Nhà văn, nhà báo Cửu Thọ vừa qua đời lúc 17g30 ngày 1-11-2016 sau một thời gian dài nằm bệnh do tuổi cao sức yếu. Ông Cửu Thọ tên thật Nguyễn Cửu Thọ, sinh năm 1833 tại Thừa Thiên - Huế. Ông làm báo từ năm 1954 và là người có nhiều gắn bó với phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM trong cương vị Tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ (từ năm 1978 đến năm 1981), giám đốc, tổng biên tập NXB Măng Non (từ năm 1982 đến năm 1986), phó giám đốc, tổng biên tập NXB Trẻ (từ năm 1986 đến năm nghỉ hưu -1991). Linh cữu ông quàn tại nhà tang lễ Bỗ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp), lễ viếng bắt đầu lúc 14g ngày 3-11. Lễ truy điệu lúc 13g30 ngày 4-11, sau đó di quan hỏa táng tại đài hỏa táng Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân.


VĨNH BIỆT NHÀ VĂN CỬU THỌ

NGUYỄN TRÍ CÔNG

Trước khi trở thành là Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Măng Non, anh Cửu Tho là Tổng Biên tập báo Khăn Quàng Đỏ thuộc Thành Đoàn TNCS TP.HCM. Với tầm nhìn xa trông rộng, anh Cửu Thọ thấy một thành phố lớn như TP.HCM mà không có một NXB cho thiếu nhi thì thật thiệt thòi. Trong thời bao cấp, khó khăn thiếu thốn đủ đường. NXB Kim Đồng ở phía Bắc cũng không thể đáp ứng được đủ sách, nhất là sách cho thiếu nhi miền Nam. Anh lên xin gặp chú Sáu Dân (chú Võ Văn Kiệt) - lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM xin chú giúp cho việc thành lập nhà xuất bản sách cho thiếu nhi. Chú Sáu Dân hết lòng ủng hộ. Vậy là anh khăn gói ra Bắc xin thành lập NXB Măng Non. Nhưng mọi việc cũng không phải là suôn sẻ. Nhờ chú Sáu hết lòng giúp đỡ NXB Măng Non mới chính thức được thành lập.

Tưởng cũng cần nhắc lại, ở miền Bắc, anh Cửu Thọ là phóng viên của báo Thiếu niên Tiền phong, nổi danh với bút danh Bóng Nhựa. Giải phóng, anh vô Sài Gòn làm báo Khăn Quàng Đỏ. Lúc đó báo Khăn Quàng Đỏ là tờ báo duy nhất cho thiếu nhi ở TP.HCM. Tôi đang dạy học ở Nhà Bè (chưa tách quận như bây giờ). Báo Khăn Quàng Đỏ có một lực lượng phóng viên tỏa đi các quận huyện lấy tin Đội. Tôi đang là Tổng Phụ Trách Đội ở trường Tân Quy 3. Năm 1981 gặp anh ở Nhà văn hóa Thanh Niên khi về dự Đại hội Tổng phụ trách giỏi, anh gặp tôi và khi nghe tôi xưng tên, anh cười rất tươi, nắm tay tôi nói: “Truyện ngắn Bài học không quên của cậu tôi đi 4 số đấy nhé!”. Quả là một niềm vui khôn xiết. Và cũng từ truyện ngắn đó, anh Cửu Thọ qua Thành Đoàn xin tôi về Nhà xuất bản Măng Non.

