Tại Moskva, nữ nghệ sỹ Aisedora cũng đã nhiều tuổi làm quen với một chàng thanh niên còn rất trẻ, tiếng tăm đang nổi như cồn-vđó là nhà thơ Nga Sergei Esenhin. Dù cả hai không hề biết ngôn ngữ của nhau, muốn trao đổi điều gì đều phải thông qua phiên dịch, ấy vậy nhưng giữa hai người đã nẩy sinh một tình yêu mãnh liệt đưa tới một cuộc hôn nhân hợp pháp- điều xẩy ra lần đầu trong cuộc đời Aisedora Duncan. Đáng tiếc sao mối lương duyên này kéo dài cũng không lâu. Như người cùng thời đều biết Esenhin suốt ngày say sưa, cặp uyên ương rất hay cãi cọ để cuối cùng thi sỹ gửi cho Aisedora những dòng như sau: “Anh đã yêu một người con gái khác. Anh đã có vợ khác”. Tuy vậy, hai năm sau khi nhà thơ Nga Esenhin vĩnh biệt cõi đời ( theo nhiều ức thuyết là ông tự tử ), tại châu Âu khi biết được điều này Aisedora vẫn “vật vã, gào thét, tựa như anh ấy đã làm cạn kiệt mọi nguồn mạch khổ đau trong đời tôi”- như vũ nữ đã tâm sự với bạn bè.Bà còn xử sự hết sức cao thượng và tình nghĩa: tất cả nhuận bút trả cho sáng tác của Esenhin bà vẫn gửi hết cho mẹ và em gái nhà thơ, cho dù bà vẫn là người vợ hợp pháp của thi sỹ. 

AISEDORA DUNCAN: NGƯỜI TÌNH BẤT HẠNH CỦA THI SỸ NGA SERGEI ESENHIN

TÔ HOÀNG

“ NỮ THẦN CHÂN ĐẤT “
Người phụ nữ tài năng, duyên dáng này sinh vào tháng 5 năm 1878 tại Mỹ. Cha của bà bị vỡ nợ chạy trốn khỏi nhà, để lại bà vợ với bốn đưa con không còn phương tiện sinh sống.Có thể và nghịch lý thay, đây có lẽ là nguyên nhân khiến ngay từ thời còn là một cô thiếu nữ Aisedora Duncan vừa nồng nàn, mau mắn đến với tình yêu, vừa chóng vánh vỡ mộng…
            Vào năm 13 tuổi, Asedora bỏ học bắt tay vào việc học nhạc, học múa một cách nghiêm túc. Năm năm sau cô gái tìm lới Chicago để gắng gây tiếng tăm, giành lấy vòng nguyệt quế nghệ thuật.Tại đây, mối tình đầu như đã chờ sẵn người con gái. Ý trung nhân là một người đàn ông tóc hung, gốc Ba Lan, tên là Ivan Miroski, có số tuổi hơn Aisedora tới một phần tư thế kỷ, lại cũng đã có vợ. Nhưng những điều không may mắn trong cuộc sống riêng tư như lại được bù đắp bởi những thành công trong nghệ thuật. Phản đối nghệ thuật ba lê cổ điển thường biểu hiện cảm xúc thông qua những động tác chậm rãi, mềm mại, cô vũ nữ trẻ Aisedora thường nhẩy chân trần, trong những lớp váy áo mỏng nhẹ và điều này nhanh chóng chinh phục các salon của giới thượng lưu. Khi thiếu nữ đã gom tích được một số tiền kha khá, nàng quyết định tìm tới châu Âu với hy vọng tại nơi ấy cô gái sẽ khám phá ra một thế giới chưa từng thấy.
