Những tình tiết được coi là "hồn cốt" của truyện "Tấm Cám" như: tình tiết Tấm bị Cám lừa là đầu bẩn phải đi gội đầu để đánh tráo giỏ tôm, cua mà Tấm mò được, cá bống bị mẹ con Cám ăn thịt, tình tiết Tấm chết biến thành chim Vàng Anh, cây xoan đào, cô Tấm bước ra từ quả thị… dù được đưa vào phim nhưng bị cắt xén, giản lược quá nhiều. Trong khi đó, những tình tiết mới thêm vào lại làm chưa tới. Nhiều khán giả cho rằng, "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" là một "nồi lẩu thập cẩm" các thể loại phim từ hành động, giả tưởng, dã sử, lãng mạn, hài hước… cái gì cũng có nhưng rốt cuộc, cái gì cũng chưa tới tầm.




Phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể: “Hụt giấc mơ phim “Bom tấn”…

TƯỜNG PHẠM

Bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" (đạo diễn Ngô Thanh Vân) ra rạp hôm 19-8 vừa qua nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều từ khán giả, khen nhiều mà chê cũng không ít. Nhìn chung, "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" là bộ phim nên xem, có nhiều vấn đề để bình luận nhưng để kỳ vọng hay gắn mác "bom tấn thì" chưa tới tầm.

Điểm "cộng" và điểm "trừ"
Nhiều người đến rạp xem "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" với tâm lý tò mò. Sự tò mò xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Phần vì muốn xem một câu chuyện cổ tích vốn đã quá quen thuộc với bao thế hệ người Việt sẽ được tái hiện như thế nào trên màn ảnh và đoạn"chưa kể" có hấp dẫn không. Phần khác, do chính lùm xùm xung quanh việc phát hành phim cũng "thôi thúc" khán giả đến rạp tìm hiểu lý do mà nhà sản xuất và đơn vị phát hành không thống nhất được tỷ lệ phân chia doanh thu. Bên cạnh đó, việc PR phim khá rầm rộ, bài bản cũng là một yếu tố lôi kéo khán giả đến rạp.
Tôi cho rằng, thành công đầu tiên của phim chính là lựa chọn đề tài khó khai thác nhưng nếu làm "ra ngô, ra khoai" sẽ gây được ấn tượng mạnh. Chuyện Tấm, Cám, dì ghẻ, con chồng, cuộc đấu tranh giữa cái thiện, cái ác, quy luật nhân quả… thì ai cũng biết nhưng "chuyện chưa kể" có phạm vi bao trùm lớn để biên kịch, đạo diễn thỏa trí tưởng tượng, kiểu "viết tiếp truyện cổ tích" - một trào lưu đang gây sốt trên mạng xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, cái khó là làm sao vẫn giữ được tinh thần của câu chuyện cũ, phần phát triển mới phải logic, hợp quy luật và không khiên cưỡng. Mặc dù không phải là hướng đi mới so với thế giới nhưng "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" vẫn được đánh giá là mới mẻ so với thị trường điện ảnh trong nước, khi mà đề tài phim chủ yếu quẩn quanh với chuyện tình yêu, bí mật showbiz, fan cuồng, đồng tính…
Nổi bật nhất trong "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" chính là khung hình đẹp. Khung cảnh hoàng cung cùng với dãy núi, thác nước, làng quê… được chau chuốt khá kỹ. Tất cả đã đem đến một bức tranh đẹp về phong cảnh Việt, vừa hùng vĩ nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình. Bên cạnh đó, kỹ xảo điện ảnh được đầu tư, khai thác tốt. Đây là những điểm rất đáng ghi nhận với một bộ phim được đánh giá là "thuần Việt" trong tất cả các khâu sản xuất.
Có thể nói rằng, dàn diễn viên tham gia "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" hội tụ rất nhiều yếu tố để tạo nên một bộ phim ăn khách, có cả diễn viên thần tượng, nghệ sỹ có số lượng fan đông đảo, diễn viên có sự dày dạn kinh nghiệm…
Nhiều người đánh giá, diễn xuất của Issac trong vai nam chính Thái tử Hiếu Long "chưa tới" nhưng tôi cho rằng, đây là vai diễn xuất sắc của chàng ca sĩ này. Không chỉ sở hữu gương mặt điển trai, rất hợp với dòng phim cổ trang, diễn xuất của Issac tự nhiên, có hồn. Sự xuất hiện của dàn diễn viên phụ như ông Bụt (NSƯT Thành Lộc), bà lão (NSND Ngọc Giàu), thái giám Thuận Nô (Jun Phạm)… với những câu nói dí dỏm, hài hước là điểm nhấn đáng chú ý của "Tấm Cám - Chuyện chưa kể".
Nếu Ninh Dương Lan Ngọc vào vai Cám rất ngọt thì Ngô Thanh Vân mới chỉ ở mức độ tròn vai khi thể hiện vai mẹ kế. Cái đanh đá, chua chát trong cách thể hiện của Ngô Thanh Vân đôi chỗ cường điệu, mới thể hiện được cái "vỏ bề ngoài" chứ chưa phản ánh "sức nặng từ bản chất" bên trong nhân vật. Nhân vật thuộc nhóm "chưa kể" Thừa tướng gian trá Tào Hắc cũng bị đánh giá là mới xây dựng được bề nổi của nhân vật, cho dù NSƯT Hữu Châu có phần nhập vai xuất sắc.
"Đuối nhất" trong dàn diễn viên nằm ở nhân vật chính - cô Tấm (do Hạ Vi thủ vai). Nét đẹp, sự thánh thiện trên gương mặt Hạ Vi không đủ giúp cô hóa vai thành công vào nhân vật cô Tấm hiền dịu. Có lẽ, vai diễn cô Tấm là tấm áo quá rộng cho một diễn viên lần đầu chạm ngõ điện ảnh như Hạ Vi. Yếu nhất ở Hạ Vi chính là khả năng biểu cảm.
Đoạn Tấm vào cung tham gia lễ hội do Thái tử tổ chức, trong cả chặng đường dài, cô vừa đi, vừa ngó nhìn xung quanh khiến khán giả bật cười. Hình ảnh một cô Tấm ngơ ngác có phần mâu thuẫn với hình ảnh của chính cô khi phăm phăm phi ngựa vượt qua chặng đường dài đến Kinh thành để tìm hạnh phúc cho mình.
"Bá đạo" nhất là gương mặt "không cảm xúc" của cô được quay cận cảnh khi ngã từ trên cây cau xuống. Nhân vật Tấm được xây dựng khá mờ nhạt trong phim, cộng với đó là phần hóa thân "kém duyên" của Hạ Vi là điểm trừ đáng tiếc cho phim, mà đáng lẽ ra, đây phải là nhân vật được chăm chút tỉ mỉ.

