Nhà thơ Vương Tâm năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng với bản tính của một người hay đi, hay tìm hiểu, anh vẫn luôn trên mọi chặng đường đất nước viết báo, viết ký, làm thơ. Dễ hiểu vì sao, Vương Tâm là một trong những nhà thơ có sách in đều đặn, những tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, bút ký với những chân dung “kỳ nhân dị thảo” ra đời hàng năm đã một lần nữa khẳng định tâm hồn, trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người của ông vẫn luôn tươi trẻ và đầy đam mê. Nếu nói rằng, văn chương là trời cho, thì nhà thơ Vương Tâm có được cái lộc trời ấy để mà theo đuổi nó đến tận bây giờ. Tính đến nay nhà thơ Vương Tâm đã xuất bản 40 đầu sách truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ trữ tình.


Nhà thơ Vương Tâm: “Đường tơ quanh chiếc ấm tròn trên tay”

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

Căn nhà nhỏ phía sau ga Hà Nội của ông chật chội hơn diện tích vốn có của nó, bởi vì từ tầng 1 đến tầng 4, chỗ nào cũng được bày biện ấm và chén, bên cạnh sách vở và vật kỷ niệm của những chuyến đi. Mỗi một người có những thú chơi khác nhau, riêng với nhà thơ Vương Tâm, ông là người trọn vẹn trong suốt chiều dài cuộc sống mình, là những tháng ngày mải miết đi đến những làng gốm sưu tập ấm trà, hiểu và bình luận về nó với một niềm đam mê không mỏi...

Hành trình chơi ấm 
Mân mê chiếc ấm trà trên tay, một bộ ấm cổ ông đã mua được trong một chợ đồ cũ, nhà thơ Vương Tâm kể lại hành trình chơi ấm của mình. Ông bắt đầu chơi ấm trà từ năm 1995, khi được một người bạn tặng chiếc ấm đất tử sa Trung Quốc xinh xinh như quả quýt màu hồng. Vẻ đẹp của nó gợi cảm đồng thời gắn bó với tình bạn đã thu hút cảm hứng để sưu tầm những chiếc ấm mỗi khi đi đến các địa phương trong quá trình đi thực tế lấy tài liệu viết bài.
Và cũng từ đó bắt đầu những cuộc hành trình đến các lò gốm, suốt hơn 20 năm qua, trên các địa phương như Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Chu Đậu (Hải Dương), hoặc ở các tỉnh miền Trung và miền Nam như làng gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận), gốm Thanh Hà (Hội An, Đà Nẵng), lò gốm Minh Long ở Bình Dương…
Đặc biệt còn có những chiếc ấm Vương Tâm đã mua được trong chuyến đi Thượng Hải, Hồng Công, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thái Lan, Campuchia, Lào cùng những tỉnh ở biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Kiên Giang, Điện Biên, Hà Giang, Hà Tĩnh, Huế... Ông chia sẻ rằng, chơi ấm không tốn nhiều tiền, nhưng tỉ mẩn. Bộ ấm nhiều tiền nhất chỉ tầm chục triệu, nhỏ thì vài trăm, vài chục nghìn...
Ngoài ra bạn bè, đồng nghiệp cũng tặng những chiếc ấm trà với kiểu dáng lạ, tìm được trong những chuyến đi. Trong đó có những chiếc ấm cũ của nhà báo Nguyễn Văn Học sưu tầm được của một nông dân ở làng quê Hải Dương. Hoặc chiếc ấm đồng có cái vòi được làm cách điệu của nhà báo Nguyễn Việt Phú (Đài Truyền hình Việt Nam) trong chuyến đi quay ở làng đúc đồng Đại Bái.
Đáng chú ý trong đó có chiếc ấm hình quả bí của họa sĩ Nguyễn Mai Hương (Nhà xuất bản Thanh niên) sưu tầm ở Hàn Quốc đem tặng. Hoặc ông còn có chiếc ấm mang phong cách Chăm (Ninh Thuận) do họa sĩ Chế Kim Trung tự làm tặng cho Vương Tâm trong chuyến đi vào làng gốm Bầu Trúc.
Đặc biệt chính các nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng hoặc làng gốm Son (Quyết Thành, Hà Nam), làng gốm Bầu Trúc cũng tặng cho Vương Tâm những chiếc ấm trà độc đáo do chính tay họ làm. Đó là các nghệ nhân Đàng Thị Phan, Tô Thanh Sơn. Nguyễn Lợi, Phạm Văn Đạo, Gốm Chi, Lại Văn Tiết, Phạm Ngọc Huy…
Hiện nay, nhà thơ Vương Tâm có tới gần 500 chiếc ấm trà sưu tầm được ở các lò gốm và ở các địa phương. Với nhiều chất liệu khác nhau như đất, sứ, sành, sắt, đồng, gỗ, phalê… Một số lớn là những ấm trà của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia, Tiệp Khắc, Pháp…
Mỗi ấm một kiểu dáng, một màu men với những họa tiết riêng biệt. Nhiều nhất là các bộ ấm bằng đất tử sa Trung Quốc. Có bộ ấm nhỏ độc nhất hiện nay với hàng chục chiếc ấm nhỏ trong đó có chiếc ấm nhỏ chỉ bằng ngón tay. Đây chính là chiếc ấm nhỏ kỷ lục hiện nay của Vương Tâm (pha được trà đãi khách như thường).

