Lạy có nhiều hình thức, quỳ gối chấp hay tay trước ngực, quỳ gối đầu cúi xuống đụng mặt đất, hoặc quỳ xuống rồi nằm dài xuống đất của dân Tây Tạng. Mỗi tôn giáo có những kiểu lạy khác nhau biểu tượng sự thành kính dâng lên niềm tin, lời cầu nguyện không gì lay chuyển của một tín đồ hướng tới các đấng thiêng liêng. Nó có ý nghĩ tuân phục trời, thượng đế đã tạo ra vạn vật, muôn loài, con người trong vòng tay của tạo hóa, của trời. Riêng với đạo phật ý nghĩa đó được nâng lên mọi vật được sinh ra từ trời đất để rồi tất cả đều là pháp, nhân duyên thành trụ hoại diệt. Chấp tay trước bông hoa là đã nhận ra pháp. Nhận ra mình cũng nằm trong pháp để rồi tất cả được sinh ra để cho nhau và tôn trọng lẫn nhau. Cũng như vậy khi đứng trước vật nhỏ bé, xấu xí cũng không lên tiếng chê bai vì biết mọi vật đâu đứng yên mà nó đang vận động…



CHẤP TAY HOA - THÂN LẠY HAY TÂM LẠY?
NGÔ KHẮC TÀI

Một bài hát lời đã hay, ý đẹp còn tìm đúng người ca sĩ có chất giọng phù hợp mới sống mãi trong lòng người nghe. Với tôi có những bài hát mà tôi gọi là bài hát kinh (kinh ở đây không phải là kinh điển mà là nó được nghe đi nghe lại hàng trăm lần mà vẫn muốn nghe. Mỗi lần gặp chuyện buồn phiền mà nghe nó người cảm thấy như được vực dậy tiếp thêm năng lượng (cảm giác giống như trò chơi lô tô nghe kêu đúng con số mình đang chờ đợi vui mừng kêu lớn lên: Kinh). Thí dụ như bài “Chủ nhật buồn”, nhạc nước ngoài lời việt của Phạm Duy qua giọng ca Khánh Ly. Bài “Chấp tay hoa” cũng của Phạm Duy do Thái Thanh sau này là Mỹ Linh ca. Xin mời các bạn vào youtube tìm nghe có phải vậy.
Chấp tay lạy người, cho xin nụ cười
Chấp tay lạy trời, cho đám mưa rơi
Chấp tay lạy đất, cho mầm cây tươi
Chấp tay lạy nước, cho mát cõi đời
Chấp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Chấp tay lạy nữa…
Lạy mây bay cho trời cao rộng – lạy sông trôi cho sạch sầu đời
Lạy tất cả hiện hữu tuyệt vời – ai không là Phật? Đâu chẳng là trời. Một bông hoa cỏ, dù hạt bụi rơi. Như suối xuôi non, như mây trên ngàn. Như sông vượt trùng, như ánh trăng vàng. Xin mở lòng ra cho trời đất hiện. Tâm là đạo quý giữa biển luân hồi – Thần thánh đi rồi chỉ có lòng thôi – Hiện hữu đây rồi không ý không lời. Chấp tay lạy trời. Chấp tay lạy người. Lạy mãi không thôi.
Lạy có nhiều hình thức, quỳ gối chấp hay tay trước ngực, quỳ gối đầu cúi xuống đụng mặt đất, hoặc quỳ xuống rồi nằm dài xuống đất của dân Tây Tạng. Mỗi tôn giáo có những kiểu lạy khác nhau biểu tượng sự thành kính dâng lên niềm tin, lời cầu nguyện không gì lay chuyển của một tín đồ hướng tới các đấng thiêng liêng. Nó có ý nghĩ tuân phục trời, thượng đế đã tạo ra vạn vật, muôn loài, con người trong vòng tay của tạo hóa, của trời. Riêng với đạo phật ý nghĩa đó được nâng lên mọi vật được sinh ra từ trời đất để rồi tất cả đều là pháp, nhân duyên thành trụ hoại diệt. Chấp tay trước bông hoa là đã nhận ra pháp. Nhận ra mình cũng nằm trong pháp để rồi tất cả được sinh ra để cho nhau và tôn trọng lẫn nhau. Cũng như vậy khi đứng trước vật nhỏ bé, xấu xí cũng không lên tiếng chê bai vì biết mọi vật đâu đứng yên mà nó đang vận động. Đấy là hình ảnh của bồ tát Thường bất khinh với thông điệp bình đẳng, tinh thần kiên nhẫn tự tin tự lực. Bồ tát Thường bất khinh gặp bất cứ ai người cũng đều chấp tay “A Di Đà Phật. Tôi không dám coi thường ngài. Trước sau gì ngài cũng sẽ thành Phật”. Tinh thần lạy của đạo phật vừa tôn kính, cảm thông, bình đẳng hoàn toàn phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng của phương Đông.
