Phạm Đình Ân sống khá lặng lẽ, kín đáo. Là nhà thơ nhưng ông ít la cà. Những lúc bạn bè văn chương gặp nhau, có người luôn thích lớn tiếng phát biểu, nhận xét, để khẳng định mình hoặc chứng tỏ sự hiện diện, khi ấy Phạm Đình Ân dù có mặt nhưng thường không tham gia. Thậm chí thấy có người nói quá thì ông cũng không nói lại. Ông luôn hết sức tránh tranh luận ở những nơi công cộng. Có cảm giác ông không mấy thích những nơi ồn ào. Phạm Đình Ân không bia rượu, không cà phê, thuốc lá. Ngay trà Thái Nguyên pha đặc ông cũng không. Vào quán, bạn bè hỏi dùng gì thì ông chỉ nhỏ nhẹ: “Cho mình cốc trà Líp tông”. 




CÓ MỘT PHẠM ĐÌNH ÂN

HUY THẮNG

Nhà thơ Phạm Đình Ân không dễ để gây cảm tình ngay đối với người mới gặp. Ở ông có dáng dấp một viên chức hành chính cần mẫn. Khuôn mặt luôn nghiêm túc, ít cởi mở, hiếm thấy ông cười hoặc có cử chỉ chủ động làm quen. Lúc nào cũng thấy ông như đang tất bật, bận mải suy nghĩ điều gì. Chẳng thế, có người cùng cầu thang, hàng ngày lên xuống thường gặp, nhưng thấy ông vậy nên cũng không dám bắt chuyện. Tôi với Phạm Đình Ân sống cùng một khu tập thể đã lâu nhưng cả gần năm trời mà chưa một lần trò chuyện. Để mãi ngày cụ thân sinh ông mất, tôi là tổ trưởng, có thay mặt tổ dân phố đến chia buồn. Xong tang lễ, Phạm Đình Ân lên tận nhà tôi cảm ơn, khi ấy mới có dịp trò chuyện.
Phạm Đình Ân là một nhà thơ, đã có mấy tập thơ xuất bản, đang là cán bộ biên tập tại báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam (mãi cho đến năm 2015 ông mới chính thức nghỉ hẳn công việc ở báo). Trước đó, khi mới ra trường ông là phóng viên rồi biên tập viên báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng vì yêu thích và có khả năng văn chương nên ông chuyển sang. (Chuyện Phạm Đình Ân từ báo Nhân Dân sang báo Văn Nghệ tôi đã được nhà văn Trần Hoài Dương kể. Năm 1980 Dương muốn cùng gia đình chuyển vùng vào Nam nhưng luôn gặp khó vì nhà văn Đào Vũ, khi ấy là Phó Tổng biên tập phụ trách báo Văn Nghệ, một người kỹ tính, không đồng ý giải quyết vì thấy chưa có người phù hợp thay Dương đang phụ trách ban văn xuôi ở báo Văn Nghệ, dù Dương có giới thiệu lên ông mấy người. Chỉ đến khi Dương tiến cử Phạm Đình Ân thì Đào Vũ mới nhất trí vì ông rất biết năng lực và tính cách của Ân. Và rồi đích thân nhà văn Đào Vũ còn trực tiếp sang báo Nhân Dân để xin Ân về).
Phạm Đình Ân sống khá lặng lẽ, kín đáo. Là nhà thơ nhưng ông ít la cà. Những lúc bạn bè văn chương gặp nhau, có người luôn thích lớn tiếng phát biểu, nhận xét, để khẳng định mình hoặc chứng tỏ sự hiện diện, khi ấy Phạm Đình Ân dù có mặt nhưng thường không tham gia. Thậm chí thấy có người nói quá thì ông cũng không nói lại. Ông luôn hết sức tránh tranh luận ở những nơi công cộng. Có cảm giác ông không mấy thích những nơi ồn ào. Phạm Đình Ân không bia rượu, không cà phê, thuốc lá. Ngay trà Thái Nguyên pha đặc ông cũng không. Vào quán, bạn bè hỏi dùng gì thì ông chỉ nhỏ nhẹ: “Cho mình cốc trà Líp tông”. 
Ban đầu khi mới quen tôi hiểu không đầy đủ về ông, nhưng sau thân thiết nhau rồi thì tôi biết mình nhầm. Phạm Đình Ân là người có kiến thức, đã có học vị tiến sĩ văn chương, nhiều năm là trưởng ban lý luận - phê bình của báo Văn nghệ, nhưng không phải là người hoạt ngôn nên khi chỉ có hai ba người thân thiết ngồi bên nhau bàn sâu về một vấn đề văn học nào đó thì ông mới thoải mái nói hết ý kiến mình. Khi ấy những ý kiến của ông sâu sắc, tinh tế và kỹ càng. Cảm giác bên tri kỷ thì ông là một con người khác. Thơ của Phạm Đình Ân cũng vậy. Thơ ông không thể đọc một lần, càng đọc sâu càng phát hiện thêm những ẩn ý, thâm thúy ẩn nơi phía sau con chữ.
