Quan thanh tra là tên một vở hài kịch trào phúng của nhà văn Nga nổi tiếng Nikolai Gogol, viết theo gợi ý của A. C. Pushkin, được công diễn lần đầu tiên vào tháng 4-1836. Kịch kể về một công chức nhỏ vô tình đi ngang một thị trấn miền nam nhưng bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Petersburg đi thị sát. Những quan chức hối lộ địa phương tìm đủ mọi cách để mua chuộc, hối lộ ông, đồng thời không quên nói xấu nhau để tâng công… Độc giả hôm nay thổ lộ: “Tôi có cảm giác là Gogol vừa xem tin tức hiện nay, vừa viết vở... Quan thanh tra. Lúc thì một quan chức biển thủ ngân quỹ quốc gia, lúc thì những công trình bạc triệu bốc hơi…”




TẠI SAO “QUAN THANH TRA” BẤT DIỆT?

Mục “Nhân vật” của báo Luận Chứng và Sự Kiện Nga (AiF, số 26-4 đến 3-5) đã gửi một câu hỏi của độc giả A. Rodionova (Ryazan, Nga) tới nhân vật trong tuần - đạo diễn Yuri Mephodiyevich Solomin: “Tôi có cảm giác là Gogol vừa xem tin tức hiện nay, vừa viết vở... Quan thanh tra. Lúc thì một quan chức biển thủ ngân quỹ quốc gia, lúc thì những công trình bạc triệu bốc hơi. Tại sao vấn đề tham nhũng ở nước Nga lại bất trị như thế?”. TTCT trích dịch bài trả lời phỏng vấn của đạo diễn Solomin quanh căn bệnh “kinh niên bất trị” này, về những vấn đề của xã hội Nga đương đại...

@ Làm thế nào để chống tham nhũng?
- Đây là vấn đề lớn. Bởi người ta không còn biết sợ, người ta không còn cảm giác xấu hổ. Liệu có thể chống tham nhũng ở Nga không à? (Ngưng một lúc)... Có thể... nhưng cần những biện pháp thật sự mạnh mẽ. Không phải bằng lời nói, mà là hành động.
Phải làm sao để người ta biết sợ khi chiếm đoạt cái gì đó của người khác, nếu không thì sẽ bị trừng phạt. Dù là tướng tá hay cảnh sát, bộ trưởng, và chúng ta, thường dân - tất cả phải biết điều này. Vở Quan thanh tra đã được dàn dựng nhiều lần kể từ năm 1836. Nhưng gần như mỗi từ của nó đều ứng với đáy thực tiễn hiện nay...
Đó là lý do tại sao chúng tôi không rút vở này khỏi sân khấu trong nhiều năm qua, bởi chúng luôn rất thời sự! Cô còn nhớ trong Quan thanh tra, tay giám hộ nói về các tổ chức từ thiện: “Chúng tôi không dùng thuốc đắt tiền. Con người rất đơn giản: nếu chết thì sẽ chết, còn nếu khỏi bệnh thì sẽ khỏi”. Tôi nghe những lời này rất thường xuyên trên đài phát thanh... Thật đáng tiếc là nó phản ánh thực tế hiện nay trong nền y tế của chúng ta. Tất cả mọi thứ đều theo kiểu Gogol: tất cả nói và nói, nhưng rất ít có gì xảy ra.
@ Thật tiếc là tôi khó mà không đồng ý với ông, Yuri Mephodiyevich.
- Vâng, nhân dân nói lương hưu không đủ cho tiền chữa bệnh và tiền thuốc... Rồi sao? Ai mà nghe thường dân nói chứ? Y tế cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của xã hội, ở xã hội chúng ta thì còn cần hơn thế nữa. Nó cũng quan trọng như kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục. May thay là quân đội chúng ta đã được hồi phục, tôi ủng hộ hai tay. Nhưng còn những gì người ta đang dạy thế hệ trẻ...
@ Vâng, tôi biết, ông đã nhiều lần phát biểu chống việc tiến hành một kỳ thi quốc gia thống nhất...
- Từ lâu mọi người đã biết một kỳ thi quốc gia thống nhất là sai lầm lớn... Nhưng người ta tiếp tục hành hạ học sinh. Và họ đã nói bao nhiêu thứ về việc giáo dục thế hệ trẻ! Nhưng trên thực tế người ta bỏ mặc bọn trẻ, để chúng chơi trò bắn súng trên máy tính.
Cha mẹ chúng không đủ tiền để cho chúng học ở các câu lạc bộ mà trước đây từng được dạy miễn phí... Tôi nhớ thời khi một số người muốn tất cả các trường nhạc đều được thu phí, tôi đã cực lực chống lại việc “vận dụng cái mới” này và tự hào khi trẻ em vẫn được học nhạc không mất tiền! (ông Solomin từng là bộ trưởng văn hóa Nga năm 1990-1991 - AiF). Còn bây giờ chúng ta nhận sinh viên vào đại học ra sao? Tôi đang dạy năm thứ nhất. Sau chương trình phổ thông họ hoàn toàn không được chuẩn bị để làm việc nhân văn, đặc biệt cho việc học nghề đạo diễn. Họ không biết cả những điều cơ bản. Mà đó là văn học, âm nhạc, nghệ thuật, mỹ thuật. Chúng tôi phải mất một năm để đưa họ vào nề nếp.
@ Cha tôi những năm 1970 từng phục vụ ở Praha. Ông kể người Liên Xô ra nước ngoài, dù họ im lặng, vẫn luôn có thể nhận biết - theo biểu hiện săn mồi đặc biệt sao đó trên gương mặt và... cách họ nhìn vào những tủ kính. Ngày nay vì cấm vận và chân không kinh tế (chỉ tình trạng khan hiếm hàng hóa), liệu chúng ta có quay trở lại tình trạng đó không?
- Từ năm 1968 tôi thường xuyên đi nước ngoài, lúc thì như một diễn viên, lúc thì dựng vở. Đúng là những năm đó chúng ta thường mua những thứ gì đó đặc biệt, nhất là cho trẻ con... Còn bây giờ cái gì cũng có, chỉ cần có tiền. Vì thế tôi không thấy trong những biện pháp trừng phạt này điều gì đó thảm họa cho nước Nga. Đất nước chúng ta quá rộng lớn để phải sợ chân không.
@ Vậy nếu nói về văn hóa, liệu ngày nay có thể có văn hóa “sau bức màn sắt” hay không?
- Không thể có, mà cũng không cần có. Tôi là người ủng hộ gìn giữ những gì tốt nhất có ở chúng ta. Nhưng dù sao cũng cần phải biết điều gì đang xảy ra trong nghệ thuật thế giới. Thời Liên Xô rất quan tâm đến vấn đề văn hóa. Và giờ cũng vậy. Nhưng mọi việc không đơn giản. Là tôi, tôi sẽ thận trọng. Ngày nay các đạo diễn dựng những vở họ muốn và họ thích, quên mất Gogol, Shakespeare, Pushkin. Khi anh bỏ tiền ra và dựng những gì anh muốn, xem ai trong số diễn viên sẽ làm việc cho anh và liệu khán giả có đi xem không. Nhưng nếu anh dựng vở bằng tiền nhà nước thì ở đây hoàn toàn là câu chuyện khác.
@ Vậy ông cho rằng cần có sự kiểm soát của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa?
- Tôi cho rằng vâng. Nhưng quan trọng là không được chọn sai. Việc kiểm soát phải do những người xứng đáng với niềm tin của công chúng. Tôi ủng hộ việc công chúng thiết kế sự lựa chọn, họ muốn ai trong nhóm những nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sân khấu thực hiện việc kiểm tra chất lượng. Và ý kiến của những nhóm này sẽ là luật.
Lúc đó thì mọi người đều thỏa lòng, những ai muốn việc kiểm duyệt quốc gia gắt gao trong nghệ thuật và những ai muốn tự do hoàn toàn.

