Trước thông tin nhà văn Bảo Ninh cùng tác phẩm văn học nổi tiếng "Nỗi buồn chiến tranh" trượt giải thưởng Nhà nước, đã có rất nhiều diễn đàn báo chí, các trang mạng xã hội, những người yêu quý nhà văn Bảo Ninh và tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" nêu ý kiến. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016 - cho biết ông đã kiến nghị Hội đồng bỏ phiếu lại trường hợp nhà văn Bảo Ninh. Riêng với nhà văn Bảo Ninh, khi được hỏi về vấn đề này, anh khẳng định: "Nói không buồn là không đúng. Tôi không nói cái buồn chỉ của riêng tôi mà tôi buồn cả về việc những người bạn, nghe nói, không được trong dịp này. Họ là những nhà văn tên tuổi trong thế hệ văn bút thời tôi: Văn Lê, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái... Mặt khác, nhà báo thấy đấy, nói nhiều về nỗi buồn của chúng tôi thì vô hình trung lại là đang xúc phạm những nhà văn sẽ đoạt giải, mà trong số các anh chị ấy những người tôi biết, theo tôi, rất xứng đáng. "Nỗi buồn chiến tranh" khi ra đời nó đã có nhiều sự ồn ào sau đó và có lẽ, đến bây giờ sự ồn ào ấy vẫn nặng dư âm. Bản thân tôi lại viết được quá ít. Một tiểu thuyết, dăm chục truyện ngắn, ngót trăm cái tản văn, bút ký, ghi chép...".



GIẢI THƯỞNG TỪ GÓC NHÌN CÁC NHÀ VĂN

Nhà văn Khuất Quang Thụy (Tổng Biên tập Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam): Tôi là một "fan" hâm mộ Bảo Ninh và tiếc cho anh
Trong những ngày qua, ở hộp thư của báo Văn nghệ, chúng tôi nhận được rất nhiều thư bạn đọc bày tỏ sự tiếc nuối khi tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” trượt giải thưởng Nhà nước. Tôi tham gia Hội đồng cấp cơ sở và Hội đồng chuyên ngành, nhưng đến Hội đồng cấp Nhà nước thì chỉ có bốn nhà văn được tham gia, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong tổng số 28 thành viên do ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL làm Chủ tịch. 
Bốn phó Chủ tịch Hội đồng bao gồm: Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh và nhà thơ Hữu Thỉnh. Ngoài các uỷ viên là các chuyên gia, đại diện các Hội văn học nghệ thuật Trung ương, Hội đồng cấp Nhà nước còn có đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện Bộ TT-TT, đại diện Tổng cục An ninh Bộ Công an, đại diện Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, Bộ Quốc phòng và đại diện Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ VH-TT&DL...
Như vậy có thể thấy, trong số các thành viên Hội đồng thì tiếng nói của chúng tôi chỉ là một phần. Trong khi đó, theo quy chế mới nhất thì giải thưởng ở cấp Nhà nước, các tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng giải thưởng phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước. Tôi được biết, dù ra sức thuyết phục, bảo vệ, nhưng cuối cùng nhà văn Bảo Ninh vẫn trượt bởi ông chỉ được 76% số phiếu tán thành. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã lên tiếng đề nghị được bỏ phiếu lại trường hợp của nhà văn Bảo Ninh và thông tin này là chính xác.
Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây, là nếu bỏ phiếu lại cho nhà văn Bảo Ninh còn các trường hợp nhà văn khác, những trường hợp trượt ở các chuyên ngành khác thì sao? Cái này lại đặt ra một vấn đề hết sức tế nhị là phải tổ chức lại một cuộc bỏ phiếu cho những người trượt. Trong trường hợp này thì liệu có ai đảm bảo là nhà văn Bảo Ninh sẽ đạt được đủ số phiếu bầu chọn? Và có khi nào nhà văn Bảo Ninh có khi không được mà những trường hợp khác lại đạt được thì sao?...  
Bởi vì mỗi cá nhân con người khi ngồi ở ghế của một Hội đồng lớn như thế này thì họ có đã có bản lĩnh nghề nghiệp, và việc có chủ kiến một tác phẩm, một con người thì không dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều được.
Bản thân tôi là một "fan" của nhà văn Bảo Ninh. Với tư cách là một người bạn văn và là một tác giả cũng viết nhiều về chiến tranh, tôi thực sự cảm thấy cũng buồn và rất tiếc cho trường hợp nhà văn Bảo Ninh. Bởi một tác giả có thành tựu như vậy mà không được công nhận là một thiệt thòi cho văn chương chứ không nói đến tư cách riêng của cá nhân nhà văn Bảo Ninh. Như chúng ta biết, "Nỗi buồn chiến tranh" là một trong những cuốn sách của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất và được bạn bè trên thế giới biết đến nhiều nhất. 
Chưa thể nói tác phẩm hay đến mức độ nào, nhưng tác phẩm đã có bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới thì đã là một cuốn sách có giá trị, cống hiến cho nền văn học nước nhà. Có lẽ chính sức sống chân thực của tác phẩm đã khiến dư luận dậy sóng. Đã có nhiều lời bình của độc giả thể hiện sự tiếc nuối cho nhà văn Bảo Ninh trong thời buổi mà văn chương đang bị xóa nhòa trong lòng bạn đọc vì nhiều lĩnh vực hấp dẫn khác. Tôi cảm thấy đó nên là một phần thưởng thực sự xứng đáng cho tác giả vì đứa con tinh thần của mình đã nhận được sự quan tâm của nhiều người trong mọi lĩnh vực như vậy.

