Niềm vui, nỗi buồn, sự trồi trụt lên xuống của hầu hết các nhận vật trong “Câu chuyện Đà Nẵng” đều gắn với công trình bắc cây cầu quay.Nhưng sách tuyệt nhiên không mang chất tân văn ghi lại tường tận, kỹ lưỡng những gì liên quan đến việc thi công cây cầu. Theo một mạch cảm hứng xưa cũ (và nói luôn cũng sẽ là dễ viết) “Câu chuyện Đà Nẵng” có thể sẽ dàn tuyến nhân vật ra làm hai: tân tiến, dám nghĩ dám làm, có tầm nhìn xa, vì lợi ích chung và thủ cựu, lạc hậu, bao che, chống đối mong mưu cầu cái danh cái lợi cho bản thân và phe nhóm mình. Về phương diện này, đọc “Câu chuyện Đà Nẵng” nhiều lúc thoáng nghĩ hình như sách không có đích tới; hình như tác giả đang lan man kể lại những ấn tượng, những kỷ niệm từ những bạn bè thân quen ở Đà Nẵng, ở nhiều vùng quê khác tình cờ gặp nhau ở Đà Nẵng 

 
“CÂU CHUYỆN ĐÀ NẴNG” - TIỂU THUYẾT HAY TRUYỆN KÝ?

TÔ HOÀNG

Ấn tượng đầu tiên từ tập sách “Câu chuyện Đà Nẵng” của Thái Bá Lợi (NXB Hội Nhà Văn ấn hành, dày 322) là có thể gặp rất nhiều nhân vật tên tuổi có thật ở ngoài đời: Nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Thu Bồn, chuyên gia trùng tu các di tích ở Huế và Mỹ Sơn người Ba Lan - KaZik, nhà nghiên cứu lịch sử Đào Hùng, cả tướng Giáp nữa... Có những nhân vật mang tên tuổi văn chương nhưng với công việc họ đảm nhận, bạn đọc dễ dàng đoán ra họ là ai. Ví như Văn Minh, người phụ trách công trình xây dựng chiếc cầu quay trên sông Hàn; kỹ sư xây cầu tên Quý..Một nhân vật nữa cũng dễ nhận biết mang tên Ba Danh-“ một con người lăn lộn với thực tế”, từng kinh qua “ các chức vụ từ cơ sở”: Chủ nhiệm hợp tác xã, Giám đốc nông trường, Phó Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh rồi Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam; Chủ tịch thành phố Đà Nẵng khi đã trực thuộc Trung ương... Nhiều sự việc được tái hiện trong cuốn sách lại cũng là những gì có thật, đã từng xẩy ra ở thành phố miền Trung này. Như việc mở rộng đường xá, chỉnh trang đô thị kéo theo việc giải tỏa, đền bù. Sự việc chiếm vị trí trung tâm trong cuốn sách đó là công trình thi công cây cầu quay đầu tiên ở Việt nam bắc qua sông Hàn càng là việc thật người thật. Liệu có cần nói thêm, những gì nhân vật Ba Danh đã làm hoàn toàn không giống ai, được ngợi ca, truyền tụng như việc Chủ tịch Ba Danh gặp gỡ, trò chuyện với 500 phạm nhân vừa mãn hạn tù; việc Chủ tịch Ba Danh cấp căn hộ chung cư cho bà mẹ theo ước nguyện của một cậu bé ung thư ở giai đoạn cuối; Chủ tịch Ba Danh ký giấy miễn thuế ngay tại chỗ cho một bà bán ốc mút… Những chuyện như vậy đã từng xẩy ra, gắn liền với một tên tuổi có thật, bạn là người dân thành phố Đà Nẵng hay là người dân ở một tỉnh tít tắp cực Bắc, cực Nam đất nước cũng đều từng nghe, từng biết.
Thành thử sẽ không có gì đáng ngạc nhiên sau khi đọc xong chừng vài chục trang, tôi vội lật giở bìa sách để xem có đúng phia dưới hàng tít tựa “Câu chuyện Đã Nẵng” ghi hai chữ “Tiểu thuyết” không?
