Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định về đồng nghiệp: “Trong 25 năm lao động, Lê Bá Thự đã để lại một khối lượng tác phẩm dịch đồ sộ. Con người ông lúc nào cũng ngập tràn cảm hứng sáng tạo và một thái độ làm việc nghiêm túc. Dấn thân vào con đường dịch thuật văn học là ông đã chọn một con đường quá nhiều thách thức. Ông không dịch những cuốn sách thị trường hay sách giải trí thông thường. Ông dịch những cuốn sách chứa đựng những tư tưởng lớn cùng với những khám phá phức tạp nhất và sâu nhất về con người của nền văn học Ba Lan, một trong những nền văn học lớn của nhân loại. Những cuốn sách dịch của ông cần thiết cho bạn đọc ở nhiều lĩnh vực. Bạn đọc thông qua những tác phẩm của các nhà văn Ba Lan để hiểu sâu hơn về một dân tộc nhưng cuối cùng và quan trọng hơn là để hiểu sâu về nhân loại. Và khi ta hiểu sâu hơn về nhân loại nghĩa là ta hiểu sâu hơn về chính con người ta”.



CON ĐƯỜNG CỦA LÊ BÁ THỰ

NGUYỄN QUANG THIỀU


     Tác phẩm dịch đầu tiên của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự mà tôi đọc là một cuốn sách cho thiếu nhi. Vào một ngày hè cách đây hơn 20 năm, tôi dẫn hai đứa con đi hiệu sách. Trong rất nhiều những cuốn sách viết cho thiếu nhi tôi đã chọn cuốn “Vì sao không nghe thấy giọng cá”. Cha con tôi chọn cuốn sách này vì cái tên cuốn sách rất hấp dẫn. Đêm ấy, khi hai con tôi đã ngủ, tôi đã lấy cuốn sách và đọc hết trong đêm. Lúc đó thực sự tôi mới biết tên dịch giả Lê Bá Thự. Cũng từ ngày đó, tôi đã chọn ông là một trong những dịch giả của mình. Sự lựa chọn ấy hoàn toàn đúng. Bởi trong suốt hơn hai mươi năm kể từ ngày đó đến nay, tôi đã được đọc khá nhiều tác phẩm dịch của ông và những tác phẩm dịch ấy đã mang lại cho tôi thêm một con đường đi tới nhận thức Cái đẹp và Con người. 

Lê Bá Thự là một trong những dịch giả hội tụ được đầy đủ những phẩm chất và điều kiện cần thiết cho một dịch giả.

     Thứ nhất, ông là người học tiếng Ba Lan ở chính đất nước Ba Lan. Sau đó, ông tiếp tục có những năm tháng làm việc tại Ba Lan. Chính thế, sự hiểu biết ngôn ngữ Ba Lan của ông có một nền tảng vững chắc cùng với đời sống của ngôn ngữ đó mà ông tham dự.

     Thứ hai, chính thời gian sống ở Ba Lan và đặc trưng công việc của mình làm ông hiểu đất nước Ba Lan một cách sâu sắc, đặc biệt là đời sống văn hóa Ba Lan. Điều này là vô cùng quan trọng với một dịch giả. Bởi nếu không hiểu sâu đời sống và văn hóa của một dân tộc thì việc dịch một tác phẩm viết bằng ngôn ngữ của dân tộc đó và về những vấn đề của dân tộc đó sẽ gặp rất nhiều thách thức và khó có thể tạo ra chiều sâu trong bản dịch của mình. 

     Thứ ba, ông là một dịch giả có một khả năng lựa chọn chính xác các tác phẩm để dịch. Trước hết tác phẩm đó phải là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Ba Lan. Sau đó tác phẩm đó phải có khả năng được tiếp nhận và chia sẻ của bạn đọc trong nước. Thực tế cho thấy: có những tác phẩm hay của một nền văn học nhưng lại khó đi vào lòng bạn đọc của một dân tộc khác bởi những vấn đề quá khu biệt về chính trị, tôn giáo và phong tục mà tác phẩm đó đề cập. Với một số lượng không nhỏ tác phẩm văn học Ba Lan mà Lê Bá Thự tuyển chọn để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, tôi thấy ông là người thấu hiểu những tác phẩm văn học Ba Lan mà ông chọn lựa cũng như thấu hiểu tính phù hợp và sự đón nhận của bạn đọc Việt Nam.

     Thứ tư, tôi muốn nói đến tính đa dạng các tác phẩm văn học Ba Lan mà Lê Bá Thự chọn dịch. Sự chọn lựa này của ông có ý đồ giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam thấy được sự phong phú của một nền văn học cũng như  nó cho thấy khả năng xử dụng một cách nhuần nhuyễn và tinh tế ngôn ngữ Ba Lan của ông.

     Và điều cuối cùng tôi muốn nói đến là ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt - của dịch giả Lê Bá Thự. Với bất cứ dịch giả thành công nào đều là những người hiểu sâu sắc hai ngôn ngữ : ngôn ngữ gốc của tác phẩm và ngôn ngữ được dịch ra. Dịch giả Lê Bá Thự là người có được điều quan trọng này. Vì ông là nhà văn, nên ông đã tiếp cận tư tưởng và văn phong của tác giả ông dịch một cách khá dễ dàng. Đồng thời, nghề văn đã giúp ông Việt hóa một cách linh hoạt và sống động trong các tác phẩm dịch của mình. Chúng ta có thể thấy rõ cách sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn và đầy phong vị của ông trong truyện thiếu nhi, trong những tiểu thuyết có tính lịch sử, trong những tiểu thuyết tâm lý và trong ngôn ngữ của thể loại truyện ngắn cũng như trong văn phong khác biệt của các tác giả. Với những tác phẩm thực sự khó đọc như Pharaon hay Những khoái cảm khác, tôi thấy dịch giả Lê Bá Thự đã cho người đọc một bản tiếng Việt xuất sắc. Dịch những cuốn sách như vậy thực sự là một khổ công. Nhưng ông đã đi qua những thách thức ấy và thành công.

     Trong 25 năm lao động, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm dịch đồ sộ. Con người ông lúc nào cũng ngập tràn cảm hứng sáng tạo và một thái độ làm việc nghiêm túc. Dấn thân vào con đường dịch thuật văn học là ông đã chọn một con đường quá nhiều thách thức. Ông không dịch những cuốn sách thị trường hay sách giải trí thông thường. Ông dịch những cuốn sách chứa đựng những tư tưởng lớn cùng với những khám phá phức tạp nhất và sâu nhất về con người của nền văn học Ba Lan, một trong những nền văn học lớn của nhân loại. Những cuốn sách dịch của ông cần thiết cho bạn đọc ở nhiều lĩnh vực. Bạn đọc thông qua những tác phẩm của các nhà văn Ba Lan để hiểu sâu hơn về một dân tộc nhưng cuối cùng và quan trọng hơn là để hiểu sâu về nhân loại. Và khi ta hiểu sâu hơn về nhân loại nghĩa là ta hiểu sâu hơn về chính con người ta.