Viết hàng trăm bài báo hay, bình luận hàng trăm chương trình bóng đá sắc sảo, giữ những chuyên mục hấp dẫn nhưng cực “khó gặm”, và kén người viết, thế mà Phan Đăng không ra sách về tác phẩm báo chí trước, lại chọn một CD hát thơ để trình làng với độc một chữ "Rồ". Như thể là cách Phan Đăng rong chơi, bày một trò vui sung sướng của gã lực điền trên cách đồng chữ vô thường...  Thực ra, đó chỉ là cách Phan Đăng muốn bày tỏ khá bông lơn về tâm hồn phức tạp, trái tim nhiều cảm xúc, lãng mạn, đầy ham ước... Một sự lãng mạn mà đôi khi chính bản thân chàng cũng khó kiểm soát. Mọi thứ cứ ngân nga lên trong vô thức, ám ảnh từ tiền kiếp khi bắt gặp một tứ thơ xưa, khi xúc động với một giai điệu cũ... 


CHỈ LÀ PHAN ĐĂNG

NHƯ BÌNH

1.
Trong cuốn sách mới nhất: "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi" vừa ra lò còn thơm mùi mực in và giấy mới, Phan Đăng bạch với độc giả, cũng là bạch với lòng mình rằng: "Mười năm tôi viết báo thể thao, quan sát làng bóng... Mười năm, những nhân vật của làng bóng lướt qua tôi, có những người để lại những nét sổ đậm, rắn rỏi, có những người đi qua mỏng nhẹ, và có cả những khuôn mặt nhạt nhòa. Tôi muốn vẽ lại những khuôn mặt của họ, trong cuốn sách này, bằng mảnh giấy và cây bút của riêng tôi...".
Giản dị cho lời mở đầu cũng là lời tự bạch của tác giả với một cuốn sách dày dặn hơn 300 trang viết chất chứa nhiều tâm sự, cách nghĩ, góc nhìn độc đáo chỉ riêng của Phan Đăng về 50 chân dung trong làng bóng. Và tất nhiên, ở bìa 2 của cuốn sách, một góc nhỏ với bức ảnh chân dung ký họa đơn sơ mà rất đúng chất "Phan Đăng", có thêm một dòng nhỏ lạ lùng: "Nhà báo/ Phan Đăng/ chấm hết".
Phan Đăng là vậy, không giống ai, đặc biệt hơn người khác, rắc rối trong đơn giản, tối giản trong phức tạp, phức tạp trong biện chứng... và mọi thứ với Phan Đăng gói ghém trong một cá tính tư duy sắc lẻm. "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi" là tác phẩm thứ 2 được xuất bản của Phan Đăng sau CD "Rồ". Đặt tít tác phẩm của mình không giống ai, tự nhận mình là "con rồ" nhưng cá nhân tôi lại không thấy sự điên rồ ở Phan Đăng. Chỉ là cậu đam mê nhiều thứ, thích những thứ có thể ít giống ai.
Viết hàng trăm bài báo hay, bình luận hàng trăm chương trình bóng đá sắc sảo, giữ những chuyên mục hấp dẫn nhưng cực “khó gặm”, và kén người viết, thế mà Phan Đăng không ra sách về tác phẩm báo chí trước, lại chọn một CD hát thơ để trình làng với độc một chữ "Rồ". Như thể là cách Phan Đăng rong chơi, bày một trò vui sung sướng của gã lực điền trên cách đồng chữ vô thường... 
Thực ra, đó chỉ là cách Phan Đăng muốn bày tỏ khá bông lơn về tâm hồn phức tạp, trái tim nhiều cảm xúc, lãng mạn, đầy ham ước... Một sự lãng mạn mà đôi khi chính bản thân chàng cũng khó kiểm soát. Mọi thứ cứ ngân nga lên trong vô thức, ám ảnh từ tiền kiếp khi bắt gặp một tứ thơ xưa, khi xúc động với một giai điệu cũ...
Biển cảm xúc làm chật đầy trong tâm hồn chàng, mà không riêng gì Phan Đăng mà của cả nhiều người trong đó có tôi, đến nỗi, bản thân chúng tôi đôi khi cũng ngại ngần, bông lơn, ra vẻ tầm phào để biện minh, hay che giấu cái cõi sống mênh mông xúc cảm của mình bằng những thứ như Phan Đăng mượn tạm ấy là "rồ". 
