Hễ ai mới gặp, ngỡ Trần Ninh Hồ là người không biết buồn bao giờ. Lúc nào cũng như mỉm cười thường trực. Nhưng chơi thân, mới nhận ra, anh tạo sự vui nhộn và có phần ồn ào, hoạt ngôn ấy, để che lấp nỗi cô đơn của mình. Người cầm bút, có mấy người dễ vui? Cô đơn là thuộc tính của sáng tạo. Với thơ, người viết dù khéo mấy, cũng khó dấu được nỗi niềm của mình. Phần thơ “Viết trên vỏ cây” trong tuyển thơ của anh, nhiều bài như cố nén đi cái cô đơn cố hữu.“Tôi là con trâu đen/ Còn đen hơn đêm tối/ Nhưng mà những đen tối/ Đừng lẫn vào đen tôi”. Con người-con trâu, thì cũng là kiếp kéo cày cả thôi. Mà trâu của anh, lại đen hơn đêm tối, thì còn vui nỗi gì?! Quán chiều vốn dĩ gợi buồn. Người viết, lại buồn hơn trước bao điều khát khao cho những trang văn mà mình chưa viết được “Người suông tớp rượu nhạt/ Ngắm bình rạn hoa ôi”. Đời sống hiện đại, con người như càng xa lạ nhau. Anh như càng cô đơn trước những trò hạnh phúc giả tạo “Chợt nhớ những chồng vợ/ Không một ngày tình nhân”. 


TRẦN NINH HỒ VÌ THƠ, TA MÃI PHONG TRẦN

VŨ TỪ TRANG

Hình ảnh thằng bé lui khui chui từ bếp ra, khuôn mặt ửng đỏ vì lửa, nhọ nhem tro bếp, cứ ám ảnh tôi mãi. Thằng bé mặc quần cộc, áo sơ mi cũ  sũng mồ hôi, dấu hai tay sau lưng. Có lẽ bàn tay nó cũng nhọ nhem tro bếp hoặc lem nhem vết mực. Khuôn mặt nó không dấu được sự sung sướng khi thấy bố nó trở về. Ánh mắt nó cười bẽn lẽn, miệng lý nhí chào. Tôi không nghe rõ nó chào thế nào, cái ngôn ngữ vừa sung sướng vừa nghẹn nghào của đứa trẻ lâu lâu mới được gặp người bố. Trần Ninh Hồ vẫn ba lô khoác vai, vẫn mũ lính đội đầu, đứng sững giữa sân nhà, nhìn con và lấy tay như gạt nước mắt. Đấy là cuộc gặp gỡ của người lính bao năm xa nhà, về gặp con của mình, trên ngôi nhà của bố mẹ mình. Ngôi nhà cũ càng. Buổi chiều cuối năm se lạnh, xóm Thùng Đấu ngoại ô Bắc Giang bữa ấy như ngột ngạt. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng khuôn mặt anh vẫn đầy trận mạc. Một nét gì vừa sung sướng, vừa đau đớn mà không dễ giải thích. Cảnh ngộ ấy, đã lùi xa bốn chục năm trời.
Việc Trần Ninh Hồ đi bộ đội, cũng có nhiều căn nguyên. Đấy là năm 1971, khi anh đang là cán bộ biên tập của Ty văn hóa Hà Bắc. Bình thường, cuộc chiến khi ấy cũng chưa cần tổng động viên tới lớp người như anh. Nhưng có người bảo, anh phải đi bộ đội là do một ông cán bộ trong cơ quan không ưa, tống anh đi. Còn Trần Ninh Hồ lại bảo rằng, có ai tống đâu, mình xung phong đi bộ đội để được ra chiến trường đấy. Bè bạn viết từ mặt trận miền Trung, miền Nam trở về cùng các sáng tác mới, áo quần ngỡ còn nguyên mùi khét khói đạn bom, đã cuốn hút, thôi thúc anh. Không phải riêng anh, mà như hầu hết lớp anh em mê viết lách độ ấy, ai cũng đầy chất lý tưởng như thế. Hầu như ai cũng nghĩ, chiến tranh đã đập vào số phận dân tộc, chỉ có ra chiến trường, mới viết được những trang văn mang tầm vóc của nhân dân. Cuộc hành quân ròng rã xuyên Việt, hơn bảy tháng trời. Cứ dọc Trường sơn, có khi xuyên qua Lào, qua Căm Pu Chia, rồi anh cũng vào đến miền Đông Nam bộ. Những nhà văn đã cắm chốt ở trong ấy mấy mùa mưa, hồ hởi đón anh. Đấy là các anh Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn gầy đét và sạm đen vì sốt rét. Trần Ninh Hồ sớm hòa nhập vào đội quân văn nghệ xung kích, săng sái theo các cánh quân  để viết báo, làm thơ, viết văn cổ vũ kịp thời. Tờ Văn nghệ Quân giải phóng khi ấy, in ấn chưa tươm tất gì, nhưng những trang thơ, trang văn đã góp phần không nhỏ trong cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc.
