Theo ông Nguyễn An Pha- Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định, việc hỗ trợ kinh phí 85.250.000 đồng cho nhà văn Lê Hoài Lương thực tế chỉ đáp ứng được một phần trong tổng số dự trù kinh phí toàn bộ tập sách là 181.000.000 đồng. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định cũng đã ký hợp đồng trách nhiệm về việc hỗ trợ in sách “Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn” với tác giả, trong đó nêu rõ tác giả chịu trách nhiệm nội dung cuốn sách, liên hệ nhà xuất bản biên tập, thẩm định nội dung, cấp phép xuất bản theo luật định. Tác giả cũng thực hiện đúng Luật Sở hữu trí tuệ trong việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.

  
VỤ “LÙM XÙM VĂN NHÂN BÌNH ĐỊNH” : BÊN BỊ CHÊ LÊN TIẾNG

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Báo Người Lao Động ngày 5-6 đăng bài “Lùm xùm văn nhân Bình Định”, trong đó đánh giá nhiều nội dung trong sách “Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn” của Lê Hoài Lương phiến diện, lệch lạc. Để khách quan, báo đăng ý kiến của tác giả và đơn vị thẩm định sách
Sau khi báo đăng, tòa soạn đã tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau, lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định và tác giả cuốn sách cũng có văn bản phản hồi, giải thích một số nội dung bài báo nêu.

“Chỉ là góc nhìn riêng”
Trong văn bản phản hồi, nhà văn Lê Hoài Lương cho biết ông chỉ muốn viết một cuốn sách tập hợp những gương mặt tiêu biểu đáng tự hào của văn chương Bình Định trong dòng chung văn chương cả nước. Vì điều kiện về tư liệu và khả năng có mức độ nên chỉ khuôn lại vào sách từ thời Thơ Mới đến nay với mong ước giới thiệu một cách khái quát và cô đọng nhất con người, văn tài người Bình Định (hoặc thành danh ở Bình Định). “Cuốn sách chỉ là một góc nhìn của riêng tôi chứ không nhân danh, đại diện nào” - ông Lương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lương, ông đã chọn tác giả cơ bản theo 3 tiêu chí: là hội viên hội chuyên ngành trung ương có tác phẩm, công trình; là hội viên của địa phương đoạt Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu về văn học nghệ thuật; không là hội viên trung ương hay có giải thưởng nhưng tác phẩm của họ có độ phổ quát cao, gây dấu ấn tốt trong bạn đọc. Riêng với Võ Phiến, trước các đánh giá đa chiều về văn nghiệp còn chưa đồng thuận nên ông không viết về toàn bộ văn nghiệp mà chỉ chọn mảng tạp bút của tác giả quá cố vì nhà nước đã cho ấn hành 2 tập sách về mảng này.
Ông Lương cho biết với các tác giả còn sống trong số 52 tác giả được giới thiệu, ông đều cố gắng liên lạc thông báo việc làm sách, xin ý kiến và mời họ tự chọn gửi tác phẩm hay nhất, tiêu biểu nhất của mình để giới thiệu. Cá biệt có 3 tác giả không gửi tác phẩm nhưng vì nội dung cuốn sách nên vẫn phải trích tuyển các tác phẩm mà họ đã công bố để minh họa cho các bài viết trong sách, trong đó ghi rõ nguồn, tên tác giả và hoàn toàn không làm sai ý tác giả.
“Chỉ là một góc nhìn nên khó hoàn hảo, tôi xin tiếp nhận mọi góp ý để tiếp tục hoàn thiện cuốn sách. Về văn nhân, những tác giả mà tôi chưa đủ điều kiện giới thiệu trong tập này thì sẽ dần hoàn chỉnh cho tập tiếp theo” - ông Lương nói.
“Sáng tạo”, “tiêu biểu”
Trong phản hồi của Hội đồng Văn học - Nghệ thuật của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định, do ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định, gửi có cho biết nhà văn Lê Hoài Lương là Chi hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; đã đoạt 6 giải thưởng của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và 3 giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu; có nhiều cống hiến cho văn học - nghệ thuật tỉnh nhà. Tháng 4-2015, ông Lương gửi đơn kèm đề cương và dự trù kinh phí đề nghị hội hỗ trợ in sách “Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn”. Ban thường vụ hội đã trình đề cương sách cho hội đồng xét duyệt hỗ trợ của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định và được 100% đồng ý hỗ trợ ở diện hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật chất lượng cao.
Với 52 tác giả được giới thiệu trong sách, theo ông Pha, hội đồng nhận thấy đây là những tác giả đã ghi đậm dấu ấn trong việc góp phần kiến tạo nên truyền thống văn hóa đất Bình Định mà bây giờ ta thường gọi là “trời văn”. Với 20 tác giả trưởng thành trong chiến tranh, giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học tỉnh nhà giai đoạn trước và sau năm 1975 đến nay. Một số nữa là những gương mặt tiêu biểu trưởng thành sau năm 1975, tiếp nối đầy tự tin của dòng văn học tỉnh nhà và cả nước. “Các tác giả được giới thiệu là những nhân tố tích cực, văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Bình Định, góp một phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước và sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương” - ông Pha nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Người Lao Động