Đôi lời của nhà văn Tô Hoàng: CHLB Nam Tư trong ký ức của ngay cả những bậc U.70, U.80 chúng tôi cũng là điều gì rất mù mờ. Xa xưa, nghe nói là một thành viên trong Cộng đồng XHCN. Bỗng trở thành tấm gương xấu của “những kẻ xét lại hiện đại”. Rồi lại được bắt tay tung hô vì là thành viên sáng lập của “ Phong trào không liên kết”...  Không phe cánh. Tự tìm được con đường riêng đưa đất nước phú cường, người dân no đủ, hạnh phúc một thuở. Và bỗng dưng lại rơi vào  những toan tính của “Các Ông Lớn” để xứ sở chia năm sẻ bẩy, anh  em xóm giềng bắn giết lẫn nhau… Tìm được trên báo “ Nhân chứng & Sự kiện” ( Nga ) mấy bài , gom lại dịch để mọi người đọc và suy ngẫm. 
                        
CÂU CHUYỆN NAM TƯ

Kỳ 1: LÀM SAO THOÁT KHỎI THÂN PHẬN MỘT NƯỚC NHỎ?

TÔ HOÀNG

   LẬT GIỞ VÀI TRANG QUÁ KHỨ
            Vào tháng Tám năm 1949 Moskva loại trừ Nam Tư ra khói đội ngũ  các nước là đồng minh của Liên Xô. Chính các mối quan hệ phức tạp giữa Liên Xô và Nam Tư trong những năm sau chiến tranh 1941-1945 đã giải thích mối mâu thuẫn của hai con người hết sức khác nhau: Stalin và Tito. Trên thực tế là như vậy, nhưng mâu thuẫn giữa hai con người này còn có gốc rễ sân sắc hơn nhiều..
            Nếu các nươc khác trong phe XHCN ở Đông Âu được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức bởi Quân đội Xô Viết thì Nam Tư, tuy phía Liên xô trợ giúp về nhiều phương diện-vẫn được xem như tự giải phóng. Cần nói thêm, lực lượng tham gia việc giải phóng này chủ yếu là đội quân du kích dưới sự chỉ huy của Tito. Những nhóm du kích ấy vào thời kỳ cuối những cuộc chiến tranh đã thực sự trở thành một đạo quân chính quy. Hãy nhớ lại tham gia việc giải phóng thủ đô Belgrad bên cạnh những trung đoàn, sư đoàn Hồng quân có tới 8 sư đoàn thuộc Lực lượng quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư. Và những đạo quân này là con đẻ của Ioxip Broz Tito.
            Còn ở những năm tháng xa hơn nữa, tham gia chiến đấu với phát xít Đức còn có những người lính của tướng Mikhailovst với sự ủng hộ của chính phủ Nam tư tại London. Nhưng ảnh hưởng của phong trào này dần dần bị Stalin và Tito xóa bỏ để thành số O. Ngay từ năm 1942 Moskva đã gọi tướng Mikhailovst là “ kẻ hợp tác với địch” mà tiến hành thương lượng với viên tướng này là “điều không bao giờ”. Sau này thủ tướng Anh Winston Churchill gắng gỏi để “ những người Anh gốc Nam Tư “ cùng với quân đội của Tito tham gia vào việc thành lập chính phủ Nam Tư sau chiến tranh, nhưng đề nghị này bị Stalin gạt phăng.
            Như vậy, có thể coi Tito, Nam Tư có một vị trí khá nặng đồng cân đồng lạng trên thế giới sau Thế chiến 2. Stalin ủng hộ điều này còn Phương Tây thì không tán thành. Tito cảm nhận một cách sâu sắc việc cần phải khẳng định Nam Tư là 1 thực thể độc lập. Tito luôn nêu ra thắc mắc tại sao Pháp kháng cự với phát xít Đức một cách yếu ớt lại được xem là một trong những kẻ chiến thắng chính; còn Nam Tư chống Đức mạnh mẽ, nhiều thành quả như vậy lại không được coi là một nước độc lập, thuộc phe chiến thắng. Nói một cách khác, cái nhìn riêng của Tito về quốc gia Nam Tư không xuất phát từ “ sự ương bướng” của riêng ông ta.Phía sau ông ta là cả một xứ sở đã được giải phóng và có quyền là một quốc gia độc lập. Và đây là một nhân tố không kém phần quan trọng trong cách xem xét vấn đề Nam Tư.
