Nhất Lâm là một nhà văn trung thực, thẳng thắn, sống quyết liệt, viết quyết liệt. Từ khi nghỉ hưu đến khi rời cõi tạm, chỉ 25 năm anh đã viết và ấn hành 20 cuốn sách (11 cuốn văn xuôi, 6 tập thơ, trong đó có tiểu thuyết Xa Hà Nội được giải thưởng của Quỹ Phùng Quán năm 2012 và 2 tiểu thuyết khác được giải thưởng của Hội VHNT Thừa Thiên-Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế) và hàng ngàn bài báo. Cuốn cuối cùng của anh là tự truyện “Sống để chết” dày 300 trang (NXB Thuận Hóa, 2016) là những trang kể lại cuộc đời mình rất sống động. Đọc sách, mới hay anh không phải "sống để chết" mà là sống để tận hiến! Những ngày cuối đời, trong túi áo anh luôn có 3 cái thẻ: thẻ hội viên Hội Nhà văn Huế, thẻ hiến xác và cái chứng minh nhân dân kỳ lạ. Cái CMND  của Nhất Lâm 90 triệu người Việt Nam không ai có: Sinh ngày 32-13-1936. Nghĩa là ngày không có, tháng không có trong lịch.



Nhất Lâm: Chuyện còn kể mãi

NGÔ MINH

Sáng đó, tôi nghe anh Linh, Giám đốc Công ty in Thuận Phát, một người hay in sách Nhất Lâm, điện cho tôi tin đau đớn đó. Tôi bàng hoàng. Mới chiều hôm trước, tôi điện mời anh trưa mai lên nhà giỗ mạ tôi, nhưng anh từ chối vì đau không tới được. Anh đau tim từ năm 2010, lúc nào anh cũng áp tay phải lên ngực vì bệnh tim hành hạ. Năm 2010, Bệnh viện TƯ Huế đã lên lịch mổ cho anh. Thấy Gạc khuyên "Mổ tim nguy lắm. Anh mổ là chết. Chịu khó uống thuốc thì có thể sống thêm vài năm!". Thế là anh không mổ, tìm mua thuốc uống. Anh sống thêm được 6 năm! Vợ anh bảo: "Chiều trước anh vẫn viết. 4 giờ sáng dậy kêu đau, bảo đưa đi viện". Taxi đưa lên viện thì tay chân anh đã lạnh rồi. 5 giờ sáng, trái tim tổn thương ấy đã ngừng đập!
Vì nhà văn Nhất Lâm đã hiến xác cho bệnh viện, nên Linh hỏi tôi: "Anh Lâm hiến xác rồi. Anh Ngô Minh hỏi coi mình có thể vào thắp nhang viếng được không?". Tôi gọi thì được biết là gia đình đã bàn với bệnh viện không đồng ý hiến xác nữa. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận được làm tang lễ bình thường...
Nhất Lâm là một nhà văn trung thực, thẳng thắn, sống quyết liệt, viết quyết liệt. Từ khi nghỉ hưu đến khi rời cõi tạm, chỉ 25 năm anh đã viết và ấn hành 20 cuốn sách (11 cuốn văn xuôi, 6 tập thơ, trong đó có tiểu thuyết Xa Hà Nội được giải thưởng của Quỹ Phùng Quán năm 2012 và 2 tiểu thuyết khác được giải thưởng của Hội VHNT Thừa Thiên-Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên-Huế) và hàng ngàn bài báo. Cuốn cuối cùng của anh là tự truyện “Sống để chết” dày 300 trang (NXB Thuận Hóa, 2016) là những trang kể lại cuộc đời mình rất sống động. Đọc sách, mới hay anh không phải "sống để chết" mà là sống để tận hiến! Những ngày cuối đời, trong túi áo anh luôn có 3 cái thẻ: thẻ hội viên Hội Nhà văn Huế, thẻ hiến xác và cái chứng minh nhân dân kỳ lạ. Cái CMND  của Nhất Lâm 90 triệu người Việt Nam không ai có: Sinh ngày 32-13-1936. Nghĩa là ngày không có, tháng không có trong lịch.
