Mỗi một bài thơ, đối với Mai Quỳnh Nam dường như anh phải trình bày một phát hiện gây cảm xúc, gây những tác động đến trí não và cái gây ra cho trí não dường như là quan trọng hơn cả. Về thơ Mai Quỳnh Nam, nhà thơ Giáng Vân cho rằng: "Những câu thơ anh viết, là thứ phải chiêm nghiệm bằng cả đời người. Và có chiêm nghiệm, mới thấy đó là thơ". May mắn được làm bạn với Mai Quỳnh Nam nhiều năm, tôi thấy ông là người yêu văn chương một cách nhiệt thành. Ông im lặng theo dõi đời sống thơ ca trong mối bang giao rất hạn chế. Với ông, học vấn và văn hóa luôn là đức hạnh của văn chương.


Mai Quỳnh Nam: Một mình một lối
ĐẶNG HUY GIANG
1.
Lâu nay, thơ định đề tồn tại như một ý niệm hơn là một khái niệm. Nó là một dạng đặc biệt và khác lạ của tư duy thơ. Đồng thời, nó cũng là một kiểu thơ khó viết, khó làm. Với nó, thi liệu nhiều khi không đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong, của người viết.
Về cơ bản, thơ định đề tồn tại đơn lẻ đâu đó, phải rất mất công mới tìm ra nó. Đơn giản vì nó xuất hiện ở người này người khác, ở bài thơ này bài thơ khác, rất hiếm khi quy tụ ở một tác giả hoặc ở một tập thơ.
Có thể nhận ra kiểu thơ này qua những biểu hiện sau: Mỗi bài thơ thường viết không dài, thường có một hoặc hai câu "chốt"; câu "chốt" thường mang giá trị, ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc, góc cạnh, đôi khi có hình thức như một câu châm ngôn là kết quả của một quá trình trải nghiệm, chiêm nghiệm; có thể ví mỗi câu thơ như thế có thể như một vết chém, gậy hiệu ứng chí lý, thảng thốt, động tâm tức thì; bài thơ nào cũng có tứ; đôi khi rất gần với chân lý; đó là thứ thơ cô đặc và kết tủa; nhiều câu thơ mang giá trị độc lập, có thể đứng một mình, làm nên một tứ thơ; chỉ những độc giả nào chia sẻ được sự trải nghiệm, chiêm nghiệm rất cá nhân đã đúc rút ra thành những gì cụ thể, mới thấy thấm thía và coi nó là một loại thơ có cá tính và dấu ấn riêng biệt.
Từ lâu, trong nước và ngoài nước đã có một số người làm thơ định đề, coi thơ định đề như là sở thích, sở trường. Cũng có những tác giả chạm đến thơ định đề, nhưng mới chỉ dừng ở mức triết lý. Cố nhiên, tôi không có ý nói thơ định đề có giá trị hoặc ở tầm cao hơn thơ triết lý, mà chỉ muốn nói: Chúng chỉ bao hàm sự khác nhau mà thôi.
Theo tôi, "Mặt nạ kẻ ác" của B. Brecht là một ví dụ tiêu biểu: Trong buồng tôi treo một điêu khắc gỗ/ Mặt nạ cá thân Nhật Bản thếp vàng/ Mạch máu hằn trên trán nhăn khốn khổ/ Tôi nhìn nó cảm thông/ Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng. Chất định đề của Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng (vì luôn phải có âm mưu, thủ đoạn nên kẻ ác luôn luôn vất vả).
Tiếp theo là K. Lubomirski với chùm bài: "Cái thiện, cái ác"; "Hoàn cảnh"; "Bên em"; "Sách"; "Sự tiến bộ". Bài thứ nhất: Cái thiện/ Cái ác/ Hai đường song song/ Giao điểm ở vô cùng với hàm ý: Cái ác và cái thiện không bao giờ gần nhau được. Bài thứ hai: Đừng trổ nhiều cửa sổ/ Lên bức tường của anh/ Quá nhiều ánh sáng/ Tường sẽ đổ với hàm ý: Nhìn chung ở đời, "thái quá" thường "bất cập". Bài thứ ba: Chúng ta chặt đứt tay/ Số phận/ Và tin/ Không có số phận với hàm ý: Sự tiến bộ đồng nghĩa với việc không tin có số phận, không tin sự an bài có sẵn. Đấy ba định đề được rút ra qua ba bài thơ trên.