            Phương Tây, với nỗi lực trước đây “ thu gọn lại” vai trò của những người du kích Nam Tư và những đóng góp của Nam Tư trong việc làm thất bại chủ nghĩa phát xít, nay tìm cách im lặng. Trong khi đó thì Moskva đề cao chiến công của đạo quân du kích Nam Tư, đề cao vai trò của Tito với dụng ý lập một Liên bang xã hội chủ nghĩa tại vùng Ban căng do Moskva chỉ huy. Người Nam Tư “sẽ tự điều hành xứ sở theo quan điểm của Moskva”. Nước “ dân chủ nhân dân” Nam Tư theo đường lối “ chuyên chính vô sản”, còn các Hội đồng nhân dân giải phóng Nam Tư thì sẽ cóp y nguyên các hội đồng Xô Viêt bên Nga. Góp yếu tố rất quan trọng là việc Tito khước từ kế hoạch Marsal đối với Nam Tư và sau đó lớn tiếng phê phán học thuyết Truman.Kết quả là Liên xô trợ giúp mạnh mẽ cho Nam Tư về kinh tế và quân sự; và từ Nam Tư nhiều chuyên gia khác nhau –trước hết là các chuyên viên quân sự kéo sang Moskva để học hỏi những gì Moskva đang làm. 
            Mối quan hệ cá nhân thân tình giữa Stalin và Tito sau này được thay thế bằng lòng căm ghét lẫn nhau. Nhưng sau chiến tranh Thế giới 2 thì quan hệ ấy thật tuyệt vời. Vào tháng 12 năm 1947, báo “ Sự thật” cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Liên Xô đã ngợi ca sự phát triển về phương diện chính trị và kinh tế tại Nam tư là “ chưa từng có”.
            Và vào một năm trước khi bài báo kể trên xuất hiện, trong một chuyến thăm của Đoàn đại biểu Nam Tư tới Moskva, sau khi các cuộc thương thảo đã hoàn tất,mọi người đáp xe tới ngôi nhà nghỉ của Stalin ở Cuisevo để được thưởng thức những món ăn ngon và thứ rượu vang nổi tiêng của xứ Grudi, trong cơn cao hứng Stalin đã khoác vai Titô hùng hồn tuyên bố trước tất cả mọi người: “  Hãy bảo trọng đấy ! Tôi sẽ không còn sống được lâu đâu. Đó là quy luật của thời gian. Và anh sẽ còn lại với châu Âu”. Mọi người ngồi quanh bàn tiệc đã sững sờ đến lặng ngắt vì lời tuyên bô đó. Vị lãnh tụ tối cao của giai cấp vô sản vào thời điểm đó đã chỉ đích danh người kế nhiệm mình, không phải dành cho Liên Xô mà là cho toàn bộ phong trào cộng sản thế giới. Hiển nhiên vào thời điểm đó khi Stalin nói tới 2 chữ “ châu Âu ” là nói tới toàn bộ thế giới cộng sản.
            Thật khó mà đoán định số phận nhân loại sẽ ra sao nếu Tito là người kế nhiệm của Stalin trong phong trào cộng sản quốc tế. Xét theo tính cách vừa cương quyết, vừa nhẹ dạ của Tito khi loại bỏ những đồng chí, đồng đội của mình thì hai thủ lĩnh này về nhiều phương diện khá giống nhau. Không loại trừ giả thuyết chính vì điểm này mà “Ông già Stalin” tín nhiệm Tito.
            Một thời gian khá dài Stalin ủng hộ Tito cả ở những điều mà Stalin không muốn, bởi lẽ ủng hộ những yêu sách của Nam Tư tự nhiên sẽ dẫn tới việc làm sâu sắc thêm mâu thuẫn đối với phương Tây. Ví như Tito khăng khăng khẳng định những lãnh thổ của các nước khác được quân đội Nam Tư giải phóng trong chiến tranh nhất thiết phải ở dưới quyền kiểm soát của ông ta. Ví như một phần lãnh thổ của nước Áo mà Mỹ và Anh đòi thuộc về họ.
            Tito cương quyết đòi cho bằng được những yêu sách của mình.  Bế tắc là điều hiển nhiên. Nhưng Stalin không chiềng mặt với Đồng minh hay với Tito mà tìm ra lối giải quyết khác: Stalin nhường cho Nam Tư phần đất mà quân đội Xô Viết đã giải phóng. Và thế là Tito hài lòng.
            Sự việc phức tạp hơn với những vùng đất, vùng bờ biển trước chiến tranh thuộc Italy. Tito tuyên bố một cách cứng rắn rằng: “..quân đội Nam Tư với tư cach là một trong những lực lượng của quân đội phe  Đồng minh có quyền bình đẳng với các đạo quân giải phóng khác ở lại trên những vùng lãnh thổ họ đã từng đổ xương máu trong cuộc chiến khốc liệt chống kẻ thù chung”. Với quan điểm ấy mọi việc càng trở nên nghiêm trọng hơn. Washington và London có ý định dùng sức mạnh giành  lại những vùng đất quân đội Nam Tư đang chiếm đóng. Nhưng họ đã vấp phải lời cảnh báo của Stalin nếu hành động như vậy Mỹ và Anh sẽ nhận hậu quả khôn lường. Vì thế có thể xem như những yêu sách của Nam Tư được Stalin coi là hợp hiến.