            Tại Hy Lạp, Asedora bị cuốn hút bởi nghệ thuật cổ đại.Từ lúc đó tấm váy chấm ngang bắp chân trở thành trang phục biểu diễn thường xuyên của vũ công.Nhưng trước khi tới Hy Lạp, ngôi sao bale bên kia đại dương ấy đã được tử tước Ferdinand, người sẽ kế vị ngai vàng của nhà vua Áo để mắt tới và đánh giá cao tài năng. Nhưng mối tình thơ mộng bên dòng Đanuýp xanh kia cũng kết thúc chóng vánh. Rồi vũ nữ lại kết thân với Oscar Berezi, một diễn viên người Hung trẻ đẹp.Tiếp xúc thêm với người tình mới này Aisedora dần hiểu ra nàng không thể sống cuộc sống vợ chồng bình thường với người mình yêu…
            Aisedora qua Đức. Tại Đức người thiếu phụ trẻ say mê nhạc Vagnher và mong muốn thể hiện âm nhạc của nhạc sỹ này qua những điệu múa của mình.Tại đây Aisedora cũng trải qua một cuộc tình nữa với Henrik Tol, một nhà nghiên cứu nghệ thuật. Ít lâu sau, trong lần sang Nga công diễn người đẹp nổi tiếng này cũng đã hớp hồn một tên tuổi khác của nước Nga vào những năm tháng đó –đạo diễn, nhà phê bình nghệ thuật Konstantin Stanhilavsky.Nhưng quan hệ giữa hai người cũng không vượt quá xa những nụ hôn nồng nàn trong luyến tiếc.
            Cuộc tình lâu dài, nghiêm chỉnh hơn cả mà Aisedora trải qua là với đạo diễn nổi tiếng người Anh Gordon Kreg. Ông đạo diễn này cũng mê mệt vẻ đẹp, tài năng và cá tính của Aisedora cùng nghệ thuật bale của nữ vũ công. Những tuần lễ sống chung đầu tiên giữa hai người diễn ra rất êm ả, hạnh phúc. Nhưng không bao lâu sau, đạo điễn Kreg tỏ ý không muốn Aisedora là một nghệ sỹ tiếng tăm mà chỉ mong vợ mình là một người đàn bà của gia đình. Aisedora không thể nào chấp nhận ý muốn ấy được. Dù hai người đã sinh một bé gái đặt tên là Didre, mối quan hệ của họ cũng đành đứt đoạn.
            Trong khi đó những điệu múa của Aisedora như làm rung chuyển thế giới. Khắp nơi, người ta phong gọi nàng bằng cai tên thân yêu “ Nữ thần chân đất”. Và phong cách bale của Aisedora trở thành mốt, lấn át các phong cách bale khác tại nhiều trung tâm văn hóa ở châu Âu.
VŨ ĐIỆU TỬ THẦN
            Phấn chấn vì sinh con, Aisedora quyết định mở trường dạy nhẩy múa cho trẻ nhỏ tại Paris. Dự định này đòi hỏi nhiều tiền bạc. May mắn sao Aisedora làm quen được với một trong những người giàu có ở châu Âu, Đó là con trai của người sáng chế và sản xuất ra máy may-Parik Yuzin Singer. Anh ta chịu chi tiền cho ngôi trường của Aisedora. Và từ tình bạn, mối thâm giao giữa hai người chuyển thành tình yêu..
Cô vũ nữ xuất thân từ tầng lớp nghèo khó của nước Mỹ bỗng nhiên trở nên nhân vật quan trọng tại những phòng khách của giới thượng lưu Paris, quen sài những hàng hóa xa xỉ. Rồi cậu con trai Patrik ra đời. Có cảm giác hạnh phúc đã tới, những ước mơ đã được toại nguyện. Nhưng rồi xẩy ra một buổi chiều Singer nổi cơn ghen, cãi cọ kịch liệt với Aisedora và bỏ sang Ai cập. Asedora để hai con lại Paris và đi công diễn ở nước Nga. Từ thời điểm đó đêm đêm Aisedora thường gặp những giấc mơ hãi hùng: giữa những đống tuyết trắng, Aisedora nhìn thấy hai chiếc quan tài và văng vẳng bên tai là bản nhạc “Tang lễ” của F. Chopin.
Với những linh cảm xấu, Aisedora vội vã trở về Paris, đưa hai con đến Versal-một nơi phong cảnh tuyệt đẹp, cách Paris không bao xa, để nghỉ ngơi. Vài ngày sau Singer tìm tới đây cầu hòa. Có cảm giác như mọi chuyện sẽ suôn sẻ, êm ấm trở lại.