Phạm Đình Ân có thơ đăng khá sớm. Năm 1968, khi còn là sinh viên khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội ông đã có thơ được in trên tuần báo Văn Nghệ, nhưng bài thơ đầu đời ấy không thực sự gây ấn tượng... Mãi cho đến bốn năm sau, năm 1972, thêm chùm thơ hai bài của Phạm Đình Ân đăng trên tạp chí Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có bài “Đi dọc miền Trung”. Bài thơ “Đi dọc miền Trung” được tác giả viết sau khi đi thực tế tại các tỉnh miền Trung trong những năm tháng cả đất nước đang quyết liệt chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đặc biệt các tỉnh miền Trung đang ngày đêm phải hứng chịu đạn bom ác liệt, nhiều thương đau, mất mát.  Bài thơ này lập tức gây tiếng vang, cả trong xã hội và người trong giới. Vào năm 2006, đúng 34 năm sau ngày bài thơ ra đời, nhà thơ Vân Long đã có căn cứ để nhận xét, kết luận: “Tuy chưa tham dự cuộc thi thơ nào, nhưng trong khi nhiều bài thơ được giải đã bị quên lãng thì “Đi dọc miền Trung” của Phạm Đình Ân còn lại”.
Ý thức công dân, ý thức xã hội và tình cảm của tác giả như được ngấm trong mỗi câu thơ:
Đất nước đau thắt ruột ở miền Trung
Da thịt nơi nào cũng có mảnh bom găm
Đất càng chật, bom càng dầy nhung nhúc
Dải đất hẹp khô gầy mà lại đắp bồi chỗ thiếu hụt
       trong tôi
Đất nghèo khó cho nên giầu ý nghĩa
Tôi đi qua, khát khao điều rộng cao, mới mẻ
Bồn chồn thương đất nước của tôi
Tình thương sâu không biết nói sao cùng
Chỉ một miếng dưa ăn của miền Trung
Đủ ràng buộc cả đời tôi mắc nợ.
Khi sáng tác bài thơ dài 62 câu xúc tích và gan ruột ấy,  Phạm Đình Ân  mới là một sinh viên vừa ra trường.
Phạm Đình Ân tính tình nghiêm túc và cẩn thận, rất hợp với người làm công tác biên tập. Xin kể một chi tiết nho nhỏ. Khi làm biên tập ở tuần báo Văn nghệ, một tác giả có bài gửi đăng nhưng báo không dùng vì nội dung không phù hợp. Thường bài không dùng thì bỏ đi nhưng Ân giữ lại, xếp trong tập hồ sơ. Bất ngờ, đúng bảy năm sau, tác giả bài viết vốn là một nhà khoa học trực tiếp đến tòa soạn khẩn khoản nói giúp tìm lại hộ vì trong đó có những tư liệu ông cần. Ân dành thời gian soạn tìm. Bản thảo vẫn còn nguyên vẹn, sạch sẽ.
Bận mải công việc biên tập nhưng Phạm Đình Ân vẫn dành thời gian làm thơ. So với nhiều đồng nghiệp, ông viết ít, viết chậm và càng thận trọng khi công bố. Khi làm thơ, Phạm Đình Ân chủ tâm rất kiệm lời, câu chữ như được nén chặt. Nhiều nhà thơ từng tâm niệm, trong cuộc đời làm thơ để có được một bài thơ, thậm chí chỉ một hai câu thơ được người đời nhớ đã thật hạnh phúc. Trường hợp Phạm Đình Ân còn hơn thế. Nhiều bài thơ của ông luôn có mặt trong chuyên mục “Đến với bài thơ hay” hoặc “Sổ tay người yêu thơ” trên các báo.
Nói đến những bài thơ hay của Phạm Đình Ân bạn bè văn chương thường nhắc đến “Đi dọc miền Trung”, “Đầu năm mua muối”, “Nắng xối đỉnh đầu”, “Lá trầu cay”, “Những hoàng hôn ngẫu nhiên”, “Hà Đông”, “Phố Phùng Khắc Khoan”, “Những cái giật mình”, “Phủ Lý”, “Sợi tóc”...v. v
…Nhiều người nghĩ, với tính cách của Phạm Đình Ân hẳn ông chỉ làm thơ thế sự, chính luận. Nhưng ngược lại, những bài thơ viết về tình yêu của ông lại nhiều và hay. Phạm Đình Ân chọn riêng những bài thơ viết về tình yêu của mình in trong tập thơ có tên “Những hoàng hôn ngẫu nhiên”, từ Nhà xuất bản Phụ Nữ. Nhiều bài in trong tập đã được dư luận đánh giá cao. Riêng bài thơ “Sợi tóc” đã có tới trên hai mươi người thẩm bình. Thậm chí sau một phần tư thế kỷ, kể từ ngày bài thơ ra đời qua rất nhiều nhận xét, đánh giá. Tưởng như đã không còn gì để nói vậy mà gần đây vẫn có thêm lời bình, vẫn có người phát hiện thêm vẻ đẹp của bài thơ:
Em tặng tôi sợi tóc của em
Rồi tháng ngày vèo trôi em không nhớ nữa

Năm mươi năm sau
Khi tìm được về chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc

Bà khóc

Sợi tóc vẫn còn đen

Bài thơ ngắn chỉ vỏn vẹn 9 dòng, 49 âm tiết mà gây xúc động. Cảm giác bài thơ dài như một cuốn tiểu thuyết.

Có một chi tiết khá thú vị quanh bài thơ. Nhiều người đọc, yêu thích nhưng không có văn bản mà chỉ chép lại từ sổ tay người này, người khác nên không rõ tác giả.Trước yêu cầu của độc giả, tạp chí “Thế giới quanh ta” đã có sáng kiến mở thêm chuyên mục Đi tìm tác giả “Sợi tóc”.
Tôi quen biết nhà thơ Phạm Đình Ân muộn, dù từ rất lâu tôi đã được đọc thơ ông. Thú thật lần đầu gặp tôi cũng có đôi chút băn khuăn. Liệu có phải con người rất kiệm lời, khuôn mặt ít biểu hiện cảm xúc kia là tác giả của những bài thơ, những câu thơ tài hoa, xúc động từng mê hoặc, không chỉ riêng tôi? Và khi đã gần gũi, thân quen tôi nhận thấy ở ông thêm nhiều phẩm chất đáng quí. Bình thường ông lặng lẽ, nhu mì nhưng khi cần ông tranh luận, phản biện mạnh mẽ, thẳng thắn, không ngại va chạm - dù là ai. Những lúc ấy cái phần ẩn giấu trong con người ông như mới được bộc lộ.
Tập thơ “Vòng Quay” của Phạm Đình Ân ra đời khi ông đã vào tuổi cổ lai hy. Thường người làm thơ khi đã cao tuổi dễ bị lặp lại. Nhưng trường hợp Phạm Đình Ân lại khác, “Vòng Quay” được dư luận đánh giá cao. Nhiều nhà thơ, nhà phê bình cho là tập thơ mới này của Phạm Đình Ân có tứ lạ, ngôn từ xúc tích, ẩn giấu nhiều tầng nghĩa. Có nhà thơ đánh giá đây là bước tiến dài của Phạm Đình Ân cả về bút pháp, trí tuệ và tình cảm. Nhà thơ Vũ Quần Phương còn viết một bài dài trên báo Văn nghệ và khẳng định, tập thơ “Vòng Quay” của Phạm Đình Ân là một “đột biến”. Với tôi “Vòng Quay” so với các tập thơ trước của ông, trong tập thơ này dù mang một bút pháp khác, ngắn gọn, cô đặc hơn nhưng tư tưởng, tình cảm cũng vẫn tiếp tục nhất quán chặng đường thơ được ông đã đeo đuổi suốt hơn bốn chục năm qua, mà có lẽ khởi đầu đến từ “Đi dọc miền Trung”.
Thơ Phạm Đình Ân khá đa dạng. Thơ thế sự trăn trở, ưu tư. Thơ tình yêu  tinh tế, lắng đọng… ông như đã phân thân trong mỗi thể loại, mỗi mảng đề tài. Nhưng dù ở thể loại nào thì chúng vẫn luôn mang một vẻ đẹp riêng, và là nơi để tác giả bộc bạch nỗi niềm, bày tỏ thái độ, chia xẻ cảm xúc… Tôi nhớ trong bài thơ “Gai táo sắc”  công bố từ năm 1989 của ông từng có câu:
Hôm qua ra ngõ gặp anh hùng
Hôm nay
ra đường buồn và sợ
Những câu thơ mạnh mẽ, đầy tính cảnh tỉnh xã hội.
Nhà thơ Phạm Đình Ân có niềm khát khao mà bạn bè thân thiết đều rõ. Cha mẹ ông hiếm muộn, chỉ có mình ông. Mẹ mất khi ông mới 2 tuổi. Bố ông, gà trống nuôi con nhiều năm từ những ngày tản cư chống Pháp. Rồi cụ cũng phải vể với tổ tiên. Phạm Đình Ân rất yêu con trẻ, lòng thảo thơm, nhân ái vậy nhưng trong nhà  lại thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ. Có lẽ vì vậy ông luôn dành nhiều tâm huyết để làm thơ cho lứa tuổi mẫu giáo, nhi đồng. Thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Đình Ân hóm hỉnh và nhân ái được tập hợp trong các tập: “Tắc kè hoa”, “Chim khen bé ngoan”  (cùng Xuân Thơm, Vương Thừa Việt ), Trăng của bé (cùng Vũ Quần Phương, Nguyễn Thanh Toàn, Mai Ngọc Uyển), “Sao Hôm, sao Mai” (cùng Mai Ngọc Uyển,) và “Đất đi chơi biển” (tập thơ chủ yếu viết sau khi tác giả có chuyến đi Trường Sa). Bên các mảng thơ cho người lớn, thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Đình Ân nhiều tìm tòi độc đáo. Rất nhiều bài thơ viết cho thiếu nhi của ông đã được chọn tuyển vào sách giáo khoa.