Những kỷ niệm để đời nghề... chơi ấm
Đã là thú chơi thì thú chơi nào cũng lắm công phu. Và những câu chuyện xung quanh chiếc ấm luôn đầy ký ức đối với nhà thơ Vương Tâm là những chuyện không thể nào quên. Chuyện xảy ra tại làng gốm cổ Chu Đậu vào năm 1996 là một ví dụ điển hình. Khi ấy người dân trong làng còn tự đào bới ngay trong nhà mình để lấy đồ bán cho khách thập phương tìm đến mua đồ cổ.
Mỗi gia đình trong làng đều sống trên mỏ “gốm quan” (chuyên làm cho vương triều, nay đã bị chôn vùi theo thời gian chừng hơn 300 năm), nhà thơ Vương Tâm đã tìm đến nhưng bị một số người nghi là dân chuyên chơi đồ cổ chặn lại. Họ đòi đưa vào nhà để bán hàng.
Ai cũng chèo kéo. Đang chần chừ chưa biết theo ai thì có người đe, nếu không mua của họ thì không đi đâu được. Vương Tâm đành phải quay ra, đi tắt lên đê rồi lén đi theo một con đường nhỏ, để xe lại và lội qua mấy thửa ruộng ngập nước vào làng tìm đến một gia đình mua một cái ấm nhỏ xíu đã bị sứt vòi. Đó chính là một cái ấm cổ giá bán vo lúc đó là 400 ngàn đồng. Trời đã xẩm tối. Vương Tâm đeo cái túi đựng ấm lọ mọ đi xe máy về Hà Nội trong tâm trạng hoan hỉ vì mua được một chiếc ấm cổ!
Kỷ niệm đi xe máy đến Chiềng Luông (xã Văn Luông, Tân Sơn, Phú Thọ) một quãng đường hơn 100 cây số trong chuyến đi viết bài năm 2010 cũng khiến anh ấn tượng. Vương Tâm vào một xóm dò hỏi tìm mua chiếc ấm cũ của người Mường. Một người già đã dẫn vào nhà cho xem một chiếc ấm làm bằng gỗ dừa bịt đồng cũ đã han gỉ, Vương Tâm trả tiền nhưng họ không nhận.
Dùng dằng một lúc ngồi nói chuyện, Vương Tâm chợt nghe tiếng ru từ nhà bên vọng sang. Vương Tâm vội lấy giấy bút ghi lại bài ru, đó chính là bài Mười tay của người Mường cổ nói về thân phận người phụ nữ Mường trong cuộc sống gia đình.
Lần khác, Vương Tâm đi một chuyến vào nhà đồng bào người Chăm ở Châu Đốc, An Giang (năm 2014). Đây là khu người Chăm theo đạo Hồi sinh sống và hội tụ quanh sông Hậu, sông Tiền làm nghề đánh cá và dệt lụa.
Theo một người xe ôm đưa đường và chỉ dẫn vào một làng người Chăm bên sông Hậu, hôm đó Vương Tâm mua được một cái ấm mang màu sắc Chăm. Nhà chủ nói nhập về từ Malaysia, nơi đất thánh của người Chăm theo đạo Hồi. Khi về, người lái xe ôm mải chuyện đi dọc trên bờ sông đào (giữa biên giới hai nước Campuchia và Việt Nam) đã bị loạng choạng tay lái vì đường trơn, thế là cả hai bị ngã xuống sông. Chiếc ấm mua được bị chìm dưới lòng sông. Sau đó Vương Tâm phải thuê người bản xứ lặn mò suốt một tiếng sau mới tìm lại được nhưng chiếc nắp ấm đã bị mất không có cơ hội tìm lại…