Thực ra, Trần Ninh Hồ làm thơ, viết văn rất sớm. Ngay thời còn là cậu học trò cấp ba, anh đã đoạt giải cuộc thi văn toàn quốc. Năm 1963, học phổ thông xong, không vào được đại học, anh đi thanh niên xung phong xây dựng văn hóa miền núi. Tuyên Quang, Hà Giang khi đó được coi là nơi rừng thiêng nước độc. Nông trường Sông Lô, Tân Trào, Tháng Mười là nơi anh từng đến làm anh giáo dạy bổ túc văn hóa cho công nhân. Đấy là những năm tháng gian khổ, nhưng vui. Ngày cùng công nhân đi phát rẫy trồng cây, đêm về lại mở lớp dạy chữ cho họ. Cuộc sống bận rộn và sôi nổi, đã cho anh những trang viết thẫm đẫm không khí tưng bừng công cuộc xây dựng đất nước. Anh đã có thơ in trên báo Nhân Dân, Văn Nghệ, Lao Động...
Ngày Trần Ninh Hồ trở về Hà Bắc, như một cơ duyên. Đấy là năm 1967,  Hà Bắc đang có chủ trương chiêu mộ một số cây bút quê hương. Theo lời giới thiệu của Nguyễn Phan Hách, người đang làm việc ở phòng sáng tác của Ty văn hóa Hà Bắc, thế là Trần Ninh Hồ lại chuyển từ miền núi về miền xuôi. Đây cũng là cái mốc quan trọng cho con đường làm văn chương chuyên nghiệp của anh. Bốn năm góp sức gây dựng văn hóa văn nghệ ở Hà Bắc. Năm năm trong quân ngũ, ở chiến trường B2, Đông Nam bộ. Chiến tranh kết thúc, Trần Ninh Hồ chuyển về làm biên tập báo Văn nghệ Giải phóng, ở Sài Gòn. Năm 1977, ra Hà Nội, về báo Văn Nghệ, làm trưởng ban phóng viên, trưởng ban thơ. Năm năm làm việc ở Ban xây dựng Bảo tàng Văn học. Rồi làm việc tại Ban sáng tác Hội nhà văn Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu. Cuộc đời anh tưởng như trình tự, nhưng lại không suôn sẻ chút nào.
Ra trận, người ta bảo mũi tên hòn đạn tránh người, chứ người làm sao tránh được mũi tên hòn đạn. May mắn cho Trần Ninh Hồ, bao năm lăn lộn chiến trường, ngoài căn bệnh sốt rét hành hạ, thân thể vẫn lành lặn cho tới lúc về nhà. Nhưng vết thương trái tim thì như không dễ lành. Ngày anh ở chiến trường B2, chiến tranh khốc liệt, thư từ biệt tăm. Ở nhà, cô giáo trẻ, người vợ anh, cũng như bao người vợ khác ngóng tin chồng, thì đúng lúc mọi người loang tin anh chết trận. Đài địch khi ấy ra rả tung tin tử sĩ, đánh đòn tâm lý. Cô giáo trẻ vợ anh không tin, rồi buộc phải tin. Cô hết hi vọng chờ đợi. Chiến tranh kết thúc, trở về quê, thì cô giáo trẻ của anh đã đi cùng người khác. Mọi việc đã lỡ làng. Cô giáo vô cùng đau đớn. Anh không nỡ trách cô lời nào. Anh biết tại chiến tranh. Anh biết số phận anh là thế. Anh ôm thằng con nhỏ thó ra cơ quan, chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Rồi anh lao vào viết. Viết về sự hi sinh của đồng đội, viết về vết thương của bao người trải qua lửa đạn. Nhưng vết thương trong tim anh vẫn âm thầm rỉ máu. Rồi hạnh phúc mới, đến với anh, như tấm khăn băng bó lại vết thương. Lại là cô giáo. Cô đến với anh và chấp nhận gánh cả vết thương của anh. Cuộc sống thanh bình dần trở lại. Anh lại đi, lại viết. Lại mở rộng biên độ viết của mình. Không chỉ riêng Trăng hai mùa trong chiến tranh, không chỉ là bó hoa người vợ đi viếng mộ chồng. Anh viết về cõi mông lung của kiếp người. Những tập thơ Viết cho một người, Thấp thoáng trăm năm, Giấc mơ vách núi, Lữ thứ với con người... ra đời trong tâm thế đó. Thơ anh bỏ dần sự mô tả công việc, nghiêng về thế sự, tiến dần tới nỗi niềm con người và cuộc đời.
