Cùng dịp ra mắt phiên bản mới của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, Trần Mai Hạnh còn giới thiệu đến công chúng tiểu thuyết tư liệu “Lời tựa một tình yêu” viết về mối tình huyền thoại của vợ chồng chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Châu và Lê Hồng Tư. Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử tiến về Sài Gòn năm ấy, ông may mắn chứng kiến cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau 15 năm tù đày, xa cách của đôi uyên ương. 15 năm sau lời tỏ tình chưa có hồi đáp, họ mới gặp lại nhau mà nên duyên vợ chồng. Ai cũng tưởng như có một phép mầu. Bởi Lê Hồng Tư từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm kết án tử hình và ba lần ra pháp trường, bị đày đọa ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Nếu không có sức mạnh của tình yêu đôi lứa, tình yêu Tổ quốc thì họ khó có thể sống để đến được với nhau trong bão táp cách mạng. Tình yêu ấy khiến Trần Mai Hạnh kính cẩn nghiêng mình. Năm 1977, ông viết cuốn sách “Tình yêu và án tử hình” để tái hiện lại một mối tình đầy nước mắt nhưng oai hùng và không kém lãng mạn.



NGƯỜI CHÉP SỬ BẰNG VĂN

PHAN THI UYÊN

Trần Mai Hạnh là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông chứng kiến và là một trong những người viết bài tường thuật đầu tiên về thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập. Nghiệp dĩ với cây bút đã dẫn dắt nhà báo lăn lộn xông pha trên chiến trường này dấn thân vào văn chương. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là dấu ấn đặc biệt của ông.
Đêm khuya ngày 1-5-1975 tại Sài Gòn, Trần Mai Hạnh không ngủ được. Hành trình dài cùng các binh đoàn tiến vào thành phố, chứng kiến bao biến động và chiến thắng vĩ đại của quân giải phóng làm ông thao thức. Ông xuống đường nhìn sang Dinh Độc Lập. Ánh đèn đường vàng vọt ru ngủ thành phố bình yên mà cách đây vài giờ vẫn còn chìm trong bom đạn. Ông thoáng thảng thốt: “Những sự kiện mới xảy trưa hôm qua đã trở thành quá khứ thật rồi. Mình phải viết”. Ngay sáng hôm sau, Trần Mai Hạnh tức tốc xin thẻ công tác đặc biệt của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định để tiếp cận với những nhân chứng, chính khách thu thập tài liệu. Vậy mà đến tận năm 2014, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này mới đến tay bạn đọc. 39 năm ròng. 39 năm ông miệt mài sưu tầm, tập hợp hàng vạn trang tài liệu tuyệt mật của phía bên kia (tức Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ) để viết về thời khắc cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa. 
Biến động của cuộc đời làm báo nhiều sóng gió cùng bốn thập kỷ nhìn lại đã cho Trần Mai Hạnh cái nhìn khách quan, điềm tĩnh về cuộc chiến mà viết nên tác phẩm này bằng sự chân xác, sòng phẳng chứ không phải bằng lòng thù hằn của người trong cuộc. 
Bởi như ông quan niệm: “Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay, có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai…”.
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” tái hiện lại bức tranh chi tiết và bao quát về quá trình sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng hòa trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến. Chân dung, số phận những nhân vật chóp bu như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên… đến người lính trong quân đội Sài Gòn được tác giả khắc họa, sinh động. 273 nhân vật trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử được ông nêu chính xác từng tên họ, quê quán. 
Nói như nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Nó vừa cho chúng ta thấy từng chi tiết diễn biến ở chiến trường vừa cung cấp cho chúng ta bối cảnh toàn cục, nghĩa là cho chúng ta thấy bối cảnh của cả nước chứ không chỉ thấy từng mặt trận. 
Người ta có thể ví như một cận cảnh của điện ảnh, đặc tả cụ thể chân dung một người lính như thế nào, đồng thời máy quay phim lại lùi ra bao quát toàn cảnh của một chiến dịch, toàn cảnh của đất nước ta trong khí thế tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Tác phẩm được đánh giá cao bởi sự pha trộn giữa thể loại phóng sự khách quan phản ánh nội dung chuẩn xác, gần với sự thật lịch sử, cộng với chất văn giản dị, trầm tĩnh mà đầy chiều sâu lôi cuốn. Tác giả không hề bình luận hay áp đặt một ý kiến cá nhân nào, ông chỉ kỳ công sắp đặt nó lại, phục dựng nó trở về nguyên trạng. Tất nhiên, văn chương được quyền hư cấu. 
Những cuộc họp của nội các, tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, Trần Mai Hạnh phải viết bằng sự tưởng tượng nhưng không hề xa rời thực tế bởi tất cả đều dựa trên biên bản, tài liệu. Không một lời nhắc về quân giải phóng, nhưng người ta vẫn thấy tầm vóc của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước.
Bằng những giá trị không thể chối cãi, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”  đã đưa tên tuổi Trần Mai Hạnh đến với giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. 
“Tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã góp phần bỏ phiếu thuận cho những dự báo rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của văn học tư liệu. Sức mạnh của sự thật là không gì có thể chống lại được, nó vượt qua sự hoen gỉ của thời gian. Sự thật trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là thứ kim cương của văn học tư liệu” – nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá.