Duyên nợ ấm và văn chương
Cùng với những chuyến đi sưu tầm ấm trà, Vương Tâm đã viết ký, truyện ngắn, hoặc làm thơ gắn bó với những kỷ niệm khó quên. Trong cuốn sách ký sự về Hà Nội đang in cuối năm 2016, tác giả Vương Tâm tập trung viết về các làng nghề và nghệ nhân ở Hà Nội. Trong đó có những chân dung làm gốm nổi tiếng nhất ở Hà Nội.
Đáng chú ý bài viết về nghệ nhân ưu tú như Tô Thanh Sơn, người đã làm những chiếc ấm trà lớn với một kỹ năng siêu việt tìm ra những mẫu men cổ, với chiếc bình gốm lớn kỷ lục được ghi nhận trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Anh cũng đã có những bài thơ gắn bó với chiếc ấm trà và văn hóa trà như Cung buồn pha lê, Trà với em, Hương đất… Tác giả đã tự tay viết lại bốn câu thơ trên chiếc ấm đất mới nặn để đưa vào lò nung. Những câu thơ ghi: “Ấm đất lót cánh sen/ Trà rót đầy một chén/ Bao chờ mong hò hẹn/ Xin dâng mời tình nhân”.
Hoặc cảm xúc trong một lần uống trà: “Hương trà tỏa lan thơm mùi cốm/ Không gian ấp ủ sắc xuân tươi/ Mắt ai long lanh trong nắng sớm/ Thẫn thờ say vị ngọt làn môi”. Hay còn đó một chút mơ: “Đất nung thẫm một màu son/ Đường tơ quanh chiếc ấm tròn trên tay/ Ngắm em trong giấc mơ ngày/ Miệng xinh xinh, sánh giọt đầy nỗi hương” (Ghi ở làng gốm Son Quyết Thành, Hà Nam)...
Nhà thơ Vương Tâm năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng với bản tính của một người hay đi, hay tìm hiểu, anh vẫn luôn trên mọi chặng đường đất nước viết báo, viết ký, làm thơ. Dễ hiểu vì sao, Vương Tâm là một trong những nhà thơ có sách in đều đặn, những tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, bút ký với những chân dung “kỳ nhân dị thảo” ra đời hàng năm đã một lần nữa khẳng định tâm hồn, trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người của ông vẫn luôn tươi trẻ và đầy đam mê.
Nếu nói rằng, văn chương là trời cho, thì nhà thơ Vương Tâm có được cái lộc trời ấy để mà theo đuổi nó đến tận bây giờ. Tính đến nay nhà thơ Vương Tâm đã xuất bản 40 đầu sách truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ trữ tình.
Cùng với đó là những giải thưởng văn chương, báo chí mà anh đã được trao: Giải thơ 5 năm đầu tiên của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (1980-1985); Giải bút ký Báo Văn nghệ và Bộ Nông nghiệp Việt Nam 1987; Giải nhì truyện ngắn cuộc thi Báo Người Hà Nội năm 2006; Giải A cuộc thi thơ tình Báo Văn nghệ năm 2007; Giải ba truyện ngắn 1.200 từ Báo Tuổi Trẻ năm 2008; Giải nhất cuộc thi phóng sự, bút ký Báo Người Hà Nội năm 2010.
Ông là người hiền lành, dễ tính, nhưng lại luôn quyết liệt theo đuổi đam mê của mình. Chưa bao giờ thấy ông “bó tay” trước bất cứ một đề tài nào, dù đó là về những sáng tác của riêng ông, hay đó là những bài báo nhỏ. Ông viết đủ các thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ ca, ký chân dung, giới thiệu tập sách, với nhiều bút danh khác nhau.
Ngoài bút danh Vương Tâm, ông còn có những cái tên khá quen thuộc xuất hiện trên các tờ báo lớn như Chung Tử, Lưu Kường, Cảnh Linh, Duy Anh, Tào Phong… Dường như mọi thứ đến với ông đều dễ dàng và nhẹ bẫng. Cần bài gì, hỏi đến ông, hôm sau sẽ có bài đáp ứng. Chính vì vậy, cho dù là thời còn tuổi trẻ, hay cho đến nay, trên đầu đã hai thứ tóc, nhà thơ Vương Tâm vẫn luôn có bạn đồng hành là rất nhiều người trẻ tuổi.
Có cháu là sinh viên mới ra trường nhưng cũng có những người bạn đã có vị trí cao trong một số tòa soạn báo, khi nhắc đến nhà thơ Vương Tâm đều nói về ông với một vẻ trìu mến đầy trân trọng. Có một thời, khi họ còn là những sinh viên mới ra trường thì nhà thơ Vương Tâm  - nguyên Trưởng ban Báo Hà Nội mới Cuối tuần, đã luôn nâng đỡ cho họ từ những bài báo đầu tiên để kiếm tiền nhuận bút sống và viết.
Vậy mà trong mấy chục năm qua, dù đã được nhà nước cho nghỉ hưu, nhà thơ Vương Tâm vẫn luôn trên những chặng hành trình tìm tư liệu cho mình để viết báo, viết văn. Dường như đối với ông không bao giờ có cụm từ “nghỉ ngơi”, dù tiền bạc, danh vọng đối với ông chỉ là điều đã nằm trong dĩ vãng...