Trên sân khấu người trẻ khóc cười điên dại với những ca từ tiêu cực, vô hồn. Quay về trang văn, buồn chán vu vơ, nhạt nhẽo của người trẻ cũng phô ra không ít. Tác phẩm thơ văn bán chạy của tác giả trẻ bây giờ viết quá nhiều về nỗi đau, bi kịch tình yêu, bế tắc cuộc đời. Cái tốt, điều tươi đẹp của cuộc sống, tính nhân bản trở nên hiếm hoi. Những cuốn sách thiên về cảm xúc cá nhân mà ngay cái tên của nó đã trĩu nặng nỗi ủy mị, yếm thế: Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ (Anh Khang), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn (Nguyễn Phong Việt), Yêu lần nào cũng đau (Nồng Nàn Phố), Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình (Phương Huyền), Có những ngày chẳng biết sẽ về đâu (Hoàng Yến Anh)... Một màu xám xịt của con người cô đơn tìm gặp chính mình để ve vuốt ru ngủ… Buồn chán hư vô tất đẩy người trẻ vào tuyệt vọng và vô định, vồ vập với thái độ sống gấp, không mục đích, vô hồn. Cổ súy cho thứ cảm xúc thời thượng tầm thường này là những cuộc ra mắt sách cũng rầm rộ không kém gì showbiz. 


KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

MAI QUỲNH NGA

“Chẳng muốn biết đến điều gì/ Tôi không quan tâm để ý/ Tránh lãng phí chút thời gian, ôm muộn phiền vào lòng/ Cứ nói tiếp, nói tiếp đi/ Cho mình là người có lý/ Không quan tâm ai buồn vui thế sao/ Có ai nhìn thấy, từ trong tâm hồn/ Những hao gầy đã hằn sâu/ Giờ thì tôi chẳng quan tâm ai nói gì/ Chẳng quan tâm ai nghĩ gì...”. 
Đó là những ca từ trong bài hát “Không quan tâm” (Who cares) mới ra lò, được giới trẻ cho là thời thượng mà cất lên như một “tuyên ngôn”. Cất lên khi sóng Biển Đông chưa lặng, khi nước mắt ngư dân vẫn chảy, khi cơn bão qua mái nhà nát vẫn vần vũ chưa tan hẳn...
“Không quan tâm” do cô gái 17 tuổi Minh Như thể hiện trong chương trình “Nhân tố bí ẩn” tối 24-7 đã khiến ban giám khảo dậy sóng. Trong khi nhạc sĩ Dương Khắc Linh (cha đẻ của bài hát) và Hồ Quỳnh Hương (huấn luyện viên của Minh Như) lên tiếng bênh vực thì Tùng Dương và Thanh Lam lại lên án ca khúc đầy tiêu cực này vì nó có thể gây nguy hiểm cho người trẻ. 
Tùng Dương hoảng hốt: "Định hướng cho các ca sỹ tương lai là thế này ư? Một thái độ vô cảm trước thực tế ư? Không cần quan tâm tới ai nói gì, trách gì ư? Một thí sinh trẻ lẽ ra phải được chuẩn bị với một tâm thế tốt cả về thẩm mỹ âm nhạc lẫn định hướng nhân cách, thái độ, lối sống cũng như trách nhiệm của những người trẻ tuổi với cuộc sống… 
Chức năng của văn học nghệ thuật là nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng và giáo dục thẩm mỹ. Việc định hướng cho các thí sinh trong bất kỳ một cuộc thi nào trên truyền hình cho dù mang tính giải trí nhiều hơn thì vẫn không thể xem nhẹ các chức năng trên. Tôi phản ứng gay gắt với thông điệp đưa ra trong bài hát là “không quan tâm””.
Vụ kia mới nguôi nguôi thì mới đây trên mạng tràn lan ảnh khóc lóc thảm thương của lũ trẻ. Khóc như trời long đất lở. Khóc vật khóc vã. Nói chung, bút mực không tả nổi tình cảm thảm sầu và bi thiết này bởi nó chỉ khiến người ta nóng ruột nghĩ ngay đến chuyện không lành. 
Hóa ra, chuyện không lành là nhóm nhạc 365 tuyên bố tan rã trong liveshow cuối cùng! Hồi nhóm này mới thành lập, cảnh thống thiết trên cũng diễn ra ngay trước cổng công ty mà nhóm đầu quân.
