Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận: “Mỗi lần đứng trước các tác phẩm của Hoàng A Sáng, tôi thường tự hỏi : những bức tranh của Hoàng A Sáng đi qua tôi hay tôi đang đi qua thế giới những bức tranh của anh? Tôi thực sự không rành mạch trong câu trả lời của mình. Nhưng cảm giác rõ nhất của tôi về thế giới những bức tranh ấy là nó chỉ thuộc về anh và không thể thuộc về một ai khác. Một thế giới của màu sắc Hoàng A Sáng: rực rỡ nhưng chìm sâu, của đường nét Hoàng A Sáng: mạnh mẽ nhưng run rẩy, của những nhân vật Hoàng A Sáng: tĩnh lặng nhưng cô đơn và khắc khoải. Những nhân vật của Hoàng A Sáng lúc nào cũng muốn chìm sâu vào những tán lá như muốn tan vào thiên nhiên kỳ vĩ và yên bình. Và những lá sen là thiên nhiên chủ đạo trong thế giới thiên nhiên của anh. Những lá sen tương đồng với con người”.


SỬNG SỐT TRƯỚC MIỀN TĨNH LẶNG CỦA HOÀNG A SÁNG

NGUYỄN QUANG THIỀU

Trong khoảng mười năm trở lại đây, tôi thường xuyên được ngắm nhìn những bức tranh của họa sỹ Hoàng A Sáng. Có một vài lần, tôi hỏi nhỏ họa sỹ Thành Chương về tranh Hoàng A Sáng. Mỗi khi nghe tôi hỏi, họa sỹ Thành Chương đều im lặng và rồi nói “khó khăn lắm”. Nhưng đến một ngày cách đây một tháng, Hoàng A Sáng mời họa sỹ Thành Chương vào xem hơn bốn chục bức tranh mà anh dự định sẽ triển lãm. Khi xem xong những bức tranh của Hoàng A Sáng, họa sỹ Thành Chương quay lại nói với tôi “ Hoàn toàn không ngờ được. Sửng sốt”.
Trong mười năm gần đây, nỗ lực lớn nhất của Hoàng A Sáng là nỗ lực đi tìm chính bản thân mình và từ đó tìm kiếm giọng nói của chính mình trong ngôn ngữ hội họa. Đây là con đường khó nhất và thách thức nhất đối với tất cả các nghệ sỹ sáng tạo. Nếu một nghệ sỹ không tìm thấy nghệ thuật của mình thì nghệ sỹ ấy chẳng mang lại gì cho cho chính anh ta/ chị ta và cho đời sống. Nhưng bây giờ, Hoàng A Sáng đã tìm thấy thế giới của anh. 

                                                    

Hoàng A Sáng sống ở Hà Đông cùng tôi, bởi thế tôi chứng kiến sự sáng tạo của anh một cách có hệ thống. Có nhiều lúc, Hoàng A Sáng đã bất lực khi anh đứng nhìn những bức tranh của anh vừa mới vẽ đêm hôm trước. Và có lúc, tôi cảm giác rằng anh sẽ từ bỏ con đường sáng tạo của màu sắc và hình khối ấy. Có một thời, anh vẽ rất nhiều những bức tranh với hình trang trí thổ cẩm, những chiếc gùi, những chiếc váy của phụ nữ dân tộc... nhưng cho dù dựa vào rất nhiều những di sản của dân tộc mình, Hoàng A Sáng vẫn chỉ là kẻ minh họa mà thôi. Hoàng A Sáng vẫn đứng ngoài dân tộc anh. Anh vẫn đứng ngoài con người anh và bởi thế không ít những bức tranh của anh chỉ là những kẻ xa lạ đi qua cái làng Pác Thay hay cái xứ Trùng Khánh của anh với đầy hờ hững. Nhưng với tình yêu thực sự và với khát vọng sáng tạo chân thành mang cả dày vò và đau đớn, Hoàng A Sáng đã trở về được với con người mình. Và anh đã mở ra một thế giới của riêng anh. Thế giới ấy chính là MIỀN của A Sáng. 

