Đọc thơ nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004) trước Cánh mạng Tháng Tám, tôi thấy ít người - nếu không muốn nói là không có ai - chú ý đến một đặc điểm của thơ ông, so với các nhà thơ khác, cùng thời Thơ mới lúc ấy. Người ta thường chỉ chú ý đến một phiên "Chợ tết", một "Đám hội", một "Đám cưới mùa xuân" hay một đêm "Trăng hè"... và xếp ông vào một nhóm cùng với các nhà thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân... chẳng hạn, mà không chỉ ra chỗ khác nhau cơ bản giữa ông và những nhà thơ này. Không khó khăn gì, ta cũng thấy, ngoài những cảnh sắc thiên nhiên, ngoài đám Tết, lễ hội... luôn luôn được nhắc đến, thơ Đoàn Văn Cừ còn có cả cảnh Cháy nhà, có nạn Cướp đêm, có Đám chết nghèo, có buổi Đưa ma, có nỗi lo bão tố, nỗi sợ đê vỡ v.v... và đặc biệt là cảnh khổ cực của những người lao động bị áp bức, bóc lột...



GHI BÊN LỀ MẤY TRANG THƠ

HỒNG DIỆU

1.
Bất giác, nhớ Lò Ngân Sủn (1945-2013), nhà thơ, người dân tộc Dáy (cũng viết là Giáy). Tôi, và chắc nhiều người đọc rất ngạc nhiên khi thấy nhà thơ này đã in đến trên mười tập thơ và trên mười quyển sách khác (truyện ngắn, nghiên cứu, phê bình...).
Nhưng, rất có thể, nghĩ đến đời văn Lò Ngân Sủn, dường như người đọc chỉ nghĩ đến "Người đẹp" - một bài thơ được làm bằng một thứ tư duy rất "trần trụi", một thứ ngôn ngữ rất giản dị nhưng để lại một ấn tượng mạnh.
Tôi chỉ gặp Lò Ngân Sủn vài ba lần, khi thì ở trụ sở Hội Nhà văn, khi thì ở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội, mỗi lần chỉ vài chục phút, chưa có dịp nào trò chuyện lâu. Thế mà không hiểu sao, Lò Ngân Sủn biết tôi thích bài "Người đẹp" hay là anh nghĩ tôi nghiên cứu thơ nên cần có tư liệu về bài thơ hay của anh, mà có lần, anh đã chép tay, gửi tặng tôi một bản.
Điều đáng lưu ý là bản này có những chỗ không giống những bản đã nhiều lần in trên sách báo trước nay (để dễ so sánh, có thể xem chẳng hạn bản in gần đây nhất trong quyển "Thơ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015).
Không biết ngoài tôi ra, Lò Ngân Sủn có gửi cho ai bản này không, hay có gửi đăng ở một tờ báo mà tôi chưa được đọc.
Để các nhà nghiên cứu và bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo khi tìm hiểu bài thơ này, theo tôi là bài thơ độc đáo của Lò Ngân Sủn, bài thơ độc đáo của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, bài thơ độc đáo của thơ Việt Nam hiện đại, tôi ghi lại đây nguyên văn bản Lò Ngân Sủn tặng tôi để các nhà nghiên cứu và bạn đọc có tư liệu so sánh với các bản khác, nếu cần. Những chữ in nghiêng là những chữ không có ở các bản khác, hoặc nếu có thì có dị biệt ít nhiều:
NGƯỜI ĐẸP
Ai viết tên em bằng ánh sáng
Ai vẽ hình em bằng ánh trăng
                         (Dân ca Dáy)
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết - gặp người đẹp lại không muốn chết nữa.
Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người!
                Lò Ngân Sủn (Dân tộc Dáy)
Các bản in trên sách báo không có ba dòng (những câu dân ca Dáy) dưới tên bài thơ (Người đẹp). Câu thứ bảy, chữ gặp thường được in bằng hai chữ nhìn thấy. Câu thứ chín, hai chữ ước mơ thường được in bằng hai chữ giấc mơ.
2.
Mở đầu tập "Thơ thơ", Nhà xuất bản Đời Nay in lần thứ nhất ở Hà Nội năm 1938, gồm những bài thơ viết từ năm 1933 đến năm 1938, nhà thơ Xuân Diệu có bài "Cảm xúc", mấy câu đầu bài thơ đề tặng Thế Lữ:
Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn giây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến...
Năm 1942, Sóng Hồng (bút danh của nhà cách mạng Trường Chinh) trong bài thơ "Là thi sĩ" đề tặng các nhà thơ Việt Nam, lần đầu đăng trên báo bí mật, sau Cách mạng Tháng Tám thì đăng trên báo công khai ở Hà Nội (cuối bài thơ có ghi rõ địa điểm và thời gian sáng tác bài thơ này: Ngoại thành Hà Nội, tháng 6 năm 1942). Mấy câu đầu bài thơ "Là thi sĩ" của Sóng Hồng:
Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây"
Để tâm hồn treo ngược ở cành cây
Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu...