Về cái CMND lạ lùng, anh viết: "Thực sự ngày sinh của tôi là 04-12-1936 chứ không phải 32-13-1936. Nguyên do là vào năm 1979 khi tôi còn hoạt động tại vùng biên giới phía bắc, lúc đó, để đảm bảo bí mật quốc gia, chúng tôi được cấp một CMND riêng. CMND này có tác dụng là nếu chúng tôi bị bắt hoặc bị phát hiện thì (giấy tờ tùy thân) cũng không có hiệu lực pháp lý vì cái sự sai sót cố ý đó. Cái sai đó trở nên hợp lý là vì thế".
Tự truyện Sống để chết, anh kể về gia đình, làng xóm và tuổi thơ của mình ở làng An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị, cho đến khi ra Bắc, đi làm cán bộ địa chất, rồi giải phóng miền Nam, trở về gặp mạ. Gia đình anh làm nông nhưng khá giả, có thể nói là giàu có. 
Thời chống Pháp đã đóng góp rất nhiều vàng, lúa gạo cho kháng chiến. Một gia đình có truyền thống học hành và yêu nước. Hầu như toàn bộ ông bà, chú bác, cha mẹ, cô dì... đều tham gia kháng chiến. Cả nhà có 3 liệt sĩ và hàng chục người đi theo cách mạng. Ông nội từng là chánh tổng, tri huyện bị bãi chức vì yêu nước. Bác ruột là Đoàn Lân, là một trong 7 người cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, bị Pháp bắt năm 1929, đày ở nhà tù Lao Bảo và chết ở đây. 
Bố nhà văn Nhất Lâm là ông Đoàn Cầu, một nông dân làm ăn giỏi, đóng góp nhiều tiền bạc và công sức cho cách mạng. Ông là Chủ tịch HĐND xã Phong La, sau đó lên chiến khu Ba Lòng và hy sinh trong trận càn của Pháp năm 1952. 
Mẹ anh là Nguyễn Thị Tâm, một phụ nữ cả đời chăm chỉ, cần lao để nuôi chồng con đi kháng chiến, để góp tiền, góp lương thực cho cách mạng. Điều may mắn nhất là mẹ ông sinh ra 5 người con, 3 trai, 2 gái. Đoàn Việt Lâm là đầu. Thế mà suốt hai cuộc kháng chiến cho đến sau năm 1975, 5 người con đều từ miền Bắc trở về gặp mẹ trong nỗi vui mừng khôn xiết. Bà sống cho đến năm 2002, thọ 90 tuổi.
Đoàn Việt Lâm lúc 15 tuổi học xong tiểu học Pháp (Primaire) là lên chiến khu Ba Lòng theo bộ đội. Đọc sách, tôi thấy anh có trí nhớ tuyệt vời. Tên đất, tên sông, tên suối, thậm chí tên người, tên những bản làng xa vắng tận Tây Bắc... anh đều nhớ hết. Rồi chuyện đi mót sắn, chuyện ăn đói, mặc rách, chuyện cọp vồ người, chuyện suýt bị lính Pháp bắn chết v.v...
Đã 67 năm rồi mà Nhất Lâm thuộc từng ngóc ngách chiến khu Ba Lòng. Ở chiến khu Ba Lòng thời ấy, Nhất Lâm được nghe nghệ sĩ Tân Nhân hát, gặp nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy và những nhà văn, nhà thơ trong nhóm văn nghệ "Nguồn Hàn" như Vĩnh Mai, Lương An, Hồng Chương, Dương Tường. Có lẽ, những gặp gỡ đó đã nhen lên và nuôi trong anh ngọn lửa văn chương thơ phú.
Năm 1954, hòa bình, anh tập kết ra Bắc. Anh học Trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Đức Thọ, Hà Tĩnh), sau đó ra Hà Nội học ngành địa chất. Ra trường, thành anh cán bộ địa chất đi tìm tài nguyên khắp vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Quảng Ninh, Yên Tử,... cực nhọc và nguy hiểm nhưng cũng có những giờ phút vô cùng lãng mạn. Đó là một tình yêu chớp nhoáng với cô gái Thái trắng Bản Lu, Yên Châu, tên là Ín. 