Tôi không hề thấy Phan Đăng rồ. Là một nhà báo đúng nghĩa, "chất lừ" trong làng báo với những bài viết sắc, những ý tưởng hay, những phản biện gây cho người đọc hay người đối diện những thoáng kinh ngạc. Nhưng Phan Đăng thích hát thơ, thuộc chầu văn, đắm mê nghiên cứu những sinh hoạt tín ngưỡng trong phong tục đạo thờ Mẫu.
Tôi tự ngẫm, mà rút ra rằng, không phải người nào viết hay cũng nói hay. Phan Đăng là người viết đã hay rồi, nhưng nói lại còn hay nữa. Không biết tôi có quá cực đoan khi khen Phan Đăng như vậy không nhưng rõ ràng, những người có 1 trong 2 biệt tài nói hay, hoặc viết hay thì có thể còn nhiều nhưng người có luôn cả 2 biệt tài cùng “song kiếm hợp bích” như Phan Đăng thì trong làng báo quả là hiếm.
Một người rồ, thì không thể có một kế hoạch công việc rõ ràng, đều đặn và chuyên nghiệp như thế vì tôi biết Phan Đăng cộng tác với nhiều báo, nhiều đài truyền hình, và giữ nhiều chuyên mục. Rõ ràng, ai đã từng làm việc với Phan Đăng sẽ thấy ơn đời vì mình được làm việc với một cộng sự thông minh, giàu nội lực và quan trọng là rất chuyên nghiệp.

 2.
Tôi từng có thời gian làm việc với Phan Đăng liên tục trong suốt 4 năm. Trong 4 năm ấy, tôi mời Phan Đăng giữ chuyên mục: "Thư gửi chiều thứ 5" (và sau này khi tăng kỳ, thêm chuyên mục "Chuông reo" do nhà báo Ngô Hương Sen đảm nhận) rất ấn tượng trên ấn phẩm Cảnh sát toàn cầu tuần. Cần phải nói thêm rằng, khi tôi lựa chọn Phan Đăng để mời cậu ấy giữ một chuyên mục đậm chất thời sự văn hóa và suy ngẫm, trong khi Phan Đăng đang nổi tiếng trong làng báo thể thao, mọi việc bạn ấy làm đều liên quan đến thể thao, cả nói hay viết. Thế nên, sự lựa chọn của tôi vấp phải ít nhiều nghi ngại ngay trong tòa soạn...
Thế nhưng nhiều lần theo dõi Phan Đăng bình luận trên chương trình thể thao truyền hình, tôi đã nhận ra cái vỉa quặng chưa biết đâu là giới hạn về văn hóa, khả năng thẩm thấu sự kiện và cách anh ta cô đặc vốn hiểu biết của mình về văn hóa trong những cuộc tranh luận. Phan Đăng có biệt tài sử dụng ngôn ngữ, và cách mà cậu ấy nhìn xuyên qua các sự kiện bóng đá để chốt một vấn đề, gọi tên một vấn đề khá xác đáng. Ở đó tôi nhận ra một sự giao thoa, trộn lẫn chắc chắn, thuyết phục, giữa một nền tảng kiến thức văn hóa khá sâu rộng trên đó, mọi soi chiếu, quán tưởng bởi cái nhìn rất độc lạ chỉ riêng có ở Phan Đăng trong các buổi bình luận khiến cho Phan Đăng trở nên ấn tượng, nổi tiếng trên truyền hình.
Nổi tiếng bởi cách bình luận hay, khả năng thuyết phục khán giả qua tư duy sắc lẻm... Và không thể không thừa nhận Phan Đăng hoạt ngôn, nói hay, thông minh... Tất cả những thành công đó chắc chắn phải dựa trên một nền tảng - ấy là kiến thức văn hóa. Có lẽ từ cái duyên để cảm nhau về nghề nghiệp, để linh đoán thành công của Đăng sau này mà tôi đã chủ động gọi cho Đăng, mời cậu ấy giữ chuyên mục, thực ra là giúp cho tờ báo, giúp cho công việc của tôi trong những ngày đầu phụ trách một tờ báo mới toanh, một tờ báo mà phải tự định dạng mình bên cạnh những ấn phẩm báo chí lớn trong tòa soạn An ninh thế giới, Công an nhân dân, ấy là tờ Cảnh sát toàn cầu tuần.