Năm 1981, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình cùa chú Sáu Dân, NXB Măng Non ra đời. Cuối năm 1981, tôi về làm biên tập viên mảng sách Đội cho NXB. Lúc ấy NXB Măng Non rất ít người. Ngoài mảng sách Đội, anh Cửu Thọ còn giao tôi biên tập truyện tranh, sách văn học, khoa học (vì tôi tốt nghiệp khoa học). Nhà xuất bản Măng Non là nơi rất nhiều các nhà văn nhà thơ nổi tiếng thường xuyên lui tới trò chuyện, bàn về bản thảo. Với nụ cười tươi luôn mở trên môi, anh Cửu Thọ luôn thân thiện với mọi người. Có thể nói anh là người quan tâm tới sách văn học, sách giáo dục thiếu nhi và có tâm có tầm. Tôi còn nhớ có trại sáng tác ở Vũng Tàu gồm nhiều nhà văn, nhà thơ như Lý Lan, Nguyễn Nhật Ánh, Đào Hiếu,… anh Cửu Thọ đã cùng chúng tôi đi xe hơi, chiếc xe mà chú Sáu Dân tặng cho NXB Trẻ, mang mấy chục lít rượu đế ra tận Vũng Tàu để đặt hàng các anh chị dự trại sáng tác. Anh là một Tổng Biên tập có tài. Anh viết truyện (đặc biệt là  bộ truyện dài kỳ Những cuộc phiêu lưu của Bóng Nhựa và Bút Thép có lối dẫn dắt, lời thoại nhân vật rất dí dỏm, hài hước và thu hút các em), sáng tác nhạc (tất nhiên là nhạc cho thiếu nhi, bài hát nổi tiếng mà anh sáng tác là Bếp lửa hồng của mẹ) và luôn trân trọng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Luôn đau đáu với trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ qua sách, báo. Nếu báo Khăn Quàng Đỏ là nơi tập hợp các nhà văn nhà thơ cả nước thì NXB Măng Non cũng là một nơi như thế. Dưới sự lãnh đạo của anh Cửu Thọ, các cây đại thụ văn học cũng gởi những đứa con tinh thần của mình cho NXB. Ở NXB Măng Non, BTV chúng tôi có dịp gặp được nhà văn Tô Hoài (khi tái bản Dế  Mèn phiêu lưu ký), Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, nhà thơ  Huy Cận (NXB mời vào nói chuyện), và nhiều nhà văn nhà thơ “tên tuổi” khác nữa. Lúc ấy, ở NXB Măng Non có những nhà văn nổi tiếng làm biên tập như cố nhà văn Trần Hoài Dương, nhà thơ Thái Thăng Long, nhà văn Đào Hiếu… Họ đều là những BTV giỏi nghề và tận tụy với nghề.

Anh Cửu Thọ rất kỹ tính trong việc biên tập. Anh luôn căn dặn BTV phải cẩn trong với từng bản thảo. Tôi nhớ mãi một việc. Khi tủ bản thảo “loại”đã đầy, anh không cho hủy mà bắt BTV chúng tôi đọc lại để thẩm định một lần nữa. Tôi đọc trong đống bản thảo gởi đến (đã bị loại) có cuốn “Hồn biển” của nhà văn Thiên Nam (Lê Huy Thọ). Thấy hay quá, tôi mới nói với anh Trần Hoài Dương (Trưởng ban Biên tập) rằng bản thảo hay. Anh Trần Hoài Dương bèn đem về đọc và cũng đồng ý đó là bản thảo hay, in được. Vậy là cuốn “Hồn biển” ra đời. Nhà văn Thiên Nam đang dạy học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội nghe tin đứa con tinh thần được chấp nhận, rất mừng.

Một điều nữa về anh Cửu Tho mà tôi luôn nhớ, đó là anh luôn quan tâm tới BTV. Anh luôn yêu cầu chúng tôi phải “thâm nhập thực tế”. BTV phải luôn nắm bắt tình hình xã hội, tin tức. Dưới trướng của anh, chúng tôi phải xuống “Trại rắn Đồng Tâm” (thời GĐ là bác sĩ Tư Dược) nằm 3 ngày trời, nhờ vậy mà có cuốn “Rắn độc trong tay người”, đi Long Khánh nằm ở Trường Phổ thông Nông Công nghiệp Xuân An (do Bộ Công An quản lý, trường giáo dục các thiếu nhi phạm pháp), đi Bến Tre nhân 100 năm ngày mất của Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu… Còn nhiều và nhiều chuyến đi cho BTV nắm bắt thời sự, hiểu những gì đang xảy ra.

Nền móng của NXB Măng Non được xây lên từ tấm lòng, tình yêu cháy bỏng với thiếu nhi của một nhà văn, nhạc sĩ tài hoa Cửu Thọ. Có thể nói, với tầm nhìn xa, anh Cửu Thọ đã tạo dựng nên một NXB uy tín, và NXB Trẻ ngày nay đã kế thừa truyền thống đó, xứng tầm là một NXB đáng tin cậy, được bạn đọc đánh giá cao, đặt trọn niềm tin. Công lao ấy do chính người khởi xướng: Nhà văn, nhạc sĩ Cửu Thọ.