Năm 2005, khi tập truyện ngắn “Bóng đè” xuất hiện trên văn đàn, cái tên Đỗ Hoàng Diệu ngay sau đó đã trở thành một “hiện tượng”. Nhiều người mòn mỏi đợi chờ những “Bóng đè 2”, “Bóng đè 3” ra đời, nhưng tất cả sau đó là một sự lặng im. Bẵng đi 11 năm, khi “hiện tượng” Đỗ Hoàng Diệu đã không còn “hot” nữa thì chị trở lại bằng một tác phẩm mới. Trong cuộc hội ngộ khán giả quê nhà sau 11 năm sống cùng chồng là Alex - một Tiến sĩ lịch sử Đông Nam Á của một trường Đại học ở Mỹ và hai con ở bang Ohio (Mỹ), chị đã bị “bao vây” bởi vô vàn câu hỏi. Nữ văn sĩ xứ Thanh chia sẻ, 11 năm qua chị “mất tích” khỏi Việt Nam nhưng không có nghĩa là đã “chết”. Chị vẫn viết đều đặn, viết trong lúc bầu bí, lúc chăm con và cả lúc đang nấu cơm…

  

"Hiện tượng" Đỗ Hoàng Diệu trở lại văn đàn sau 11 năm xa vắng

HÀ TÙNG LONG

 “Thuyền theo lái, gái theo chồng” nhưng niềm đam mê và thao thức với những điều mình nghĩ đã khiến tôi không thể buông bỏ được công việc viết lách. Thực tế, tôi không phải là người viết chuyên nghiệp, người viết chuyên nghiệp là viết đều đặn, 1 năm 2 cuốn, 3 cuốn… Tôi thích thì tôi viết. Tôi không mưu sinh bằng nghề viết. Lúc đầu tôi nghĩ, mình viết một tiểu thuyết ngôn tình ba xu xem sao. Nhưng khi cắm đầu vào viết thì tiểu thuyết của tôi đã không dừng lại ở ba xu nữa mà thành năm xu, mười xu gì đó, tôi cũng không rõ lắm. Tôi cặm cụi viết “Nhà thương điên” một lèo đến 6 tháng ròng. Lúc đầu tiểu thuyết dài đến 400 trang nhưng sau đó tự tay tôi đã cắt đi 100 trang trước khi hoàn thiện bản thảo để gửi về Việt Nam. Tôi bỏ các chi tiết mơ hồ như có phải cô Thơ - nhân vật chính - đã đẩy bố của người yêu cũ xuống hồ hay ông ấy bị sốc tim mà chết…”, Đỗ Hoàng Diệu trải lòng khi nói về “đứa con tinh thần” vừa mới ra đời mang tên “Lam Vỹ”.
Đỗ Hoàng Diệu nói rằng, khi viết “Bóng đè” chị mới 26 tuổi, còn bây giờ 40 tuổi nên những quan niệm về vấn đề tình dục trong tác phẩm tất nhiên phải khác. Ở tác phẩm này, chị không viết về sex mà mạch câu chuyện buộc điều đó phải diễn ra. Và chị kể theo mạch truyện thôi chứ không cố ý miêu tả thế này thế kia.
Đỗ Hoàng Diệu cũng thẳng thắn rằng, “Lam Vỹ” sẽ khó lòng “đè” được “Bóng đè”, khi bắt đầu viết chị đã nghĩ thế và đến bây giờ chị vẫn duy trì quan điểm đó. Tuy nhiên, cũng vì thế mà Đỗ Hoàng Diệu đã không cố bằng mọi cách làm cho “đứa con tinh thần” thứ hai này phải bí hiểm mà chị cứ viết tự nhiên. Chị đang thèm khát một sự gần gũi độc giả mà chị đã thiếu vắng từ lâu. Vì thế chị viết rất dễ dàng, viết dễ như thể uống một cốc cà phê vậy. “Mẹ đẻ” của Bóng đè tếu táo rằng, không biết có phải vì viết dễ dàng quá không nên khi vừa hoàn thành “Nhà thương điên” chị lại bắt tay viết “Bệnh ngứa”.