Giờ đây, tôi không còn phụ trách tờ Cảnh sát toàn cầu tuần nữa. Ngẫm lại những ngày tháng gian khó đi tìm gương mặt của mình trên tờ báo, hay nói chính xác hơn là định dạng một tờ báo mới trên văn đàn báo chí, tôi thật may mắn vì có những nhà báo bên ngoài như Phan Đăng, Ngô Hương Sen, Lê Tâm... Họ cùng cơ quan nhưng khác ban và công việc của họ ở trên những ấn phẩm khác. Họ giúp Cảnh sát toàn cầu và cũng là giúp tôi trong những ngày đầu chập chững làm nội dung của cả một tờ báo. Tôi chịu ơn họ, những người bạn đã yêu thương tôi vô điều kiện.
Riêng với Phan Đăng, 4 năm ròng rã, mỗi tuần một bài cho chuyên mục, mà lại phải là bài có khả năng gây cười, chọc sâu vào đời sống với góc nhìn phản biện xã hội khiến người đọc phải chững lại giật mình, nhưng đủ kín kẽ để không bị “tuýt còi”. Trong 4 năm ấy, chưa bao giờ Phan Đăng chậm bài, gẫy chuyên mục của bất kỳ số nào, ngay cả những khi cậu ấy ốm, cậu ấy bận rộn với truyền hình, với báo ngày...
Nhớ lại khoảng thời gian làm việc cùng Phan Đăng, hai chị em cùng say nghề, và tôi đã rất mê chàng trai này vì tôi học được ở cậu ấy rất nhiều thứ. Đó là tự trọng của một người cầm bút, tự trọng cả trong từng cái hẹn..., tự trọng với cái tên của chính mình, tự trọng bởi những gì mình đã không viết thì thôi nhưng viết ra là phải "đáng đọc".
Từ bấy đến nay, hai chị em tôi đều rẽ lối... Phan Đăng giờ đã tiến những bước dài trong sự nghiệp làm báo, trở thành một nhà báo năng động, đa-zi-năng và ấn tượng trong các thể loại báo chí khác ngoài bóng đá như: "Trò chuyện cuối tháng". Nhưng tôi lại được cộng tác với cậu ấy trong một chuyên mục vô cùng đặc biệt, đó là chuyên mục "Sáng tác mới" trên ấn phẩm Văn nghệ Công an. Có lẽ đây cũng là thông tin thú vị và đặc biệt nhất với những độc giả, khán giả từng yêu mến và hâm mộ chàng kính cận đẹp trai này, đó là gần đây Phan Đăng đã thử sức sang lĩnh vực sáng tác truyện ngắn.
Giống như cái cách cậu ấy có thể làm mê hoặc người đối diện, miên man cùng cậu trong tư duy đa chiều của một cuộc tranh luận xung quanh trái bóng tròn, hay những vấn đề của văn hóa và cuộc sống, Phan Đăng đang dẫn dụ người đọc vào một thế giới khác nữa, thế giới của sự sáng tạo mà ở đó trí tưởng tượng có thể đẩy cậu ấy đến vô cùng. Sự lãng mạn, hay những ý nghĩ rồ dại... trí tưởng tượng phong phú của Đăng giờ đã có một không gian vô giới hạn cho Phan Đăng bơi lội ngụp lặn, đó là sáng tác.
Tất nhiên, Phan Đăng chưa từng làm một độc giả khó tính như tôi phải thất vọng, bởi dẫu là bài báo, phỏng vấn, đối thoại hay truyện ngắn thì vẫn là riêng của Phan Đăng, chỉ là Phan Đăng trong cá tính sống và viết đặc biệt của chàng. Tôi tin rằng, sau "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi" sẽ có một tập truyện ngắn ấn tượng của chàng nhà báo điển trai này trình bạn đọc.