Nằm chung cùng chín truyện ngắn trong cuốn sách mới nhất của nhà văn Dạ Ngân, ra mắt vào những ngày đầu tiên của năm 2017, “Người yêu dấu” có sức vóc của một tiểu thuyết. Cách xác định mốc thời gian ngay ở câu mở đầu tiểu thuyết cũng đã báo hiệu rằng nó là tác phẩm viết về chiến tranh: “Tháng tư thứ mười, 1975-1985, một thập niên trôi qua không bình yên”. Nhưng Dạ Ngân không chỉ viết về một, mà là hai cuộc chiến, theo kết cấu đảo lộn trật tự thời gian. Thoạt tiên là cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, trên chiến trường K. Tiếp đến là cuộc chiến kéo dài hai mươi năm trên chính đất nước Việt Nam này. Để rồi đến những trang cuối cùng, chiến trường K mới trở lại, đặt dấu chấm buồn cho mẹ, cho anh và cho em.




NGƯỜI YÊU DẤU và phía sau cuộc chiến

HOÀI NAM

Không chọn viết về chiến tranh theo cách viết sử thi, Dạ Ngân chọn cách viết “giải sử thi”. Chỉ là những xóm nhỏ miệt sông nước miền Tây, chỉ là những bệnh viện dã chiến trên chiến trường K, chỉ là những nhân vật già trẻ trai gái dễ lẫn vào hàng triệu con người bình thường, thế nhưng chiến tranh, từ cuộc này đến cuộc kia, vẫn cứ hiện ra với tất cả sự khốc liệt ghê gớm của nó. Dạ Ngân đã khéo biết “gẩy” ra nhiều chi tiết để tạo nên ấn tượng về sự khốc liệt ghê gớm này.
Đọc tác phẩm, khó có thể quên được kiểu “khóc điếng” của nhân vật bà má cô Liêm Chi khi bà chứng kiến những cái chết thời chiến: đứng như trời trồng, đanh lại, mãi sau đó mới ôm đầu vừa chạy vừa tru lên như hóa điên.
Cũng như, khó có thể quên được nỗi ám ảnh của bác sĩ quân y Tường khi kể về những cái chân bị cắt bỏ của người lính trên chiến trường K: “Cắt một chân hoặc cắt hai chân, ngày rồi đêm, cưa cắt cả mấy trăm ngày đêm rồi. Em nào cũng trẻ, em nào cũng kêu má ơi khi nghe tiếng cưa xiết trên da trên xương... Anh không thể nào bước vào chợ thịt được nữa...”.
Ở phương diện có ý nghĩa nhất, “giải sử thi” của Dạ Ngân chính là giải huyền thoại chiến tranh. Tất cả nỗ lực này tập trung ở nhân vật Cang. Đó là người anh hùng rạng rỡ trong cuộc chiến tranh hai mươi năm. Cũng người anh hùng ấy, khi bước vào cuộc chiến tranh tiếp theo, đã tiên cảm đến một kết cục buồn của nghiệp nhà binh không thanh thản. Cang bị đánh gục vì bệnh sốt rét, vốn là thứ rất sẵn trên chiến trường K. Nhưng đáng nói là cách Dạ Ngân mô tả nhân vật những tháng ngày vật vã cuối cùng và cách nhà văn đưa ra một chi tiết đầy bất ngờ trong bức thư mà Cang viết, nhưng không gửi, cho người con gái mà anh thuộc về nhưng lại phải rời xa... Đó cũng là một lời phủ quyết chiến tranh, tuy nhỏ giọng nhưng đầy quyết liệt, vì nó chạm được đến phần sâu nhất của tính người.


Nguồn: Tuổi Trẻ