Với nước ta, đạo thờ ông bà tổ tiên với đạo phật qua cái lạy nó đã dung hòa trở thành một không phân biệt. Sau giải phóng ở Cà Mau mới có bàn thờ ông thiên trước sân nhà, trước đó không có. Riêng ở miền Tây kênh rạch dọc ngang vườn tượt xanh mát mỗi gia đình theo truyền thống văn hóa, ngoài sân nhà có bàn thờ ông thiên, là bàn thờ để tâm người hướng thông với cõi trên. Có chỗ còn gọi là bàn ông thiên tức ông trời trong nhà lại còn có nhiều bàn thờ, thờ Phật, thờ Cửu huyền thất tổ, thờ Ông bà. Cứ mỗi chiều tàn là có một người có bổn phận đứng ra châm dầu đèn, thay nước cúng, thay bông. Bông điệp, bông trang là loại hoa mộc mạc nở quanh năm phù hợp với tâm phật lúc nào cũng đem tới niềm vui cho đời nên lúc nào trên bàn thờ cũng có bông cúng, ba bốn ngày thay một lần.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ, trước khi đi ngủ lần lượt từng người trong nhà đứng ra cúng lạy. Tôi mà quên lập tức mẹ tôi nhắc nhở ngay. Dân quê trình độ không cao, nói về đạo phật hầu như mọi người chỉ biết niệm Nam Mô  A Di  Đà Phật hướng về cõi tịnh độ trình độ người xưa chỉ có vậy so với ngày nay trình độ đó được nâng cao do kinh sách băng dĩa được in ra nhiều. Tuy nhiên do mấy ông thầy mỗi ông viết, giảng một kiểu nên người trở nên thông thái tâm không còn thuần phác như trước đây. Tôi còn nhỏ cũng chưa biết gì, những mỗi tối chấp tay đứng trước bàn thờ lạy phật, rồi đứng lên xá trên, xá dưới, xá bốn phương, tất cả là sáu cái xá. Cảm thấy có điều gì đó thiêng liêng, êm đềm, ấm áp đi vào trong giấc ngủ. Hiệu quả của việc lạy đã làm cho thân tâm người trở nên thanh tịnh để rồi từ đây gia đình êm ấm, con cái trở nên có hiếu với cha mẹ. Nhất là qua chuyện lạy người nhận ra những gì mình đang có đủ ăn, đủ mặc là do hồng phước ông bà, trời phật cho mình, mình cám ơn trời phật rồi giữ gìn nó chớ không hủy hoại. Phải chăng nhiều gia đình tiêu tan sự nghiệp vì để tài sản rơi vào tay đứa con không biết mang ơn coi trời phật là gì?
 Đạo Phật như không giống các tôn giáo khác, độc thần, tín đồ chỉ được phép biết một đấng tối cao nó hoàn toàn phù hợp với tâm linh của người Việt nhất là người phương nam. Với tinh thần bình đẳng, cảm thông người theo đạo phật luôn dung hòa giữa ta với người, giữa vật với người. Đó là một anh nhà giàu, anh nhà nghèo, cô gái lỡ bước sa cơ, một đứa trẻ bán vé số, một cư sĩ hay tu sĩ v.v… Tôi còn nhớ ở quê vào rằm tháng bảy người còn cúng lạy cả các cô hồn, người khuất mày khuất mặc. Chẳng những vậy người ta còn đốt nhang cắm trước những tảng đá lớn, những gốc cây sống lâu năm. Những người đánh bắt cá hô, gặp con cá nào lớn đôi ba trăm ký thường làm cái lễ cúng rải gạo muối xuống sông trước khi đêm cá xẻ thịt. Có những vị Tiến sĩ vì quá thông thái nên viết báo cho đấy là chuyện dị đoan mê tín mà không hiểu sâu nếu không có lòng tôn kính, biết ơn mọi vật trời đất mang lại sẽ dẫn tới chuyện người ta hủy hoại môi trường, cuộc sống của mình. Người gặp tảng đá to, gốc cây lớn chấp hai tay xá quyết không là người đi phá núi, phá rừng trở thành những tên lâm tặc (nếu có cũng ít hơn).
Trở lại với bài “Chấp tay hoa”, ta thấy Phạm Duy ca ngợi việc chấp tay trước bất cứ vật gì trời, đất, mưa, nước, bông hoa, cỏ. Thật ra những lời ca đó để diễn tả sự ngạc nhiên. Bao lâu nó ở trước mắt hiển nhiên quen thuộc quá nên không ai để ý nhìn thấy. Bất ngờ từ tâm linh, ánh sáng vụt lóe lên để thấy sự nhiệm mầu của nó, nó không còn là một nữa. Mà nó là cả sự mầu nhiệm, là thông điệp, là pháp cho thấy thế giới hiện hữu kỳ diệu ngay cả pháp thân của ta. Ngoài Phạm Duy, Bùi Giáng không biết điên hay tỉnh, ông yêu hết mọi vật nó cũng như lạy (con vi trùng, sâu bọ cũng yêu luôn). Hai người sống không biết cúi đầu trước ai bao giờ, thế nhưng họ cúi lạy trước vật vô tri như Cao Bá Quát lạy hoa mai (Nhất sinh đề thủ bái hoa mai) người thứ hai là Phan Bội Châu lạy đá (Bái thạch vai huynh). Và có thêm một người là Phùng Quán lạy dưa hấu. Hoàng Phủ ngọc Tường trong một bài viết kể lại. Hai người đi lạc qua đời đất đỏ Vĩnh Linh nắng đổ lửa không bóng mát, giếng nước. Cơn khát hành hạ tình cờ lại gặp đám dưa hấu toàn lá khô nhưng lại có trái dưa hấu tròn lẳng sống lất lây. Phùng Quán dùng dao xẻ đôi trái dưa, ruột dưa lại đỏ tươi như son, nước chảy ròng ròng. Phùng Quán la to lên như lần đầu được thấy dưa hấu – Đất khô cằn làm sao dưa hấu lại có thể cho bầu nước đầy ngọt như thế nầy. Và hoàn toàn bất ngờ Phùng Quán quỳ sụp xuống lạy trái dưa, lạy chí thành ba lần dập đầu xuống đất đến độ đất dính vô đầu tèm lem.
