Bà phán trẻ mệt nhoài muốn thiếp đi song cũng cố ngẩng lên nhìn mặt con trai đầu lòng. Ông Phán cũng đã được phép vào tận giường vợ nằm và sung sướng ngắm con trai đỏ hỏn đang nằm yên trong chiếc nôi xinh xắn… Ông âu yếm nắm tay bà và hỏi: Mình đỡ mệt chưa? Uống chút sữa cho đỡ mệt nha! Bà lại siết chặt tay ông và sẽ sàng hỏi: Mình muốn đặt tên con là gì nào? Thằng bé khóc chào đời khỏe quá! Anh muốn đặt tên con là Kỳ Thanh, tức là tiếng lạ có được không?



Chuyện những ngày xưa…

ĐINH KỲ THANH

  Buổi  sáng hôm ấy, khi vừa ngồi vào bàn làm việc và mở hồ sơ coi lịch như mọi ngày, ông Phán Đường chợt nghe tiếng chân người loong toong se sẽ đi về phía mình và một giọng nói nhỏ lễ phép cất lên :
- Kính thưa quan Phán, ngài có điện tín từ bên Sở Dây thép gửi qua ạ!
- Cám ơn ông.
Xin ông đưa cho tôi ngay, chắc bên nhà tôi có chuyện chi rồi !
Mở tờ giấy thì ra điện tín của nhà bên ngoại. Bức điện chỉ vỏn vẹn mấy dòng chữ:
- Anh Phán về ngay, vợ anh chuyển dạ rồi.
 Ông phán vội lật đật qua phòng quan Công sứ xin nghỉ phép về Nam Định lo chuyện vợ sinh con đầu lòng. Ông Công sứ người Pháp lịch sự cho hay :
  -  Ông có thể nghỉ phép 1 tuần lễ, chúc mừng ông bà sinh con đầu lòng nha! Mong rằng bà nhà sẽ vượt cạn dễ dàng và khỏe mạnh.
Ông Phán lật đật về nhà trọ thu xếp đồ đạc để rời thị xã Thaí Bình về thành phố Nam Định lo phụ giúp vợ sinh con.Ông chất hết mọi thứ lên phía sau xe đạp và háo hức đạp xe bon bon về Nam Định. Trên yên xe ông luôn nghĩ về người vợ trẻ đầy yêu thương của mình nên chợt nảy ra mấy câu thơ ca ngợi sự hy sinh của bà. Ông lẩm nhẩm đọc thơ và không chú ý gì tới đường dài nên xe về tới bến phà Tân đệ lúc nào không rõ.
   Tại Nam định lúc này bà Phán trẻ đã được ngươi nhà đưa vào nhà bảo sanh Nguyễn Thị Thiện trên phố Chợ Rồng để chuẩn bị sanh. Bà cố nén cơn đau dữ dội chỉ rên khe khẽ trong khi trán nhăn lại, vã mồ hôi khắp mặt…
   Khi ông về tới nhà và lao thẳng qua nhà bảo sanh nắm bàn tay vợ động viên vài lời thì bà cũng được chuyển lên bàn đẻ ngay. Thế nhưng mọi chuyện không diễn ra nhanh như mọi người tưởng. Vì sanh con so nên sản phụ chưa có kinh nghiệm. Bà đỡ Thiện xem xét kỹ đã phán rằng : Phải tới sáng mai bà nhà mới sanh được ông Phán ạ!
  Đúng như bà đỡ dự đoán, mờ sáng hôm sau sản phụ bỗng nổi cơn đau quặn thắt ác liệt hơn. Rồi bà chợt la lên : Ôi tôi vỡ nước ối rồi!
 Bà đỡ và các cô phụ đỡ quây hết quanh bà và nhắc : Bà ráng mà rặn đi. Thai nhi đã ló đầu ra rồi đó!
Bà Phán trẻ gồng mình lên, tay nắm chặt thành bàn đẻ và cố rặn một hơi dài… Tiếng bà đỡ bỗng cất lên như reo: 
-Xong rồi, con trai nhé ! Thằng bé khắu quá!  Bà lo thắt rốn, cắt nhau sau đó phát mạnh vào mông cu cậu một phát, một tiếng khóc lanh lảnh cất lên … 
 - Khóc khỏe gớm nhỉ. Thôi mấy cô mụ lo lau rửa cho cháu rồi bọc tã lại. Hãy đưa cháu ra cho bà Phán thấy mặt con…
    Bà phán trẻ mệt nhoài muốn thiếp đi song cũng cố ngẩng lên nhìn mặt con trai đầu lòng. Ông Phán cũng đã được phép vào tận giường vợ nằm và sung sướng ngắm con trai đỏ hỏn đang nằm yên trong chiếc nôi xinh xắn …
  Ông âu yếm nắm tay bà và hỏi : Mình đỡ mệt chưa? Uống chút sữa cho đỡ mệt nha!
Bà lại siết chặt tay ông và sẽ sàng hỏi : Mình muốn đặt tên con là gì nào?
- Thằng bé khóc chào đời khỏe quá! Anh muốn đặt tên con là Kỳ Thanh, tức là tiếng lạ có được không?
- Hay quá, Vậy cứ thế nhé!

   Lúc đó từ phương Đông, những ánh ban mai bắt đầu rạng lên. Một vài tiếng gà gáy sáng. Một ngày mới lại tới với thành phố Nam Định xinh xắn êm đềm. Đó chính là ngày lịch sử của một đứa trẻ mang tên Kỳ Thanh. Đó là ngày 25/8 năm 1940 rất đáng nhớ với nó./.