 Nhưng rồi phận số nghiệt ngã vẫn không buông tha người đàn bà nhan sắc và tài năng này!
Một ngày đẹp trời Aisedora và Singer đưa đám trẻ lên Paris chơi. Vì có việc bận Aisedora và Singer đều nán lại Paris, để anh tài xế đưa bé gái Didre, 6 tuổi ( con với đạo diễn Kreg ) và bé trai Patrik, 3 tuổi ( con với Singer ) trở về Versal trước. Trên đường đi xe ô tô bỗng nhiên chết máy, anh tài xế rời xe kiểm tra động cơ…Và cứ thế ô tô lao xuống sông Sen, hai đứa bé tử nạn. Cái chết bất ngờ của hai đứa con tác động mạnh tới Aisedova, thiếu phụ không khóc được nữa và rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Tuy vậy, vũ nữ không kiện cáo gì anh lái xe khi biết rằng anh ta cũng đang kiếm sống để nuôi nấng mấy đứa con nhỏ.
Sau khi hai đứa con gặp nạn, nữ vũ công nhiều lần toan tự tử. Nhưng chính những cô cậu học sinh nhỏ tuổi ở lớp học múa do nghệ sỹ gày dựng đã níu giữ bà lại với cuộc đời. Để khuây lãng Aisedora đáp tàu tới Địa Trung Hải. Nhưng ngay ở bên những bờ biển thơ mộng, ồn ào hình ảnh hai đứa con vẫn đeo bám, dày vò bà.
 Có một lần bà cảm thấy như hai đứa trẻ muốn níu kéo bà cùng chìm sâu xuống dưới đáy những lớp sóng xanh và bà đã ngã ra bất tỉnh. Khi hồi tỉnh, bà thấy đứng trước mặt mình là một chàng trai còn trẻ, gương mặt dễ gây thiện cảm. Chàng trai nói với bà: “ Tôi có thể giúp chị được điều gì chăng? “. Bà đáp: “ Hãy trả lại cho tôi những đứa trẻ”.
Cuộc gặp gỡ tình cờ này lại dẫn tới một cuộc tình mới. Chàng trai người Italy kia đã thề bồi, nguyện ước, nhưng không có ý định thắt buộc cùng bà bằng một cuộc hôn nhân. Hai người có với nhau một mụn con. Nhưng thằng bé đã bỏ họ ra đi ngay vài tiếng đồng hồ sau khi sinh.
NÚT THẮT CUỐI CÙNG
            Vào thời điểm này ở châu Âu đang diễn ra những sự kiện dữ dội: Thế chiến I bắt đầu và kết thúc, những ngai vàng bị lật đổ, tại nước Nga cuộc cách mạng vô sản đang diễn ra. Vào năm 1921 Aisedora Duncan sang Nga theo lời mời của Ủy viên nhân dân giáo dục Lunatsarsky. Nữ nghệ sỹ tuyên bố: “ Tôi muốn để giai cấp công nhân- những người chịu thiệt thòi, thiếu thốn đủ phương diện được hưởng phần thưởng xứng đáng khi chứng kiến con em họ trở thành những đứa trẻ no đủ, hạnh phúc”. Rồi chính ở Moskva Aisedora Duncan đã khai trương một lớp dạy múa cho các em nhỏ.
            Khi cô bé Aisedora mới lên hai, tại ngôi nhà cha mẹ đã xẩy ra hỏa hoạn và cô bé được người ta ném qua cửa sổ vào tay một cảnh sát. Từ lúc đó trở đi những ngọn lửa đỏ đối với Aisedora là biểu trưng của sự sống và cái chết. Khi trở thành một vũ nữ mỗi lần bước ra sân khấu Aisedora thường quàng quanh cổ tấm khăn voan màu đỏ rực như biểu trưng của ngọn lửa kia. Sang biểu diễn tại nước Nga lúc này tấm khăn voan ấy mang màu của cách mạng. Nữ vũ công biểu diễn tại nhà hát Bonsoi ở Moskva trong âm điệu của bài “ Quốc tế ca”. Trong hàng ghế sang trọng giành cho Nga Hoàng xưa kia, Vladimir Ilist Lenin đã vỗ tay tán thưởng.