Nguyên do cũng thật là cay mắt: thành viên có cái tên rất Tây (các mỹ nam của nhóm toàn tên Tây dù là người Việt chính hiệu 100%) Will nghẹn ngào quyết định rời nhóm. 
Một tốp đâu tầm mấy chục nam thanh nữ tú kéo nhau xếp hàng ngay ngắn, tay cầm biểu ngữ, đợi cho chàng Will vừa bước ra thì nức nở nhại lại bài Con chim non: “Will ơi Will, Will đừng đi, hát nữa đi, hát nữa đi. Em yêu Will, em mến Will, vì mỗi lần Will hát em vui”.  Ngày hôm sau có ngay clip vụ này trên YouTube, vài phút sau nữa thì “gạch đá” đủ để “con chim non” tên Will xây tổ. Cơ khổ, tưởng đóng đạt lắm ai ngờ có đứa không khóc không hát thì chớ, đằng này còn lấp ló che miệng cười. Bị tố mua fan dàn dựng để PR cho nhóm, công ty này phản ứng yếu ớt.  Lần liveshow cuối cùng, cấp độ khóc lóc quả đã nâng tầm, không biết hư hay thực nhưng chỉ khiến người ta đủ thấy được đẳng cấp lố. Thế mới biết “sao” Việt cũng làm fan phát rồ chẳng kém gì “sao” Hàn.
Trên sân khấu người trẻ khóc cười điên dại với những ca từ tiêu cực, vô hồn. Quay về trang văn, buồn chán vu vơ, nhạt nhẽo của người trẻ cũng phô ra không ít. Tác phẩm thơ văn bán chạy của tác giả trẻ bây giờ viết quá nhiều về nỗi đau, bi kịch tình yêu, bế tắc cuộc đời. Cái tốt, điều tươi đẹp của cuộc sống, tính nhân bản trở nên hiếm hoi. Những cuốn sách thiên về cảm xúc cá nhân mà ngay cái tên của nó đã trĩu nặng nỗi ủy mị, yếm thế: Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ (Anh Khang), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn (Nguyễn Phong Việt), Yêu lần nào cũng đau (Nồng Nàn Phố), Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình (Phương Huyền), Có những ngày chẳng biết sẽ về đâu (Hoàng Yến Anh)... Một màu xám xịt của con người cô đơn tìm gặp chính mình để ve vuốt ru ngủ.
Tản văn, ngôn tình lên ngôi với đầy những nỗi đau dằn vặt, hỗn độn cảm xúc vụn vặt, thông thường và tầm thường của cá nhân. Người đọc chết đuối vớ được sự đồng cảm, ngấu nghiến đọc. Nhưng buồn thay, đó chỉ là khúc gỗ mục để bấu víu trong tuyệt vọng chứ không phải là chiếc la bàn định hướng họ đến bến bờ vui. Thậm chí, nó làm đầy thêm những cảm xúc không tích cực, ám thị một nỗi buồn dai dẳng. Buồn chán hư vô tất đẩy người trẻ vào tuyệt vọng và vô định, vồ vập với thái độ sống gấp, không mục đích, vô hồn. Cổ súy cho thứ cảm xúc thời thượng tầm thường này là những cuộc ra mắt sách cũng rầm rộ không kém gì showbiz. 
Hồi Diệp Lạc Vô Tâm đến giao lưu với khán giả Việt Nam, độc giả, đa phần là học sinh sinh viên lặn lội đến từ sáng sớm để được gặp gỡ, chụp hình với thần tượng ngôn tình Trung Quốc. Mà thần tượng là tác giả của Ngủ cùng sói, Dụ tình bị cơ quan chức năng Việt Nam cấm phát hành vì đầy rẫy cảnh sex, cổ súy cưỡng hiếp, ngoại tình, loạn luân…
Tuổi trẻ bồng bột, hồn nhiên, tuổi trẻ có nhiều đam mê và có quyền được khóc cười vì một thần tượng cũng là điều dễ hiểu. Có những bậc cha chú bảo rằng ngày xưa, họ cũng hâm mộ ca sĩ Âu Mỹ đến mất ăn mất ngủ, phải dành dụm từng đồng tiền lẻ để mua cho kỳ được một băng cát-sét nghe cho đã thèm. 
Họ cũng để kiểu tóc, mặc quần jean xé cho giống với thần tượng. Vậy tụi trẻ bây giờ khóc than vì thần tượng của chúng, như K-pop, như nhóm 365 có khác gì?