Trong làng thơ ta, chỉ cần với "Không đề I": Vô nghĩa/ như mùa không tình ái/ chiến trận không chiến bại và "Không đề II": Nước thánh không rũ sạch bụi trần/ vẫn là nước thánh/ hạnh phúc mong manh/ vẫn là hạnh phúc, bên cạnh những bất hạnh, chất định đề trong thơ Mai Quỳnh Nam đã nhanh chóng được xác lập.
Nêu thế để thấy, thơ định đề hàm chứa và hiện đại ở chỗ: Sau mỗi câu, mỗi dòng… người đọc có thể tiếp nhận được một lượng thông tin rất lớn và có thể viết lại thành một bài luận với một khối lượng từ ngữ đáng kể. Và đằng sau nó, rất có thể là một khởi đầu từ một sự tưởng chừng đã kết thúc.
2.
Năm 1978, Mai Quỳnh Nam có hẳn một chùm thơ đăng trên Tuần báo Văn nghệ, làm cho cánh làm thơ sinh viên chúng tôi rất vui và có phần kính trọng, cho dù trước đó, vào năm 1972, Mai Quỳnh Nam đã có thơ đăng trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân giải phóng rồi.
Vì lẽ ấy, trong cuốn sách "Chiến trường sống và viết", nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã nhắc đến những người viết trẻ nhất của Văn nghệ Quân giải phóng, trong đó có Mai Quỳnh Nam.
Vào đầu năm 1980, Mai Quỳnh Nam đã âm thầm làm một cuộc độc hành thay đổi mạnh mẽ về thơ. Ông cho rằng: Đã đến lúc phải thay đổi, bứt phá khỏi thơ chống Mỹ. Những bài thơ "Thời nay", "Bé Hạnh Lan", "Số vé thứ bảy"…là những dấu ấn đầu tay của thời kỳ mới trong thơ Mai Quỳnh Nam và nhiều bài đã được ghi nhận. Đó là "Số vé thứ bảy" trong "Tuyển thơ Hà Nội", "Ảo giác Hyrôsima" trong "Tuyển thơ văn xuôi" của Nhà xuất bản Văn học.
Nếu thầy Mã Giang Lân - nhà thơ, nhà lý luận phê bình coi thơ Mai Quỳnh Nam là "thơ hình học", thì bạn bè cùng trang lứa lại coi thơ Mai Quỳnh Nam là "thơ định đề". Đó là loại thơ khó làm, có cấu tứ chặt chẽ, có hàm ý, có tư tưởng mà đề tài chỉ là cái cớ, như nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Mai Quỳnh Nam là vậy. Ông ưa nhìn vào cái khuất lấp sau các hiện tượng, sau các cảnh đời để nảy ra ý tưởng. Ông thích cảm hứng xã hội, phản ánh đời sống của con người, của dân tộc với trách nhiệm xã hội lớn qua thơ Rítxốt (Hy Lạp). Ông nói: Thơ Rítxốt đã rất thành công, dù không sử dụng lối viết siêu thực. Cảm hứng xã hội học trong thơ Brodsky (Giải thưởng Nobel 1987) cũng rất mạnh. Còn Rítxốt và Szymborska (Giải thưởng Nobel 1996) là hai nhà thơ được đào tạo cơ bản về xã hội học.
Có lẽ sau khi học xong cử nhân văn chương, về công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi làm nghiên cứu sinh chuyên ngành xã hội học chính trị ở Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô mà quan niệm về thơ ở Mai Quỳnh Nam mới có những chuyển biến như thế.
Và chỉ cần đọc tên các tập: "Bước trượt" (1995), "Các sự việc rời rạc" (2002), "Phép thử thuật tư biện" (2007), "Biến thể khác" (2012 )… cũng thấy rõ chất xã hội học đã ngấm vào thơ Mai Quỳnh Nam như thế nào. Ở một chừng mực đáng kể, Mai Quỳnh Nam luôn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hệ thống lý thuyết cấu trúc xã hội và thân phận cá nhân con người trong hệ thống đó.