            Chỉ vài năm sau đó thôi, chính tấm khăn voan rực đỏ ấy đã kết một nút thắt cuối cùng trong cuộc đời của người nữ nghệ sỹ tài danh này.
            Tại Moskva, nữ nghệ sỹ Aisedora cũng đã nhiều tuổi làm quen với một chàng thanh niên còn rất trẻ, tiếng tăm đang nổi như cồn-đó là nhà thơ Nga Sergei Esenhin. Dù cả hai không hề biết ngôn ngữ của nhau, muốn trao đổi điều gì đều phải thông qua phiên dịch, ấy vậy nhưng giữa hai người đã nẩy sinh một tình yêu mãnh liệt đưa tới một cuộc hôn nhân hợp pháp- điều xẩy ra lần đầu trong cuộc đời Aisedora Duncan.Đáng tiếc sao mối lương duyên này kéo dài cũng không lâu. Như người cùng thời đều biết Esenhin suốt ngày say sưa, cặp uyên ương rất hay cãi cọ để cuối cùng thi sỹ gửi cho Aisedora những dòng như sau: “ Anh đã yêu một người con gái khác. Anh đã có vợ khác”. Tuy vậy, hai năm sau khi nhà thơ Nga Esenhin vĩnh biệt cõi đời ( theo nhiều ức thuyết là ông tự tử ), tại châu Âu khi biết được điều này Aisedora vẫn “ vật vã, gào thét, tựa như anh ấy đã làm cạn kiệt mọi nguồn mạch khổ đau trong đời tôi”-như vũ nữ đã tâm sự với bạn bè.Bà còn xử sự hết sức cao thượng và tình nghĩa: tất cả nhuận bút trả cho sáng tác của Esenhin bà vẫn gửi hết cho mẹ và em gái nhà thơ, cho dù bà vẫn là người vợ hợp pháp của thi sỹ.
            Vào những năm tháng này Aisedora rất túng thiếu. Bà đã sấp sỉ tuổi 50. Sức khỏe suy giảm, khả năng cuốn hút người xem bằng các điệu múa không còn như xưa. Ấy thế nhưng ở khắp mọi nơi, Aisedora đều tham lam mở ra những lớp dạy múa cho con trẻ. Đáng tiếc rằng, lớp khai trương chưa bao lâu lại phải đóng cửa vì không có tiền chi cho các khoản cần thiết. Chỉ riêng trường múa ở Moskva tồn tại được tới hơn 20 năm, nhờ sự tài trợ từ phía nhà nước Xô Viết. Phụ trách ngôi trường này là người con gái nuôi của Aisedora – cô Irma Duncan.
…Người ta ít biết về những ngày cuối cùng của thiên tài múa có một không hai này. Trong số những người đàn ông xế hàng sau rốt trong đời bà, người ta kể tới tên nghệ sỹ dương cầm người Nga lưu vong Viktor Serov, người có tuổi đời bằng nửa tuổi bà. Aisedova vẫn nồng nhiệt, say đắm trong tình yêu như xưa. Bà luôn nổi máu ghen với Serov và có lần đã định tự vẫn.Ấy vậy nhưng rồi họ vẫn chia tay…
            …Cho tới một lần dạo chơi trên chiếc xe mui trần, Aisedora vẫn quấn quanh cổ chiếc khăn voan đỏ rực quen thuộc của bà... Chiếc xe phóng nhanh, một đầu tấm khăn bị cuốn vào bánh xe, bất ngờ thít chặt lấy cổ bà không tài nào gỡ ra nổi khiến bà nghẹt thở. Tai họa xẩy ra vào một sáng mùa thu đẹp trời, ngày 14 tháng Chín năm 1927.
            Người vũ nữ tài năng xuất chúng, người đàn bà có cuộc đời truân chuyên, nhiều khổ đau ấy an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang Pier Lasez ở Paris.

( Theo “ Nhân chứng và Sự kiện” - Nga )
.