Khác nhiều, nhiều lắm. Người được ta tôn sùng là thần tượng phải có tài năng thật sự, có đóng góp tích cực cho xã hội để trở thành lý tưởng cho ta phấn đấu noi theo. Còn thần tượng của lớp trẻ bây giờ thì sao? 
Người ta tung hô những thứ lòe loẹt bề ngoài, hời hợt, nghèo nàn bên trong nhưng được cho là thời thượng nhờ sự bơm thổi và đánh bóng của công nghệ giải trí tinh vi. Không lạ gì chuyện “sao” tung tiền để mua fan, mà fan cuồng hẳn hoi. Làng văn cũng không kém cạnh. 
Cả đám đông như lên đồng tập thể dưới sự hiến sinh của một vài “con cừu” đầu tiên. Thấy người ta khóc mình cũng khóc, thấy người ta hét mình cũng hét, và tưởng rằng ca sĩ đó, diễn viên đó hay thật. Chẳng qua chỉ là chiêu tiếp thị phục vụ cho thị trường tiêu thụ, tạo mẫu mã hào nhoáng để thu hút người tiêu dùng nhẹ dạ. Chưa kể nó có sự tiếp tay đắc lực của cỗ máy truyền thông khổng lồ.
Giới giải trí đang tận dụng tối đa sự hời hợt, dễ dãi, phù phiếm để câu khách, để hình thành nên những "giá trị" rất ảo. Nếu đó được xem là giá trị, là thời thượng, thành phong trào, văn hóa sẽ trôi về đâu? Mọi thứ bị đảo lộn. 
Chưa bao giờ giá và giá trị nhập nhèm như hiện nay. Đừng ru ngủ họ bởi mỹ từ như "giữ lại thời thanh xuân”. Bởi có bao người đã từng có tuổi thanh xuân cống hiến và tươi đẹp chứ không ngập trong yêu ghét tầm thường, đầy vị kỷ mà không có lý tưởng, không có ngày mai. Họ và giới giải trí như mặt hồ và chàng Narcissus. Một hậu truyện bất ngờ mà nhà văn nọ sáng tác thêm cho đoạn kết câu chuyện Hoa thủy tiên Narcissus trong thần thoại Hy Lạp: Khi nam thần Narcissus vì quá yêu bóng mình dưới mặt hồ mà ngã xuống hồ chết, các nàng tiên thấy hồ khóc than nức nở liền an ủi: “Em khóc có phải vì em là người hạnh phúc duy nhất được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt vời của chàng?”. Nghe vậy, mặt hồ sụt sùi: “Em khóc bởi vì từ nay em không còn được ngắm vẻ xinh đẹp của mình trong mắt chàng Narcissus nữa(!)".
Một thế hệ nếu chỉ sống với những giá trị vụn vặt, ảo, phung phí tâm huyết, cảm xúc cho những yêu ghét tầm thường, cho riêng mình thì nghĩa là thế hệ đó đang quay lưng với cuộc sống, quay lưng với vận mệnh, mối lo của xã hội đất nước. 
Những hiện tượng trên đang vạch ra mối lo xói mòn nhân cách của giới trẻ, nhào nặn một thế hệ vô hồn, vô cảm trước vận mệnh của dân tộc, đưa vui thú cá nhân thành một giá trị thời thượng.
Khi giàn khoan Trung Quốc tiến vào Biển Đông, khi cá chết ở bốn tỉnh miền Trung, khi đất nước ngập trong nợ công, khi thiên tai bão lũ hoành hành, khi những đứa trẻ vùng cao vẫn đói ăn và học trong những ngôi trường rách nát… bao nhiêu, bao nhiêu trong số những người vạ vật lăn lộn vì thần tượng kia nhỏ nước mắt?
Nước mắt đó có đáng để dành cho quê hương, hỡi những người tràn căng nhiệt huyết? Xin đừng biến nó thành những giọt nước mắt của mặt hồ kia.
Trong sự nhiễu nhương va chạm văn hóa, kiến thức và tình yêu thương giữa người với người giữ ta lại, để ta vùng lên mà cống hiến cho quê hương, giải phóng dân tộc mình. Nhưng ta có gì khi sự vô cảm, vị kỷ lên ngôi cùng kém cỏi?
Cay xè khóe mắt mà nhớ tác phẩm bất hủ của nhà văn Nam Phi Alan Paton: “Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu”!


Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng