào cũng quậy, lớn sẽ hết. Ngọc Hải tin vào tấm lòng người mẹ của mình, trả lời tỉnh bơ làm tôi nổi sùng: “Con nít gì 16 tuổi đầu rồi”. Té ra anh bạn Ngọc Hiệp cũng có đánh con nhưng thằng bé không sợ hai vợ chồng, hết tiền chơi theo phá nhà rồi lấy đồ trong nhà đem bán, rồi còn đi mượn tiền, thiên hạ đến nhà đòi. Nghèo khổ vì con, Ngọc Hải lại thêm khổ vì chồng.
Bất ngờ Ngọc Hiệp bị tai biến liệt hết tứ chi. Hơn 10 trời Ngọc Hải chăm sóc tắm rửa, đút cơm cho chồng ăn. Bạn ta Ngọc Hiệp là phế nhân, tánh đã khó khăn lại sinh thêm tật đi ghen bóng ghen gió vợ mình. Trời nóng thay vì bật quạt điện lên cho mát lại bắt Ngọc Hải ngồi kế bên quạt cho mình. May mà không bắt vợ hát ầu ơ ví dầu. Trước tình cảnh gia đình của 2 vợ chồng, bạn bè cũng có giúp đỡ nhưng đám văn nghệ sĩ ai cũng nghèo. Thấy người hoạn nạn thì thương, mà đành để trong bụng. Lâu lâu anh em hay hỏi thăm nhau không biết con Ngọc Hải nó làm gì để nuôi chồng con. Ngọc Hiệp vì bệnh nên nghỉ mất sức. Gánh nặng như dồn lên vai người đàn bà yếu đuối. Theo chỗ tôi biết Ngọc Hải vừa làm gia sư vừa đánh máy vi tính. Một số phận, một cuộc sống không thấy gì vui, vậy mà, mười năm gặp lại vẫn thấy chị nhẹ nhàng, dịu dàng. Dịu dàng đến không chịu nổi nhất là hình ảnh chị dìu chồng đi dự buổi họp mặt.
Sau mười năm gặp lại, tôi rất xúc động không gì vui hơn công lao, tấm lòng sự nhẫn nại của người vợ của người mẹ như được đền bù. Trước sự dịu dàng bao dung của Ngọc Hải như mưa dầm sâu thấm đất, thằng bé hồi tâm trở lại và giờ là một chàng trai có nghề nghiệp vững vàng. Ngọc Hiệp hành hạ Ngọc Hải bao nhiêu, về già trở lại biết ơn vợ mình bấy nhiêu. Nhất là bạn ta nhờ vợ mà mình sống và trở lại làm thơ.

            Ngọc Hải người phụ nữ mà đàn ông phải giở nón chào đến đây cũng khá dài. Tới đây tôi dành riêng cho bạn mình anh Trịnh Kim Thuấn. Vui nghe bạn. Tôi họ Ngô lại thêm họ… lãng, tính rất lười, phải có gì đó khích động tôi mới viết. Nghe anh điện, tình cờ lại nghe bài hát “Vợ người ta” một bài hát hít đang thịnh hành. Vụt tôi liên hệ nó với trường hợp Ngọc Hải. Bạn ta. Thằng đàn ông nào cũng có hình ảnh một người đàn bà trong đầu. Một người có nhiều vai trò vừa là vợ là bạn là em gái là mẹ nữa nhưng đó lại là vợ của người ta. Đành phước của ai nấy hưởng phải chăng như vậy ông bạn mình.