Vẫn máu lính năm nào, anh ham đi. Hễ có cơ hội đi thực tế, là đi. Khi  theo tập thể, khi ba lô một minh lên đường. Khi Điện Biên, Sơn La; thoắt cái, đã Cao Bằng, Lạng Sơn. Tuần trước, anh điện thoại bảo đang ở khu mỏ Quảng Ninh. Tuần sau, hỏi lại, đã ở Đồng Tháp Mười. Dạo phải mổ ruột thừa, mổ nội soi, vừa mổ hôm trước, hôm sau đã bay vào Lâm Đồng. Đoàn làm phim đang chờ anh vào viết lời thuyết minh. Ở Hà Nội, hầu như ngày nào anh cũng cưỡi xe máy trôi đi khỏi nhà. Anh tự nhận là người ham xê dịch, thèm gặp bạn bè. Bạn bè bảo, trong đám bia bọt, thiếu Trần Ninh Hồ thì kém vui. Bên bạn bè, anh cười phớ lớ. Anh có trí nhớ khá đặc biệt.Thơ viết ra, dễ thuộc đã đành, mà văn xuôi, anh cũng thuộc. Tôi đã một lần được nghe anh đọc vanh vách truyện ngắn “Trong những món ăn truyền lại”, truyện được giải thưởng cao của báo Văn Nghệ. Đọc bằng trí nhớ, không sai một dấu chấm dấu phảy.
Hễ ai mới gặp, ngỡ anh là người không biết buồn bao giờ. Lúc nào cũng như mỉm cười thường trực. Nhưng chơi thân, mới nhận ra, anh tạo sự vui nhộn và có phần ồn ào, hoạt ngôn ấy, để che lấp nỗi cô đơn của mình. Người cầm bút, có mấy người dễ vui? Cô đơn là thuộc tính của sáng tạo. Với thơ, người viết dù khéo mấy, cũng khó dấu được nỗi niềm của mình. Phần thơ “Viết trên vỏ cây” trong tuyển thơ của anh, nhiều bài như cố nén đi cái cô đơn cố hữu.“Tôi là con trâu đen/ Còn đen hơn đêm tối/ Nhưng mà những đen tối/ Đừng lẫn vào đen tôi”. Con người-con trâu, thì cũng là kiếp kéo cày cả thôi. Mà trâu của anh, lại đen hơn đêm tối, thì còn vui nỗi gì?! Quán chiều vốn dĩ gợi buồn. Người viết, lại buồn hơn trước bao điều khát khao cho những trang văn mà mình chưa viết được “Người suông tớp rượu nhạt/ Ngắm bình rạn hoa ôi”. Đời sống hiện đại, con người như càng xa lạ nhau. Anh như càng cô đơn trước những trò hạnh phúc giả tạo “Chợt nhớ những chồng vợ/ Không một ngày tình nhân”. Với nỗi niềm đắng đót “Chiều nao cũng phảng phất/ Như một chiều cuối năm”. Rồi anh lại viết “Người xa nào đã bao lâu/ Mà đường riêng hẹn rầu rầu cỏ lên/ Thương ta cỏ muốn phủ quên/ Nào hay dưới cỏ đường quen vẫn mòn!”. Và cả những chuyến công du nước ngoài, trước thiên nhiên, anh cũng sững người thảng thốt “Dòng sông ồ ạt xô bờ/ Bất ngờ lặng phắc. Bất ngờ ngừng trôi/ Giá băng là giá băng ơi/ Sông thì lạnh ít sao tôi lạnh nhiều”. Bài thơ “Tự trào” tưởng trào lộng để cười, mà lại ứa nước mắt “Ở nhà thì như…khách/ Ngồi quán như… chủ nhà”. Trong thế giới riêng của mình, vẫn không được là mình, thì càng cô đơn.“Ta có thèm rượu đâu/ Ta thèm người ta mong/ Xin em bày ra giúp/ Dẫu chỉ là chén không”. Có lúc anh tự thán “Giận mình quen thói đèn khuya/ Chợt buồn ai thức mà chia với mình”. Tôi không nghĩ đơn thuần anh viết về cái cô đơn của con-người-cá-thể, mà hẳn anh muốn nói về sự cô đơn của kiếp người nói chung.