Nhà văn Trần Anh Thái: Xét giải thưởng cần công tâm
Nhà văn Bảo Ninh là một người lính thực thụ đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ của đất nước và theo đánh giá của hầu hết những người yêu văn học thì "Nỗi buồn chiến tranh" có một sức sống mãnh liệt vì nó đã viết về một thế hệ, một thời kỳ không thể nào quên của cả dân tộc. Cuốn sách đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 trong sự ghi nhận của cả một thế hệ cầm bút, của rất nhiều độc giả trong nước và trên thế giới. Nó đã tồn tại được gần ba mươi năm và đối với tôi, đó là một tác phẩm hàng đầu viết về chiến tranh của văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Nhưng, vì sao nhà văn Bảo Ninh trượt giải thưởng Nhà nước? Điều này có những nguyên nhân cố hữu. Thứ nhất, theo tôi biết, một nhà văn chân chính người ta viết văn, tôi biết chắc chắn rằng, không phải vì giải thưởng. Có những người viết theo mục đích để "săn" giải thưởng nhưng chắc chắn trong trường hợp của Bảo Ninh, viết văn là một nhu cầu tự thân, chứ không phải vì những giải thưởng này nọ. Anh là một người lính thực thụ đi ra chiến trận, chứng kiến nhiều nỗi đau, nhiều sự hy sinh và biết được giá trị của xương máu đổ xuống, chứ không phải là một người ở ngoài cuộc ngồi từ xa để "phán". 
Có lẽ chính vì thế, tác phẩm của anh đã sống mãi với thời gian. Về mặt tư cách, anh là một nhà văn trong sáng, có nhân cách, sống đàng hoàng... Như vậy, ở các mặt thì tôi cho rằng không có lý do nào bàn cãi và phủ định đóng góp của anh để có thể trao giải.
Thứ hai, thông qua chuyện của nhà văn Bảo Ninh, có thể thấy rằng, cần phải có một Hội đồng công tâm, trung thực và minh bạch. Chúng ta thường sống theo cảm tính, và nhiều người được trao nắm cán cân nhưng không đứng trên nền tảng cái chung nhất để nhìn nhận sự đóng góp của tác giả. Tôi cũng có biết ở một số cuộc trao giải, nếu không vận động thì không được bỏ phiếu(!) Cũng có những giải thưởng thì người trong cuộc họ không đọc tác phẩm vì nhiều lý do, họ chỉ thống nhất để bỏ phiếu theo đa số? Họ nghe bằng tai chứ không thẩm định bằng nhãn quan của mình. Chính vì thế, ở các cuộc trao giải, cần hơn bao giờ hết một Hội đồng có những người giỏi thực thụ.
Còn bạn hỏi vì sao tôi chưa làm hồ sơ giải thưởng Nhà nước ư? Vì tôi thấy mình chưa thực sự chín muồi. Hội Nhà văn luôn quan tâm đến anh em Hội viên với việc gửi các yêu cầu để khai cho các hạng mục giải thưởng. Tôi cũng đã có những giải thưởng danh giá cho tác phẩm của mình, chính vì thế, tôi cần thời gian cho sự chín muồi để mình có thể vượt qua được những rào cản để có thể đạt được. 
Giải thưởng Nhà nước mang tầm quốc gia, là sự ghi nhận của một quốc gia đối với những đóng góp của anh cho văn học nghệ thuật. Người lính trở về sau chiến tranh như chúng tôi, anh Bảo Ninh, đã là một sự may mắn, được viết và sống trọn cảm xúc với thế hệ mình, đồng đội mình sau ngần ấy thời gian đã qua của chiến tranh thì lại là một ân huệ lớn lao. Chúng tôi đang sống cho cả những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trận, biết đâu, nếu họ được trở về, họ cũng đã là một trong những người làm rạng danh cho cái tên Việt Nam.
Tôi là một người anh em khá thân thiết với nhà văn Bảo Ninh ở cả trong văn chương lẫn ngoài đời, tôi biết rằng, anh là một nhà văn mang trong mình chất lính, bởi thế, giải thưởng đối với anh là một sự vinh danh về mặt tinh thần, về mặt ghi nhận thôi, chứ rõ ràng, điều lớn nhất là tác phẩm của anh đã thuộc về nhân dân, thuộc về những người lính và bạn đọc trong suốt mấy chục năm qua...