Nếu sách là Tiểu thuyết- như quan niệm xưa nay, phải hoàn toàn là sản phẩm tưởng tượng,hư cấu của nhà văn? Hay sách thuộc loại chuyện kể dựa vào mẫu người thật, việc thật thêm phần sắp đặt, ngẫm nghĩ, thêm sự soi rọi chủ quan của người viết, một thể loại hiện nay thế giới đang đề cao, kiểu như “ Trong chiến tranh không có gương mặt đàn bà” của nữ văn sỹ Belarus Svetlana Alexievich, người nhận Giải thưởng Nobel Văn học năm 2015 ?
Niềm vui, nỗi buồn, sự trồi trụt lên xuống của hầu hết các nhận vật trong “Câu chuyện Đà Nẵng” đều gắn với công trình bắc cây cầu quay.Nhưng sách tuyệt nhiên không mang chất tân văn ghi lại tường tận, kỹ lưỡng những gì liên quan đến việc thi công cây cầu. Theo một mạch cảm hứng xưa cũ ( và nói luôn cũng sẽ là dễ viết ) “Câu chuyện Đà Nẵng” có thể sẽ dàn tuyến nhân vật ra làm hai: tân tiến, dám nghĩ dám làm, có tầm nhìn xa, vì lợi ích chung và thủ cựu, lạc hậu, bao che, chống đối mong mưu cầu cái danh cái lợi cho bản thân và phe nhóm mình. Về phương diện này, đọc “Câu chuyện Đà Nẵng” nhiều lúc thoáng nghĩ hình như sách không có đích tới; hình như tác giả đang lan man kể lại những ấn tượng, những kỷ niệm từ những bạn bè thân quen ở Đà Nẵng, ở nhiều vùng quê khác tình cờ gặp nhau ở Đà Nẵng. Cứ tạm cho là như vậy đi thì tác giả cũng khá am tường và vững tay để chỉ bằng số chữ, số dòng ít ỏi, ngay lập tức phác dựng nên chân dung những nhân vật, những cặp nhân vật của mình. Ví như bộ ba bán đá xay cung cấp cho thuyền đánh cá trên biển Ba, Nhì, Lệ. Ví như cặp đôi Khiết-Thu; là thày Hạ, là thi sỹ Thống Khổ, là ông Văn Minh, là kỹ sư Quý… Họ có lý lịch, có cuộc đời, có tâm trạng,có khẩu khí riêng. Nhân vật Ba Danh dễ bị người đọc “ soi “ nhất. Nhân vật này đúng bao nhiêu phần trăm với nguyên mẫu có thật? Tác giả công tâm, khách quan chưa khi đánh giá công tội trước hết là nhân vật của mình, sau nữa là bóng hình của người thấp thoáng hiện ra phía sau nhân vật? Câu hỏi tiếp: Liệu nhân vật này, nhân vật kia có đúng là những người thuộc “phe” Ba Danh hay thuộc phe chống đối? ..v..v..
Đọc đến trang sách cuối cùng của “Câu chuyện Đà Nẵng”, chắc bạn cũng như tôi sẽ trút một hơi thở dài mà hân hoan reo to lên: Hóa ra từng ấy mẫu người quá thân thuộc, đã từng gặp, từng trò chuyện, từng kết giao đâu đó ở một cơ quan, trong một quán cà phê, một quán nhậu.. tại Đà Nẵng vẫn là những nhân vật mà tác giả đã dày công nhào nặn, gột dựng nên. Đồng ý với nhau ở điểm này sẽ là ghi nhận điểm đầu tiên chất tiểu thuyết của “Câu chuyện Đà Nẵng”.
Ngắm nhìn, ngẫm nghĩ kỹ hơn những nhân vật ấy, chúng ta sẽ còn phát hiện ra nhiều điều thú vị khác.
