Với An Chi, khi ông phát hiện, đính chính những sai sót từ công trình của những người đi trước như giáo sư Đào Duy Anh hay Nguyễn Tài Cẩn nghĩa là ông quý trọng họ và mong ước giúp người đi sau tránh được sai lầm. Đó là tinh thần phản biện mang tính cầu thị của An Chi. Trong các bài viết của mình, sự phản biện về ngôn ngữ và lịch sử của An Chi đề cập từ những vấn đề căn bản, phổ cập của đời sống tới những vấn đề nan giải của học thuật. Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các "cây đa cây đề" mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến. Bản lĩnh hiếm có ấy của An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày lô gich và khúc chiết, dễ hiểu đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình.


HỌC GIẢ AN CHI VẪN ĐẮM ĐUỐI MIỀN CHỮ NGHĨA

PHAN HOÀNG

Học giả An Chi còn có bút danh Huệ Thiên, là gương mặt quen thuộc trong đời sống báo chí, học thuật nước ta mấy mươi năm qua. Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, gần cả đời nghiên cứu, viết lách nhưng học giả An Chi mới lần đầu tiên được tổ chức ra mắt sách, giao lưu bạn đọc vào sáng ngày 8-10-2016 tại NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh nhân dịp bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa“ đồ sộ của ông được ấn hành.

