Khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” với hiệu lệnh “chống lại sự im lặng đáng sợ”, giới văn chương hưởng ứng nồng nhiệt còn giới âm nhạc thản nhiên như không. Cũng khó trách, giới âm nhạc vốn quen bổng trầm du dương, cốt thỏa mãn những cái lỗ tai luôn thèm thuồng khoái cảm vuốt ve mơn trớn. Trần Tiến là nhạc sĩ duy nhất xuất hiện trong những năm cao trào thức tỉnh ấy, với tác phẩm tiêu biểu “Trần trụi 87”. Không dừng lại ở quan sát “Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga. Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ. Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương”, Trần Tiến giục giã: “Ðừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng”. 



TRẦN TIẾN LÚC KHÔNG NGẪU HỨNG

LÊ THIẾU NHƠN

Nhạc sĩ Trần Tiến vừa có một cuốn sách. In đẹp, giá bìa 148 ngàn đồng cũng xứng đáng. Trừ hai phần “Đối thoại” và “Viết về Trần Tiến” chỉ mang tính báo chí phụ lục, ba phần “27 khúc ngẫu hứng văn xuôi”, “Du ca” và “Lưu ảnh ký” ít nhiều phác thảo được chân dung Trần Tiến.

Cuộc đời Trần Tiến nhiều phóng túng và nhiều trải nghiệm. Chỉ cần ghi lại chân thật cũng đã đủ hấp dẫn độc giả. Tuy chưa đạt đến tầm sâu sắc hoặc đáo để, nhưng Trần Tiến viết có duyên!

Đáng tiếc, trong “Ngẫu hứng”, Trần Tiến ít chịu đề cập đến giai đoạn cực kỳ quan trọng của anh, đó là thời đổi mới. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói với hiệu lệnh “chống lại sự im lặng đáng sợ”, giới văn chương hưởng ứng nồng nhiệt còn giới âm nhạc thản nhiên như không. Cũng khó trách, giới âm nhạc vốn quen bổng trầm du dương, cốt thỏa mãn những cái lỗ tai luôn thèm thuồng khoái cảm vuốt ve mơn trớn. Trần Tiến là nhạc sĩ duy nhất xuất hiện trong những năm cao trào thức tỉnh ấy, với tác phẩm tiêu biểu “Trần trụi 87”.

Không dừng lại ở quan sát “Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga. Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ. Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương”, Trần Tiến giục giã: “Ðừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng”. 

Đã gần 30 năm trôi qua, “Trần trụi 87” vẫn còn nguyên giá trị: “Tôi đã thấy bạn tôi lao công trên đường phố Nga. Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ. Người Việt tài năng lang thang nơi đâu, xa dấu quê nhà. Anh có đau không?”. Có lẽ nhiều tri thức trùm chăn hôm nay, cũng phải xấu hổ khi nghe tâm tư thuở nào của Trần Tiến: “Hãy quay lại nhìn lại chính mình. Hãy quay lại nhìn rõ chính mình. Hãy quay lại nhìn về quê hương hôm nay. Anh có đau không?”.

Trần Tiến có nhiều ca khúc hay, nhưng khẳng định rõ nét bản lĩnh Trần Tiến chính là “Trần trụi 87”, hoàn toàn không ngẫu hứng mà chìm đắm giữa ngổn ngang âu lo lương thiện của một nghệ sĩ đích thực!


Dẫu chưa hài lòng với Trần Tiến ở chuyện nọ chuyện kia, nhưng chỉ cần nghĩ đến “Trần trụi 87” giăng mắc thao thức “người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư, khôn quá hoá hèn”, thì tôi vẫn kính trọng anh như một nhạc sĩ lớn!