Nhân vật đầu tiên chúng ta được làm quen là Trần Dạ- “một Chủ tịch rồi một Bí thư Phường gương mẫu, có uy tín với dân lại được cấp trên tín nhiệm”. Ta gặp Trần Dạ lúc anh “treo ân từ quan” về sống cuộc đời dân thường bằng nghề dạy tiếng Anh kiếm cơm. Theo một suy đoán thông thường bạn tin rằng tác giả dùng nhân vật này như một phép “câu lưu” để Ba Danh sẽ “chiêu hiền đãi sĩ” mời Trần Dạ trở lại chính trường. Quả là Ba Danh luôn tôn trọng, lắng nghe những nhận xét, những lời góp ý của một con người gần dân, được dân yêu thương, nhưng Trần Dạ  vẫn đeo đuổi đến cùng  điều đã lựa chọn.
Có điều gì tương đồng với Trần Dạ là cặp đôi Khiết- Thu. Khiết, một cán bộ có uy tín trong phong trào đấu tranh ở đô thị, một cựu tù kiên cường ở Côn Đảo kết thân với Thu, một nữ sinh Đà Nẵng, có cha là Trung tá cảnh sát Sài Gòn, từng nhúng tay vào việc đàn áp tù nhân cộng sản. Gần Khiết, cảm mến anh, Thu bỗng mang mặc cảm chính người cha của mình đã từng tra khảo Khiết. Còn Khiết biết rõ cha của Thu tội trạng ra sao, hiện đang bị giam giữ ở đâu, nhưng anh tuyệt nhiên không hề nói với Thu. Đôi nam nữ này tựa như người nọ là một nửa của người kia và bạn đọc cũng thầm đoán họ sẽ nên cặp nên đôi. Vẫn không có phép “câu lưu” ở đây. Hai người mãi mãi vẫn chỉ là bạn bè và cũng “treo ấn từ quan” như Trần Dạ nhưng theo một cách khách: Thu xuống tóc, ẩn mình trong một ngôi chùa còn Khiết lang thang vào rừng sưu tầm những viên đá quý!
Trở lại với hầu hết các nhân vật trong “Câu chuyện Đà Nẵng” chúng ta bỗng tìm ra một ẩn số chung giữa họ với nhau.Tất cả bọn họ đều là những con người đã nói là lao vào làm, làm tới nơi tới chốn, bất chấp mọi lời thị phi, mọi cản ngăn. Nếp nghĩ, khẩu khí,  kể cả cách đối nhân xứ thế có vẻ chủng chẳng, thô nháp, cứng nhắc một chút nhưng lòng dạ họ thẳng băng, ưa ghét sự quanh co, trí trá. Họ yêu công việc, yêu và muốn gắn bó sống chết với thành phố quê hương, với cuộc đời. Hình như những mẫu nhân vật như vậy mới lọt vào được cái thấu kính của nhà văn hoặc nhà văn chủ đích muốn có một đội tuyển phải như vậy dành cho cuốn sách mới của mình. Đó phải chăng là tính cách rất riêng của người Đà Nẵng, người Xứ Quảng?
Xin trích dẫn một cuộc đối thoại với dân của nhân vật Chủ tịch thành phố Ba Danh:
Bác Cán có hỏi một số cán bộ dự án giàu lên, thành phố có biết không? Thành phố có biết nhưng không thể biết hết. Mà không phải tất cả cán bộ làm đền bù giải tỏa đều hư hỏng cả. Tui sẽ cho thanh tra, ai sai thì phải sửa ngay, sai nhiều phải kỷ luật. Bà con cũng phải cùng thành phố chống tiêu cực, đừng vì quyền lợi của mình mà phong bì phong bao làm hư cán bộ. Còn anh Nhì đâu?
-Có tui. Nhì Đứng dậy.
-Anh dừng nghĩ tui không biết chuyện của các anh. Năm ngày nữa chính tui sẽ đưa anh đi tìm chỗ đặt máy xay đá, được không?  
