Gọi hội chứng loay hoay là bởi những cá nhân, phần tử trong xã hội tham gia vào những tranh luận tìm giải pháp, tìm căn nguyên cho một vấn nạn xã hội nào đó đều chỉ có thể loay hoay với những biện luận mang tính bóc tách lớp vỏ bên ngoài của vấn nạn mà không cách nào có thể chạm vào cái cốt lõi. Trong khi đó, để giải quyết, thậm chí triệt tiêu một vấn nạn, rất cần phải đụng tới cái lõi, lôi nó ra mổ xẻ, xử lý những thành tố tiêu cực trong cái lõi ấy, tìm ra các giải pháp tích cực nhằm hướng tới một đời sống hoàn thiện hơn. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong dòng chảy thông tin, sự kiện hôm nay, có ngồn ngộn những dữ liệu đã ập vào đời sống thường nhật và bất kỳ ai trong tất cả chúng ta cũng không đủ khả năng để có thể hiểu thấu đáo được tất cả những dữ liệu ấy. 


HỘI CHỨNG LOAY HOAY

HÀ QUANG MINH

Chẳng ai ngờ chỉ một phát biểu của diva Mỹ Linh liên quan đến thực phẩm bẩn-thực phẩm sạch trong một buổi hội thảo thôi lại có thể tạo nên sóng trong dư luận đến thế. Phải thừa nhận, khi Mỹ Linh dùng hai cặp phạm trù bẩn-sạch và rẻ-đắt để dẫn dắt vấn đề, chị đã cho thấy cái non yếu của mình trong lập luận. 
Song, không ai đòi hỏi một nữ ca sỹ phải trở thành một người biện thuyết, lập luận giỏi như một nhà khoa học cả. Cái đáng quý của Mỹ Linh là chị bày tỏ được sự quan tâm thực tế xã hội, đến những gì mà cả xã hội đều cảm thấy âu lo. Và hơn nữa, chị cũng đưa ra được một vấn đề rất nóng, tương đối có lý. Đó là để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, nhất thiết phải có đầu tư nhiều hơn cả về công, của lẫn cái tâm, đặc biệt ở những ngành nghề, lĩnh vực mà chất lượng khó có thể tỷ lệ thuận với sản lượng. Nhưng những ý kiến ủng hộ hay phản bác lại Mỹ Linh cũng đều sa vào một tình trạng giống y như quan điểm của chị. Đó là đa số chỉ muốn lý giải cái hiện tượng, bóc tách cái lớp áo của vấn nạn thực phẩm bẩn chứ chưa đi được vào bản chất cốt lõi và sâu xa của nó. Và bởi vậy, câu chuyện làm sao để có thể triệt tiêu được thực phẩm bẩn vẫn sẽ là một nan đề của xã hội, một nan đề mà sau này, nếu có một người nổi tiếng nào đó ngẫu nhiên khơi gợi lại, chắc chắn cuộc tranh cãi xoay quanh đó sẽ lại được tái khởi động như những ngày qua, với những ý kiến tiếp tục bóc tách lớp áo bên ngoài mà bỏ qua toàn bộ những uyên nguyên của nan đề ấy.
Đó mới chính là cái nan đề lớn nhất của xã hội Việt Nam hôm nay, nan đề bao quát mọi nan đề, từ đời sống môi sinh cho tới đời sống văn hóa, một nan đề tạo ra một hội chứng xã hội có thể gọi tên là "Hội chứng loay hoay".
Gọi nó là hội chứng loay hoay là bởi những cá nhân, phần tử trong xã hội tham gia vào những tranh luận tìm giải pháp, tìm căn nguyên cho một vấn nạn xã hội nào đó đều chỉ có thể loay hoay với những biện luận mang tính bóc tách lớp vỏ bên ngoài của vấn nạn mà không cách nào có thể chạm vào cái cốt lõi. Trong khi đó, để giải quyết, thậm chí triệt tiêu một vấn nạn, rất cần phải đụng tới cái lõi, lôi nó ra mổ xẻ, xử lý những thành tố tiêu cực trong cái lõi ấy, tìm ra các giải pháp tích cực nhằm hướng tới một đời sống hoàn thiện hơn.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong dòng chảy thông tin, sự kiện hôm nay, có ngồn ngộn những dữ liệu đã ập vào đời sống thường nhật và bất kỳ ai trong tất cả chúng ta cũng không đủ khả năng để có thể hiểu thấu đáo được tất cả những dữ liệu ấy.
Con người vốn dĩ bất khả tri trước thế giới xung quanh và ngay cả những nhà bác học thiên tài, điển hình là Stephen Hawking nhiều lúc cũng phải thừa nhận rằng chính mình đã có những lúc nhận định sai, đưa ra kết luận sai. Nhưng chúng ta lại luôn sống trong sự quan tâm, sự tò mò, thói quen muốn đào xới các dữ liệu thời sự để thỏa mãn một nhu cầu: khẳng định sự tồn tại của mình giữa cộng đồng.
Vì thế, chúng ta tham gia vào các quá trình giao tiếp (mà cụ thể là tranh luận) trên các đề tài mang tính thời sự với lượng kiến thức ít ỏi. Điều đó là hoàn toàn có thể thông cảm được bởi nó là bản năng của loài người. Trong tiếng Hy Lạp, giao tiếp gọi là "epikoinonia" mà trong đó, "koinonia" nghĩa là cộng đồng và "epi" là giới từ "trong".
Giao tiếp được định nghĩa là sự tương tác trong một cộng đồng và con người luôn có xu hướng tham gia giao tiếp ngay cả khi mình chưa nắm rõ hết mọi thông tin đủ để tự tin trong một giao tiếp như thế. Và khi không đủ thông tin, việc chỉ bóc tách được lớp áo của vấn đề là điều dễ hiểu. Để rồi khi so sánh giữa các bóc tách khác nhau, ta nhận ra rằng tất cả đều đang loay hoay trên một nan đề  theo cái cách chỉ cào xới cái lớp bề mặt và vẫn để nan đề ấy tồn tại ngày càng vững chắc hơn.
Các cấp độ thông tin thường được chia thành 4 phần của 1 cái tháp. Ở phần đáy là dữ liệu (data). Kế đến là thông tin (information) rồi trên thông tin là tri thức (knowledge) và ở trên đỉnh là sự minh triết. Xã hội thiếu những người có tri thức và minh triết đủ sức nặng trong quan điểm, hành động để giải quyết nan đề sẽ dẫn tới hội chứng loay hoay của những thành phần còn lại. Chúng ta thiếu những cá nhân đủ minh triết, tri thức và cả uy tín hiểu biết để đưa ra đáp án khiến tất cả đều phải thừa nhận một cách tâm phục khẩu phục.
Hội chứng loay hoay kể trên thực sự đủ sức kéo chậm lại sức phát triển xã hội bởi nó khiến con người ta dễ sa vào những tranh cãi mà bỏ quên mất nghĩa vụ hành động. Và để giải quyết cái nan đề lớn này, chắc chắn phải có những cá nhân tầm vóc ở các lĩnh vực khác nhau, tức là các chuyên gia, nhằm minh định và lập trật tự trước khi các tranh luận trở nên hỗn loạn. Xây dựng được một lực lượng chuyên gia như thế không dễ dàng chút nào, và cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian, đầu tư, nỗ lực cũng như phương pháp đúng đắn và chắc chắn, nó đang là đòi hỏi cấp bách nhất hôm nay, trong khát vọng xây dựng một xã hội tiên tiến thực sự.