Bây giờ có rất nhiều thông tin trên mạng, nhưng chưa hẳn đã cung cấp đầy đủ tên người, tên phố. Sự ra đời của cuốn sách “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” rất đáng hoan nghênh, tạo tiền đề cho những cuốn sách tương tự đối với các đô thị khác! Điều hơi buồn cười ở cuốn “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” là nhầm lẫn năm sinh năm mất của danh nhân. Ở đây, có thể do lỗi morat và độc giả sẽ hiểu được nếu năm mất là con số nhỏ hơn năm sinh. Thế nhưng, khi năm mất lớn hơn năm sinh thì sẽ dẫn đến nhiều người nghĩ rằng danh nhân sống lâu kỷ lục. Chẳng hạn, cuốn sách in “Đinh Công Tráng (1842-1987) là thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa”, thì danh nhân hưởng thọ đến 145 tuổi chăng? Trường hợp khác, cuốn sách in “Lê Ngô Cát (1827-1975) quê ở Hà Tây”, thì danh nhân hưởng thọ đến 148 tuổi chăng?


SỔ TAY TÊN ĐƯỜNG ĐÙA VỚI DANH NHÂN

TUY HÒA

Lấy tên danh nhân để đặt tên đường phố, có lẽ cũng là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Mỗi địa phương đều có Hội đồng đặt tên đường và Quỹ tên đường. Do đó, có tên đường mang tên danh nhân mà cả nước ai cũng biết, cũng có tên đường mang tên danh nhân mà chỉ thân thuộc với người dân sở tại. Thông qua tên đường, ít nhiều cũng biết được sơ lược về lịch sử và truyền thống của mỗi tỉnh, thành.

Trong tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, nhiều con đường mới xuất hiện và có những tên đường mới. Không phải ai cũng thấu đáo về sự nghiệp của mỗi danh nhân được đặt tên đường, vì vậy những cuốn sách như “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” rất cần thiết. Tuy nhiên, cuốn sách này do NXB Trẻ ấn hành, của hai tác giả Lê Trung Hoa và Nguyễn Đình Tư, có vài sai sót dễ dẫn đến hiểu nhầm cho những người muốn tra cứu.

TPHCM có khoảng 2000 con đường đã đặt tên, trong đó có khoảng 200 con đường trùng tên nhau. Nguyên nhân, trước năm 1975, đô thị này có ba trung tâm hành chính là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định hoàn toàn độc lập với nhau trong việc đặt tên đường. Hiện nay, coó những con đường lớn được kéo dài qua nhiều quận, nhưng cũng có những con đường nhỏ trùng tên ở nhiều quận khác nhau. Ví dụ, ở quận 5 có đường Phan Văn Trị mà ở quận Gò Vấp cũng có đường Phan Văn Trị, ở quận 1 có đường Phạm Viết Chánh mà ở quận Bình Thạnh cũng có đường Phạm Viết Chánh. Thậm chí, cách gọi đường Trần Hưng Đạo A và đường Trần Hưng Đạo B thực sự không ổn chút nào. 
 
Bây giờ có rất nhiều thông tin trên mạng, nhưng chưa hẳn đã cung cấp đầy đủ tên người, tên phố. Sự ra đời của cuốn sách “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” rất đáng hoan nghênh, tạo tiền đề cho những cuốn sách tương tự đối với các đô thị khác! 

Điều hơi buồn cười ở cuốn “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” là nhầm lẫn năm sinh năm mất của danh nhân. Ở đây, có thể do lỗi morat và độc giả sẽ hiểu được nếu năm mất là con số nhỏ hơn năm sinh. Thế nhưng, khi năm mất lớn hơn năm sinh thì sẽ dẫn đến nhiều người nghĩ rằng danh nhân sống lâu kỷ lục. Chẳng hạn, cuốn sách in “Đinh Công Tráng (1842-1987) là thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa”, thì danh nhân hưởng thọ đến 145 tuổi chăng? Trường hợp khác, cuốn sách in “Lê Ngô Cát (1827-1975) quê ở Hà Tây”, thì danh nhân hưởng thọ đến 148 tuổi chăng?

Ngoài việc thiếu cẩn thận về năm sinh và năm mất, “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” còn quên kiểm chứng nhiều thông tin lệch lạc. Cuốn sách viết “Lê Minh Xuân (1935-1969) quê ở Long An, là trung đoàn phó, Tư lệnh phó Quân khu 2”. Thực tế, Quân khu 2 đóng ở Tây Bắc, không thể có một Tư lệnh phó lại hoạt động và hy sinh ở Bình Chánh!

Tuy nhiên, danh nhân xuất hiện chệch choạc nhất trong “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” là Thiên Giang. Nếu như đã để cho các danh nhân khác sống quá lâu, thì “Sổ tay tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh” lại để cho Thiên Giang mất sớm 20 năm. Cuốn sách có đoạn trên “Thiên Giang là bút danh của Trần Kim Bảng (1911-1965), quê ở Đà Nẵng”, và lại có đoạn dưới “Năm 1968, ông ra chiến khu, làm công tác tuyên truyền đối ngoại trong Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Thử hỏi, năm 1965 đã mất, thì năm 1968 làm sao vào chiến khu? 

Cần phải đính chính dùm Thiên Giang. Trước Cách mạng tháng 8-1945, Thiên Giang lấy bút danh là Hải Vân cùng với Hải Triều – Nguyễn Khoa Văn và Hải Khách – Trần Huy Liệu chủ trương quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Không chỉ là tác giả tập truyện “Lao tù” nổi tiếng, Thiên Giang còn có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa – giáo dục có giá trị, như cuốn “Lịch sử thế giới” viết chung với Nguyễn Hiến Lê. Sau năm 1975, Thiên Giang sống tại quận Bình Thạnh và qua đời năm 1985.