Rồi nhập tỉnh Bình Trị Thiên. Anh chuyển công tác sang giao thông. Làm Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Trị Thiên (cũ). Do hoàn cảnh riêng, anh xin nghỉ hưu sớm, và bắt đầu viết văn, làm thơ từ đó. 
Ở Huế, Quảng Trị, Đồng Hới... nhà văn Nhất Lâm đi đâu ai cũng nhận ra bởi anh thường đi xe đạp, đầu trần với mái tóc bạc trắng chấm vai rất đẹp. Mái tóc bạch kim óng ánh để trần dưới nắng mưa cứ bồng bềnh trong gió như một thương hiệu nổi tiếng. 
Tiểu thuyết Đồi không tên viết về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ bộ đội, du kích vùng cao A Lưới với lính Mỹ trên "đồi thịt băm" - theo cách gọi của lính Mỹ. Anh cho biết, để có tiền in sách, anh phải vay mượn bạn bè hơn chục triệu đồng. Không biết có thu lại đủ vốn không. 
Nhưng nhìn cuốn sách dậy mùi mực thơm, tôi nghĩ đến mùi sự sống nồng nàn đang phục sinh trên mảnh đất A Lưới khốc liệt một thời. Chỉ riêng viết sách dựng lại cuộc chiến đấu sau 30 năm trời, chứng tỏ tình yêu và trách nhiệm của một người cầm bút thật mãnh liệt.
Nhất Lâm viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn, truyện ký... sôi sục, tâm huyết! Dường như mấy chục năm làm cán bộ địa chất, làm thanh tra ngành giao thông mẫn cán, nghĩa là làm công việc của một công chức, anh vẫn chưa coi là làm.
Về hưu, anh hì hục viết báo để nuôi mẹ già ở quê, nuôi văn, nuôi thơ và nuôi hồn mình. Anh viết ngày viết đêm như chạy đua với tuổi. Anh bảo tiếc thời trai trẻ, phung phí lắm. Chao ôi, đã "thất thập cổ lai hy" vẫn lao vào cầm bút quyết liệt như Nhất Lâm, đáng kính nể biết bao! 
Anh nghèo, không có tiền mua xe máy, đi cái xe đạp cà tàng, không máy tính, không email, không Facebook, chỉ viết tay. Anh đạp xe đi khắp chốn như một tay giang hồ bí ẩn. Đi thăm nuôi mẹ già ốm nặng ở Quảng Trị cách hơn 50 cây số cũng đạp xe. Có lần giữa đường xe đạp bị hỏng xích, không có tiền trả, anh gãi đầu, vuốt vuốt mái tóc bạc, rồi nghĩ ra cách ký tặng người thợ sửa xe tập thơ mới xuất bản. Nhờ có thơ mà người thợ sửa xe vui vẻ cảm ơn và không lấy tiền.
Nghèo, nhưng in sách thì anh không hề tiếc tiền, dù có phải vay mượn. In sách rồi tự đi phát hành. Thu được đủ vốn rồi thì lấy vốn đó in tập sách khác, còn lại bao nhiêu sách tặng bạn bè bằng hết. Nhất Lâm không chỉ viết và in sách của mình mà anh còn sống chết vì bạn hết mực. 
Hồi nhà thơ Phương Xích Lô mất, Nhất Lâm đã rút hết số tiền  trong sổ tiết kiệm 9 triệu đồng dành dụm cho "việc hậu sự" của mình để in tập Nguyễn Văn Phương - Xích lô hành. Một tập sách kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà thơ trẻ tài hoa mệnh yểu. 
Anh bảo: "Sách in 600 bản, bán thu đủ vốn rồi, số tiền còn lại sẽ đưa cho gia đình Phương để lo giỗ chạp hằng năm cho nó. Anh mang Xích lô hành đi phát hành và tặng bạn bè tận Sài Gòn. Một nghĩa cử cao đẹp mà không phải người có tiền nào cũng làm được! Nhà thơ Hải Bằng mất (1998), Nhất Lâm đến nhà ngủ cạnh quan tài để cho "anh ấy ấm lòng". 
