Lên phố núi Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên buổi sáng đầu tháng 10-2016, tôi tìm gặp nhà văn Y Ðiêng - người được nhiều thế hệ các nhà văn trân trọng ví như bóng cây kơ nia đại thụ, như già làng văn học Tây Nguyên.  Ông không chỉ là người Ê đê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để đến với văn học viết; người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Ê đê - Việt mà còn là người Ê đê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ở tuổi 88 nhưng dáng dấp Y Điêng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Sau khi đón khách bằng nụ cười hiền hậu bên căn nhà sàn, ông chỉ tay về phía bàn viết có mấy trang truyện ngắn dang dở rồi bảo: “Nhiều anh em trong giới văn chương sử dụng công nghệ thông tin từ lâu, còn mình già rồi, không máy tính, internet, nhưng ngày ngày cũng phải cầm bút ngồi trước trang viết mới thấy vui. Viết xong tác phẩm nào đưa ra tiệm vi tính gõ lại rồi gửi đến nơi cần gửi”. 



TÀI HOA GIỮA ĐẠI NGÀN

PHAN THẾ HỮU TOÀN

Theo mạch chuyện kể, tôi được biết nhà văn Y Điêng sinh năm 1928 ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Cách mạng tháng Tám thành công khi Y Điêng 17 tuổi, nhưng nhờ có học nên được phân công làm thư ký xã bộ Việt Minh ở Ea Bia, được 2 năm thì thoát ly làm cán bộ tuyên truyền và giảng dạy tiểu học ở Đắk Lăk rồi chuyển sang làm giám thị trại giam tề ngụy thuộc Ty Công an Đăk Lăk. 
Năm 1953, Y Điêng khoác ba lô tập kết ra Bắc và được học chính trị - nghiệp vụ ở Trường Đào tạo Công an ở Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc năm 1954, Y Điêng làm cảnh sát tiếp quản Hà Nội được vài tháng thì chuyển sang Trường Dân tộc Trung ương và được đi học bổ túc văn hóa 3 năm, đến cuối thu 1958, ông về Đài Tiếng nói Việt Nam. 
Duyên nợ nghiệp văn đến với Y Điêng khi được đi học lớp viết văn khoá 1 ở Quảng Bá cùng với các nhà văn Lương Sĩ Cầm, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Quang Sáng…Năm 1963, Y Điêng làm phóng viên Đài Phát thanh khu tự trị Tây Bắc được một năm thì khoác ba lô ngược đường Trường Sơn trở về Nam làm thư ký riêng cụ Y Bi Aleo - Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 
Sau khi đất nước thống nhất, Y Điêng về Tây Nguyên làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đăk Lăk 6 năm mới chuyển về xuôi làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh. Sống ở phố biển Nha Trang nhưng hình ảnh buôn làng, rừng núi quê hương khiến ông thao thức mỗi đêm nên Y Điêng trở về với miền đất Sông Hinh.
Nói về sự nghiệp văn học, Y Điêng tâm sự :  “Hồi còn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã có nhiều bút ký, nhưng truyện ngắn đầu tay của tôi là tác phẩm Em chờ bộ đội Awa Hồ được trao giải Ba cuộc thi  do báo Thống Nhất tổ chức năm 1962.  Hai năm sau, tôi trình làng tập truyện ngắn Ông già Kơ Rao, đến năm 1974 tập truyện vừa Như cánh chim Kway ra đời. Khi vào chiến trường miền Nam bề bộn công việc tôi vẫn dành thời gian để viết và gửi bản thảo tập truyện dài Hờ Giang theo đường giao liên vượt Trường Sơn ra Nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng từ năm 1972, nhưng không hiểu trở ngại gì mà 6 năm sau được ấn hành. Đó cũng là tập truyện đầu tiên nhà văn Y Điêng viết bằng hai thứ tiếng Việt - Ê đê được Uỷ ban Dân tộc Trung ương và Hội nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng”.
Văn phong của Y Điêng dung dị, mộc mạc mang đậm hơi thở của núi rừng, buôn làng và đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ông tâm sự: “Rất ít nhà văn người đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi nhiều chuyện văn hóa buôn làng còn trong bụng của người già, cần phải chép lại bằng tiếng Việt lẫn Ê đê”. 
Từ suy tưởng đó, trong các năm 1985, 2000, 2005, 2008 Y Điêng lần lượt cho ra đời tập truyện ngắn Drai Hling đi về phía sáng, tiểu thuyết 2 tập Chuyện bên bờ sông Hinh,  bút ký Sông Hinh – con sông quê hương, tập truyện ngắn Lửa trong tay chúng tôi, tiểu thuyết Trung đội người Ba Na.
Trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, Y Điêng đã bày tỏ : “Với tôi, dòng sông Hinh quê hương nơi tôi sinh ra, gắn bó suốt tuổi thơ cùng bạn bè đã trở thành máu thịt, tôi nhớ hoài khi phải xa nó…Quê hương vùng sông Hinh của tôi lại là cái nền của các trường ca sử thi, không một lúc nào không có những nghệ nhân hát trường ca, hát giao duyên, hát về ký ức nghèo đói của mình. Trường ca thấm đẫm trong tôi. Những buổi đầu tham gia cách mạng, văn hóa quá thấp, tiếng phổ thông không thạo, nên tôi không dám nghĩ đến viết văn. Chỉ đến khi tôi về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc đòi hỏi tôi phải đọc, phải dịch, phải viết. Khi dịch và đọc báo chí, tôi thấy quê hương tôi lớn đẹp hơn nhiều so với suy nghĩ của tôi trước đây. Tôi mạnh dạn cầm bút thử sức mình bằng tùy bút viết về con sông Hinh quê hương. Chuyện của dân tộc mình phải chính mình viết. Mình không viết, không nói là mắc nợ với quê hương, với người thân”.
Đến bây giờ Y Điêng đã có hơn nửa thế kỷ theo nghiệp văn chương, với hàng chục tác phẩm văn học ra đời và đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, thế nhưng ông vẫn thường bày tỏ : “Nghề viết không hề đơn giản ! Tôi ví mình như người làm rẫy. Cứ làm dần, mỗi năm vỡ thêm một ít, rẫy thì không có bờ thẳng tắp như đồng ruộng dưới xuôi, nên phải viết lại nhiều lần, mỗi lần sửa như là viết lại cái mới. Đến bây giờ nhiều trường ca đã thấm đấm trong máu thịt của tôi”. 
Có lẽ vì thế nên ông từ giã chốn phồn hoa đô thị để trở về với buôn làng quê hương không chỉ để viết văn mà còn dành nhiều thời gian biên dịch từ tiếng Ê đê sang tiếng Việt các trường ca Tây Nguyên như Xing Nhã ; Đăm Di, Khinh Dú, Y Ban, Y Brao, H’Bia Mlin và truyện cổ tích dân tộc Ê đê. Hồi ông mới về phố núi Hai Riêng, nghe Đài Truyền thanh huyện Sông Hinh phát sóng, bỗng dưng Y Điêng nhớ về một thời gắn bó ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nên ông đề nghị người có chức trách cho ông tham gia xây dựng chuyên mục phát thanh tiếng Ê đê. Y Điêng tâm sự : “Đồng bào dân tộc Ê đê sinh sống các buôn làng ở huyện Sông Hinh, mình là người Ê đê biết cái chữ thì phải nói, phải dịch tiếng Việt sang tiếng Ê đê cho bà con mình biết được tin tức thời sự, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước…”. 
Từ đó, Y Điêng cùng già làng Ma Vi ở buôn K’rông, xă Ea Bia làm biên dịch cho miễn phí cho đài huyện. Ông kể : “Nửa ngày ngồi biên dịch và làm phát thanh viên cho chương trình 15 phút, thời gian còn lại tôi dịch bản thảo sử thi Ê đê Madrong Dăm  gồm 1.118 trang trong hơn một năm”. 
Trong tủ sách của ông đến giờ này vẫn còn hàng loạt tập bản thảo viết tay nằm bên cạnh bản thảo đã được đánh vi tính. Ngắm nhìn chân dung Y Điêng với mái tóc pha sương tôi mường tượng những đêm ông miệt mài trước trang viết một cách cần mẫn và thong thả như con tằm nhả tơ. Những sợi tơ đậm chất văn hóa dân gian của đại ngàn Tây Nguyên xen lẫn với những trang văn mộc mạc nhưng đủ sức cuốn hút bạn đọc từ trang đầu cho đến trang cuối.
Nhà văn Triệu Lam Châu – nguyên giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cho biết, Y Điêng không chỉ biết tiếng mẹ đẻ mà những năm làm công tác sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian vùng Tây Bắc, ông Y Điêng còn học hỏi một số tiếng dân tộc anh em khác. 
Ông Châu kể : “Có lần tôi tò mò hỏi Y Điêng có biết tiếng Tày không?”, ông trả lời “Biết chứ, nhưng ít thôi”. Dứt lời, ông hỏi bằng tiếng Tày với âm giọng khá chuẩn: “Noọng điếp chai bâu?” (Em có yêu anh không?). Triệu Lam Châu đáp “Điếp ớ. Điếp tằng slư cúa chài them lai lố” (Yêu chứ. Yêu cả tác phẩm của anh nữa đó), Y Điêng hỏi tiếp: “Dử bấu à?” (Đúng thế không?). Rồi ông cười vui khi nghe Triệu Lam Châu chia sẻ “Mủng khảu tha noong mà lẻ chắc a” (Nhìn vào mắt nhau thì biết ngay mà). 
Thêm một bất ngờ nữa là Y Điêng không chỉ viết hàng chục tác phẩm văn xuôi, biên dịch trường ca mà còn trình làng tập Y Điêng thơ gồm 40 bài thơ với những câu chữ, ngữ điệu tự nhiên như trời đất, mộc mạc mà giàu chất tư duy núi rừng Tây Nguyên.
Nhìn Y Điêng ngồi trước trang viết, bất chợt tôi nhớ đến nhà văn người dân tộc Mông - Mã A Lềnh đã từng ví von rằng “Nếu ở vùng sông Đông bên nước Nga xa xôi có một Sôlôkhốp, còn ở Việt Nam, nơi vùng sông Hinh có một Y Điêng”. 
Và dường như trong ánh mắt trầm tư của Y Điêng ẩn chứa nhiều khát vọng mới trên dặm đường văn học với những trang viết đầy ắp hình ảnh quê hương và buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được ông đánh thức bằng vốn sống và sức viết bền bỉ dẻo dai. Vùng đất Sông Hinh đã sinh ra Y Điêng – một nhà văn bình dị mà tài hoa giữa mênh mông đại ngàn, ông là bóng cây kơ nia, là già làng văn học Tây Nguyên.