Những cái mới chưa tới
"Tấm Cám - Chuyện chưa kể" có nhiều cái mới, vượt ra ngoài khuôn khổ của câu chuyện cổ tích "Tấm Cám". Nhân vật trung tâm của bộ phim là Thái tử Hiếu Long với nhiều trọng trách, trong đó có cả việc đấu tranh gìn giữ giang sơn đất nước.
Thái tử Hiếu Long được xây dựng như một anh hùng dân tộc và có lẽ, đây cũng là "cái cớ" hợp lý để "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" xuất hiện thêm những tuyến nhân vật mới, những cuộc chiến đấu sinh tử… Chính những cái mới này là con dao hai lưỡi, vừa cho ekip "đất" để sáng tạo, trưng trổ công nghệ, kỹ xảo điện ảnh nhưng cũng dễ khiến tình tiết phim dàn trải, vượt xa câu chuyện vốn có.
Những tình tiết được coi là "hồn cốt" của truyện "Tấm Cám" như: tình tiết Tấm bị Cám lừa là đầu bẩn phải đi gội đầu để đánh tráo giỏ tôm, cua mà Tấm mò được, cá bống bị mẹ con Cám ăn thịt, tình tiết Tấm chết biến thành chim Vàng Anh, cây xoan đào, cô Tấm bước ra từ quả thị… dù được đưa vào phim nhưng bị cắt xén, giản lược quá nhiều. Trong khi đó, những tình tiết mới thêm vào lại làm chưa tới. Nhiều khán giả cho rằng, "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" là một "nồi lẩu thập cẩm" các thể loại phim từ hành động, giả tưởng, dã sử, lãng mạn, hài hước… cái gì cũng có nhưng rốt cuộc, cái gì cũng chưa tới tầm.
Những tình tiết ở phần cuối của phim bị đánh giá là thiếu logic, thậm chí có phần phi lý. Khi Thái tử đang có trận chiến sinh tử với Thừa tướng Tào Hắc vốn là một quái thú, cô Tấm bất ngờ xuất hiện, ngồi trên lưng quái thú tự lúc nào và đâm nó một đòn chí mạng.
Gay cấn nhất phải kể đến tình tiết Thái tử Hiếu Long nuốt viên ngọc và biến thành quái thú để chiến đấu. Những kỹ xảo điện ảnh đậm chất Hollywood đã được sử dụng cho cảnh quay này. Thái tử Hiếu Long chiến thắng và nhờ giọt nước mắt của cô Tấm, quái thú mới có thể biến lại thành người. Cảm hứng từ câu chuyện "Tấm Cám" đã chuyển sang cảm hứng từ "Người đẹp và quái thú" của hãng phim hoạt hình Disney lừng danh.
Tôi cho rằng, đây là sự "vượt giới hạn" đáng tiếc của bộ phim. Giá như không có đoạn Thái tử Hiếu Long biến thành quái thú mà thay vào đó là việc phát hiện ra điểm yếu nào đó của quái thú Tào Hắc thì có lẽ câu chuyện sẽ đậm chất cổ tích Việt hơn. Nói gì thì nói, kịch bản vẫn là điểm yếu nhất của điện ảnh Việt nói chung và "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" cũng chưa thể vượt qua "vết xe đổ" này.
Chuyện cổ tích vốn dành cho trẻ con nhưng có lẽ "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" là ngoại lệ bởi quá nhiều cảnh bạo lực (xen lẫn đó là một vài cảnh chỉ dành cho người lớn). Tôi cũng băn khoăn tự hỏi, liệu trào lưu "viết tiếp truyện cổ tích" như những gì được thể hiện trong phim có phá vỡ câu chuyện "Tấm Cám" trong tiềm thức mà các em đã được nghe người lớn kể lại.
Mà thôi, mặc dù còn nhiều điểm cần phải tranh luận nhưng rõ ràng, "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" là bộ phim đáng xem, nhất là trong bối cảnh điện ảnh Việt đang trong giai đoạn "khủng hoảng phim hay" như hiện nay. Hãy cứ coi đó như một tín hiệu vui, một điểm sáng đáng ghi nhận của điện ảnh Việt. Đừng khoác lên nó tấm áo quá rộng về danh xưng phim "bom tấn" và cũng đừng quá kỳ vọng vào "bước nhảy đột phá" của điện ảnh Việt vào lúc này…

Nguồn: Văn Nghệ Công An