Anh ra Hà Nội hàng tháng trời đọc và chỉnh sửa giúp bà Phương Chi hồi ký về nhà thơ Vĩnh Mai, một nhà thơ cộng sản cương trực người Quảng Trị mà anh rất kính trọng và nể phục. Anh đưa mộ vợ chồng nhà thơ Vĩnh Mai - Phương Chi về Huế. Nhà thơ Trần Hữu Tâm Phương ở Huế mất, Nhất Lâm đi vận động bạn bè quyên góp để làm đám tang vì Tâm Phương rất nghèo. 
Ông Lê Văn Hoan, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có lối sống và quan điểm rất gần dân, rất tân tiến. Anh bỏ ra cả tháng trời để chấp bút tập hồi ký 350 trang của ông. 
Năm 2016, anh cùng bạn bè tổ chức bản thảo, quyên góp tiền để in tập Thơ Tôn Phong, nhân giỗ đầu nhà thơ người Huế ở Nha Trang. In xong, anh mang sách đi bán. Được mấy triệu đồng, anh tìm cách chuyển tiền cho chị Lệ Mỹ vợ nhà thơ Tôn Phong. Chị Lệ Mỹ điện ra khóc, nói: "Cảm ơn Nhất Lâm và anh em Huế. Tôi không có lương hưu. Nhờ số tiền nhuận bút này mà tôi tổ chức được giỗ đầu cho anh Phong!".
Nhất Lâm là một thi sĩ thực thụ. Thơ anh mộc mạc, nhưng cái chất lãng tử, cái chất thi sĩ ngang tàng thì thật đậm: Ly dày ly cạn đêm nhòa nhạt/ Áo mới em choàng nhuốm bâng khuâng... (Suối đêm). Giang hồ tôi uống bao quán vắng/ Nước mắt nhòe mưa về bến sông (Mưa). 
Thơ Nhất Lâm là thứ thơ chiêm cảm, thơ chắt từ chính cuộc đời mình, nên nặng lòng trắc ẩn. Không ngất ngưởng, ngang tàng, không yêu thương cuộc đời hết mực thì không thể viết được những câu thơ xa xót như thế này: Vòng tay khóa chặt ngang eo rượu/ Ôm trọn tình nhau tròn số không. 
Trong tập Vú đá, Nhất Lâm có những câu thơ rất tinh diệu, mới mẻ: Ngạt ngào mùi đêm vắng... hay Ngày thác lũ/ Sông đỏ bầm máu dữ/ Hành kinh cho nhân loại phù sinh (Sông đêm). 
Nhất Lâm sống như viết, đầy trực cảm và say mê. Mở cửa sổ tầng 3 căn hộ chung cư sau đêm viết khuya, gặp ánh trăng man mác, thế là anh không dừng được đam mê, xách xe đạp xuống 3 tầng cầu thang khu cư xá Đống Đa, một mình đạp xe đi chơi trăng đến sáng. Anh đạp xe lang thang như một kẻ mộng du. 
Đến khi chạm cầu, chạm biển Thuận An mới tỉnh ra, biết mình đang ở xa nhà hơn chục cây số. Bạn chơi của anh là những nhà thơ trẻ ở Huế như Hải Trung, Nguyễn Phước Trung Trường, Lê Huỳnh Lâm, Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà v.v...  
Với trực cảm khảng khái của mình, những truyện ngắn cũng như nhiều bài báo chống tiêu cực của Nhất Lâm luôn trực diện, thẳng thừng. Có lần bọn côn đồ mang hung khí đến nhà anh đe dọa. 
Lần khác, anh viết bài báo về tàu Thuận An 06 của tỉnh Thừa Thiên-Huế đi buôn lậu từ Trung Quốc về bị bão, đắm ở biển Hải Nam. Bọn buôn lậu đã thuê côn đồ tìm đến nhà đánh anh bị thương. Anh phải lánh ra tận nhà của nhà thơ Hải Kỳ ở Đồng Hới để được an toàn. Nhất Lâm luôn tâm niệm: Trăm năm một ván cờ/ Thua được ta thờ ơ...(Trăm năm)!
Ôi, Nhất Lâm vẫn vậy, sống là viết và viết là sống, chết rồi vẫn muốn có ích cho con người. Ôi, một nhà văn luôn dấn thân đấu tranh vì lẽ công bằng, bởi anh yêu quá cuộc đời này!