Tôi thích những câu thơ ám ảnh: Cả rừng lau trắng ngời/ trôi/ không luân hồi trong "Phép thử thuật tư biện" và bài thơ "Vũng nước trên đường" trong "Biến thể khác". Có lẽ ít ai có cái nhìn thật sâu, thật đa chiều và phức hợp như Mai Quỳnh Nam: Vũng nước trên đường/ như tấm gương/ chôn sống mặt trời/ đứa trẻ đùa chơi/ đạp nước tung tóe/ một vết bẩn trên gót son thơ bé. Còn "Viết tiếp Freud" thì không phải ai cũng nghĩ tới và viết được: Vô thức vô thường phát tán xung năng/ hữu thức lòng anh biến trời xanh thành ảm đạm/ mây lang thang vô dáng vô hình/ giống khách thể đời lay lắt phù sinh.
Mỗi một bài thơ, đối với Mai Quỳnh Nam dường như anh phải trình bày một phát hiện gây cảm xúc, gây những tác động đến trí não và cái gây ra cho trí não dường như là quan trọng hơn cả. Về thơ Mai Quỳnh Nam, nhà thơ Giáng Vân cho rằng: "Những câu thơ anh viết, là thứ phải chiêm nghiệm bằng cả đời người. Và có chiêm nghiệm, mới thấy đó là thơ".
May mắn được làm bạn với Mai Quỳnh Nam nhiều năm, tôi thấy ông là người yêu văn chương một cách nhiệt thành. Ông im lặng theo dõi đời sống thơ ca trong mối bang giao rất hạn chế. Với ông, học vấn và văn hóa luôn là đức hạnh của văn chương.
3.
Mỗi day dứt về nguyên nhân và hệ lụy chiến tranh, thấu tỏ về thân phận con người trong tri thức triết học xã hội luôn là những băn khoăn, trăn trở, trong con người Mai Quỳnh Nam hiện tại. Còn trong quá khứ, từ thuở thiếu thời, Mai Quỳnh Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha. Nhân đây, cũng xin được nói thêm: Người cha của Mai Quỳnh Nam là cụ Mai Văn Lược - một người lịch lãm, một trí thức Tây học, người luôn đề cao sự học cơ bản. Sinh thời, ông từng là chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mai Quỳnh Nam nhớ lại: Vào năm tôi 15 tuổi, cha tôi đã dịch bài thơ "Nếu hòn sỏi nói" của Bertolt Brecht từ bản tiếng Pháp. Bài thơ này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Cũng có thể bài thơ này đã truyền cảm hứng cho tôi khi viết bài thơ đầu tiên.
Sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, ông trở lại công tác và gắn bó với Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Ông thuộc lứa cán bộ đầu tiên được đào tạo cơ bản về xã hội học và là một trong những chuyên gia đầu ngành về xã hội học. Có một thời gian dài, ông là Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Khoa học xã hội cấp Nhà nước KX - 03/ 11-15. Ông hiện là ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9.
Ngoài nghiên cứu, ông còn tham gia giảng dạy và đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Thầy giáo Mai Quỳnh Nam đã truyền sự hứng khởi cho nhiều khóa học viên và nghiên cứu sinh trong các bài giảng về truyền thông đại chúng và dư luận xã hội thuộc các chuyên ngành Xã hội học và Báo chí học.
Con trai ông là Mai Đặng Hiền Quân theo "nghề của bố". Năm 2007 Hiền Quân được nhận học bổng toàn phần hệ cử nhân tại Đại học Bates - trường đại học có chi phí đào tạo đắt nhất ở Mỹ. Năm 21 tuổi, Hiền Quân trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt với học bổng toàn phần và hiện là trợ lý biên tập Tạp chí Xã hội học Mỹ (American Sociological Review). Hiền Quân theo đuổi lĩnh vực học thuật còn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam: "Xã hội học chính trị và thể chế".
Với tôi, thi sĩ, nhà xã hội học Mai Quỳnh Nam là một người kín tiếng và là một người bạn vong niên đáng trân trọng. Và trong thơ, ông là một người bản lĩnh, luôn kiên tâm một mình một lối đi.