                                          

Bởi thế mà họa sỹ Thành Chương là một họa sỹ danh tiếng, một người có cái nhìn “tinh quái” trong hội họa và là người vô cùng thẳng thắn đã đặt bút viết: “Biết A Sáng từ ngày còn chân khô chân ướt rời miền cao xuống miền bằng thoát đã mấy mươi năm. Đầu lúc nào cũng ong ong trăn trở. A Sáng là ai? Nghệ thuật của A Sáng là gì? Và rồi chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một “Miền A Sáng” đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất với đàn bà. Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên chân chất. Bí ẩn, thâm trầm, vi diệu với cõi thần phật linh thiêng. Tất cả ào ạt tuôn trào, hòa quyện thành nơi chốn tạo hình lung linh đẹp đẽ. Một miền nghệ thuật hội họa rất độc đáo, rất riêng mang tên “Miền A Sáng”. 

                                        

Mỗi lần đứng trước các tác phẩm của Hoàng A Sáng, tôi thường tự hỏi : những bức tranh của Hoàng A Sáng đi qua tôi hay tôi đang đi qua thế giới những bức tranh của anh? Tôi thực sự không rành mạch trong câu trả lời của mình. Nhưng cảm giác rõ nhất của tôi về thế giới những bức tranh ấy là nó chỉ thuộc về anh và không thể thuộc về một ai khác. Một thế giới của màu sắc Hoàng A Sáng: rực rỡ nhưng chìm sâu, của đường nét Hoàng A Sáng: mạnh mẽ nhưng run rẩy, của những nhân vật Hoàng A Sáng: tĩnh lặng nhưng cô đơn và khắc khoải. Những nhân vật của Hoàng A Sáng lúc nào cũng muốn chìm sâu vào những tán lá như muốn tan vào thiên nhiên kỳ vĩ và yên bình. Và những lá sen là thiên nhiên chủ đạo trong thế giới thiên nhiên của anh. Những lá sen tương đồng với con người. 
                                         

Về mặt nghệ thuật thì những lá sen ấy là một sáng tạo quyến rũ và mới mẻ. Những lá sen luôn mở rộng và vừa làm nền cho bức tranh, vừa tạo ra cái mênh mang vô tận. Nó làm nên một thế giới tĩnh lặng và lan tỏa. Tôi lại nhớ đến hai câu thơ của tôi trong bài thơ Lễ Tạ:
"Phăng phắc một lá sen già
Đợi ta trên miền nước lặng"
Tôi thực sự ấn tượng tạo hình lá sen của Hoàng A Sáng. Sen không phải là loài hoa mọc ở vùng quê nơi Hoàng A Sáng sinh ra và lớn lên. Nhưng một điều đặc biệt là: chính cách tạo hình những lá sen với những gân lá của nó lại gợi cho tôi nghệ thuật hoa văn của thổ cẩm.
Khi một người thực sự mang trong tâm hồn mình văn hóa và tinh thần của dân tộc mình thì cho dù anh ta là ai, làm gì và ở đâu tinh thần ấy vẫn hiển hiện vẻ đẹp kỳ lạ của nó.
Hoàng A Sáng đã sống thực sự với tinh thần của dân tộc anh. Chính thế mà tinh thần và vẻ đẹp của dân tộc anh đã hiện ra trong một vùng văn hóa khác và trong chính thế giới hiện đại mà anh đang sống trong nó. Những hình thức bên ngoài của dân tộc anh được loại đi rất nhiều như áo váy thổ cẩm, trang sức bạc đồng, nhà sàn hay núi non... để cho cái văn hóa và tinh thần bên trong của dân tộc anh hiển lộ. Đấy chính là nghệ thuật, đấy chính là văn hóa.
Tất cả những điều ấy làm tôi luôn thấy thế giới của Hoàng A Sáng tĩnh lặng nhưng không bất động. Thế giới ấy lại chứa đựng một sức sống mãnh liệt và da diết. Và thế giới ấy trôi như một giấc mộng về cái miền mà anh sinh ra và lớn lên, về cía miền làm lên tâm hôn anh và đã làm lên cái MIỀN của SÁNG.