                                     

                                            Đạo diễn Yuri Mephodiyevich Solomin


@ Yuri Mephodiyevich, ông làm tôi ngạc nhiên bởi ý tưởng bầu chọn của khán giả - lập luận như một nhà dân chủ thật sự. Nhưng một đồng nghiệp của ông, Vasili Lanovoi, trong một trả lời phỏng vấn của chúng tôi đã bảo: “Nước Nga cần một bàn tay mạnh. Chúng ta đã buông lỏng dây cương...”
- Tôi hoàn toàn đồng ý với Vasili, nhưng là nền dân chủ khác. Có dân chủ lý trí và có dân chủ muốn chỉ ra mình khác mọi người. Theo tôi, dân chủ phải nghiêm túc, mạnh mẽ, có tổ chức. Và thật sự. Lãnh đạo một quốc gia phải là ai được đa số mong muốn. Lương tâm, trách nhiệm trước dân tộc - đó không phải là những lời sáo rỗng. Phải sao cho những người ngồi ở cương vị cao nhất nói thật mà không sợ mất ghế... Tiếc thay, dân chủ của chúng ta hiện nay là dân chủ có chọn lựa.
@ Yuri Mephodiyevich, thời chúng ta sống không đơn giản. Có thể khán giả hiện nay cần một sân khấu nghiêm túc? Họ cần tiêu khiển cho khuây khỏa...
- Thật vô ích khi nghĩ người ta đến nhà hát để cười. Tôi cũng thích hài kịch, nhưng người ta tới sân khấu là để nhận thức tâm hồn mình, để hiểu vì sao Katerina trong Cơn giông hay Larisa trong Cô dâu không hồi môn của Ostrovsky đau khổ. Chính Ostrovsky đã nói “Không có sân khấu thì không có dân tộc”. Tôi đồng ý với ông. Tôi nhận được hàng trăm bức thư. Nhờ chúng mà tôi hiểu tại sao người ta đi xem kịch. Họ đi tìm lời khuyên. Có lần một phụ nữ ở Yekaterinburg viết thư và than thở về cuộc sống quá phức tạp của bà. Thật tiếc là trên thư bà không ghi địa chỉ của mình nên tôi không thể trả lời. Nhưng một năm sau bà ấy lại viết cho tôi. “Cảm ơn ông nhiều! Tôi đã hiểu hết rồi. Tôi đã xem kịch...”. Nhiều người viết cho tôi như thế: “Cảm ơn ông!”. Nhưng nào phải cho tôi, mà là cho các tác giả!

Nguồn: DUY VĂN - TTCT