Câu chuyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Nhân dịp Tổng Đoàn Học Sinh Đà Nẳng làm lễ kỷ niệm 45 năm thành lập, thì tôi chợt nhớ lại những buổi nói chuyện với những người bạn học sinh ngày xưa về đề tài “bài thơ nào có ấn tượng  nhất vào những năm kháng chiến?”. Tất cả đều trả lời rằng đó là bài thơ “Một Thế Kỷ Mấy Vần thơ” của Truy Phong.  Những năm 1970, trong những buổi sinh hoạt văn nghệ lửa trại Sinh Viên Học Sinh, hoạt cảnh kịch thơ “Một Thế Kỷ Mấy vần thơ” thường là tiết mục “đinh” đầy hào hùng mà ai xem đều cũng sôi lòng. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ giọng ngâm của học sinh Duy Thanh sang sảng: ‘Cái gì bạo ngược và phi nghĩa/ Là trái lòng dân, nghịch ý trời/ Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ/ Không sao thắng được trái tim người…”



VỀ MỘT BÀI THƠ TỪNG GÂY CHẤN ĐỘNG SÀI GÒN…

LÊ VĂN NGHĨA

Sở dĩ lũ học sinh chúng tôi thích bài thơ nầy vì lời thơ “ý tại ngôn ngoại” của nó. Làm sao có thể thể hiện sự áp bức của giặc, lòng yêu nước của dân ta bằng những bài thơ “bí mật”, từ khu gửi ra cho được. Phải có một bài thơ đã được đăng báo và xuất bản tại Sài Gòn. Do vậy, bài thơ “Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ” rất phù hợp vì nói lên lòng quả cảm của dân tộc ta trong cuộc chiến chống Pháp- mà thật ra – chúng tôi đều biết tác giả muốn nêu lên khát vọng thống nhất đất nước từ năm 1956- khi mà người kháng chiến bị khủng bố cùng cực. Riêng đối với tôi, bài thơ không chỉ kéo dài trong thời kỳ hoạt động ở Sài Gòn mà còn kéo dài đến những năm nằm ở trại 2, được xem chú Năm Khâm –cán bộ Công Đoàn biểu diễn kịch thơ. 
   Ngày 27-4-1956, lần đầu tiên, nhật báo  Tiến Thủ đăng một  bài thơ  trên trang nhất với cái “tít” màu đỏ thật lớn, thật đẹp chạy suốt bề ngang tờ báo khổ rộng. Hai câu thơ “Đinh ninh anh nhớ một lời/ Ngày mai thống nhất liền đôi bến bờ” như  chọc xoáy vào việc chính quyền Ngô Đình Diệm công khai xé bỏ hiệp định Giơ –neo, không thi hành tổng tuyển cử  thống nhất  hai miền nam bắc. Bài thơ đó đã gây nên một tiếng vang lớn và là hành trang tinh thần cho những người kháng chiến trong nội thành. Sau nầy có dịp gặp nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà, lũ chúng tôi được biết khoảng tháng 4 năm 1956, lúc đó chính quyền Sài Gòn tuyên bố không hiệp thương tổng tuyển cử và tung chiến dịch “tố cộng” đàn áp những người kháng chiến thì thầy giáo Dương Tấn Huấn đang dạy học tại Trà Vinh, thao thức trước vận mệnh đất nước và muốn dùng ngòi bút để đấu tranh nên đã “luồn lách”, mượn chuyện Pháp thua trận, kéo cờ để nói về tinh thần của người dân Việt khi có họa xâm lăng đất nước thân yêu của mình.
 Nhà thơ Truy Phong đã hoàn thành bài thơ mang tính lịch sử nầy vào đêm 16-4 năm 1956. Thầy giáo Dương Tấn Huấn phải ký bút danh là Truy Phong để tránh sự trả thù của mật vụ rồi nhờ bác Hai Phương , thân phụ của một cô học trò, chủ xe đò tuyến đường Trà Vinh- Sài Gòn chuyển bài thơ đến tòa soạn báo Tiến Thủ.