Trở lại với bài chấp tay hoa còn cho thấy mối liên hệ giữa người với toàn thể, đây là điểm đặc sắc của đạo Phật với tinh thần rộng mở. Một bông hoa vừa hé nở, một chiếc lá rơi trong mắt người hiểu sâu luật nhân quả, nhân duyên sẽ tìm thấy nguồn cội từ đâu, gió từ biển hay gió mãi tận sa mạc xa thổi về trái đất ấm dần lên để hoa nở sớm hay từng chiếc lá thi nhau rụng. Chính vì mối liên hệ giữa người với toàn thể. Một hôm đức Phật đi khất thực tình cờ gặp đống xương khô bên đường, đức Phật chắp tay xá ba xá. Vì sao Phật là bậc cao quý lại đi xá một đống xương. Phật dịu dàng nói cho mấy đệ tử đi theo hiểu – biết đâu đó chẳng phải là di hài của người thân của ông bà cha mẹ từ kiếp trước. Xứ Ấn Độ ngày xưa rất nhiều tôn giáo nhiều kiểu lạy dị thường. Đức Phật chỉ phê phán những gì dị đoan mê tín, không chê trách việc lạy mà qua đó còn kéo người ta trở về. Trong số đệ tử của đức Phật có người trước đây theo bái hóa giáo thờ lửa, vẫn tiếp tục lạy lửa Phật không ngăn cấm. Lạy mà không biết lạy gì đó là thân lụy. Lời của đức Phật nói với chúng thanh niên thi ca la việt khi thấy chàng chấp tay xá trên, xá dưới, xá đông, tây, nam, bắc. Hóa ra việc lạy sáu hướng có từ ngày xưa. Thi ca la việt không trả lời được đức Phật mới từ tôn dạy- người ta có thể từ bỏ việc xấu ác qua việc lạy. Sáu hướng lạy mỗi hướng có 5 điều cần ghi nhớ (kinh lục phương lễ kinh). Sau khi tôi đọc quyển kinh này nhận thấy, Phật dạy không có cái lạy nào dành cho Phật nhưng rõ ràng tâm Phật nằm trong mỗi cái lạy kia.
Chấp tay lạy người, xin cho nụ cười
Chấp tay lạy trời, cho đám mưa rơi
Chấp tay lạy đất, cho mầm cây tươi
Chấp tay lạy nước, cho mát cõi trời

Sở dĩ tôi viết bài này vì một lần khi leo đỉnh núi cấm tham quan viếng chùa. Không hiểu vì sao một ngôi chùa lớn trước chánh điện có treo bảng cấm. Cấm ăn mặc lố lăng, mang giày dép vô chánh điện đã đành. Bảng còn ghi thêm điều chỉ dạy Phật không được xá lạy xung quanh. Tôi thấy khách hành hương đàn ông, đàn bà ở quê ở đồng lâu lâu đi núi. Núi non thì có nhiều am cốc trước cục đá lớn gốc cây cổ thụ đều có đặt bát nhang, người có thói quen gặp gì cũng cung kính cho đó là sơn thần, rồi cũng họ vô chùa chấp tay lạy phật xá lạy bốn phương tám hướng. Phong tục tập quán đã quen như vậy rồi nên đứng trước bảng cấm họ tỏ ra bở ngỡ. Tôi cũng thấy bỡ ngở. Thay vì vị trụ trì lặp lại lời của Phật – Lạy mà không biết lạy gì đó là thân lạy cho người hiểu sâu hơn phật pháp. Lòng tốt muốn bày trừ dị đoan mê tín vô tình thầy đã để lộ chỗ yếu của trình độ một thầy trụ trì. Thầy như thiếu kinh nghiệm khi gặp một người đến chùa mà chưa hiểu đạo Phật thì lời dạy đầu tiên là dạy cho người ta cách lạy, niềm tin nói cho người hiểu Lục Phương Lễ Kinh trước, sau đó mới nói về chuyện nhân quả nhân duyên và các lời dạy khác của Phật. Đạo phật thâm thâm diệu diệu là ở tinh thần phá chấp hòa hợp với  cuộc đời. Không phải cửa chùa rộng mở cho người bước vô rồi lại khép kín tâm hồn người.