            Nhưng chính vào thời khắc phức tạp ấy Tito đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, gây nên cơn tức tối của lãnh tụ Moskva. Làm tình thế thêm rối ren và chọc tức các đồng minh, lãnh đạo Nam Tư có những lời lẽ trên thực tế làm mất lòng cả các nước Phương Tây lẫn Moskva. Chí ít ra là điện Kremli hiểu như thế. Tito khẳng định: “ Chúng tôi sẽ không trả nợ cho toan tính của những kẻ khác. Chúng tôi sẽ không chi ra một đồng xu mẻ nào. Chúng tôi không muốn lợi lộc của những người khác chi phố đường lối chính trị của chúng tôi. Chúng tôi cũng không muốn từ nay trở đi còn lệ thuộc vào ai nữa. Nam Tư sẽ không phải là món hàng hoặc vật để đổi chác.”
            Dễ hiểu “ Tuyên ngôn độc lập “ kiểu này không hợp với khẩu vị của Stalin. Chính vì vậy qua Đại sứ Liên Xô tại Belgrad những lời lẽ sau đây đã được chuyển tới tai Tito: “ Hãy nói với đồng chí Tito rằng nếu còn tái diễn những lệch lạc trong quan hệ với Liên Xô như vậy một lần nữa, chúng tôi sẽ công khai phê phán đồng chí ấy trên báo chí và vạch mặt chỉ tên đồng chí ấy”.
            Tito giật mình với lời cảnh cáo của người “đồng chí già” và giữa Moskva với Belgrad yên ổn được một thời gian nữa. Nhưng nhớ lại những lời lẽ Tito đã thốt ra, lập tức sẽ hiểu được ngay đường lối chính trị tiếp theo của Nam Tư, ví như về vai trò khởi xướng của Nam Tư trong Phong trào các nước không liên kết; sẽ hiểu rằng đó không chỉ là “ những lệch lạc”. Và cũng ngay ở thời điểm này không khó đoán ra những gì đã chín muồi trong cái đầu của Tito- Nam Tư cần bước tới tương lai trên con đường của riêng mình, không cần dựa dẫm cả vào Phương Tây lẫn của Moskva.
            Tuy Phong trào các nước không liên kết ra đời tại Hội nghị Belgrad  vào tháng Chín năm 1961, và sáng kiến về sự kiện này đã được nẩy sinh bởi bộ ba Ioxíp Tito, Gamal Abdel Nasser và Djavakharlal Neru đề xướng từ năm 1956; nhưng ý tưởng cốt lõi của sự ra đời phong trào này đã hình thành ở Nam Tư ngay từ những năm sau Thế chiến 2. Thiết nghĩ Stalin đã linh cảm thấy điều gì đó nên những sự bắt bẻ của ông ta với Tito nhiều lúc thấy vô lý. Tât cả như báo hiệu sự sụt lở nhanh chóng sẽ xẩy ra. Bước sang năm 1948 quan hệ giữa Moskva và Belgrad đã xấu đi, qua năm 1949 thì đã thành cực xấu. Vào tháng 8 năm 1949 Nam Tư không còn là đồng minh của Liên Xô nữa và bước qua tháng 10 quan hệ ngoại giao giữa hai nước phựt đứt.
            Stalin và người kế tục “ không thành” của ông ta bắt đầu trao qua đổi lại những lời lẽ bất nhã” mà từ trước tới lúc đó chưa hề có trong quan hệ các đảng cộng sản với nhau. Ví như, trong năm 1948, Moskva cho công bố một văn kiện mang tựa đề như sau: “ Đảng cộng sản Nam Tư đã rơi vào tay bọn đao phủ và lũ gián điệp”.
            Stalin không thể tìm ra cơ hội để đốn gục Tito; ngay cả với toàn bộ ảnh hưởng của mình trong quyền lực kiểm soát Phong trào cộng sản quốc tế ông ta cũng không thể làm gì được với thủ lĩnh Nam Tư. Kết quả xẩy ra một thời kỳ chống trả nhau. Tại Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa tràn lan một chiến dịch chống đối không sót thương “ những phần tử Tito”; còn ở Nam Tư người ta bài trừ những “ thân Stalin”. Cuối cùng, đã tồn tại giả thuyết Stalin tìm mọi cach thủ tiêu “ người kế nhiệm” . Và Tito chỉ thoát nạn khi Stalin chết vào tháng 3 năm 1953.
            Sự đoạn tuyệt ấy kéo dài mãi tới ngày Khrusov tới thăm Belgrad vào năm 1957.Và được bắt đầu bằng tiếng cười không ngụ ý gì. Tưa như khi Khrutsov vừa xuống khỏi cầu thang máy bay, một quan chức Nam Tư nhanh nhẩu đoảng nào đó vội lên tiếng kết tội Stalin. Khrutsov liền vỗ vai quan chức này và nói to để Tito nghe thấy: “Đồng chí Tito! Khi đồng chí muốn chấm dứt các cuộc thương thảo với người Nga thì ngồi đầu bàn bên kia là Stalin, chứ đâu phải tôi!”.

Quan hệ Liên xô - Nam Tư bắt đầu thời kỳ mới bằng lời bông phèng như vậy…