Buổi ra mắt sách của những người quý trọng chữ nghĩa
Hơn 12 năm sau hai bộ sách được tái bản nhiều lần “Chuyện Đông chuyện Tây”, “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, học giả An Chi mới chính thức trình làng bộ sách thứ 3 là “Rong chơi miền chữ nghĩa” gồm 3 tập, khổ lớn 13 x 23.5cm, tổng cộng hơn 1.500 trang. Bà Đinh Thị Thanh Thuỷ - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh cho biết, giá trị và sức hấp dẫn từ những bài viết của học giả An Chi đã thôi thúc cá nhân bà gặp gỡ, trao đổi với tác giả để xuất bản bộ sách dày dặn trên.
Những bài viết trong bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” của An Chi vốn đã công bố trên các tờ: An ninh thế giới, Đương thời, Năng lượng mới, Người đô thị,…Vốn có mối thâm tình với học giả An Chi mấy mươi năm qua nên tôi vinh dự được Giám đốc Đinh Thị Thanh Thuỷ mời làm diễn giả trong buổi ra mắt bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa”. Không như dự kiến ban đầu sẽ diễn ra tại Đường Sách, mà do ảnh hưởng mưa to từ cơn bão số 6 nên buổi ra mắt sách phải đột ngột chuyển về hội trường của NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh. Trên đường đi khi nghe tin này tôi hơi lo lắng giữa lúc mưa nặng hạt. Càng đáng lo hơn khi gần đến giờ khai mạc nhưng người dự còn thưa thớt.
Tuy nhiên, có lẽ nhờ sức hút của tên tuổi An Chi và giá trị đích thực từ sự nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn của ông, vượt qua mưa bão, hội trường càng lúc càng đông người, không đủ chỗ ngồi. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc của giới văn nghệ, báo chí, nghiên cứu như Nguyễn Thế Thanh, Lê Văn Duy, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thanh Lợi, Hoà Bình, Lê Công Sơn, Đoàn Phương Huyền,.. còn có đông đảo bạn đọc là giáo viên, sinh viên và những người đam mê chữ nghĩa, đặc biệt có người từ Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng về chia sẻ, chung vui với học giả An Chi.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh đã bày tỏ mối thiện cảm về hai vấn đề liên quan đến nhân cách của học giả An Chi. Đó là sự nghiêm cẩn trong chữ nghĩa, học thuật, công việc và thái độ sống khác biệt của ông giữa những bề bộn, phức tạp của đời sống xã hội hiện nay. Trong khi đó, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc thổ lộ rằng anh xem hai học giả Nguyễn Hiến Lê và An Chi là hai bậc thầy của mình trên con đường chữ nghĩa. Không chỉ học hỏi mà hai ông còn là nguồn cảm hứng lớn cho anh trong công việc viết lách, liên tục xuất bản sách. 
Có thể nói buổi giao lưu ra mắt sách của học giả An Chi là cuộc gặp gỡ ấm áp, thân tình, cảm động giữa những người nặng lòng với tiếng Việt, một đề tài "nóng" hiện nay trên các diễn đàn. Và sự xuất hiện một cách bề thế của bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” thật đúng lúc. Cùng với bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây” trước đây, lần này học giả An Chi tiếp tục mang lại cho người đọc những kiến văn sâu rộng, có tính phản biện, gần gũi thiết thực với đời sống văn hoá ngôn ngữ hằng ngày.
Vì chân lý khoa học không ngại "va chạm"
Một thời trong đời sống học thuật nước ta có thói quen ấu trĩ là những gì các bậc "đạo cao đức trọng" viết ra được xem như giá trị bất biến. Nếu ai phát hiện sự sai sót, phản biện lại họ thì bị xem là "đốt đền". Huệ Thiên - An Chi không e ngại điều ấy. Và đó cũng là một ưu điểm lớn của ông. Không ai mãi mãi là số 1 trên đời và đến thánh nhân cũng có những sai lầm.
Đối với An Chi, khi ông phát hiện, đính chính những sai sót từ công trình của những người đi trước như giáo sư Đào Duy Anh hay Nguyễn Tài Cẩn nghĩa là ông quý trọng họ và mong ước giúp người đi sau tránh được sai lầm. Đó là tinh thần phản biện mang tính cầu thị của An Chi.
Trong các bài viết của mình, sự phản biện về ngôn ngữ và lịch sử của An Chi đề cập từ những vấn đề căn bản, phổ cập của đời sống tới những vấn đề nan giải của học thuật. Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các "cây đa cây đề" mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến. Bản lĩnh hiếm có ấy của An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày lô gich và khúc chiết, dễ hiểu đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình.
Chẳng hạn ông chỉ ra những chỗ sai trong Từ điển Truyện Kiều của Giáo sư Đào Duy Anh và cả những điểm mà Giáo sư Phan Ngọc sửa chữa "nâng cấp" không đúng về cuốn từ điển này. Rồi trong hai cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam đều của Giáo sư Nguyễn Lân, ông chỉ ra chính xác những "chỗ sai khó ngờ". Ông cũng chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết "tự nhiên" lý giải ngôn ngữ Truyện Kiều…
Về lịch sử, dù không mở rộng nghiên cứu, nhưng An Chi cũng có những công trình đáng chú ý khi kiến giải: “Hùng Vương hay Lạc Vương?”, “Vấn đề "thành" của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không?”,…
Đặc biệt, về vấn đề Mạc Đăng Dung, sau khi đưa ra những sử liệu để phản biện một cách minh bạch, An Chi đã đi đến kết luận: "Vậy thì không làm gì có chuyện Mạc Đăng Dung cắt đất của quốc gia Đại Việt để dâng cho nhà Minh; chỉ có việc sử thần của nhà Lê đã xuyên tạc sự thật lịch sử để hạ nhục nhà Mạc mà thôi".
Đặt lại vấn đề này, An Chi còn mong muốn "nhấn mạnh đến lương tâm và trách nhiệm của các sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử trong việc ghi chép và việc bình phẩm về hành động của các nhân vật lịch sử".
Sinh thời, nhà ngữ học lừng danh thế giới Cao Xuân Hạo rất yêu quý An Chi. Ở đó không chỉ là quan hệ có tính gia đình mật thiết mà còn là tình đồng nghiệp. Họ thường có những cuộc đàm đạo về ngữ học.
Ngược lại, học giả An Chi cũng đã thổ lộ: "Tôi cho rằng giới khoa học nước nhà có không ít người để cho ta cảm phục, nhưng riêng tôi, vì ít tiếp xúc và chỉ tiếp xúc với những người của giới ngữ học (hoặc tên tuổi của họ qua sách vở) nên cái nhìn của tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực này. Hai người mà tôi cảm phục nhất thì thứ nhất là nhà ngữ học kiệt xuất Cao Xuân Hạo và thứ hai là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Chia sẻ với tôi về học thuật thì cho đến nay vẫn là nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương và Tiến sĩ Hoàng Dũng. Tôi rất kính trọng hai vị này về mặt khoa học".
Dù tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu nhưng hằng ngày An Chi vẫn hăng say làm việc. Phần lớn tiền nhuận bút sách báo ông dành dụm để mua sách. Tủ sách của An Chi chứa đầy sách quý và đây là một trong những thư viện gia đình hiếm có ở nước ta. Giữa thế giới sách được sắp xếp ngăn nắp, học giả An Chi thường lặng lẽ cô đơn đi lại ngẫm ngợi.
Trước đây ông chỉ quen dùng bút giấy. Bây giờ ông lại đăm chiêu với máy tính, để viết và kết nối với bạn bè, đồng nghiệp cùng những người đồng điệu chia sẻ với mình. Sau những bậc thức giả đáng kính như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn,… trong ngành ngữ học, tôi quý trọng một An Chi đã và đang để lại dấu ấn của mình cho đời sống học thuật nước nhà, đặc biệt là từ nguyên học.
Hành trình thầm lặng miệt mài từ Võ Thiện Hoa đến Huệ Thiên - An Chi cũng mang lại cho những thế hệ sau một tấm gương sáng về sự tự học không ngừng, niềm say mê lao động khoa học và vượt lên số phận khắc nghiệt chính mình.
Ở tuổi bát tuần, học giả An Chi vẫn một lòng đam mê miền chữ nghĩa. Sự quan tâm lớn nhất của An Chi là từ nguyên học, một bộ môn vốn còn khá mới mẻ và chưa được chú ý lắm ở Việt Nam. Ông đang hướng đến việc xuất bản một công trình về từ ngữ tiếng Việt gốc Hán.
Buổi ra mắt sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” đã để lại trong lòng bạn đọc tri âm nhiều ấn tượng. Và theo tôi, để hiểu một cách thấu đáo hơn những giá trị mà học giả An Chi cống hiến, có lẽ phải cần đến một cuộc toạ đàm hoặc hội thảo khoa học về các công trình của ông!

Nguồn: Văn Nghệ Công An