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ: Được ghi nhận kịp thời là một động viên lớn cho các nhà văn
Tôi cũng theo dõi nhiều năm các giải thưởng Nhà nước và rõ ràng là đối với năm nay, vừa kết thúc kỳ bỏ phiếu đã gây ra nhiều dư luận trái chiều xung quanh những nhà văn bị trượt giải thưởng. Nhìn chung giải thưởng Nhà nước là sự tôn vinh cao nhất những đóng góp của các văn nghệ sĩ trong từng lĩnh vực văn học nghệ thuật và giải thưởng thì ít khi thừa, chỉ thiếu. Lần này, ở mảng văn học nghệ thuật có một số tên tuổi chưa lọt vào danh sách theo như tôi biết có các anh Văn Lê, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái, Cao Duy Sơn… đặc biệt là trường hợp nhà văn Bảo Ninh.Với tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" nhà văn Bảo Ninh đã ghi dấu ấn tên tuổi vào giải thưởng từ những năm 90-91. Theo tôi đó là một giải thưởng được nhất trí cao, được bạn đọc, bạn trong giới những người làm nghiên cứu phê bình nhất trí và hiếm có một giải thưởng nào được sự đồng thuận cao như vậy dù có ý kiến này ý kiến khác nhau về cách nhìn, thi pháp, tư duy tiểu thuyết. Nó là bình thường đối với một tác phẩm có một cách nhìn mới về chiến tranh, về người lính. Nhưng điều hạnh phúc của tác giả là tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" dù gặp rất nhiều phản ứng trái chiều với những quan điểm thẩm mỹ khác nhau, nhưng rồi trong một thời gian dài, cho đến ngày nay, nó vẫn tồn tại tự thân là một tượng đài của văn học chiến tranh, chủ đề về chiến tranh và những năm hậu chiến.
Tôi cho rằng, bản thân mỗi tác giả chân chính khi viết văn, người ta không nghĩ đến giải thưởng. Không nghĩ đến nhưng những ghi nhận một cách chính thống là một nguồn động viên lớn, kịp thời không chỉ cho tác giả đó mà cho cả những độc giả, những người yêu quý nhà văn và tác phẩm. Tất nhiên, tôi cho rằng, Hội đồng nào cũng có những tiếng nói và ý kiến khác nhau và sự đồng thuật tuyệt đối là rất hiếm hoi. 
Có lẽ một phần nữa là do quy định tới 90 phần trăm số phiếu mà trong số đó có rất nhiều Hội đồng chuyên ngành, các ban bệ với nhiều quan điểm thẩm mỹ khác nhau là quá cao và rất khó để có tiếng nói chung, dù tác phẩm đã được ghi nhận ở khắp thế giới. Nhưng tôi nghĩ, quy chế do con người soạn thảo thì hoàn toàn có thể điều chỉnh được cũng như thay đổi, bổ sung, điều chỉnh. Dù sao thì nếu được đánh giá một cách công bằng và tránh những thiệt thòi cho nhà văn thì vẫn là một sự ghi nhận công tâm nhất để cho một nền văn học phát triển…


TRẦN HOÀNG THIÊN KIM ( thực hiện)