    Khi đọc bản thảo bài thơ này, ông Việt Tha- Lê Văn Thử, chủ nhiệm tờ Tiến Thủ chẳng biết nhà thơ Truy Phong là ai nhưng đọc nội dung, thấm được khẩu khí anh hùng, ông biết ngay là phe ta nên chọn đăng một cách trang trọng trên trang nhứt. Ông viết: “Theo tôi thơ như vậy mới là thơ, thơ của thời đại chúng ta”. Ngay sáng hôm ấy, ở Sài Gòn, báo Tiến Thủ bị tịch thâu và chính quyền cho bọn côn đồ đến đập phá tòa soạn tại 224 đường Gia Long ( đường Lý Tự Trọng ngày nay) sau đó tòa báo bị đóng cửa . Ông chủ nhiệm Việt Tha phải đi trốn.
    Một thời gian sau, tờ tạp chí Mã Thượng đăng lại “Một thế kỷ – Mấy vần thơ”, từng đoạn có tranh màu minh họa. Từ tháng 4/1956 đến tháng 4/1975 bài thơ này được đăng đi đăng lại mấy mươi lần trên báo chí miền Nam: Đuốc Nhà Nam, Thần Chung, Tin Sáng, Dân Chủ Mới, Tiểu Thuyết Thứ Năm… Tờ Selection Du Reader’s Digest, năm 1957 cũng trích dịch lại một đoạn bài thơ này. Lúc bấy giờ, bài thơ chẳng những được nhắc nhiều trên dư luận báo chí như là một bài thơ hay, một bài thơ hào hùng, đánh dấu sự cáo chung một giai đoạn thực dân thống trị trên đất nước ta và, quan trọng hơn, hun đúc tinh thần kháng chiến chống Mỹ.
       Sở dĩ lũ học sinh chúng tôi bị  bài thơ cuốn hút như vì nhà thơ Truy Phong đã làm nên những câu thơ có tính chất tuyên ngôn như: “Việt Nam nước của tôi/ Già như trẻ/ Gái như trai/ Chết thì chịu chết/ Không cúi lòn ai/ Tham lam ai muốn vô xâm chiếm/ Thì “giặc vào đây, chết ở đây!”.
   Nhà thơ đã khẳng định lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam từ ngàn xưa: “Chắc anh bao giờ quên được/ Những là đường đi nước bước/ Những là tên tuổi Việt Nam:/ Suối Yên Thế tuôn tràn hậm hực/ Đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng./ Tháp Mười hận nước mênh mông/ U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi!.../ Việt Nam, nước của tôi/ Sông sâu, đồng rộng/ Trái tốt, hoa tươi.../ Hà Nội kinh thành trang chiến sử/ Sài Côn đô thị rạng anh tài/ Phú Xuân bừng chói gương ưu quốc/ Nghĩa nặng tình thâm vạn thuở nay!/ Việt Nam, nước của tôi:/Ruộng dâu hóa bể/ Lòng chẳng đổi thay”
    Bằng cảm nhận của một nhà giáo yêu nước, đã chịu đựng nỗi đau của người dân khi đất nước bị thống trị, ông đã nêu ra những hình ảnh không thể nào điển hình thêm nữa: “Thôi rồi mảnh đất Việt Nam/ Hung hăng anh bóp trong bàn tay tanh!/ Nước tôi đang độ yên vui sống/ Mít ngát hương mùa, bưởi ngọt thanh/ Lúa nặng tình quê, khoai luyến đất/ Không thương nhau lại giết nhau đành!/ Cắn răng tôi chịu cực hình/ Vuốt râu anh hưởng công linh đồng bào./ Anh phân ly Nam, Bắc, / Anh chia rẽ nghèo, giàu/ Nước non anh quậy tan tành hết/ Cho oán hờn nhau, giết lẫn nhau.../ Người chết thì dại, người sống thì ngu./ Dân ngu vì bị làm ngu/ Đặng dân làm ngựa, làm trâu suốt đời!”
  60 năm, ngồi đọc lại và xin được giới thiệu với bạn đọc những vần thơ “Cái gì bạo ngược là phi nghĩa/ Là trái lòng dân, nghịch ý trời/ Sắt thép tinh ròng binh tướng dữ/ Không sao thắng được trái tim người!” của nhà thơ Truy Phong mà tôi nghĩ  rằng những câu thơ trong  ‘Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ” không chỉ viết cho lịch sử VN trong  thế kỷ đã qua…!


Nhà thơ Truy Phong  sinh năm (sinh năm 1925) sinh tại xã Thanh Bình (Cù lao Dài), huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long mất năm 2005 tại quê nhà. Các tập thơ đã xuất bản : Một thế kỷ, mấy vần thơ (1970), Thái bình trả lại (1971), Mặt trời lên (1975).