Tiếp theo đó, Sóng Hồng nhẹ nhàng nhưng cương quyết phê phán lối thơ xa lạ, xa rời cuộc cách mạng của dân tộc mà nhân dân ta đang tiến hành để giải phóng đất nước và đóng góp vào sự nghiệp hòa bình thế giới...
Hồi mới đọc "Là thi sĩ" của Sóng Hồng, tôi cứ đinh ninh, chắc chắn đây là bài thơ Sóng Hồng viết để trực diện đấu tranh với quan niệm về thơ của Xuân Diệu và các nhà Thơ Mới thời bấy giờ (bài thơ dẫn nguyên văn hai câu thơ Xuân Diệu).
Tuy nhiên, sự thật lại không phải như thế. Theo nhà thơ Sóng Hồng, bài thơ của tác giả có chủ định đấu tranh trực diện với một "đối tượng" khác.
Trong bức thư gửi một nhà giáo ở Hà Nội vào ngày 3-4-1964, nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) viết:
"Năm 1942, tôi hoạt động bí mật ở ngoại thành Hà Nội. Các chị em vận động binh lính đang tìm cách tuyên truyền một anh thư ký của nhà binh Pháp. Anh này hay làm thơ lãng mạn, than mây khóc gió, tiếc ngọc thương hoa. Một hôm đồng chí Hoàng Văn Thụ và tôi đến cơ quan binh vận trung ương ở quận 6 ngoại thành. Một chị binh vận đưa cho chúng tôi xem một bài thơ lãng mạn của anh thư ký nhà binh kia. Tôi bảo chị: "Anh này thích thơ, để tôi làm một bài thơ nói về nhiệm vụ của nhà thơ rồi chị đưa cho anh ta xem, họa chăng có giúp các chị một phần nào để cảm hóa anh ta chăng". Dĩ nhiên là chị binh vận kia hoan nghênh ý kiến của tôi và giục tôi làm cho mau bài thơ đó.
Vài hôm sau, tôi đưa cho chị bài "Là thi sĩ". Chị nhảy lên vì sung sướng. Sau tôi được biết bài thơ đó đã có tác dụng nhất định trong công tác binh vận của Đảng và trước hết là trong việc giác ngộ anh thư ký nhà binh nói trên".
(Xem Trường Chinh - "Tuyển tập văn học", tập II, Nhà xuất bản văn học, 1997, tr.295-296).
3.
 Bài thơ "Giọng nói" của nhà thơ Xuân Diệu có hai câu, lúc in trên báo là:
Dù bao giọng nói hay như hát
Cũng chẳng bằng em giọng nói thường.
Khi đưa vào tập "Tôi giàu đôi mắt" in năm 1970 (và về sau cả trong "Toàn tập Xuân Diệu" in năm 2001), câu đầu của hai câu trên có những chữ khác
Dù ai tốt tiếng như ca hát
Cũng chẳng bằng em giọng nói thường
Theo tôi, hai câu trên hay hơn. Sự so sánh ở đấy mở ra một đối tượng rộng (tất cả mọi người) hơn hẳn hai câu dưới.
 Một lần, tôi nói với tác giả bài thơ nhận xét của tôi về chuyện này. Nhà thơ Xuân Diệu giật mình mà bảo:
- Ừ nhỉ! Anh cũng không biết tại sao lúc đăng báo thì như thế, mà đến lúc đưa vào sách, nó lại như thế!
Vậy là, có một lúc nào đó, tác giả có thể có một chút... đãng trí, câu thơ hay hơn bỗng biến thành câu thơ kém hơn, ngoài ý muốn của mình.
4.
Đọc thơ nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004) trước Cánh mạng Tháng Tám, tôi thấy ít người - nếu không muốn nói là không có ai - chú ý đến một đặc điểm của thơ ông, so với các nhà thơ khác, cùng thời Thơ mới lúc ấy. Người ta thường chỉ chú ý đến một phiên "Chợ tết", một "Đám hội", một "Đám cưới mùa xuân" hay một đêm "Trăng hè"... và xếp ông vào một nhóm cùng với các nhà thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân... chẳng hạn, mà không chỉ ra chỗ khác nhau cơ bản giữa ông và những nhà thơ này.
Không khó khăn gì, ta cũng thấy, ngoài những cảnh sắc thiên nhiên, ngoài đám Tết, lễ hội... luôn luôn được nhắc đến, thơ Đoàn Văn Cừ còn có cả cảnh Cháy nhà, có nạn Cướp đêm, có Đám chết nghèo, có buổi Đưa ma, có nỗi lo bão tố, nỗi sợ đê vỡ v.v... và đặc biệt là cảnh khổ cực của những người lao động bị áp bức, bóc lột, mà ở đây là những người làm ruộng:
Đêm thuế đèn dây thắp sáng choang
Đình ran tiếng vọt, tiếng kêu oan
Trát về truyền hạn hai ngày nữa
Trống mõ canh khuya rợn xóm làng
(Những nỗi lo sợ phấp phỏng, 1944)
Đoàn Văn Cừ đã nhìn ra cái trì trệ của làng quê, cũng là của xã hội đế quốc, phong kiến thời ấy:
Cứ thế, làng tôi tháng lại năm
Sống bên ruộng lúa, cạnh ao đầm
Đời như mặt nước ao tù lắng
Gió lạ không hề thổi gợn tăm
(Làng, 1943)
Những câu thơ, những bài thơ "hiện thực" nói trên của Đoàn Văn Cừ thấy rất ít, rất thưa thớt ở một vài nhà thơ khác thời Thơ Mới bấy giờ. Vì vậy, cần ghi nhận đóng góp quan trọng này của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.