                                  


Từ khi cuốn sách ra đời cho đến nay, Trần Mai Hạnh cho biết chưa hề có một ý kiến trái chiều nào về tác phẩm. Bởi muốn tranh luận, phản biện với ông phải “nói có sách, mách có chứng”. Gần như không ai có được nguồn tài liệu nguyên bản tuyệt mật dồi dào, những sự kiện, sự việc có tính xác thực của phía bên kia chiến tuyến như ông đã kỳ công sưu tầm, thu thập từ nhiều nguồn gần bốn thập kỷ qua.  
Lần tái bản này, cuốn sách được in phiên bản đặc biệt bổ sung thêm nhiều tư liệu được công bố toàn văn ở phần phụ lục để bạn đọc tiện tra cứu. Thêm nữa, tên riêng có yếu tố nước ngoài trong sách sẽ được in đúng tên nguyên gốc chứ không phiên âm như các lần in trước đó. Hình bìa trong phiên bản lần này chính là ảnh chụp Trần Mai Hạnh và các phóng viên chiến trường tiến vào cửa ngõ Sài Gòn trong ngày 30-4-1975 bằng xe máy.
Cùng dịp ra mắt phiên bản mới của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, Trần Mai Hạnh còn giới thiệu đến công chúng tiểu thuyết tư liệu “Lời tựa một tình yêu” viết về mối tình huyền thoại của vợ chồng chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Châu và Lê Hồng Tư. 
Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử tiến về Sài Gòn năm ấy, ông may mắn chứng kiến cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau 15 năm tù đày, xa cách của đôi uyên ương. 15 năm sau lời tỏ tình chưa có hồi đáp, họ mới gặp lại nhau mà nên duyên vợ chồng. 
Ai cũng tưởng như có một phép mầu. Bởi Lê Hồng Tư từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm kết án tử hình và ba lần ra pháp trường, bị đày đọa ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Nếu không có sức mạnh của tình yêu đôi lứa, tình yêu Tổ quốc thì họ khó có thể sống để đến được với nhau trong bão táp cách mạng.
Tình yêu ấy khiến Trần Mai Hạnh kính cẩn nghiêng mình. Năm 1977, ông viết cuốn sách “Tình yêu và án tử hình” để tái hiện lại một mối tình đầy nước mắt nhưng oai hùng và không kém lãng mạn. Cuốn sách sau đó được trao tặng cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Châu, Lê Hồng Tư. Nhưng do nhiều người mượn đọc rồi thất lạc khiến chính ông bà cũng không còn giữ được cuốn nào. 
Mãi đến năm 2016, cảm nhận cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng, Trần Mai Hạnh quyết định trở về những nơi ông bà đã gặp gỡ, ngỏ lời và bị tù đày để viết nên thiên tiểu thuyết tư liệu “Lời tựa một tình yêu”. Viết để ngưỡng vọng một mối tình, để thế hệ mai sau biết rằng cha anh họ đã sống, đã yêu, đã cống hiến và đã chết như thế nào cho màu xanh của quê hương xứ sở.
Viết, còn bởi Trần Mai Hạnh chưa bao giờ nguôi ngoai những ký ức về cuộc chiến đã qua. Ông viết không phải là để nhắc lại cuộc chiến, không phải để khơi vết thương căm hờn, thù hận nhau. Chiến tranh đã lùi xa thì hãy để nó khép lại mà hướng đến tương lai. Tất nhiên, lịch sử phải khép lại trong sự thật. Ông mong muốn thế hệ sau hiểu hơn một phần lịch sử của đất nước, nhìn nhận khách quan về cuộc đấu tranh của cha ông. 
Cuối cùng, ông chỉ mong ngòi bút của mình góp phần nhỏ bé vào ước vọng con người sống tin yêu nhau hơn, cùng nhau xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp cho tương lai. Bởi vậy, các tác phẩm của Trần Mai Hạnh đều chứa chan thông điệp: “Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi và trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang trĩu nặng âu lo vì những tham vọng, chiến tranh và xung đột”


Nguồn: Văn Nghệ Công An