Bề ngoài sinh hoạt, Trần Ninh Hồ càng tưng tửng, tếu táo. Anh như người thạo đủ thứ. Cái thời xã hội đổ xô vào chuyện đất đai, bất động sản, anh cũng tiên phong trong kế sách này. Anh có tài đổi nhà như đổi áo, mua bán nhà cửa đến chục lần. Nhưng xem ra, toàn bán nhà to để mua nhà nhỏ hơn, ngõ ngách sâu hơn. Một bữa anh đến khoe tôi, lại chuyển nhà mới. Các cháu nhà tôi đến hỗ trợ chuyển đồ đạc. Xong việc, các cháu về kêu ầm là từ sau không dám đến nhà ấy, vì ngõ toàn kim tiêm trích. Tôi hỏi lại anh, thì anh cười thoải mái “Ấy, dự án quy hoạch, mai kia thành nhà mặt đường đấy!” Ngôi nhà ấy, anh cũng đổi nhà khác lâu rồi, mà dự án mở đường vẫn chẳng thấy đâu. Lại nhớ ngôi nhà gần khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) của anh. Bữa ấy, nhà thơ Thi Hoàng ở Hải Phòng lên Hà Nội, Trần Ninh Hồ liền rủ Thi Hoàng, Trần Nhương và tôi lên thăm ngôi nhà mà anh dự tính sẽ cho chuyên gia nước ngoài khu công nghiệp thuê mở văn phòng. Trên đường đi, anh lạc quan khoe sự đón đầu mở văn phòng cho thuê sẽ thắng lớn, sẽ dư tiền để ngồi viết thơ. Khi đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng, vì không giống những gì nghĩ trên đường. Một ngôi nhà tuyềnh toàng, tường xây chưa trát, cánh cửa là những tấm tôn vỏ thùng phi nhựa đường, có treo biển “Tuyển thợ rửa xe”. Hai nhà thơ Thi Hoàng và Trần Nhương tài tưởng tượng đến mấy, cũng phải tròn xoe mắt hỏi, văn phòng nước ngoài thuê thế này ư? Trần Ninh Hồ khi ấy điềm tĩnh xòe diêm châm thuốc lá, cười bảo “Ấy là phạm trù tương lai. Mà tương lai, thì bao giờ cũng khó đoán định!”. Chúng tôi chỉ còn biết cười xòa, rồi đành rủ nhau đứng chụp ảnh kỷ niệm trước ngôi nhà mà tương lai là“văn phòng nước ngoài”, hiện đang có biển tuyển thợ rửa xe!.
Cái đận đi học trường viết văn Gooc-ky bên Nga cũng vậy. Nghe ai mách kế mua hương trầm sang bên ấy bán, là đủ tiền uống Vốt-ka Nga và bát phố Tây, anh liền mua một va ly đầy. Nhưng khốn nỗi, bên Nga nào ai thắp hương, nên chả bán được thẻ nào. Nhân chuyến cả lớp đi thăm nhà tưởng niệm nhà văn Pa-tec-nắc, anh mang cả số hương phân phát cho mỗi người một hai thẻ để cùng thắp. Lần đầu tiên, khu nhà tưởng niệm nhà văn Nga vĩ đại được thắp hương trầm nhiều thế. Lại chuyện anh sắm ô tô cũng bao giai thoại. Tuy là người sắm ô tô rất sớm trong giới viết văn, nhưng khổ nỗi, anh không biết lái. Tháng tháng, ngóng nhà thơ Nguyễn Duy ở Sài Gòn ra, gạ cho mượn xe, để Nguyễn Duy vừa đi vừa sửa giúp. Điều đặc biệt, trên xe ô tô của Trần Ninh Hồ, lúc nào cũng có non yến giẻ lau và cân xà phòng bột để rửa tay, vì anh chỉ đủ tiền mua “chiếc xe vừa đi vừa…chữa!”
Chuyện mua bán nhà cửa, sắm ô tô, rồi cả phi vụ mánh mung làm ăn này nọ, thực ra anh chả thạo gì. Anh như cố gồng mình, để gánh vác, che lấp bao nỗi đoạn trường đã qua. Chuyện tếu táo chỉ dừng lại, khi chuyển sang nói về nghiệp viết. Trần Ninh Hồ còn muốn viết tiếp về đề tài chiến tranh. Ngày trước, anh đã viết “Đột nhiên hiện những ông tướng/ Đột nhiên xác chồng lên nhau/ Đột nhiên những người lính trận/ Trở về không biết về đâu”. Chả biết thơ có vận vào người không? Chứ xóm Thùng Đấu bốn mươi năm về trước, người lính trận Trần Ninh Hồ trở về, trước đứa con nhọ nhem, anh tự biết mình phải làm gì, phải về đâu. Hễ nhớ lại buổi chiều cuối năm se lạnh ấy, tôi lại hình dung anh đau đớn chịu những viên đạn bắn thẳng vào số phận. Ấy là lúc anh không  tếu táo, mà đứng lặng. Thơ có chữa nổi nỗi đau không, mà anh viết “Vì thơ, ta mãi phong trần…”