                               


Tiểu thuyết “Lam Vỹ” được đánh giá là viết về bóng tối đầy mê hoặc. Cô gái phù thủy pha tiên nữ yếu đuối, bản năng nuôi trong hố thẳm hun hút tâm hồn loài chim Lam Vỹ với thân xanh mào hồng cánh tím. Cô nuôi chúng để nghe chúng hát bài ca chết chóc. Những người đàn ông vốn là hiện thân quyền lực của tầng tầng lớp lớp quá khứ, nhưng trong tác phẩm, họ cũng bị quá khứ nghiền nát.
Không gian của truyện, từ những căn phòng khép kín, hành lang thăm thẳm, những bài tha ma, dòng sông đêm, những hốc mắt tối tăm… đều hướng tới bóng tối. Ở Lam Vỹ, bóng tối bao phủ, trở thành màu sắc chủ đạo.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói rằng, ông là người chủ động bảo Đỗ Hoàng Diệu gửi cho ông bản mềm tiểu thuyết “Lam Vỹ” và ông đã 2 lần và rất mệt. Ông thấy rằng, nếu kết nối tập tiểu thuyết này với “Bóng đè” thì vẫn âm hưởng, tâm thức ấy nhưng phát triển cao bởi Đỗ Hoàng Diệu sau 10 năm đã trưởng thành hơn. Và ông thấy chữ nghĩa trong cuốn tiểu thuyết là từ vô thức của tác giả tràn ra. Bóng tối trong tâm hồn, tâm thức… không chỉ của tác giả mà của cả một thời đại. Tác giả đã phân thân ra kể và cuộc đời rất ma mị khiến ông có phần kính nể và khiếp sợ.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ, với các nhà văn cuốn sách đầu tiên thường rất dễ ra, đến cuốn thứ 2 là cuộc vật lộn mất nhiều năng lượng và anh hơi bất ngờ trước những việc làm của tác giả “Bóng đè”.
Nhà văn Trương Quý cho rằng, những ám ảnh, gây chú ý cộng đồng đọc từ trước tới nay đa phần nhiều thiên về người nữ. Những xung đột của những nhóm người yếm thế trong xã hội với quyền lực số đông… xuất hiện ngày càng nhiều trong văn chương. “Lam Vỹ” của Đỗ Hoàng Diệu đã góp phần vào triển khai câu chuyện của nhóm thiểu số ấy.
“Nhân vật nữ chính có gì đấy trong bối cảnh huyền thoại. “Lam Vỹ” có sự chơi chữ với hình ảnh con chim lạc. Anh Phạm Ngọc Tiến nói đọc xong tràn ngập nỗi buồn, tôi thấy cuốn này có độ tươi tắn của một người hiểu đời, rất sinh động. Nói chuyện, hít thở và thể hiện. Giọng văn đa thanh, một sự diễu nhại rất thú vị. Một câu chuyện truyền thông mà các nhà văn Việt Nam nên khai thác”, nhà văn Trương Quý nói.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại bên Mỹ, Đỗ Hoàng Diệu cho biết, lúc đầu gia đình chị sống ở bang California nhưng sau khi chồng chị tìm được công việc giảng dạy tại một trường đại học Ohio thì gia đình chị cũng chuyển lên sống ở khu vực này. Nơi gia đình chị sống là một thị trấn nhỏ, cư dân hầu hết là sinh viên, giáo sư, người nghiên cứu…. Môi trường hẹp nhưng rất trong lành.
 “Cuộc sống của tôi khá bình lặng, nội trợ, nấu cơm, đưa đón hai con đi học, đọc sách, ngồi viết. Tôi may mắn vì không phải lo cơm áo gạo tiền. Lúc con nhỏ tôi không viết được nhiều nhưng bây giờ con út đã bốn tuổi, có nhiều thời gian để viết hơn. Ở chỗ tôi ở có nhiều hội như Hội Phụ nữ châu Á... mỗi người thường làm một món đến chia sẻ, ăn uống với nhau. Tôi không thích tham gia những thứ này. Tôi từ chối những cuộc vui, hội hè, khoe khoang... dù có nhiều thứ để khoe. Tôi muốn thu mình, giấu bản thân trong "cái vỏ", ngồi trong bóng tối nhìn cuộc đời. Mọi người nghĩ tôi buồn nhưng tôi cố ý làm thế. Ngày xưa ở Việt Nam tôi cũng thích sống kiểu cô độc. Tôi không có nhu cầu chia sẻ. Tôi nghĩ mình là người tự kỷ”, tác giả “Bóng đè” thẳng thắn.
“Tôi đang phải tự kiềm chế, không được khóc nhiều nữa. Ngoài ra, tôi hay bị những mối ơn huệ ràng buộc, không sống phũ phàng được. Có thể gọi là tôi sống biết điều”, nữ văn sĩ nói.

Nguồn: Dân Trí