Hội trường vang tiếng vỗ tay.
-Còn chị đi khiếu nại ba lần đâu?
-Tôi đây anh Ba Danh ơi.
-Chị có muốn đi khiếu nại lần nữa không?
-Dạ, thôi ạ. Thưa Chủ tịch tui mệt lắm rồi mà có đi lần nữa chỉ được vài chục triệu là cùng.
-Sao chị biết chỉ được vài chục. Chị đi với tôi biết đâu được thêm vài trăm.
-Tui coi kỹ rồi, cũng đã thỏa đáng, chỉ bực là phải đi ba lần, đáng ra một lần thôi.
- Tui thay mặt chính quyền thành phố xin lỗi vụ này, nhưng cũng phải cảm thông với anh em, có khi một lần chưa thấy ra vấn đề. Còn bà con thấy ai dữ dằn khi tiếp dân thì cứ gọi cho tui. Anh nào cũng có biển tên trên ngực áo.
            Ba ý kiến tiếp theo rồi ba ý kiến nữa, phải đến một giờ chiều cuộc tiếp dân của Ba Danh mới xong. Anh nói:
-Bữa ni mình làm việc tới bến phải không. Chúc bà con một cái tết vui vẻ.
-Tui xin có một ý kiến nữa. Ông già Cán giơ tay.
- Bác cứ nói.
-Tui nghe nói cán bộ thành phố làm việc năng nổ, tích cực nhưng cũng ăn nhiều, cũng tham nhũng ấy mà. Xin hỏi ông Chủ tịch có ăn không?
Nét mặt Ba danh vẫn không thay đổi, có vẻ còn tươi hơn.
-Câu hỏi này chí lý. Nếu nói không ăn thì bà con không tin. Xã hội bây giờ có người làm mười ăn mất bảy,có người không làm được gì cụ thể cho dân cũng ăn. Tui xin hứa với bà con là phải làm hết sức, nếu có ăn thì phải ăn chính đáng, bằng công sức của mình, vậy có sòng phẳng không?
Xong một công trình có thể coi là kỳ vĩ xây cây cầu quay bắc qua sông Hàn. Những con người nhiệt huyết, thẳng ngay, trong sáng như vậy bỗng vì sao, do đâu mà Trần Dạ quẳng gánh giữa đường; Khiết –Thu chọn đường về với đạo, với Phật; nhà thơ Thống Khổ thích bông phèng với thời cuộc, kỹ sư Quý chỉ mong ngày cây cầu cắt băng khánh thành để trở ra Hà Nội với vợ con? Văn Minh, người tổng phụ trách thi công cây cầu thì bị cơ quan an ninh gọi lên thẩm vấn, có nguy cơ phải ngồi tù; còn chính ông Chủ tịch Ba Danh mệt mỏi, rệu rã tới mức chỉ muốn được nghỉ xả hơi ít ngày?
Không chỉ ra nguyên nhân gì gây ra sự quy hàng cả về thể chất lẫn tinh thần kia. Cũng không gay gắt, đỏ mặt tía tai, vang tay vung chân bày đặt ra những trận thư hùng phe ta ngấm ngầm hay công khai đả phe mình. Cái điều nhà văn quan sát, chiêm nghiệm được và muốn nói, muốn giãi bày với người đọc chúng ta bảng lảng như sương khói, như mây mù trên đỉnh núi Bà Nà- đó là nỗi buồn thấm thía phả ra qua từng trang, từng trang. Rằng “Cuộc chiến đấu còn trường kỳ còn gian khổ..” . Rằng nên ở lại với đời, chấp nhận tất cả, nhướng mắt trừng trừng nhìn vào thực tại và ra tay; Hay bước theo con đường của những Trần Dạ, Khiết Thu đây?
Nếu đích thực cái thông điệp ngầm ấy mà “Câu chuyện Đà Nẵng” mong chuyển tải đến bạn đọc là như vậy-điều này càng khẳng định một cách chắc chắn chất tiểu thuyết của cuốn sách.